ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 25-3-25 09:49:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhà văn Anh Động: Người “chắp cánh”truyện cười bác Ba Phi

Báo Cà Mau Bác Ba Phi tên thật là Trần Long Phi, sinh năm 1884, tại Đồng Tháp, thời loạn lạc ông chạy về phía rừng U Minh để mưu sinh và mất vào ngày 3/11/1964 trên quê hương thứ 2 này tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Nơi đây hiện đã trở thành Khu Di tích Nghệ nhân dân gian Trần Long Phi, tức bác Ba Phi. Tên tuổi của ông gắn liền với biết bao giai thoại và trở thành biểu tượng lạc quan, niềm tự hào của vùng đất U Minh.

Bác Ba Phi tên thật là Trần Long Phi, sinh năm 1884, tại Đồng Tháp, thời loạn lạc ông chạy về phía rừng U Minh để mưu sinh và mất vào ngày  3/11/1964 trên quê hương thứ 2 này tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Nơi đây hiện đã trở thành Khu Di tích Nghệ nhân dân gian Trần Long Phi, tức bác Ba Phi. Tên tuổi của ông gắn liền với biết bao giai thoại và trở thành biểu tượng lạc quan, niềm tự hào của vùng đất U Minh.

Bác Ba Phi có biệt tài kể chuyện, không phải bác kể lại chuyện đời xưa, mà bác “tức cảnh thành lời”, nghĩa là khi có gợi ý, sự đề cập, khơi màu là bác có ngay câu chuyện về đề tài đó. Có người nhận xét: Bác Ba Phi nói dóc tài tình! Thật ra bác không nói dóc mà là phóng đại, nhân lên tới mức trào lộng từ những chuyện bình thường trở thành khác thường rồi “ngoa dụ” đến phi thường, nghe là cười vì sự cắc cớ, bất ngờ lại rất có duyên. Một điều khác biệt của truyện cười bác Ba Phi là không mang tính chỉ trích, mỉa mai, dè bĩu, lên án hay đả phá, mà tiếng cười trong truyện bác Ba Phi rất vô tư, hào sảng.

Nhà văn Anh Động bên góc sân vườn nhà.

Nhân vật trong truyện cười của bác là những động, thực vật trong rừng U Minh: cọp, hươu, nai, chồn, trăn, rùa, rắn, ếch, nhái, tràm, tre, dừa, mây, choại… cộng với bối cảnh và con người U Minh, bác Ba đã đưa những cái vô lý thành có lý để… cười. Những câu chuyện còn phản ảnh không gian sống của bác vừa trù phú về sản vật, vừa đầy ắp tình yêu thương giữa người và người, người với thiên nhiên, qua đó cho chúng ta hình dung sự thích nghi và cách đấu tranh sinh tồn của con người ở nơi hoang sơ để khai khẩn, định hình cộng đồng xã hội, đất rừng U Minh là nơi bác Ba đã gắn bó cả cuộc đời.

Những người tâm huyết 

Trong kháng chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nông thôn có năng khiếu kể chuyện thế nào cũng “lận lưng” vài mẩu chuyện bác Ba Phi. Riêng các anh bộ đội đi qua những xóm làng, góp nhặt từ thực tiễn nên “dựng” thêm rồi gắn cho nó cái “mác” Ba Phi, thế là nó được lan toả, tạo tiếng cười sảng khoái, lạc quan khắp nơi.

Những “phiên bản” mới không ảnh hưởng gì đến cốt cách truyện cười bác Ba Phi mà còn làm phong phú cho kho tàng văn hoá dân gian quý báu ở vùng đất Cà Mau nói riêng và Nam Bộ nói chung. Nhà văn Anh Ðộng, tác giả Mỹ Hồng, Nhà báo Phan Anh Tuấn, Huỳnh Biên Cương, đồng chí cán bộ tuyên huấn Giang Văn Giang cùng rất nhiều “tác giả” không tên khác ở vùng giải phóng các tỉnh Tây Nam Bộ họ đã tập hợp từ nhiều nguồn, trong đó không loại trừ những truyện tiếu lâm được dân gian truyền khẩu rồi “Ba Phi hoá”. Vì vậy, họ có công đóng góp để làm giàu vốn quý ban đầu này. Riêng Nhà văn Anh Ðộng đã đầu tư khá công phu để viết thêm truyện mới, sưu tầm từ nhiều nguồn để in sách, viết kịch bản phim về đề tài bác Ba Phi.

