(CMO) Hiện nay, tại ấp Nhà Vi, xã Trần Thới, huyện Cái Nước có mô hình mới tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở nông thôn. Đó là mô hình đan vỉ cua cung cấp cho các cơ sở thu mua cua thương phẩm, dùng để ngăn cách khi cho cua vào thùng xốp vận chuyển đi xa.
Từ khi mô hình nuôi cua xen canh trong vuông tôm được bà con nông dân nhân rộng, năng suất, sản lượng cua thương phẩm trên địa bàn huyện Cái Nước liên tục tăng lên, từ đó nghề thu mua cua thương phẩm phát triển. Để vận chuyển cua thương phẩm đi xa không chết, các cơ sở thu mua phải dùng thùng xốp chứa, xếp nhiều lớp chồng lên nhau, mỗi lớp dùng một tấm nan tre ngăn để hạn chế tổn thương và tạo khoảng trống cung cấp ô xy cho cua trong suốt quá trình vận chuyển.
Nghề đan vỉ cua giải quyết việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn. |
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, chị Lê Ánh Xuân, ấp Nhà Vi tìm hiểu quy cách và mua tre về làm cung cấp cho các cơ sở thu mua. Nghề đan vỉ cua nhẹ nhàng, không phải dãi nắng dầm mưa, rất phù hợp với phụ nữ nông thôn. Chị Xuân quyết định đầu tư gần 20 triệu đồng mua máy chẻ tre chuyên dụng, công việc chẻ tre không còn vất vả như trước đây, công suất hoạt động của máy tăng gấp 10 lần so với hình thức thủ công, từ đó số lượng vỉ làm ra ngày càng nhiều, giải quyết được hơn 10 lao động nhàn rỗi ở nông thôn và có mức thu nhập khá ổn định.
Chị Tô Thị Đẹp, ấp Nhà Vi, có hơn 5 năm làm nghề đan vỉ lót cua gia công cho chị Xuân, tâm sự, lúc đầu mới vào nghề còn bỡ ngỡ, nhưng nhờ chị Xuân tận tình hướng dẫn, chỉ trong một thời gian ngắn đã thành thạo nghề. Trung bình mỗi ngày chị đan được từ 150-200 vỉ. Nếu nhận nguyên liệu về nhà tranh thủ làm thêm ban đêm được trên 200 vỉ, thu nhập hơn 100 ngàn đồng.
Phó chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thới Huỳnh Ngọc Phuỷ cho biết, mô hình đan vỉ lót cua của chị Lê Ánh Xuân khá hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em ở nông thôn, cải thiện kinh tế nhiều gia đình. Hội LHPN xã rất tâm đắc với mô hình này, sẽ hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng./.
Huỳnh Việt