ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:59:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhịp đập trái tim

Báo Cà Mau (CMO) Lần nào đi học về ngang nhà ông Năm Hiển, con Muội cũng ngó vào vườn xoài của ổng. Hễ thấy nhánh xoài nào gie ra, con Muội đều tìm cách hái cho bằng được.

Mấy bữa nó bị ông Năm Hiển rượt chạy xoắn khói, ổng còn chắp tay sau đít qua nhà mắng vốn ba con Muội mấy lần mà nó chứng nào tật nấy. Sau hôm ông Năm Hiển qua nhà mắng vốn, nó núp trong buồng ngó đầu ra hậm hực. Nó dắt tay tôi đi xồng xộc “ăn không được thì phá cho hôi”. Bữa đi học về nó kéo tôi lại, rồi quăng cặp xuống đất. Nó khom người giựt chiếc dép của tôi rồi ném lên trái xoài. Trái xoài chẳng có chút động tĩnh nào mà chiếc dép của tôi đã nằm gọn trên nhánh xoài ngắm trời trăng mây nước. Tôi nhìn nó hốt hoảng:

- Má tao mà biết được, bả đánh tao chết.

Con Muội chẳng một chút thương tiếc, nó lấy chiếc dép còn lại của tôi ném lên trái xoài. Cú ném lần này khá hơn lần trước, dù gì chiếc dép cũng đụng trúng trái xoài mà trái xoài cứ đung đưa trong gió như thể “phủi bụi”. Chiếc dép của tôi may mắn không nằm trên cây xoài nhưng nó lại rơi vào bên trong hàng rào nhà ông Năm Hiển. Tôi nhìn xuống đôi chân trống trải của mình lo lắng:

- Má tao đánh tao chết. Còn có một chiếc dép mà mày cũng không tha.

Con Muội nhìn tôi dửng dưng:

- Chiếc kia nằm trên cây rồi, còn một chiếc mày giữ làm giống ôn gì.

Con chó nhà ông năm Hiển sủa inh ỏi khi thấy chúng tôi đứng lảng vảng phía ngoài. Ông Năm Hiển cầm cây roi ra trước nhà, chúng tôi đành ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Lúc chạy con Muội còn nói với theo: “Ngày mai lại chỗ cũ, kiếm đá chọi lên nha”.

Thằng Còi mang đôi dép trả lại cho tôi. Ba biểu tôi cúi xuống bộ vạc đánh cho năm cây vì cái tội phá phách. Vừa đánh ba vừa nói: “Nhà có để cho mày thiếu thốn thứ gì không hả”. Tôi khóc rống lên nhìn về phía má cầu cứu. Má nhìn tôi mà tay không ngừng vo gạo: “Đánh có oan ức gì không mà mày khóc”.

Bữa đó cái mông của tôi sưng vù mà con Muội cứ bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Bà con trong xóm nói, bà mụ nặn nhầm con Muội chứ cốt nó là con trai. Tụi con trai trong xóm Rọ Ghe không ai khỉ khọt bằng nó, lúc ở trường nó cũng chỉ toàn chơi với đám con trai trong lớp. Nó còn bày cho tụi bạn những trò nghịch dại không đâu vào đâu. Tên con Muội luôn đứng đầu danh sách những học sinh “tiêu biểu” vào mỗi sáng thứ Hai. Má con Muội đành bỏ lại mớ lời cho thầy giáo chủ nhiệm sau mấy lần xách nón đi lại trường: “Tui giao nó lại cho thầy, thầy muốn phạt thế nào tuỳ thầy”. Má tôi nói, sau này không biết ai dám làm chồng con Muội. Mà tôi nghĩ cũng đúng, đứa yếu cơ thế nào cũng nhừ tử với nó. Hôm học thể dục, nó cầm đầu tụi con trai sang lớp 5 đòi lại “địa bàn” ngoài khu đất trống. Có mấy đứa trong trường còn tôn nó làm đại ca vì cái tính “nghĩa hiệp” của nó.

