(CMO) Vài năm trở lại đây, cái tên Sỹ Nhâm dần trở nên quen thuộc với người yêu nhạc ở Cà Mau. Nhạc sĩ Hoàng Bửu đánh giá, Sỹ Nhâm là một trong số ít những tác giả trẻ có nhiều nội lực, cá tính.
Nhạc sĩ Sỹ Nhâm. |
Sỹ Nhâm đang dần định hình một phong cách sáng tác riêng, mà trong đó, đất và người Cà Mau trở thành nguồn cảm hứng vô tận. Nụ cười tươi, ánh mắt buồn xa xăm, người ta cảm thấy ở chàng nhạc sĩ trẻ có điều gì đó thật gần gũi, tin cậy và lãng mạn. Những nhạc phẩm của Sỹ Nhâm cũng vậy, da diết cảm xúc, tinh tế trong giai điệu và cứ hút lấy người nghe.
Sỹ Nhâm thuộc thế hệ đầu 8X, quê Hà Tĩnh. Anh vô Cà Mau năm 1999 và bắt đầu đi học trung cấp sư phạm. Nghĩa là khi “chân ướt chân ráo” tới Cà Mau, Sỹ Nhâm cũng chưa có “nốt nhạc” nào để “lận lưng”. Chàng trai xứ miền Trung hiền lành, bẽn lẽn bắt đầu làm quen với vùng đất mới, nơi mà sau này anh khẳng định “cũng là quê hương của mình”.
Sỹ Nhâm kể: “Ở Cà Mau, tôi bắt đầu nghe những bài nhạc của các nhạc sĩ lớp trước, rồi ngẩn ngơ với câu hát ru em man mác trong những buổi trưa. Cứ vậy chất dân ca Nam Bộ cứ ngấm dần. Thỉnh thoảng lại nhẩm hát lại những gì nghe được”.
Sỹ Nhâm bình thường rất hiền, kiệm lời, nhưng khi được hát, được dạo đàn, anh hình như trở thành một con người khác. Điều này được nhạc sĩ trẻ tâm sự: “Tôi có máu văn nghệ từ nhỏ, tự mò mẫm học thôi, rồi tham gia các buổi liên hoan, sinh nhật, tiệc tùng. Được đàn hát là vui rồi, khả năng tới đâu mình thể hiện hết mình tới đó”.
Tốt nghiệp khoá trung cấp sư phạm, một thông tin khiến Sỹ Nhâm hết sức lo lắng: Chỉ tiêu giáo viên đã đủ. Thời điểm ấy, có hai lựa chọn cho những người vừa tốt nghiệp như Sỹ Nhâm: một là thất nghiệp, hai là thi học tiếp một bộ môn năng khiếu để được đứng trên bục giảng. Sỹ Nhâm thi lớp âm nhạc, đậu luôn thủ khoa.
Một năm trung cấp âm nhạc, chàng thanh niên đã bắt đầu nghiêm túc hơn với bộ môn nghệ thuật này, những bản thảo sáng tác đầu tiên cũng được hình thành trong giai đoạn này.
“Cái gì mới cũng khó, mình mới học vỡ lòng thì sáng tác sao được, nhưng mình cứ nghĩ trong đầu, tới lúc nào đó bản thân sẽ có những nhạc phẩm của riêng mình”, Sỹ Nhâm bồi hồi nhớ lại.
Chính từ quyết tâm và niềm đam mê lớn với âm nhạc, Sỹ Nhâm tiếp tục theo học lớp Đại học Sư phạm âm nhạc - đây là cột mốc quyết định cuộc đời của anh: Theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Anh nhớ hoài: “Thầy Võ Văn Yên đã hỗ trợ, động viên tôi rất nhiều. Tôi bắt đầu với âm nhạc ở Cà Mau, trưởng thành hơn cũng nhờ ơn đất và người Cà Mau”. Trong cái háo hức, bỡ ngỡ và cả sự kiêu hãnh của tuổi trẻ, các nhạc phẩm Giọt mưa xuân, Hãy về quê em… ra đời. Những nhạc phẩm đầu tay được công chúng đón nhận và đoạt giải thưởng của tỉnh càng khiến Sỹ Nhâm có động lực phấn đấu.
Trong suy nghĩ của Sỹ Nhâm, anh còn nợ đất và người Cà Mau nhiều lắm. Những nhạc phẩm của anh, dù lúc mới vào nghề hay về sau này, đều chỉ với một chủ đề lớn: Ca ngợi đất và người quê hương Đất Mũi. Sỹ Nhâm chịu khó học hỏi ở các bậc tiền bối, chịu khó đi để dung nạp thêm những cơ tầng văn hoá của vùng đất Cà Mau.
Với anh, “những câu hát ru, những bài đồng dao, những bài vọng cổ, những điệu hò… Tất cả đều là chất liệu và gợi ý quý giá trong âm nhạc”. Mỗi ca khúc ra đời, Sỹ Nhâm đều cẩn thận tham khảo ý kiến của các nhạc sĩ uy tín, hiểu biết. Anh nói: “Sáng tạo cần cá tính của bản thân, nhưng sáng tạo cũng cần phải được thẩm định, hoàn chỉnh. Nhạc sĩ trẻ như tôi có khiêm tốn, có cầu thị thì mới mong thành công được”.
Sỹ Nhâm hiện tại đảm nhiệm nhiều vai trò ở Tỉnh đoàn Cà Mau và Phân hội Âm nhạc tỉnh nhà. Nhìn anh say sưa truyền thụ niềm đam mê âm nhạc cho các em, chúng tôi càng bội phần cảm phục. Với anh, âm nhạc có thể làm cho cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn, hay may mắn hơn, Cà Mau sẽ tìm thấy những tài năng âm nhạc mới. “Dạy âm nhạc cho các em, tôi lại thấy mình càng phải hết lòng, hết tâm với âm nhạc Cà Mau”. Bận rộn là vậy, nhưng sức sáng tác của Sỹ Nhâm cũng thật đáng nể, anh cho biết: “Lúc cảm hứng tới rồi, có khi đang chạy xe mình cũng nhẩm lên giai điệu. Về tới nhà, mình ngồi vào bàn sáng tác ngay lập tức”. Với nhạc sĩ trẻ: “Sáng tác khó mà gò ép được, bởi vì có cố gắng thì thành quả cũng không như mình mong muốn”.
Nói là nói vậy, nhưng Sỹ Nhâm ý thức rất rõ trọng trách của người nhạc sĩ. Anh đi, quan sát, sống chan hoà với cuộc đời, tấm lòng rộng mở và trái tim đầy rung cảm, từ những điều bình dị ấy, cảm hứng, giai điệu và ca từ đến với anh như một lẽ tự nhiên.
Sỹ Nhâm bảo rằng: “Cà Mau đã ngấm vào máu thịt, đã trở thành hồn cốt trong âm nhạc của anh”. Âm nhạc của Sỹ Nhâm được đánh giá là giàu chất liệu dân ca Nam Bộ, bởi vậy nghe nhạc anh, người ta cứ tưởng anh là nhạc sĩ “rặt Nam Bộ”. Anh lấy đó làm điều rất đáng tự hào, bởi đơn giản, với anh được ngợi ca về Cà Mau đã là một hạnh phúc.
Sỹ Nhâm tiết lộ: “Có hai nhạc phẩm tôi ưng ý nhất, đó là bài Niềm tin của Người - viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nữ Kiện tướng anh hùng - viết về Nữ kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân”. Nhiều nhạc sĩ, khi nghe hai nhạc phẩm này, đều gật gù: “Sỹ Nhâm thành dân Cà Mau thứ thiệt rồi”.
Sỹ Nhâm kể: “Có lần tôi đọc được bài thơ Có phải mùa thu của Nhà thơ Huỳnh Thuý Kiều, thấy hay quá, vậy là xin số điện thoại, hỏi ý kiến chị cho phổ nhạc và nhạc phẩm cùng tên ra đời”. Hay một lần ngồi nhớ quê “đứt từng đoạn ruột”, anh sáng tác bài Hà Tĩnh nhớ (thơ Đường Dũng Tiến), anh tự hát và hoà nước mắt vào chiều Cà Mau. Bài hát về Hà Tĩnh của Sỹ Nhâm đong đầy những giai điệu, âm hưởng dân ca Nghệ - Tĩnh. Bài hát cất lên luyến láy, thiết tha và sâu nặng làm cho người nghe thổn thức cõi lòng. Nghe âm nhạc của Sỹ Nhâm, nhất là những người xa quê, thường thấy lồng ngực mình nhoi nhói, trong sâu thẳm tâm hồn có gì đó chới với và khao khát.
Nhạc sĩ trẻ đã có định hướng rõ ràng cho mình: “Âm nhạc của tôi sẽ dành trọn cho quê hương, đất nước. Chất liệu âm nhạc truyền thống sẽ đóng vai trò lớn trong các sáng tác ấy”. Tuy nhiên, nhạc sĩ trẻ cũng khẳng định sẽ tiếp tục thể nghiệm ở nhiều đề tài, chất liệu để có những nhạc phẩm mới chất lượng phục vụ công chúng. Sống hết mình với đời, hết mình với âm nhạc, Sỹ Nhâm đang trên hành trình và tháng năm tươi đẹp nhất…/.
Phạm Nguyên