Các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Phải làm sâu rộng, quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn các giải pháp cải thiện chỉ số PCI, PGI. Đó là nhấn mạnh của ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PGI) năm 2024 vào sáng 28/6.
Tham dự hội nghị có ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI; bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ.
Về phía lãnh đạo tỉnh có bà Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Lâm Văn Bi, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, lãnh đạo 9 huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị, cần phải làm sâu rộng, quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn các giải pháp cải thiện chỉ số PCI, PGI.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023 đạt 67,65 điểm (tăng 6,05 điểm), xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 hạng), xếp thứ 6/13 (tăng 6 bậc) trong các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long so với năm 2022; nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Cà Mau đạt 19,94 điểm, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 07 hạng so với năm 2022) và xếp hạng 12/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, đánh giá, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, qua so sánh 2 năm, Cà Mau có 8 lĩnh vực chuyển biến tích cực. Đây là sự thay đổi mang tính bền vững, trong đó tính năng động của chính quyền nằm trong tốp 10 cả nước. Điều đó cho thấy, chính quyền Cà Mau rất quan tâm đến doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, so sánh qua 2 năm, Cà Mau có 8 lĩnh vực chuyển biến tích cực, trong đó tính năng động của chính quyền nằm tốp 10 cả nước. Điều đó cho thấy chính quyền Cà Mau rất quan tâm đến doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, việc chuyển đổi số trong TTHC mang lại tác động tốt; cải cách hành chính, hiệu quả giải quyết TTHC được duy trì ở mức cao; thủ tục đăng ký doanh nghiệp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thủ tục cấp phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện có cải thiện….
Tại hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan đến các chỉ số PCI và PGI cần cải thiện như: chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”, “Chi phí không chính thức”... và đề ra nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần.
Ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI, kiến nghị, tỉnh cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong xử lý ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Đưa ra cái nhìn tổng thể và những giải pháp cải thiện chỉ số PCI và PGI hiệu quả trong thời gian tới, ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: “VCCI đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính. Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
“Thời gian tới, địa phương cần tạo sự thay đổi rõ nét hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước cải thiện chỉ số PCI những năm tiếp theo. Để làm được điều này, Cà Mau cần tập trung hơn trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trước hết là nhận thức của đội ngũ cán bộ về mục đích, ý nghĩa của công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và lan toả tinh thần, quan điểm đó đến từng doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng nên xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch cải thiện từng chỉ số thành phần cụ thể và đề ra lộ trình mục tiêu giải pháp cụ thể. Cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong xử lý ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Thành chỉ rõ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm văn Bi trao bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
Tiếp thu những đóng góp ý kiến của các chuyên gia đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị: “Các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị, rà soát các nhiệm vụ ở địa phương đưa vào thực hiện. Cần phải làm sâu rộng, quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn các giải pháp quyết liệt cải thiện các chỉ số PCI, PGI.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo mọi điều kiện làm sao giải quyết tốt các TTHC, nâng cao dịch vụ công trực tuyến, số hoá hồ sơ. Đồng thời, gắn người dân, doanh nghiệp cùng với chính quyền chung lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Liên quan các chỉ số về đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các huyện, thành phố thành lập các tổ khảo sát việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân, xem vướng mắc chỗ nào để cùng người dân tháo gỡ. Đồng thời, chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính cấp quyền sử dụng đất, tránh gây phiền hà người dân. Theo đó, rà soát, nâng cao trình độ cán bộ công chức, viên chức, thực thi đạo đức công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cùng các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy vai trò, sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, sẵn sàng giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, tập huấn cho doanh nghiệp hiểu rõ về chỉ số PCI, PGI để chấm điểm sát với thực tế, bởi đây là lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, công khai các nội dung, vấn đề của tỉnh, ngành, địa phương, các dự án thu hút đầu tư, môi trường, xử lý rác thải để tăng tính minh bạch, hạn chế chi phí không chính thức.
Dịp này, để ghi nhận những đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong việc cải thiện chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 21 tập thể và 22 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023.
Hồng Nhung