Minh hoạ:  M. Tấn

Tôi luôn bị nó dắt mũi vào mấy chuyện không đâu mà chẳng khi nào ngăn nó lại được. Sau cái vụ ném xoài, ông Năm Hiển cứ canh ngay giờ ra về của tụi tôi để ra ngó mấy cây xoài trong vườn. Con Muội đi ngang liếc mắt vào, mấy trái xoài cứ đung đưa như khiêu khích nó. Thằng Còi lén ba nó hái mang theo mấy trái cho con Muội. Vừa ăn, con Muội vừa vỗ vai thằng Còi:

- Bữa nào ba mày đi công chuyện mày cho tụi tao hay để qua đó hái rồi ăn tại gốc mới đúng điệu.

Thằng Còi nhìn con Muội lắc đầu mà chẳng dám hé nửa lời.

Con Muội làm lơ với thằng Còi từ cái bữa ba nó mua cho nó cái xe đạp mới toang. Sự trên lớp “đẳng cấp” cũng bắt đầu rõ hơn. Dù biết thằng Còi không hề khoe khoang hay nghênh mặt gì nhưng con Muội vẫn cứ làm mặt lạ. Nó lôi tôi đi xồng xộc trong khi thằng Còi dắt bộ chiếc xe đạp theo sau.

- Tự nhiên tụi mày làm mặt lạ với tao vậy?

- Ủa, có xe mới thì chạy về đi, để tụi tao đi bộ về - Con Muội ngó lơ.

Thằng Còi dựng xe, kéo tôi với con Muội lại:

- Tụi mình lên xe về chung đi.

Con Muội đưa mắt nhìn chiếc xe. Nó gật đầu cái rụp. Con Muội cầm lái, thằng Còi ngồi phía sau còn tôi ngồi trên cổ xe. Tôi ngồi trên cổ xe run như cầy sấy.

- Mày thả tao xuống để tao đi bộ về.

Con Muội nạt ngang:

- Đồ thứ nhát như thỏ đế.

Chiếc xe loạng choạng mấy vòng rồi cũng đáp xuống... mương nước. Ba đứa tôi ngã nhào xuống nước, cặp sách bềnh bồng như mấy khóm lục bình trôi trên sông. Chiếc xe bị cong vành, gãy cái chuông. Tôi thì bị trầy ở lưng, con Muội trầy ở tay, còn thằng Còi bị trầy ở chân. Thằng Còi mếu máo lúc chúng tôi phơi tập vở trên tảng đá:

- Về nhà ba tao đánh tao chết mất.

Con Muội lắc đầu:

- Có bao nhiêu đó mà không chịu được rồi.

Tôi ngồi thổi vào mấy vết thương của mình. Không biết thằng Còi với con Muội có bị gì không chứ tôi đã hình dung ra được kết cuộc của mình. Cây roi mây ba vắt trên vách nhà sẵn sàng chạm vào mông tôi bất cứ lúc nào. Tôi với con Muội núp trong bụi lùm gần nhà thằng Còi lúc nó dắt cái xe tan nát vào nhà. Má thằng Còi nhìn nó hốt hoảng. Ông Năm Hiển nhìn nó giận dữ. Cái lý do nó chạy xe không cẩn thận tự ngã xuống mương mà con Muội bày cho nó đâu có qua mặt được ông Năm Hiển. Ba nó xách cây roi ra là nó đã khóc bù lu bù loa mà khai sạch hết mọi thứ. Con Muội đứng trong bụi lùm đưa tay ngắt bụi cỏ, nghiến răng kèo kẹo:

- Hèn gì đâu. Đã hứa là không được tiết lộ nửa lời rồi.

***

Ba thằng Còi tháo cái yên sau của cái xe ra. Ba nó cấm tuyệt đối không cho tụi tôi đụng vào chiếc xe. Bữa sau khi đi học, đứa nào cũng ê ẩm mình mẩy vì mấy vết thương trên người. Tôi là đứa được ba “chăm sóc” kỹ nhất, cho nên lúc ngồi học tôi cứ nhổm lên nhổm xuống trông rất mắc cười.

