ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 29-6-24 13:28:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghĩa tình ngày ấy...

Báo Cà Mau (CMO) Từ năm 1966-1968, Tỉnh đoàn Cà Mau thành lập 6 đại đội thanh niên xung phong (TNXP) với gần 2.000 người. Các Đại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I, II, III sau khi thành lập, huấn luyện một thời gian thì từ giã quê hương lên đường làm nhiệm vụ, gọi là TNXP tập trung (Nguyễn Việt Khái I tham gia chiến trường miền Đông; Nguyễn Việt Khái II, III tham gia tuyến đường 1C). Còn Quyết Thắng I, II, III đóng tại tỉnh nhà, khi cần phục vụ nơi đâu, việc gì, tỉnh sẽ điều động, xong việc lại trở về, gọi là TNXP thoát ly có thời hạn.

Các địa danh Cái Rắn, kênh Công Nghiệp, Lung Tràm, Cây Ổi, Cống Đá, Ông Tự, Bến Mã, Rạch Ruộng, Rạch Cui, Trảng Cò… (thuộc các xã Phú Hưng của huyện Cái Nước; Phong Lạc, Trần Hợi, Khánh Lộc, Khánh Hải… huyện Trần Văn Thời) là nơi TNXP ra đời, nương náu trong quá trình tập luyện trước khi lên đường, cũng là nơi lực lượng hoạt động tại chỗ đứng chân. Hơn nửa thế kỷ đi qua, về lại những nơi này, vẫn còn nghe thấm đẫm nghĩa tình qua từng câu chuyện.

“Hồi đó, các đại đội TNXP Cà Mau chủ yếu ở trong nhà dân, đào công sự ở bờ kênh, mương vườn để học quân sự và tránh bom pháo khi địch bắn phá. Chi uỷ và các đoàn thể nông dân, phụ nữ các ấp đều hết lòng lo cho TNXP từng giấc ngủ, bữa ăn...”.

“Hồi đó, lực lượng TNXP của mình còn rất trẻ, phụ nữ chiếm rất đông, ai cũng một lòng xung phong đi đánh Mỹ. Có nhiều phụ nữ phải cước tuổi hoặc trốn nhà đi TNXP, đâu có kịp sắm mùng mền. Vậy là các mẹ, các chị phải ra chợ Rạch Ráng hay gửi người đi chợ Cà Mau mua vải về may mùng, may thêm bộ đồ để các cô khi đi hành quân phục vụ các chiến trường có cái thay cái đổi...”.

Chuyện “Hồi đó…” rất nhiều, nghe mà bồi hồi bao cảm xúc.

“Cuối những năm 1960, đến gần 1970, chúng tôi đóng quân trên địa bàn xã Khánh Lộc, sau đó giặc lập nhiều đồn bốt quá nên rút vô Cơi 3, Cơi 4, Cơi 5 (xã Trần Hợi, cũng huyện Trần Văn Thời). Chúng tôi ở trong nhà dân, mỗi nhà 5-7 người. Bà con hết lòng cưu mang, đùm bọc. Không chỉ nuôi chứa, nhiều gia đình còn cho con tham gia TNXP”, cựu TNXP Phan Văn Hùm, nguyên Đại đội phó Đại đội Quyết Thắng III, kể khi đưa chúng tôi về thăm nhà các gia đình cưu mang TNXP ở ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc.

Ông Phan Văn Hùm (bìa trái), nguyên Đại đội phó Đại đội TNXP Quyết Thắng III, xúc động kể lại chuyện đơn vị ông tổ chức lễ tang Bác (tại ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời).

Nhà ông Lê Thành Ba ngoài 3 người con tham gia TNXP (có 1 người con đã hy sinh là Lê Thị Lan), bản thân ông dù tuổi đã ngoài 50 vẫn tình nguyện vào lực lượng này. “Ông được TNXP chúng tôi gọi là cha, không chỉ đùm bọc cưu mang, coi các TNXP như con cái trong nhà, mà còn được tổ chức phân công làm chủ hôn tuyên bố dựng vợ, gả chồng cho hàng chục đứa con TNXP trong đơn vị”, ông Hùm dạt dào miền ký ức.

Gia đình ông Phạm Tấn Phát có đến 7 người tham gia TNXP, gồm 5 người con và dâu, rể. Nhà ông cũng là nơi nuôi dưỡng, chở che TNXP và nhiều lực lượng khác. “Hồi đó, thịt heo chia trả lúa, 1 kg thịt heo bằng 1 giạ lúa. Những cái Tết TNXP gom về cỡ 40-50 người, ăn bữa cơm chú đãi. Thịt heo chia lần vài chục ký. Chú bảo: “Tụi con cứ về đây ăn Tết, có gì ăn nấy. Ba má sẽ thay mặt cha mẹ ở nhà lo Tết cho tụi con”. Nói “có gì ăn nấy”, vậy chớ các bữa cơm tươm tất lắm. Chúng tôi trải chiếu ngồi dài dài từ trong nhà ra ngoài sau vườn…”, rất nhiều câu chuyện đẹp về tình quân dân một thời, theo dòng nhớ của ông Hùm sống dậy.

