ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 07:05:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhà báo Lê Chí Bắc - Sinh ra để làm nghề…

Báo Cà Mau (CMO) 4 giờ 30 phút, thức dậy trong cơn bão Conson vừa trượt ngang xứ Huế mộng mơ để lại cơn áp thấp nhiệt đới của mùa bão lũ mới cho miền Trung…, ánh sáng loé lên từ ứng dụng Mesenger, mẫu tin nhắn khô khốc mà ướt đẫm chân tình từ Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Lâm: “Chí Bắc mới mất, anh hay chưa?”. Ký ức như cứ tuôn về trong tiếng chuông chùa xa vắng…

Lê Chí Bắc, chàng phóng viên trẻ măng mang dáng dấp thư sinh của những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước chân ướt, chân ráo ấp úng bước vào Báo ảnh Đất Mũi ngày nào, nay đã rời cõi tạm để về chốn vĩnh hằng sau một cơn bạo bệnh…

 

Nhà báo Lê Chí Bắc (người mặc áo hồng sậm, bìa phải) tác nghiệp tại một sự kiện trong tỉnh. 

 

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, tôi và Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng (nay là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau) mở một chuyên đề mới trên Báo ảnh Đất Mũi, đó là Trang viết tuổi học trò nhằm khai thác những tiềm năng văn chương và báo chí trong nhà trường, đồng thời tạo nên một sân chơi cho học sinh phổ thông trung học mê nghiệp viết lách. Trong những cây viết học sinh hồi đó, luôn nổi bật với nhiều tản văn về tuổi học trò nhất là cây viết mang tên Lê Chí Bắc. Hồi đó thông tin liên lạc còn hạn chế nên toà soạn muốn liên hệ với cộng tác viên chỉ qua những mẫu thư từ, biết Bắc là cộng tác viên chăm chỉ nhưng chưa một lần gặp mặt. Đọc những tản văn của cậu học trò tên Chí Bắc, có lần trong buổi trao đổi nội dung với nhau, Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng có nhận xét: “Này ông Tuấn nè, em Chí Bắc này có tư chất của người làm báo, nếu được đào tạo bài bản sẽ trở thành một cây bút giỏi đây”. Tôi đồng ý với quan điểm của Dũng và nhiệt tình hơn trong việc rủ rê Chí Bắc cộng tác nhiều hơn cho Trang viết tuổi học trò.

 

Rồi thời gian cứ trôi, tôi lại muốn xê dịch, rời Báo ảnh Đất Mũi lên Sài Gòn đô hội tạt vào một vài tờ báo, thời gian này báo chí nở rộ như nấm sau cơn mưa, nhưng rồi lại không trụ lại được chỗ nào lâu hơn bởi quá quen thuộc với ngôi nhà Báo ảnh Đất Mũi mất rồi. Năm 1998 tôi trở lại Báo ảnh Đất Mũi theo gợi ý của Thanh Dũng. Ngày đầu tiên trở lại cơ quan thì gặp ngay một anh chàng nhỏ thó khép nép lại chào và nói: “Chắc anh không biết em, nhưng anh và em đã quen nhau lâu rồi. Em là Lê Chí Bắc. Một sự ngạc nhiên đến thú vị bởi một cộng tác viên thuở nào nay đã trở thành đồng nghiệp của mình. Như sự gắn bó mật thiết, tôi có một thời gian dài làm nội dung cho báo và Chí Bắc luôn là một cây bút chủ lực của Toà soạn.

 

Sinh thời, Chí Bắc luôn tận tuỵ với công việc được giao, những vấn đề gai góc của xã hội qua ngòi bút của Bắc luôn có một sức thuyết phục cao, bởi anh luôn cẩn trọng khi thâu thập những chứng cứ phục vụ cho bài viết của mình. Một thời gian dài, những phóng sự xã hội đến phóng sự điều tra của Bắc thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và cũng nhiều lần được giải thưởng báo chí của tỉnh… Và có lẽ quan trọng hơn là những phóng sự của anh góp một phần không nhỏ trong việc lập lại kỷ cương cho xã hội. Hồi đó có đề tài nào cần sự chính xác khi thể hiện để tuyên truyền trên báo, Toà soạn phân công cho Chí Bắc là những người làm nội dung báo cảm thấy yên tâm bởi sẽ có bài đúng hẹn để lên khuôn in báo, bài sẽ đạt chất lượng về nội dung và sự chính xác.

 

Nhà báo Lê Chí Bắc (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng báo chí dịp 21/6/2008.

 

Có một kỷ niệm đeo đẳng tôi suốt mỗi khi nhớ đến nghề: Số là, như lệ thường đầu tuần là bài của phóng viên nạp về trong thư mục của Toà soạn và tôi là người đọc đầu tiên để chọn ra những bài sử dụng được và phù hợp cho số báo sắp phát hành. Đọc lướt qua thấy một bài phê bình chống tiêu cực một cơ quan văn hoá cấp cơ sở với lời lẽ gay gắt, quy kết bức xúc… xem kỹ thì ra bài của Chí Bắc. Tôi đọc lướt và loại ra không sử dụng… Khi biết được, Chí Bắc bước vào phòng tôi cất giọng nhỏ nhẹ: “Anh ơi! Sao bài em đang mang tính thời sự mà anh không sử dụng vậy?”. Tôi lạnh lùng nói: Chưa thuyết phục. Không đăng. Bắc trình ra nào chứng cứ, nào băng ghi âm. Tôi vẫn gạt phăng: “Không đăng!”. Chí Bắc kiên nhẫn trình bày thêm, rồi bước ra khỏi phòng. Tưởng chuyện đã xong, chiều lại, tôi xuống phòng anh Trịnh Xuân Dũng, lúc này là Phó Tổng biên tập. Anh rót trà mời tôi rồi từ tốn nói: “Chí Bắc có nói không hiểu sao mà bài viết của nó đầy đủ chứng cứ mà Tuấn lại không đăng? Mình thì không can thiệp vào nội dung của Tuấn, vì chắc cũng có lý do nào đó!”. Hình như lúc đó cái tôi của tôi lấn át cả phần trí của mình và lại lớn tiếng: “Tôi chịu trách nhiệm việc này trước Ban Biên tập và tôi không sử dụng bài này nếu còn phân công tôi phụ trách nội dung”. Chuyện cũng qua đi, Chí Bắc gặp tôi vẫn nhỏ nhẹ và đến thứ Hai tuần sau chuẩn bị cho số báo mới, tôi cũng nhận được bài báo cũ không thêm một câu, không cắt bớt một từ, chỉ có khác hơn là tôi nhận bài bằng một tập hồ sơ đủ loại phục vụ cho bài viết. Vẫn nhỏ nhẹ: “Em nộp lại bài này với đầy đủ chứng cứ, mong anh xem lại lần nữa và có trả lời minh bạch cho em biết, bởi em không thể không phê phán một cơ sở văn hoá mà có những hoạt động nhếch nhác, kém văn hoá như vậy”. Tôi kiên nhẫn đọc đi, đọc lại… và tôi cảm nhận mình quá nóng vội nên đã sai. Bài đó rồi được đăng và tôi lại càng xấu hổ hơn khi năm đó dịp 21/6 chính bài viết ấy của Chí Bắc đạt giải báo chí.

 

Sau này khi tôi nghỉ hưu, cứ mỗi lần ghé lại cơ quan đều hỏi thăm Chí Bắc… Hầu như tất cả từ anh phóng viên non choẹt đến lãnh đạo cơ quan đều đánh giá cao về Chí Bắc - Thư ký Toà soạn Báo ảnh Đất Mũi.

 

Nhà báo Lê Chí Bắc (thứ 2 từ phải sang) trong một chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa. 

 

Đọc được trên Facebook của Phạm Hoàng Giám, phóng viên tạp chí Zing, trước đây là phóng viên của Báo ảnh Đất Mũi và là lính của Chí Bắc: “Bao nhiêu kỷ niệm với anh ngày xưa, lúc tôi mới ra trường, vào làm Báo ảnh Đất Mũi ùa về. Tôi đau lắm.

Anh cũng là người chỉ tôi viết tin, chỉ tôi chụp những bức ảnh đầu tiên bằng cái máy compact nhỏ xíu.

Có một lần cơ quan tinh giản biên chế, theo đề án thì cơ quan ít nhất cắt giảm 3-4 phóng viên mới, tôi cũng là người mới. Tôi nhớ hoài anh nói mầy cứ yên tâm, tao thấy mầy thích làm báo, tao sẽ ráng xin Ban Biên tập giữ lại nếu mầy nằm trong số bị tinh giản.

Ngày xưa, dù là sếp nhưng anh không ngại đi cùng với thằng lính mới như tôi. Nhớ những lần nhậu say, tôi còn ói mửa ngay phòng làm việc của anh. Sáng dậy anh chỉ lườm tôi rồi tự quét dọn…”.

 

Chí Bắc là thế! Luôn sẵn sàng giúp đỡ cho đồng nghiệp, luôn nhẹ nhàng thông cảm cho em út. Một thời gian khi là Thư ký Toà soạn, Chí Bắc luôn muốn làm mới tờ báo ảnh, nơi đã làm bước đệm cho anh vào nghề và sống mãi với nghiệp báo. Nội dung, hình thức của tờ báo luôn canh cánh trong tâm tư anh, nhưng đôi lúc lực bất tòng tâm. Cuộc đời là như vậy. Muốn cải tiến thì phải khó khăn trong việc chọn bài, chọn ảnh và chọn đề tài, đây là chuyện nhạy cảm dễ làm mích lòng phóng viên… ai đã kinh qua làm công tác phụ trách nội dung cũng đều hiểu điều này và luôn bị phóng viên gán cho cái cụm từ: Ông già khó tính, lão già khó ưa, gã Thư ký Toà soạn hách dịch… nhưng đây là những “mỹ từ” đáng yêu. Khi Chí Bắc làm Thư ký Toà soạn Báo ảnh Đất Mũi cũng không ngoại lệ. Hãy nghe Nhà báo Tăng Thái Bình, Báo Cà Mau nói về đồng nghiệp trên Facebook của mình như sau: “Vĩnh biệt anh Lê Chí Bắc, một nhà báo tâm huyết với nghề, một người anh, một người sếp giản dị, gần gũi với những đứa em. Những đứa em trong phòng thường hay nói đùa nhau ông Bắc già, người khô khan, khó tánh, nhưng ai nấy đều hiểu anh, như anh thường chia sẻ với em rằng, anh khó vì muốn tốt cho mấy đứa. Và rồi những cuộc nhậu hồi anh còn khoẻ, ông Bắc già ấy vẫn ngồi mài đến sau cùng, rỉ rả tâm sự với mấy đứa em...”.

 

Nhà báo Lê Chí Bắc cùng các đồng nghiệp Báo ảnh Đất Mũi chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, tháng 6/2020. 

 

Vậy đó! Lê Chí Bắc luôn kiên trì trong công việc; hiền lành, khiêm tốn, nhỏ nhẹ… trong giao tiếp với đồng nghiệp. Đây là một ưu điểm của anh và đôi khi tính khí này cũng hạn chế phần nào trong cuộc mưu sinh kiếm tiền để trang trải cho cái gia đình nhỏ của mình. Vợ thì không có việc làm, con thì đang tuổi đi học… đang ở trong ngôi nhà ở xã hội nhỏ bé trong TP Cà Mau sôi động. Nghĩ đến đây, tôi không hình dung được sau này vợ con anh sẽ sống sao khi vắng bóng người chồng, người cha… người luôn được mặc định là trụ cột nuôi sống gia đình…

 

Mới đây thôi! Trước cơn đại dịch Covid-19, tôi có chuyến về thăm lại Cà Mau, nơi tôi gắn bó chẵn 40 năm, nơi tôi sống vui, sống đẹp, sống thỏa thích với nghề báo… Đây cũng là thời gian mà Báo ảnh Đất Mũi đang làm những thủ tục cuối cùng để hợp nhất vào Báo Cà Mau nhằm mục đích phát triển báo chí tỉnh nhà lên tầm hiện đại, đa phương tiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hợp nhất thì có sự phân công lại, những lăn tăn suy nghĩ của lực lượng cán bộ, phóng viên Báo ảnh Đất Mũi không phải là không có, vì là tờ báo mà mình có một thời gian dài tham gia nên không thể không quan tâm. Trong buổi cà phê, như đoán được tâm tư của tôi, người bạn - Tổng Biên tập Báo Cà Mau Nguyễn Chiến nói: “Ban Biên tập Báo Cà Mau luôn đánh giá cao lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo ảnh Đất Mũi và sẽ có sự phân công phù hợp chức năng của từng người. Không bỏ sót một ai cả!”.

Đúng vậy! Chí Bắc được phân công Quyền Trưởng phòng Báo điện tử Báo Cà Mau, một kênh thông tin đang ngày chiếm ưu thế trên mặt trận tuyên truyền…

 

Nhưng rồi căn bệnh gan quái ác đã cướp đi quyền được sống, quyền được thực hiện niềm đam mê của Nhà báo Lê Chí Bắc - nguyên Thư ký Tòa soạn Báo ảnh Đất Mũi - Quyền Trưởng phòng Báo điện tử Báo Cà Mau, một người như được sinh ra để làm nghề báo đã từ trần vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 11/9/2021…

 

Thôi thì cứ ra đi thanh thản nghe Bắc, cuộc đời còn có đồng đội sẽ hoàn thành nốt những dở dang mà Bắc chưa làm được…

 

Huế trong cơn áp thấp nhiệt đới trưa 12/9/2021

Đào Minh Tuấn

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.