Tan học. Thằng Còi vẫn đợi chúng tôi ở chỗ cũ, nhác thấy chúng tôi nó đã vẫy tay lia lịa. Chắc nó sợ chúng tôi làm mặt lạ với nó. Không biết có phải vì còn đau hay bữa thấy thằng Còi bị đánh tội nghiệp mà con Muội chẳng có chút giận lẫy nào. Ba đứa chúng tôi cứ thế mà lội bộ về nhà. Lúc đi ngang chỗ té xe hôm qua, con Muội lấy chân giậm giậm thật mạnh vào đất:

- Tại mày mà tụi tao bị đánh nè.

Tôi với thằng Còi bật cười vì cái tướng giậm chân như con lăng quăng của nó. Tưởng như chúng tôi cứ thế mà thong thả về nhà nhưng con Muội lại kêu tụi tôi đứng lại để nó bắt đầu đưa ra những “phát kiến” của mình. Con Muội leo lên chiếc xe đạp, còn tôi và thằng Còi mỗi đứa đứng một bên gác chân của chiếc xe đạp. Thằng Còi khoác vai tôi cứng ngắt, miệng nó không ngừng hỏi:

- Nhắm có được không mậy?

Tôi nhìn thằng Còi lo lắng.

- Lỡ mà giống hôm qua nữa là bỏ nhà đi bụi luôn.

Con Muội chẳng mảy may đến mấy lời nói của hai đứa tôi. Nó cứ bắt trớn đạp xe lao về phía trước. Cái xe cứ ngã nghiêng từ bên này sang bên kia. Tôi và thằng Còi nhảy xuống không biết bao nhiêu lần để vịn cái xe lại. Mà con Muội đâu có chịu khuất phục, nó cứ cong người mà đạp. Hành trình trở về nhà của ba đứa chúng tôi kết thúc lúc ba thằng Còi đứng chắp tay sau đít chờ sẵn phía trước. Thằng Còi cứ vỗ vào vai con Muội liên tục “ba tao, ba tao”. Con Muội dựng xe. Nó bước đi te te về phía trước như chưa từng có chuyện gì xảy ra, như thể ba thằng Còi là một người xa lạ. Sau một hồi lưỡng lự, tôi cũng rón rén đi theo con Muội về nhà. Hai đứa tôi bỏ lại thằng Còi đứng gục mặt ở phía sau. Thằng Còi đạp xe qua mặt chúng tôi, nó cứ nhướng nhướng con mắt ra hiệu cho chúng tôi tập trung ở chỗ cũ. Cái ám hiệu chỉ có ba đứa chúng tôi hiểu mà chẳng một ai khác biết đến.

***

Tôi đành thất hứa với con Muội và thằng Còi ở chỗ hẹn. Ba biểu tôi canh mấy con trâu ăn cỏ, chiều lại lùa nó vào chuồng. Cánh đồng lúa mênh mông với những cánh cò trắng bay trên nền trời xanh biếc. Tôi ngồi nhìn mấy con trâu ục ịch mà tiếc hùi hụi lúc theo con Muội với thằng Còi đi câu cá, đào trộm khoai nhà chú Ba đem về vùi trong rơm để nướng. Từ đằng xa tôi đã nghe tiếng con Muội hát, nó ngậm cọng cỏ mần trầu đi hiên ngang như một tay anh chị. Thằng Còi lầm lũi bước theo sau như thằng đàn em theo hầu. Tôi nở nụ cười về phía tụi nó:

- Sao tụi mày biết tao ở đây?

- Ở cái xóm Rọ Ghe này, tao muốn biết cái gì mà không được? - Con Muội vênh mặt.

Sau một hồi ngắm trời trăng mây nước, con Muội lại ngứa ngáy trong người. Nó rủ tụi tôi cưỡi trâu đua với nhau. Thằng Còi do dự:

- Được không mậy. Té lòi bản họng đó.

