Trục đường liền ấp ở Ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh chưa được đầu tư xây dựng.
Giai đoạn 2010-2015, Cà Mau đã có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Là tỉnh còn nhiều khó khăn tại thời điểm xuất phát nên dù đã đạt chuẩn nhưng các xã vẫn còn "đuối" trong việc hoàn thiện cũng như nâng chất các tiêu chí. Ðạt chuẩn trong điều kiện còn "non" nên đến giai đoạn mới này, đặc biệt khi chuẩn nghèo nâng lên theo hướng tiếp cận đa chiều, nguy cơ “lọt chuẩn” của một số xã rất cao.
Có 2 tiêu chí dễ dàng nhận thấy là hộ nghèo và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên lo lắng: “Hiện nay với những xã chuẩn bị đạt chuẩn NTM vào năm 2016 thì đang rất khẩn trương trong công tác vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); còn với những xã đã đạt chuẩn rồi thì có dấu hiệu “bỏ trôi”. Hiện BHXH tỉnh đang hoàn thiện báo cáo, báo về Văn phòng Ðiều phối tỉnh để tìm giải pháp đôn đốc, nhắc nhở các địa phương”.
Trục đường liền ấp ở Ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh chưa được đầu tư xây dựng. |
Theo báo cáo từ BHXH tỉnh, tính đến ngày 31/5/2016, trong 17 xã đã đạt chuẩn NTM, không có xã nào đạt tỷ lệ từ bằng đến trên 70% số hộ dân tham gia BHYT; thậm chí có những xã tỷ lệ thấp trầm trọng như: Hàm Rồng (huyện Năm Căn) đạt 47,1%; Tân Dân và Tạ An Khương Nam (huyện Ðầm Dơi) đạt 55,6%; Tân Hải (huyện Phú Tân) đạt 55,6%; Tân Thành (TP Cà Mau) đạt 59,1%; Trí Lực và Trí Phải (huyện Thới Bình) đạt 57,8%…
Như vậy, đối chiếu với chuẩn quốc gia về y tế thì tất cả các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều “lọt chuẩn”.
Với tiêu chí hộ nghèo thì tình hình cũng rất đáng quan tâm. Ông Võ Hoàng Hiệp, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh, cho biết: “Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới, hiện có một số xã trong 17 xã đã đạt chuẩn có khả năng “lọt chuẩn”, mặc dù Trung ương đã cho phép chuẩn mới là nâng lên 9% thay vì 6% như trước đây".
Qua đối chiếu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 9% thì có những xã đã đạt chuẩn NTM và những xã sắp đạt chuẩn vào năm 2016 này có tỷ lệ hộ nghèo còn cao là: Khánh Hoà 18,61%, Tân Hải 12,53%, Tạ An Khương 13,82%, Trần Hợi và Khánh Bình trên 11%.
U Minh là huyện nghèo, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2010-2015, U Minh có 2 xã về đích NTM là Khánh Hoà và Khánh An. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở Khánh Hoà thì chấp nhận ở mức cao, nhưng ở Khánh An thì theo báo cáo chỉ còn 6,04%. Trong khi thực tế, Khánh An có tổng số 17 ấp thì 7 ấp có rừng, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An, nhìn nhận: “Trong lâm phần rừng tràm có trên 100 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt (do không khoan được giếng nước), 30% hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; nhà ở một số ấp còn tạm bợ; một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn... Nhưng vì áp lực xã NTM nên tỷ lệ hộ nghèo "không thể quá cao" được” (?).
Trong khi đó, điểm mới trong tiếp cận nghèo đa chiều là ở chỗ, bên cạnh thước đo về thu nhập còn tính đến khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Gia đình ông Phạm Văn Chờ, ấp An Phú, xã Khánh An, là một trong những hộ lẽ ra được xét hộ nghèo nhưng vì “áp lực” chuẩn nghèo xã NTM nên vợ chồng "ngậm ngùi" làm người khá. Vợ chồng ông Chờ ở đậu trên phần đất tái định cư đã hơn 10 năm nay. Ông Chờ năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày vẫn đi đào đất thuê. Vợ ông thì đi làm cỏ mướn, bữa được, bữa không. Khi gia đình ông đặt vấn đề với ấp, xã thì được lý giải rằng, ông còn sức lao động và thu nhập cũng tương đối (1.500.000 đồng/tháng, trong khi chuẩn nghèo và cận nghèo là 900.000-1.300.000 đồng).
Và còn nhiều nữa những gia đình không được xét theo chuẩn nghèo mới hiện nay. Tuy nhiên, có một việc mà xã Khánh An chưa nghĩ đến là mặc dù có mức thu nhập trên nhưng gia đình ông Chờ dường như không được tiếp cận dịch vụ xã hội tối thiểu nào của Nhà nước (không điện sử dụng, không nước sinh hoạt, không BHYT và không cả nhà tiêu hợp vệ sinh…).
Ông Võ Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Tỷ lệ hộ nghèo tăng lên là do xét theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó bao gồm cả mức độ tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản nên các địa phương cũng đừng quá nóng vội để rồi tìm mọi cách kiềm chế tỷ lệ xuống mức tối thiểu. Sắp tới, sở sẽ làm việc với các huyện để tìm giải pháp xoá nghèo bền vững theo hướng đa chiều”.
Khó khăn của các xã đã đạt chuẩn NTM hiện nay là thiếu nguồn vốn để nâng chất các tiêu chí còn yếu hoặc “lọt chuẩn”. Thậm chí trong trên 19 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất vừa được Văn phòng Ðiều phối tỉnh phân bổ thì các xã đã đạt chuẩn cũng chẳng có tên tuổi trong này.
Xây dựng NTM là quá trình liên tục theo hướng đi lên. 19 tiêu chí đã đạt được chỉ là bước khởi đầu hình thành bộ mặt mới ở nông thôn trong tỉnh. Ðể giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và kể cả sự tiếp sức hỗ trợ từ ngân sách để các xã có thể tiếp tục về đích sau 5 năm phúc tra lại. Ðừng để các địa phương "vừa non, vừa yếu" lại phải tự bơi trong ngập tràn những ngổn ngang phía trước./.
Bài và ảnh: Huệ Như