ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:57:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người mẹ của lính biên phòng

Báo Cà Mau (CMO) Từ ngày tôi trở thành người lính biên phòng, gia đình tôi trở nên vui vẻ, phấn khởi hẳn, hàng xóm qua nhà tôi chơi, ai cũng xuýt xoa, trầm trồ khen lấy, khen để. Họ bảo với bố mẹ tôi: “Úi dào, anh chị là phúc đức ba đời đấy nhé, có con trai là lính biên phòng chả khác gì có khối tài sản bạc tỷ trong tay.

Chẳng bù cho thằng con trai nhà tôi, chả được miếng cơm miếng cháo gì”. Bố tôi mỗi lần đi dự họp ở nhà thờ gia tộc lại được các bác trưởng tộc lấy làm tấm gương tiêu biểu: “Dòng họ mình suốt đời làm nông, chả ai làm quan to, làm tướng lớn, nay có anh sĩ quan biên phòng, thôi thì cũng coi như nở mày nở mặt với các cụ đã khuất, với gia tiên dòng họ. Mai mốt còn có cái để cậy nhờ”.

Bố tôi mỗi lần nghe vậy đều lấy làm tự hào lắm, bởi cả cuộc đời bố đã hy sinh cho chúng tôi rất nhiều, từ lúc đương thì sức trẻ đến xế tuổi 50, bố đã làm đủ nghề để kiếm sống. Chị em tôi còn bé vẫn hay gọi bố là siêu nhân bởi việc gì bố cũng làm được, nào là nghề lái xe bò lốp, sửa xe đạp, xẻ gỗ... Còn chuyện cày bừa thì khỏi nói, bố nhận thứ hai thì cái làng tôi, chẳng ai dám nhận thứ nhất. Dù làm nhiều công việc như vậy nhưng bố vẫn luôn cho rằng, công việc của bố chỉ là những công việc thấp bé trong xã hội, nên khi tôi trở thành sĩ quan biên phòng, bố mừng ra mặt.

Chỉ có một người dù trong lòng có mừng, có vui sướng nhưng trên nét mặt vẫn thoáng đôi nét buồn, đó chính là mẹ tôi. Tất nhiên là mẹ vui chứ, bởi con trai mẹ đã trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ, rồi đây sẽ gánh vác những nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Rồi đây sẽ có tương lai khác hẳn với tương lai của bố mẹ bây giờ. Nhưng sao không buồn được, mẹ chín tháng mười ngày ôm ấp tôi trong lòng, đau đứt ruột khi sinh tôi ra, đã vậy còn bé tôi lại thuộc dạng khó nuôi, biết bao lần mẹ mất ăn mất ngủ vì những cơn đau sốt triền miên. Mẹ lại chỉ có mình tôi con trai nên mẹ buồn không biết rồi tôi sẽ ở những nơi đâu, rồi sẽ xa mẹ đến chừng nào. Đã có lần mẹ ngồi thẫn thờ, buồn bã. Mẹ khóc khi đang ở ngoài đồng, khi có người hàng xóm nào đó nói với mẹ: “Nhà có mỗi đứa con trai cho nó theo biên phòng làm chi, biên phòng ăn sương, uống gió, đóng quân trên những nơi biên giới xa xôi cách trở. Rồi chưa kể đến biết bao gian nan, nguy hiểm. Chị đâu còn trẻ nữa, một năm gặp nó được bao nhiêu lần...”.

Mỗi lần nghe vậy, mẹ tôi chỉ biết cười: “Thôi thì nó lớn rồi, nó biết suy nghĩ, nó biết chọn nghề bác ạ. Mình đẻ nó ra, lo cho nó ăn, lo cho nó học, còn nghề nghiệp, tương lai sướng hay khổ thì do nó chọn”. Cứ mỗi lần sau câu nói ấy, mắt mẹ lại rưng rưng, chỉ cần thêm vài câu nữa thôi là mẹ sẽ oà khóc. Và tất nhiên, mẹ vẫn vui mừng, vẫn hạnh phúc cho tôi nhưng mẹ vẫn buồn, vẫn lo cho tôi nhiều lắm.

Tôi đi học bốn năm ở Hà Nội, mẹ ở nhà vẫn miệt mài với công việc đồng áng. Mấy hôm mưa gió trở trời, bệnh khớp hành hạ, mẹ đau nhức. Mỗi lần như vậy, mẹ lại kêu với bố tôi: “Phải chi có thằng Bình ở nhà thì hay hơn không. Cái thằng khéo tay ra phết đấy ông ạ, nó đấm, nó xoa bóp cho tôi chỗ nào là chỗ đấy hết đau, chả cần uống thuốc uống thang gì. Phải chi bây giờ có nó ở đây ông nhỉ!". Bố nghe vậy, bao giờ cũng quát mẹ tôi: “Có đứa con trai sĩ quan biên phòng mà suốt ngày muốn nó ở nhà, rồi sau này nó làm được cái gì? Nó phải đi, phải đi để gia đình, dòng họ còn có cái nở mày nở mặt”.

Minh hoạ: Minh Tấn

Niềm vui, niềm an ủi lớn nhất của mẹ có lẽ cũng chỉ là những cuộc điện thoại của tôi mỗi lần điện về vào chiều thứ Bảy. Bao giờ cũng thế, chưa thấy tôi gọi về, mẹ lại hỏi bố: “Thằng Bình nó đã gọi về chưa ông”, “Quái lạ, sao mọi hôm tầm này nó đã gọi cho mình rồi, hôm nay mãi vẫn chưa thấy ông nhỉ, tôi… tôi lo quá, hay là nó lại ốm, tôi biết ngay mà, cái thằng ốm yếu từ nhỏ đến lớn…".

Chắc mẹ tôi sẽ còn than thở tiếp nữa nếu ngay lúc đó không có cuộc điện thoại của tôi gọi về. Đợi đến đây thôi, mắt mẹ sáng lên: "A lô, Bình đấy hả con… con nói sao, hôm nay con trực hả, ờ… ờ… Ráng ăn uống nghe con… con nói sao… Vừng lạc đấy hả… rồi… rồi… ngày mai mẹ gửi cho con… Ráng ăn uống rồi làm tròn nhiệm vụ con nhé… Yên tâm, mẹ khoẻ, đừng lo cho mẹ con nhé".

Tới đây, mẹ đưa điện thoại cho bố. Bố dặn dò tôi các thứ và cũng không quên dặn tôi cố gắng gọi về cho mẹ thường xuyên để mẹ an lòng. Tôi cũng biết rằng, sau khi tắt điện thoại, mẹ lại giả vờ ra sau cho heo, cho bò ăn. Để làm gì? Còn phải hỏi, để mẹ... khóc.

Quà của mẹ gửi cho tôi bao giờ cũng khiến cả phòng thích thú, nào là hũ vừng lạc to “chà bá lửa” đủ để cả phòng ăn một tuần. Rồi bánh vừng, bánh cốm đầu mùa... Mỗi lần ăn, tôi cảm nhận được những giọt mồ hôi của mẹ, những giọt nước mắt và tình cảm chan chứa mà mẹ dành cho tôi. Mẹ cũng không quên gói trong bọc giấy báo nhỏ vài trăm nghìn để tôi tiêu thêm hàng tháng. Những tờ tiền được vuốt, được xếp rất cẩn thận. Mẹ sợ tôi thua thiệt bạn bè, mẹ sợ sẽ có hôm cơm đơn vị làm tôi chán ăn và sẽ muốn ăn thêm món gì đó ngon hơn. Tôi biết số tiền đó mẹ phải vất vả thế nào để kiếm được nên tôi luôn trân trọng và tiêu một cách tiết kiệm nhất.

Rồi bốn năm đại học trôi qua, ngày tốt nghiệp cũng đến nơi. Mẹ bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội để dự lễ bế giảng, mong muốn được nhìn thấy con trai mẹ trong bộ đồ sĩ quan và cầu vai biên phòng. Vẫn bộ đồ nâu bạc phếch mà chị tôi tặng trong dịp sinh nhật mẹ, mẹ ngồi ở hàng ghế cuối giữa biết bao phụ huynh ăn bận sang trọng. Sau khi dự lễ xong, mẹ vuốt ve tôi, sửa cái cầu vai còn lệch một bên cho tôi. Mẹ rơm rớm nước mắt:  “Mẹ… mẹ chẳng có hoa tặng con đâu”. Tôi ôm mẹ cười: “Con chẳng cần hoa, con chẳng cần quà, mẹ chính là bông hoa thơm nhất, đẹp nhất của con rồi. Nào, ra đây chụp hình cùng con trai thôi mẹ”.

Mẹ chỉnh lại bộ đồ đang mặc, sửa lại mái tóc bạc đang phất phơ trong gió, đứng dựa vào con trai, chụp những tấm hình đẹp nhất trong cuộc đời mẹ.

Tôi nhận nhiệm vụ về Cà Mau công tác. Đêm hôm đó trước ngày tôi đi, mẹ khóc rất nhiều và dặn dò tôi đủ thứ, vẫn là những lời dặn dò mà tôi nghe như đã thuộc làu làu. Mẹ bảo: “Nghe không thừa đâu, vô đấy, lạ nước lạ cái rồi tự mà lo cho mình”.

Bữa cơm hôm đó, mẹ đãi toàn những món tôi thích, nào thịt gà lá chanh, chả cuốn, canh cua đồng. Mẹ bảo: “Ăn nhiều vô cho nhớ hương vị quê nhà, để còn về với mẹ nghe con!”.

Tôi đi làm, mẹ vẫn lo công việc đồng áng, chỉ có điều mẹ trả bớt đất đã mướn của người ta và làm đất của nhà mình. Trong vườn của mẹ, cây bầu, cây bí, cây ngô vẫn đơm hoa kết trái. Đàn gà mẹ chăm, con trâu, con lợn mẹ nuôi vẫn lớn đều đều. Chỉ có điều… mẹ già hơn, tóc bạc nhiều hơn, cái chân bị bệnh khớp vẫn hành hạ mẹ nhiều hơn.

Hàng tháng, tôi đều tiết kiệm những đồng lương ít ỏi để gửi về cho mẹ trang trải chuyện gia đình và cũng không quên dặn mẹ không nên tiết kiệm quá. Muốn ăn uống gì thì mua, muốn sắm cái gì thì sắm, cả đời bố mẹ đã khổ nhiều rồi. Tôi cũng không quên gửi về cho bố cái điện thoại thông minh để tôi tiện gọi video cho gia đình. Tối nào, dù bận đến đâu, tôi cũng dành thời gian gọi về nhà. Qua màn hình nhỏ, nụ cười rạng rỡ của mẹ hiện lên khi thấy tôi: “Úi dào, ăn cơm miền Tây coi bộ béo tốt hơn cơm mẹ nuôi nhỉ”. Mỗi lần nghe mẹ nói vậy, tôi lại phì cười: “Sao ngon bằng cơm mẹ nấu được mẹ ơi!”. Rồi tôi quay cho mẹ xem căn phòng của tôi để mẹ yên tâm nơi ăn ở, sinh hoạt. Tôi cho mẹ gặp đồng đội để mẹ khỏi lo con của mẹ cô đơn nơi cuối đất. Mẹ thấy vậy cũng vui ra mặt, không còn lo lắng nhiều nữa.

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con"

(Chế Lan Viên)

Thật vậy, giữa nơi biên giới cực Nam Tổ quốc xa xôi, chưa bao giờ tôi thấy cô đơn hay chạnh lòng vì tôi biết sứ mệnh của tôi là gì, tôi biết mẹ luôn bên tôi. Xa xôi về không gian địa lý nhưng không bao giờ xa xôi về tình cảm. Mẹ vẫn yêu tôi, đợi tôi về, vẫn đợi để ngắm đứa con trai của mẹ cắn trái cà muối giòn rụm, xé miếng thịt gà lá chanh ngon lành. Còn tôi, tôi vẫn đợi, đợi ngày về trong vòng tay mẹ./.

Lương Bình

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.