Con Muội khoác vai tôi, nghinh mặt về phía thằng Còi:

- Bỏ cái thói con nhà giàu đó đi. Ở ruộng mà không biết cưỡi trâu, mấy đứa trên thị xã biết được, tụi nó cười cho thúi mặt.

Tôi với con Muội đứng phía dưới hì hục bợ cho thằng Còi leo lên lưng trâu. Khi con Muội thấy tôi và thằng Còi đã ngồi chễm chệ trên lưng trâu, nó bắt trớn từ đằng xa nhảy lên lưng con trâu. Con trâu giật mình vì cú nhảy của con Muội, cứ loạng choạng mãi mới chịu đứng yên lại. Con Muội biểu chúng tôi quất vào con trâu cho nó thi chạy đua với nhau. Tôi và thằng Còi nhìn nhau lắc đầu.

- Mày không thấy bữa con trâu điên nhà chú ba nó quậy tanh bành cái xóm sao? - Tôi lên giọng.

Thằng Còi cũng mệt mỏi với mấy cái ý kiến của con Muội, nó đung đưa hai cái chân trên lưng trâu.

- Đừng có tạo nét, coi chừng tét não đó mày ơi.

Vậy là con Muội bỏ ý định đua trâu. Ba đứa chúng tôi cưỡi trâu nhẹ nhàng đi trên bờ đê. Con Muội đổ câu vọng cổ dài thòng mà chẳng ăn nhập vào đâu. Thằng Còi ngước mặt lên nền trên xanh biếc:

- Sau này tao sẽ lái máy bay.

Nghe thằng Còi nói, con Muội trề môi... cả thước. Mấy ngọn khói cơm chiều giăng đầy cả một khoảng trời quê. Đi được một đỗi đường con Muội đâm ra chán, nó nhảy tót xuống đất với tay hái mấy trái bình bát chín bên đường. Tôi với con Muội đỡ thằng Còi xuống khỏi lưng trâu. Chúng tôi chia nhau mấy trái bình bát rồi ngồi ăn trên bụi cỏ gần hố bom. 

Ăn xong, ba đứa chúng tôi nằm sõng soài trên cỏ. Mấy con chim trên cành lâu lâu lại cất tiếng hót líu lo, chiều bình yên đến lạ.

 ***

Tôi với con Muội đứng nép trong bụi cỏ trước nhà thằng Còi. Người ta nói, hôm nay thằng Còi xuất viện. Mấy bữa vắng thằng Còi, tôi với con Muội cứ vào ra như gà mắc dây thun, đụng vào đâu cũng thấy chán chường. Chiếc đò cập bến, ba thằng Còi cõng nó lên bờ. Nhác thấy bóng dáng của tôi thập thò trong bụi rậm, ông Năm Hiển ngoắc tay ra hiệu cho chúng tôi vào nhà. Cái cổng rào mở ra, tôi với con Muội rón rén bước vào. Thằng Còi nhìn tụi tôi nở nụ cười tươi rói, cứ như thuốc men, kim chích chẳng có ăn nhằm gì với nó. Ba má tôi với ba má con Muội cũng qua nhà thăm nó. Ông Năm Hiển đem ra mấy trái xoài đưa về phía chúng tôi.

- Xoài chín cây, ngon lắm đó mấy đứa.

Tôi với con Muội đứng thừ người ra. Ông Năm Hiển dúi mấy trái xoài vào tay tôi với con Muội.

Ba nhìn tôi với con Muội cười cười:

- Chú Năm còn đem qua nhà cho mấy ký xoài chín nữa kìa, hai đứa mặc sức mà ăn. Lần sau không có chọi mấy trái xoài của chú Năm nữa nghe. Chú có tiếc gì mấy trái xoài đâu nhưng tụi con làm vậy là gãy cành, xoài non rớt, uổng lắm.