Chiến tranh ác liệt, không nói ra nhưng ai cũng biết, cũng quý trọng những phút giây còn hiện diện bên nhau. Bữa cơm ngày Tết, bữa cơm trước khi đi chở hàng… chứa đựng tấm lòng, tình yêu thương, là cách động viên, là niềm tin vào ngày mai chiến thắng và cả những đau đáu chuyện mất còn. Bởi có chuyến trở về nào mà lực lượng TNXP không ít nhiều vơi đi quân số.

Ông Phạm Văn Thắng (ngồi giữa), con thứ 9 của ông Phạm Tấn Phát, kể lại chuyện cha mẹ mình hết lòng nuôi chứa, đùm bọc TNXP.

Được gọi là vùng giải phóng, nhưng xóm làng vẫn bị bọn giặc đi càn, bố ráp đổ quân, phóng pháo, trút bom. Bà con không chỉ lo chuyện nuôi chứa mà còn thường xuyên đối diện với chết chóc, hiểm nguy. Dù chỉ mới 6-7 tuổi, nhưng nhiều chuyện diễn ra tại gia đình hồi ấy đã in hằn dấu ấn khó phai trong đầu bà Phạm Thị Hạnh, con gái út của ông Phạm Tấn Phát. Bà kể: “Lần đó, TNXP đóng trong nhà, đang ngủ, bọn lính vô tới, ba tôi nhảy vào giựt mùng lôi mấy anh dậy, mấy anh nhanh chân trốn ra sau vườn. Nó bắt ông già đánh quá trời, ổng giả khờ khờ, ngơ ngơ. Bà con ở xóm nói thêm vào là ổng thần kinh không được bình thường, ổng có biết gì đâu… nhờ vậy ba tôi mới được bọn chúng thả. Lần đó ba không nhanh trí, chắc là hy sinh dữ lắm, mà ba chắc cũng khó sống với tụi nó”. Một sự kiện cũng cứ ám ảnh bà, đó là lần bọn giặc đổ quân, bà con bố trí cho lực lượng TNXP tản ra vườn tránh, ông Ba Hiền (trong xóm) bị nổ trái, xương thịt nát bấy vương vãi trên mặt đất, trên những nhánh cây, phải lấy thau, rổ lượm lại từng chút một…

Nuôi dưỡng, cưu mang TNXP, cán bộ, bộ đội với bà con đó là tự nguyện, trong lòng bà con luôn sắt son một niềm tin với Đảng, Bác Hồ, tin tưởng một ngày Mỹ cút, nguỵ nhào, nước nhà thống nhất.

Ghé thăm nhà ông Trần Văn Do (Năm Do, cùng ấp Rạch Ruộng B), ông Phan Văn Hùm cho biết, đây cũng là gia đình kỳ cựu cưu mang, nuôi dưỡng TNXP. Chỉ tay ra khoảng đất trống bên cạnh, ông kể, đó là nơi 53 năm trước đơn vị ông tổ chức lễ tang Bác. “Ngày Bác mất, cũng là lúc đơn vị chuẩn bị qua các trạm trên tuyến 1C để vận chuyển vũ khí về tỉnh. Vậy là chúng tôi quyết định tổ chức làm lễ tang Bác trước khi xuất hành. Cô bác ở xóm cùng tập trung lại 60-70 người, cộng lực lượng của đơn vị lúc đó có mặt khoảng 40-50 người, mượn sân nhà chú Năm Do làm lễ truy điệu, vì sân chú rộng. Tất cả tập hợp thành 4 hàng. Lúc đó trời đổ mưa, cán bộ văn phòng đứng cầm nón che cho anh Tư Đạo (Trần Quang Nhơn, phụ trách công tác TNXP của Tỉnh đoàn) đọc hết bài điếu văn, khoảng mười mấy phút. Lẽ ra bà con vô nhà tránh mưa, nhưng không ai vào, cứ đứng trang nghiêm dưới mưa suốt buổi lễ, ai cũng xúc động, khóc ròng. Anh Tư Đạo là người diễn đạt mà ảnh cũng nghẹn ngào trong từng giọng đọc”, khoảnh khắc thiêng liêng như sống dậy trong người đại đội phó TNXP năm nào.

Còn nữa, còn rất nhiều gia đình xứ này một thời sống chết với TNXP, như gia đình ông Hồ Văn Tửng, Nguyễn Văn Dung, Dương Công Mạnh, Dương Công Hồng, Phan Văn Khai, ông Tám Lắm… Nói sao hết tấm lòng, công sức, tình cảm của bà con với cách mạng, với những đứa con TNXP của mình.

