Những năm gần đây, nghề đan ráp lú phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, ở tại nhà, người dân vẫn có nguồn thu từ nghề này. Nhu cầu sử dụng sản phẩm lú ngày càng lớn trên thị trường, nên đời sống bà con khá ổn định.
Nghề đan ráp lú được hình thành sớm ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cách nay khoảng 10 năm. Ban đầu người dân chỉ đan ráp nhỏ lẻ, nay địa phương đã có hàng chục cơ sở chuyên ráp lú, làm rập cua, lưới... Hiện trên địa bàn xã có 2 tổ hợp tác ráp lú ở ấp Tân Ánh và ấp Lộ Xe, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động nhiều độ tuổi. Các ấp lân cận cũng tiến tới thành lập tổ hợp tác.
Ðể có được chiếc lú thành phẩm phải qua nhiều công đoạn: cắt kẽm, bẻ khung, đo lưới cắt theo kích thước từng loại lú, người dân chỉ việc nhận về đan ráp.
Chị Dương Bé Niêm, chủ cơ sở kinh doanh lú, lưới ở xã Phú Hưng, cho biết: "Gia đình tôi có 10 năm trong nghề, ban đầu chỉ làm một số sản phẩm nhỏ lẻ, dần dần nhận được sự tin tưởng của khách hàng nên mạnh dạn mở rộng làm các loại lú. Tôi cung cấp lưới, khung và nguyên liệu cho gần 30 hộ thành viên để họ đan ráp tại nhà, khi nào xong thì đến chở thành phẩm, giao cho khách hàng. Mỗi lao động làm việc tại các cơ sở có thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng".
Hiện nay, các sản phẩm lú của Cà Mau không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp đến các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Bạc Liêu... Nghề này được kỳ vọng sẽ là nghề chủ lực trong giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tưởng, ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, sau thời gian lao động xa nhà đã trở về quê làm ăn, sống ổn định từ nghề đan ráp lú.
Các sản phẩm lú của Cà Mau được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong tỉnh, nhất là ở vùng làm vuông và các cửa biển. (Trong ảnh: Phụ nữ cửa biển Khánh Hội vá lưới sau chuyến biển).
Đan ráp lú là công việc khá nhẹ nhàng, các chị có thể vừa làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm lú ngày càng lớn, phục vụ cho thu hoạch thuỷ sản hay đánh bắt trên biển.
Mộng Thường thực hiện