Ông có thời gian sống và chiến đấu ở Cà Mau trên 15 năm nên truyện bác Ba Phi cũng đã ngấm vào máu thịt của ông. Những lần đi công tác đường xa, anh em thường kể cho nhau nghe truyện cười bác Ba Phi để quên đi mệt nhọc, thiếu thốn, hiểm nguy…, ông tích luỹ dần dần trong trí nhớ từng mẩu chuyện. Lúc này chưa ai ghi chép, chỉ truyền khẩu.

Truyền khẩu chính là "môi trường sống" của truyện cười bác Ba Phi, là món ăn tinh thần của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta ở các vùng giải phóng. Những năm công tác ở Tuyên huấn tỉnh, phụ trách việc chép tin đọc chậm trên Ðài Tiếng nói Việt Nam, viết bài cổ động để phát loa, hay ghi chép lại các trận đánh… đó là giai đoạn chập chững vào nghề viết lách của ông. Thời gian học ở trường viết văn Khu Tây Nam Bộ, ông có điều kiện đọc sách nhiều, nghiên cứu thêm văn hoá dân gian các vùng, miền, ngụ ngôn của các nước, ông suy nghĩ: nếu ngày xưa không ai ghi lại thì làm sao mình có sách mà đọc như hôm nay, nghĩ thế, ông nuôi ý tưởng viết truyện bác Ba Phi.

Trước khi bắt tay vào công việc viết mới, ông nghiên cứu kỹ, sâu sắc, khám phá nét đặc thù trong thế giới nhân vật của bác Ba Phi, ông thấy nó chuyển động và sinh tồn tự nhiên. Bác Ba không “nhân cách hoá” chúng như truyện ngụ ngôn mà bác khoác cho chúng dạng mới, tính cách mới, hành động mới, bắt nó chuyên chở cái ngộ nghĩnh, lém lĩnh, trừu tượng của ông. Anh Ðộng đã nhìn thấu cốt cách này và ghi nhận một cách tinh tế. Ông tập hợp những câu chuyện “gốc” rồi tiếp tục sáng tác những câu chuyện mới nhưng không tách rời cốt cách Ba Phi, nên anh giữ được cái đời thường trong truyện bác Ba Phi, không sắc sảo trong tranh luận, không đáo để trong ứng xử, đối phó mà nó va chạm nhau tếu táo, ngớ ngẩn, ngây ngô gây cho thiên hạ tiếng cười thoải mái, cười nôn ruột… rồi thôi, không đọng lại nỗi niềm chua chát, thất vọng hay hằn hộc. Nụ cười đó mới thật sự ngang bằng với “mười thang thuốc bổ”.

Người “chắp cánh” cho truyện cười bác Ba Phi

Quá trình tập hợp, sáng tác cũng ngót chục năm, lần đầu tiên truyện bác Ba Phi của Anh Ðộng được lên mặt báo dịp Xuân năm 1976 trên tờ Văn nghệ Sài Gòn, đó là câu chuyện “Con heo đi cày”. Sau đó ông bổ sung dần dần về số lượng mẩu chuyện, đến tháng 3/1977 đã hoàn thành cuốn sách với tựa đề “Truyện vui bác Ba Phi” do Hoạ sĩ Minh Trí vẽ bìa, nhà xuất bản thuộc Ty Thông tin tỉnh Minh Hải ấn hành. Sau đó các nhà xuất bản: Kim Ðồng, Sông Bé, Ðồng Nai, Ðà Nẵng, Thanh Hoá, Thanh Niên, Thời Ðại… phát hành “Truyện vui bác Ba Phi” của Anh Ðộng ở các dạng truyện tranh, rút ngắn thành tờ gấp, sách bỏ túi. Hàng trăm ngàn trang in và tranh vẽ được phát hành nên truyện bác Ba Phi ngày càng được nhiều người biết đến, nhiều ấn phẩm đã tái bản đến lần thứ 5, thứ 6. Như vậy, Nhà văn Anh Ðộng là người “phát pháo” đưa truyện truyền khẩu thành văn xuôi cách đây gần 40 năm.