Chuyện “hồi đó” nhắc lại, nghe xúc động đến nao lòng. Những người phụ trách TNXP cũng không sao quên được việc bà con nơi này cho TNXP mượn lúa để chà gạo mang theo ăn trên đường đi nhận hàng về cho tỉnh. Nhớ lắm tấm lòng của ông Phạm Tấn Phát khi cho TNXP mượn 150 giạ lúa mà không chịu lấy biên lai.

Nghe kể rằng, sau ngày giải phóng, nhiều người có biên lai được trả lại lúa và tài sản cho cách mạng mượn; có người tỏ ý tiếc nuối cho trường hợp không "giấy tờ" của ông Phạm Tấn Phát, ông khoát tay bảo rằng: “Còn người còn của, cái giá của hoà bình lớn hơn nhiều những thứ đó...”. Ờ, phải rồi, vì hoà bình ông đã cưu mang, bất chấp mạng sống che chở cho TNXP khi giặc đánh đập, khảo tra; vì hoà bình ông "góp" đến 7 người con cho lực lượng này còn không tiếc, thì huống hồ gì vài trăm giạ lúa!

 

Trang Thăm

 

Về thăm địa chỉ đỏ

Năm 2024, được sự thống nhất của Huyện uỷ, UBND huyện, UBND xã Hiệp Tùng đã tiến hành sưu tầm tư liệu, lời kể từ nhân chứng lịch sử, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kịch bản và dựng bộ phim tư liệu “Chiến thắng Bến Dựa oai hùng”, nhằm ghi nhận những chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở anh hùng. Ðây là tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho các thế hệ trẻ.

Tên người ghép đôi thành tên đất

Lần theo dấu chân người đi mở đất Cà Mau mới thấy, nhiều tên người đã hoá thành tên đất. Những cái tên như: Ông Ðịnh, Ông Do, Bà Bường, Bà Thanh... trên những ngã ba sông, những con rạch ở rừng đước Năm Căn, theo giải thích trong dân gian, đó là tên những người đầu tiên đến vùng đất này, được người sau gọi riết thành địa danh.

Tự hào Thanh niên xung phong

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng tăng cường lực lượng quyết tâm thôn tính miền Nam, với ý đồ lập ấp chiến lược kìm kẹp Nhân dân, thực hiện triệt để chính sách chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng. Ở miền Bắc, không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc đánh phá miền Bắc bằng máy bay, tàu chiến, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã chỉ đạo củng cố, bổ sung thành lập quân đội vững mạnh và lực lượng phục vụ chiến đấu, “trọng yếu là lực lượng nam, nữ thanh niên” nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các đơn vị chủ lực, sẵn sàng đương đầu với địch trong mọi tình huống.

Hành trình kỳ diệu của một kỷ vật

Duyên may, chúng tôi được tiếp cận câu chuyện về hành trình kỳ diệu, đầy xúc động của chiếc xuyến vàng - kỷ vật gắn liền với cuộc đời Ðại tá Hồ Vinh Quang (bí danh Tám Vĩnh), nguyên Trưởng phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Quân khu 9, một người con ưu tú của Cà Mau (đã tạ thế vào năm 2022). Sau tất cả, chiếc xuyến vàng ấy đã được gia đình vị Ðại tá trao tặng lại cho quê hương Cà Mau, coi như là sự tri ân nguồn cội và nhắc nhớ về sự kiện những chuyến tàu tập kết ra Bắc tại vàm sông Ông Ðốc diễn ra cách đây 70 năm.

Sống mãi ký ức thời chiến

Quay ngược thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, cùng với con đường vận tải chiến lược “xẻ dọc Trường Sơn” trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với Ðoàn tàu Không số như huyền thoại, lập chiến công hiển hách, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Cần có trọng tâm, trọng điểm, ý nghĩa

Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân tại cuộc họp thông qua dự thảo Kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), vào ngày 3/6.

Chuyện về ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau hiện có 1.070 mộ liệt sĩ, trong số này có đến 235 mộ chưa có tên. Trong số những ngôi mộ theo năm tháng vẫn chưa tìm ra tên ấy, có 1 ngôi mộ “lạ”, có đến 74 hài cốt. Một điều đáng chú ý nữa ở ngôi mộ này là đã hiện diện tại đây trước khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hình thành.

Hương tháng Năm dâng Bác

Hôm nay, ngày 19/5, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ, cùng với cả đất nước, dân tộc, đất và người Cà Mau cùng nghiêng mình tưởng nhớ và thể hiện tấm lòng yêu kính Người vô hạn.

Tự hào di tích lịch sử quốc gia

Toạ lạc tại xã Hàm Rồng, Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc Di tích quốc gia “Các địa điểm thuộc Xứ uỷ Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam”, giai đoạn cuối năm 1949 đến đầu năm 1955, là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hoá, lịch sử tiêu biểu của huyện Năm Căn.

Nhân dân Cà Mau nhớ Bác Hồ

Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 19/5, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm về tình cảm của Nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ.