Nhà điêu khắc Tô Sanh, sinh năm 1928 tại tỉnh Cà Mau. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Ðông Dương (nay là Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, Hà Nội). Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà điêu khắc Tô Sanh, sinh năm 1928 tại tỉnh Cà Mau. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Ðông Dương (nay là Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, Hà Nội). Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian lao động sáng tạo, bằng cảm hứng từ lòng kính trọng các nhân tài của đất nước, ông đã hoàn thành hơn 300 bức tượng các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà văn hoá, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... như: Bác Hồ, Bác Tôn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trần Ðại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Phạm Xuân Ẩn, Trần Huy Liệu, Lưu Hữu Phước, Ðặng Thái Sơn, Văn Cao, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Phùng Há… Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người điêu khắc chân dung nhiều nhất Việt Nam.
![]() |
Ðiêu khắc gia Tô Sanh tạc tượng trực tiếp cố nghệ sĩ Hồ Kiểng. Hiện nay, Tô Sanh khá yếu, ông không còn làm được công việc mình yêu thích mà chỉ hằng ngày quanh quẩn ở viện dưỡng lão. |
Trong số tác phẩm nghệ thuật của ông, có bức tượng Phan Ngọc Hiển, người thầy giáo yêu nước, người được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai - Cà Mau, quê hương ông. Trong ký ức của Nhà điêu khắc Tô Sanh, Nhà giáo, Nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển rất kiên cường trước mũi súng của thực dân Pháp. Từ sự ngưỡng mộ đó, ông đã hoàn thành bức tượng Phan Ngọc Hiển đặt tại TP Cà Mau.
Ông còn cho biết một kỷ niệm khó quên là, năm 1962, hồi còn ở Hà Nội, ông đến Bộ Quốc phòng tìm gặp Kỹ sư Trần Ðại Nghĩa, người con của Vĩnh Long để xin tạc tượng. Nhưng vì lý do khách quan và sự khiêm tốn của nhà khoa học quân sự nên mãi đến 30 năm sau, khi ông Trần Ðại Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh thì ý tưởng tạc tượng Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Ðại Nghĩa mới được ông thực hiện.
Nặn, đắp hơn 300 bức tượng đã khổ công sáng tạo nghệ thuật, lại còn lo hơn hết là kinh phí. Một khoản tiền khổng lồ, không thể tự nhiên mà có - dù Nhà nước hay Hội Mỹ thuật Việt Nam có trợ giúp nhưng cũng chỉ là một phần trăm, hay một phần ngàn của ông bỏ ra… Tô Sanh gom góp từng đồng để mua vật liệu, ông phải bán nhà để trang trải công nợ. Ông vất vả vì nghệ thuật, vì tôn kính danh nhân, tôn kính tài năng Việt. Ðiều đó giúp chúng ta lý giải vì sao hàng chục năm, Tô Sanh vẫn sống trong ngôi nhà toạ lạc trong con hẻm đường Phan Văn Hân, Bình Thạnh. Nơi ăn chốn ở, cả nơi làm việc đơn sơ, nhưng ông lại dành một phòng to rộng, dài nhất, trang trí sang trọng để bày đầy tượng các danh nhân tài ba xuất chúng.
Cả một gia tài tượng danh nhân của đất nước "hội tụ” ở đấy - một ngôi nhà trí tuệ của ông chứa đựng khối lượng tài sản vô giá. Sinh thời, Nghệ sĩ Minh Ðỉnh - một nhà điêu khắc - sành nặn tượng chân dung theo chủ nghĩa cổ điển (từng nặn tượng Nhà thơ Quang Dũng, Nhà viết kịch Tào Mạt) một lần vô thăm phòng tượng của Tô Sanh đã nói: “… cứ hoàn thành mỗi tượng chân dung, trị giá 1.000 USD (vào thời điểm năm 2003), như vậy, bộ chân dung 300 nhân vật của Tô Sanh có thể định giá 300.000 USD”.
Nhưng Tô Sanh đâu có bán, nay ở tuổi ngoại bát tuần, Nhà điêu khắc Tô Sanh chỉ ao ước những pho tượng trên có nơi trưng bày để xứng đáng với tầm danh nhân và công sức của nhà điêu khắc lão thành đã đầu tư. Ước ao ấy của lão nghệ sĩ liệu có thành hiện thực? Có lẽ phải nhờ Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nơi nghệ sĩ đang sinh hoạt và Hội Mỹ thuật Việt Nam, các nhà hảo tâm, những người yêu nghệ thuật, mến mộ danh nhân giúp sức./.
Lê Hồng Thiện