Anh Ðộng và những người nghiên cứu, sáng tác truyện cười bác Ba Phi đều có chung nhận định: Tác phẩm của nhà văn, nhà thơ lớn là của riêng tác giả đó, còn truyện bác Ba Phi nếu ai nắm vững yếu tố cơ bản về cách tiếu lâm của ông thì bắt chước được ngay. Vì vậy, chúng ta có thể xem bác Ba Phi là người sáng lập ra 1 trường phái trào phúng đặc trưng Nam Bộ!

Trong kháng chiến, truyện cười bác Ba Phi không quanh quẩn ở cái nôi rừng tràm mà còn được kể khắp chiến trường Nam Bộ và theo dấu chân những người vượt Trường Sơn bay đến tận miền Bắc. Truyện bác Ba Phi truyền tới đâu là bám chặt tới đó, từ “gốc rễ” ban đầu, ngày qua ngày nó “đâm chồi nẩy lộc” đến vài trăm phiên bản dưới tên gọi “Con cháu bác Ba Phi kể chuyện”.

Năm 2014, Nhà văn Anh Ðộng vừa hoàn thành kịch bản văn học phim “Chuyện Ba Phi” được hãng phim truyền hình TFS đặt hàng. Ông cho biết phim bác Ba Phi được thực hiện theo kết cấu “chương, hồi” và tác giả Mỹ Hồng (vợ Nhà văn Anh Ðộng) đang viết cuốn tiểu thuyết về bác Ba Phi dựa theo cuốn sách “Truyện cười bác Ba Phi” của Anh Ðộng. Ðây là các tác phẩm tiếp theo những trang in được thoát thai từ các câu chuyện nhỏ của lớp hậu duệ bác Ba Phi đã dầy công sưu tầm, tập hợp, sáng tác để sau này giai thoại Ba Phi không bị mai một, lãng quên.

Truyện cười bác Ba Phi ngày xưa chỉ được truyền khẩu nên nó còn tuỳ thuộc vào khả năng diễn đạt, cách dùng ngôn ngữ và năng khiếu hài hước của từng người, vì vậy yếu tố hay, dở phụ thuộc vào người kể. Truyền khẩu cũng dễ “tam sao thất bản” nên rất cần việc sưu tầm, tập hợp và “văn bản hoá” có hệ thống và đầy đủ, bởi nó được hình thành từ người thật việc thật chứ không mang tính huyền thoại, truyền thuyết. Ðó là một phần lịch sử khẩn hoang của vùng đất U Minh xưa, vì vậy cần phải được giữ gìn, trân trọng./.

Bài và ảnh: Ngọc Diễm

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.

Thêm hiện vật quý thời chống Pháp

Vừa qua, trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Cà Mau vinh dự được tiếp nhận một số hiện vật vô cùng quý giá, gồm 47 hình ảnh và 11 hiện vật liên quan đến 2 nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, là Trần Văn Đại (Bí thư Tỉnh uỷ 1939-1940) và Trần Văn Thời (Bí thư Tỉnh uỷ 1940-1941). Toàn bộ số hiện vật này được ông Trần Hoà Bình, con trai của ông Trần Văn Đại (Tám Đại) hiến tặng.

Ba ông già tuổi tỵ

Ðó là ba ông già cùng làm ở Xưởng Quân giới (XQG) Cà Mau thời kháng chiến chống Mỹ. Nói về XQG này thì những người cùng thời, tham gia kháng chiến ở Cà Mau, hầu như ai cũng biết. Họ hay gọi là xưởng ông Ba Thợ Rèn (thường gọi là Ba Lò Rèn), vì ông Ba Thợ Rèn (Nguyễn Trung Thành) là người chịu trách nhiệm lập xưởng (đầu năm 1960) và rất nổi tiếng với việc sản xuất đạn pháo lăn-xà-bom, được tuyên dương anh hùng ngay đợt đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ (năm 1965); xưởng cũng hai lần được tuyên dương anh hùng.

Đi B

Nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Thể nằm trên đường Hoàng Diệu, Phường 2, TP Cà Mau. Gian trước dành một khoảng khiêm tốn làm phòng mạch, thỉnh thoảng có vài bệnh nhân quen tới khám. Kế trong là bàn tiếp khách. Khắp phòng treo khá nhiều tranh ảnh nghệ thuật. Một cây đàn trên giá. Khi không có bệnh nhân thì ông thường ôm đàn, phong cách rất nghệ sĩ, và ông cũng thích giao du với giới văn nghệ sĩ Cà Mau.