(CMO) Với tính hài hước, tâm huyết với nghề, Nghệ sĩ Ngọc Cường một thời ghi dấu ấn cho khán giả yêu thích môn ảo thuật, hài và xiếc.
Nghệ sĩ Ngọc Cường tên đầy đủ là Dương Ngọc Cường, sinh năm 1966, tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Năm 1981, anh bắt đầu theo đoàn xiếc Ðộc Lập của người dì để tập luyện cùng các nghệ sĩ: Phi Hùng, Thế Hiển, Ảo thuật gia Z27, Tô Ni Quang và các ca sĩ như: Nguyễn Hưng, Bích Ngọc, Tuấn Cường, Mỹ Lan…
Anh Ngọc Cường còn tham gia nhiều thể loại nhạc cụ như đàn, trống… |
Anh Ngọc Cường kể lại cơ duyên về với đất Cà Mau: “Sau quá trình tập luyện biểu diễn ở Sài Gòn, có lần được Ðoàn Nghệ thuật tổng hợp Minh Hải, do chú Trần Thanh Hoà (Sáu Cấu) là Trưởng đoàn lên Sài Gòn hợp đồng nhóm đi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc cùng các nghệ sĩ tên tuổi thời đó như: Duy Khánh, Hề Sa, Thuý Phượng, Thanh Hùng… Sau một thời gian đi lưu diễn, tôi được Ðoàn Nghệ thuật tổng hợp Minh Hải mời ở lại làm diễn viên chính thức cho đoàn, sự nghiệp của tôi gắn với mảnh đất Cà Mau từ năm 1982 cho tới nay”.
“Lúc đầu, tôi chỉ diễn hài chung với anh Phạm Thành Công, vì anh Công diễn ảo thuật là chính, còn tôi diễn ảo thuật hài, sau này tôi tham gia xiếc nhào lộn, kịch câm… Hễ đoàn vắng tiết mục nào, hay nghệ sĩ nào nghỉ là tôi nhảy vô thay... Tôi ở Ðoàn Nghệ thuật tổng hợp Minh Hải đến năm 1991 thì chuyển sang Nhà Văn hoá tỉnh. Tại nơi công tác mới, tôi bắt đầu chuyển qua chơi nhạc, làm nhạc công đánh trống và được cơ quan cử đi học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Sau này tôi phụ trách Ðội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hoá tỉnh với vai trò Ðội trưởng. Hiện tại, tôi vẫn đi diễn, đi phục vụ lưu động và làm nhiệm vụ chính trị”, anh chia sẻ.
Tiết mục hài cao (đi trên cà kheo). (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Với Ngọc Cường, để được công chúng đón nhận, người nghệ sĩ phải thường xuyên “làm mới” mình bằng những tiết mục biểu diễn mới lạ, giữ được cái tâm, cái đức với nghề và thường xuyên giữ được nét duyên trong từng bài biểu diễn. Là người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật xiếc, ảo thuật, giờ đây, tuy phong độ có giảm so với trước do tuổi tác, nhưng anh vẫn giữ được lối hài hước trong biểu diễn xiếc, vẫn nhanh nhẹn, khéo léo trong từng động tác tung hứng, nuốt kiếm, tung banh mà anh đã khổ luyện mấy chục năm qua. Cho nên, mỗi lần Nghệ sĩ Ngọc Cường xuất hiện là sàn diễn đều “nóng” lên. Sự vui tươi, dí dỏm, hài hước với những màn biểu diễn hấp dẫn của anh đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy nhiên, với các tiết mục ảo thuật lớn như: cắt người, thôi miên người bay, đổi người… thì anh hạn chế thực hiện, vì thể loại này cần có một không gian sân khấu chuyên nghiệp mới diễn được.
Ðể có được phong độ trên sân khấu như hiện nay, Nghệ sĩ Ngọc Cường từng vượt qua những khó khăn trong những năm đầu đi diễn như: biểu diễn thất bại, sai kỹ thuật, ảo thuật không ra, bể show... Với anh giờ đây, đó chính là những kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề.
“Ngày trước, sau khi tách nhóm, tôi theo nghề xiếc, diễn tập thể đu bay là chính, lấy tên Ban xiếc Hải Âu. Ðoàn xiếc của người ta thường đi nước ngoài diễn và biểu diễn trong nhà bạt (có lưới căng phía dưới, khi có sự cố rớt xuống thì có lưới bảo vệ an toàn), còn ban của mình diễn là không cần lưới, không dây bảo hiểm an toàn gì hết! Năm đó diễn ở Hà Nội, khi đoàn ra tới Nhà hát lớn Hà Nội, lúc phúc khảo, vì thấy đoàn mình không có lưới bảo hộ, họ không cho diễn. Ðã đến nơi mà không được diễn nên anh em cũng buồn lắm, vì thế trưởng đoàn làm giấy tờ cam kết xin cho diễn. Và đêm đó, chúng tôi diễn được khán giả rất thích. May là không bị trục trặc gì. Nói chung, mấy anh em hồi xưa diễn xiếc rất nguy hiểm, tới tận giờ tôi vẫn không hiểu sao hồi đó tụi tôi diễn được như vậy luôn. Mà mấy anh xiếc ở Hà Nội khoái lắm”, anh cười kể.
Nghệ sĩ Ngọc Cường biểu diễn ảo thuật với bộ bài. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Ở thời điểm đi biểu diễn nhiều nơi, diễn nhiều suất như những ngày Tết, lễ, đoàn thường biểu diễn từ 13-14 tiết mục, riêng anh đảm nhận hết 7 tiết mục trong chương trình. Anh diễn ảo thuật hài, diễn hài cao (đi bằng 2 cây cà kheo), xong rồi diễn chú lùn, diễn kịch câm, diễn nhào lộn…, bởi vì mấy tiết mục đó có “chất hài”, người ta dễ xem.
Với những kinh nghiệm đã đúc kết được, và để người xem thấy hứng thú hơn, anh bắt tay làm đạo cụ và dàn dựng các tiết mục ảo thuật theo kịch bản bài bản và đổi mới hơn bằng cách kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật trong một buổi diễn, tránh sự khô khan.
Những năm trở lại đây, ngoài luyện tập và biểu diễn, anh Cường cũng trăn trở vì chưa tìm được người kế thừa môn ảo thuật cho tỉnh. Anh bộc bạch: “Tôi muốn truyền nghề lại cho tất cả anh em ở cơ sở, để khi mình không xuống biểu diễn được thì anh em vẫn có thể đi phục vụ bà con. Môn ảo thuật này hiện tại vẫn còn khá ăn khách. Ðêm nào biểu diễn có tiết mục của tôi là khán giả ủng hộ, vỗ tay rất nhiệt tình. Nếu anh em ở cơ sở nắm bắt được môn này thì tôi sẽ hướng dẫn cho anh em những tiết mục lớn. Tôi cũng có đề xuất ở địa phương và Ban Giám đốc Trung tâm cũng ghi nhận, dự kiến trong năm nay sẽ mở lớp ảo thuật để mời tất cả các anh em ở cơ sở lên truyền lại, để anh em về biểu diễn phục vụ bà con địa phương”.
Trong suốt quá trình hoạt động hơn 40 năm qua, Nghệ sĩ Ngọc Cường nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”. Về âm nhạc, anh là Phân hội phó Phân hội Âm nhạc tỉnh Cà Mau (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) và là Chi hội phó Chi hội Âm nhạc Việt Nam tỉnh Cà Mau (thuộc Hội Âm nhạc Việt Nam).
Hoàng Vũ