Ba con Muội xách qua ổ gà ta cho thằng Còi tẩm bổ. Thằng Còi nhà giàu mà yếu nhớt, hở một chút là mệt trong người. Mấy lần đi học, ngó gương mặt rầu rầu của nó, con Muội toàn chọc ghẹo “công tử bột”.
Con Muội vỗ vai thằng Còi nói câu tỉnh rụi:

- Nhanh hết bệnh đi ông, rồi tụi mình ra ngoài sông bắt cá thòi lòi với ba khía nữa.

Đôi mắt thằng Còi đã lim dim mà vẫn nở nụ cười. Nó gật đầu trong mệt mỏi, dường như chuyến đi về đã làm nó thấm mệt. Tôi với con Muội dìu nó đến tận giường, ngồi canh nó ngủ mà thấy thương quá chừng. Sau cái hôm chăn trâu cùng tôi, nó bắt đầu đổ bệnh, con Muội với tay lấy cái quạt mo trên đầu giường phe phẩy quạt cho nó. Ba thằng Còi nói giọng buồn buồn:

- Tội nghiệp thằng nhỏ, mới bây lớn tuổi đầu đã bệnh lên bệnh xuống. Làm không biết bao nhiêu xét nghiệm, người ngợm còi cọc cả ra.

Ba tôi nhìn chú Năm an ủi.

- Anh đừng có lo quá, khoa học giờ tiên tiến lắm, bệnh nào mà không có cách chữa.

Tôi với con Muội tay chân cứ lóng ngóng, môi mắt rưng rưng. Con Muội buông cây quạt trên tay xuống, lật đật chạy lại phía ba thằng Còi:

- Chú Năm ơi! Thằng Còi bị làm sao vậy chú?

- Nó bị tim bẩm sinh. Thường ngày thấy nó hay mệt mỏi, yếu ớt, chú tưởng hồi đó nó sanh non nên lớn lên mới còi cọc, yếu ớt vậy. Ai dè…

Con Muội nắm tay chú Năm hốt hoảng:

- Rồi nó có bị làm sao không chú?

- Bác sĩ biểu về nhà xin giấy chuyển viện. Rồi bác sĩ bít lỗ thông tim cho thằng Còi là không sao. Hai đứa đừng có lo lắng quá.

Tôi với con Muội thở phào nhẹ nhõm rồi tiến lại giường bệnh của thằng Còi, nhìn nó ngủ thật sâu mà tôi thấy lòng mình buồn đến lạ. Nó bị bệnh như vậy mà ngày nào tôi với con Muội cũng ăn hiếp nó, chê bai nó đủ điều. Con Muội lén lau nước mắt khi nghe ba thằng Còi nói “thấy nó yếu ớt, ráng nhín tiền mua cho nó chiếc xe đạp”. Chú Năm tháo cái yên sau ra để nó khỏi chở thêm ai. Vậy mà lúc ấy, tôi với con Muội đã từng căm ghét chú Năm vì cái tính ích kỷ đó. 

***

Con Muội xung phong chép bài cho thằng Còi, nó còn chừa hẳn cho thằng Còi cả ổ trứng cút ba nó bắt ở ngoài ruộng về. Mới xa thằng Còi có sáu ngày mà tôi với con Muội đứng ngồi không yên. Chiều nào tôi với nó cũng tạt qua nhà thằng Còi nghe ngóng tin tức. Con Muội đứng chắp tay, ngước mặt lên trời cầu nguyện cho cuộc phẫu thuật thành công, nó còn rủ tôi tới rằm ăn chay để “người ta biết mà chứng giám lòng thành”. Tôi đã làm sẵn cho thằng Còi một con diều hình chiếc máy bay khổng lồ, chỉ cần đợi gió sẽ cất cánh.

Chiều xuống chậm, mấy cánh lục bình vừa trôi vừa nở cũng lặng lẽ hết mình với sông. Chiếc đò dọc cập bến, thằng Còi cầm bọc bánh mì giơ về phía chúng tôi. Nó nở nụ cười trong vắt mà mắt chúng tôi thì ầng ậc nước…./.

Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.