Ngày 30/4/1975, tin giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam nhanh chóng vang dội. Khi ấy, tôi đang dạy ở Trường Nội trú học sinh miền Nam Ðông Triều (Quảng Ninh), cả thầy cô và học trò hét vang chiều đó. Tất cả không màng việc ăn uống và cứ thế thau, chậu, nồi nhôm được làm trống gõ, hò hát thâu đêm. Vui, ôm nhau cười, khóc.
Riêng tôi tâm trạng rối bời. Vì theo bức thư của chú tôi (bộ đội miền Nam tập kết và đi B - vượt Trường Sơn đi về Nam chiến đấu) thông báo ra là, ba tôi chuyển vùng hoạt động để tránh Luật 10/59. Gia đình đi theo, giờ không biết ở đâu.
May sao đến tháng 6, em tôi gửi thư ra Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, báo chỗ gia đình ở hiện tại. Và cũng may mắn tiếp theo là, sau đó không lâu, một người bạn trở lại trường và nhận được bức thư, cầm về cho tôi.
Vậy mà cho mãi đến cuối tháng 8, chúng tôi mới được về Nam. Tôi được giao nhiệm vụ đưa học sinh Nam Bộ (học rải rác ở các trường) về lại quê hương.
Ngày 25/8/1975, tại Hải Phòng, con tàu đưa chúng tôi rời bến sau 3 hồi còi thật dài...
Tác giả bên mẹ ngày trở về. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Lòng của những người con miền Nam được Bác Hồ, được Ðảng và Nhân dân miền Bắc cưu mang, đùm bọc, lại bồi hồi xao xuyến như ngày còn bé rời quê. Và nhiều nỗi niềm còn hơn như thế sau 21 năm trên đất Bắc.
Chúng tôi để lại TP Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ - thành phố học sinh miền Nam, với bao gắn bó yêu thương. Sở dĩ gọi Hải Phòng là thành phố học sinh miền Nam vì rất nhiều trường học sinh miền Nam quy tụ về Hải Phòng.
Chúng tôi rời xa biết bao nhiêu tỉnh, thành chúng tôi đặt chân qua, từ Lạng Sơn dài về vĩ tuyến 17. Vẫn biết đất nước không còn cách ngăn, rồi sẽ có ngày trở ra với những tâm tình, nhưng giờ phút chia tay ấy, tất cả chúng tôi đều lưu luyến nhìn về bờ, vẫy tay giã từ trong im lặng... Có người không cầm được nước mắt.
Ngày 28/8, tàu cập bến Vũng Tàu. Sau đó chúng tôi được chuyển về một khách sạn lớn ở Sài Gòn. Ở đó, chúng tôi lần lượt giao các cháu học sinh miền Nam (lứa vượt Trường Sơn) về với gia đình.
Ngày 30/8, tôi về quê Phụng hiệp (Cần Thơ), quê nội của hai con tôi. Ðúng ngày Quốc khánh 2/9/1975, tôi có mặt tại thị trấn Sông Ðốc, gặp lại gia đình.
Nhìn thấy tôi, má bình tĩnh, không khóc. Cầm bàn tay trái tôi, nhìn nơi ngón út, có một nốt ruồi... rồi má mới khóc, nhận ra: "Con của má đây rồi!".
Khi sinh tôi ra, nhìn nốt ruồi ấy, má nói: "Số con nhỏ này đi xa!".
Và tôi đã đi suốt 21 năm trời... 21 năm với biết bao thổn thức, ngóng mong ngày trở lại.
Tôi thắp hương và quỳ lạy bên bàn thờ ba. Ba tôi mất năm 1973, ngay sau Hiệp định Paris. Ba bị kẻ xấu gài lựu đạn hãm hại.
Tôi xin về thẳng Cà Mau công tác, không theo sắp xếp của Bộ Giáo dục là ở lại Sài Gòn hoặc về quê cũ (Sóc Trăng), bởi gia đình tôi đang ở Cà Mau. Với tôi, gia đình ở đâu thì ở đó là quê hương.
Tôi không làm được gì nhiều cho Cà Mau, nhưng tôi không hổ thẹn với lòng vì đã thật nhiều cố gắng... Cho đến bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn tham gia nhiều việc khi các cháu trẻ ở các cơ quan, ban, ngành cần đến. Tôi làm với lòng biết ơn tất cả đã cho tôi những ngày bình an và hạnh phúc khi được trở về gia đình, về miền Nam quê hương tôi. Tôi làm với tinh thần và trách nhiệm truyền hiểu biết và truyền lửa cho các thế hệ trẻ trên quê hương Cà Mau./.
Ðàm Thị Ngọc Thơ