(CMO) Do thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm, chỉ một thời gian ngắn nhiều hộ nhận nền tại các khu tái định cư Lung Ranh, xã Khánh Hội và Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh bỏ đất, bỏ nhà đi nơi khác làm ăn. Trong khi đó còn nhiều hộ dân đang ở ngoài đê biển, chưa có nền di dời để ổn định cuộc sống. Đó là thực trạng chung của các khu tái định cư trong tỉnh.
Định cư nhưng chưa định canh
Khu tái định cư Hương Mai, thuộc Ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh là 1 trong 3 điểm dân cư nằm trong dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây được đầu tư xây dựng cách đây gần 10 năm. Theo kế hoạch, dự án cấp đất di dời khoảng 240 hộ sống ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở vào đây sinh sống. Nhưng đến nay gần 10 năm quy hoạch chỉ có 94 hộ vào cất nhà, trong số đó có gần một nửa nhận đất, cất nhà không lâu đã sang bán hoặc đi làm thuê ở Bình Dương, Đồng Nai kiếm sống.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết, công tác sắp xếp di dời dân cư ven biển vào định cư tại khu tái định cư Lung Ranh và Hương Mai được huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, số hộ vào định cư chưa được 50% theo quy hoạch, do khó khăn trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhiều hạng mục công trình kém chất lượng, xuống cấp nhanh như trạm cấp nước sinh hoạt đã ngừng hoạt động do hư hỏng, hệ thống xả nước thải bị xuống cấp, con em địa phương đi học xa, trong khi đó người dân lại thiếu điều kiện đưa rước.
Bà Nguyễn Thanh Hoá, một hộ dân sống trong khu tái định cư vàm Hương Mai, cho biết: "Từ khi vào định cư nhà cửa ổn định, không còn cảnh phập phồng lo sợ trong mùa mưa bão như trước. Tuy nhiên, cuộc sống còn nhiều khó khăn, do nơi ở cách xa chỗ neo đậu tàu thuyền khai thác thuỷ sản, tình trạng mất cắp tài sản luôn xảy ra, con em đi học xa, trong khi đó các hộ dân còn nghèo chưa có phương tiện đưa rước".
Khu tái định cư Hương Mai được đầu tư cơ bản về hạ tầng, như đường, điện, nước nhưng rất ít hộ vào ở. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, khi mới vào đây ở, mỗi người được nhận 1 nền nhà, ngang 7 m, chiều dài 30 m cùng với khoản tiền hỗ trợ di dời 20 triệu đồng, ai cũng phấn khởi. Chỗ ở thì thích, nhưng việc làm ăn lại bất tiện. Do nơi ở mới xa cửa biển nên mỗi lần đi biển, vợ chồng chị phải vất vả chở theo cả đống đồ nghề. Trong khi trước đây, nhà sát biển, vừa không phải lôi kéo, vừa dễ trông coi. Hiện hàng đêm vợ chồng chị phải cắt cử nhau ở trong chòi để trông coi tài sản, nếu lơ là bị mất trộm ngay.
Trưởng ấp 7, xã Khánh Tiến Võ Văn Vấn cho biết, đa phần các hộ dân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống bám biển. Nhưng vào đây không có việc làm, bà con chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nên cuộc sống bấp bênh. Bên cạnh đó, do quy hoạch, đầu tư thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình thi công kém chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện chỉ có 94 hộ sinh sống nhưng chưa có việc làm ổn định, nhiều hộ bỏ nhà đi nơi khác làm ăn. Ông Vấn kiến nghị Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp lại hệ thống nước nối mạng do bị hư hỏng, nạo vét làm nơi neo đậu tàu thuyền cho người dân.
Cách đó không xa, khu dân cư Lung Ranh, xã Khánh Hội được triển khai xây dựng từ năm 2011. Khu tái định cư này có quy mô trên 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer và các hộ dân sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây. Khi xây dựng, hạ tầng được đầu tư khá cơ bản, có trường tiểu học, tổ y tế, nhà lồng chợ, hệ thống chiếu sáng công cộng, có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Theo quy định của dự án, mỗi hộ vào đây được cấp 300 m² đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng cất nhà.
Chưa có việc làm ổn định nên người dân cứ bám rừng, bám biển mưu sinh. |
Tuy nhiên, khi vào ở được một thời gian thì nhiều hộ dân lại bỏ đi nơi khác. Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm cho biết: “Ban đầu xét duyệt có hơn 90 hộ đủ điều kiện được vào ở. Nhưng thực tế số hộ vào cất nhà khoảng 80 hộ. Sau một thời gian vào ở, đến nay còn lại khoảng 40 hộ, số còn lại bỏ đi nơi khác. Có hộ thì bỏ đi làm thuê ở Đồng Nai, Bình Dương…, có hộ quay lại nơi ở cũ”. Theo ông Đảm, nguyên nhân các hộ vào khu dân cư một thời gian rồi bỏ đi vì thiếu việc làm.
Cần giải pháp căn cơ
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều thừa nhận, do không bố trí được kinh phí nên phần lớn các dự án khu tái định cư vẫn dở dang. Mới chỉ có đường, điện, còn trường học, trạm xá, chợ vẫn chưa được đầu tư, làng nghề cũng chưa có, nên người dân có xu hướng quay về nơi ở cũ để mưu sinh. Tái định cư mà không gắn với định canh nên bà con bỏ đi nơi khác làm ăn là tất yếu. Vận động người dân ở ngoài đê vào đây đã khó, mà thực tế hiện nay tại khu tái định cư, việc vận động bà con ở lại hết sức khó khăn.
Theo ông Triều, phần lớn hộ dân sống ven rừng, ven biển đều thiếu vốn, không đất sản xuất và không có nghề nghiệp ổn định. Khi xây dựng các khu tái định cư, cần bố trí đủ vốn để xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Tranh thủ vốn từ các chương trình mục tiêu, dự án khác để hỗ trợ người dân vào ở, nhất là hỗ phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Nếu bài toán tạo sinh kế cho người dân được làm tốt sẽ thu hút được dân định cư lâu dài.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, về lâu dài tỉnh cần quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân đúng như nguyện vọng bà con mong muốn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Mới đây Trung ương đã có gói hỗ trợ tỉnh Cà Mau 10 tỷ đồng phục vụ công tác tái định cư khu vực biển Tây. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương rà soát, chỉnh sửa làm mới các công trình mang tính bức xúc để phục vụ người dân ở các khu tái định cư trong tỉnh./.
Trung Đỉnh