(CMO) Ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân có 433 hộ dân, với 2.050 nhân khẩu. Trong đó có 56 hộ, 246 khẩu là dân tộc Khmer, là địa phương có hộ dân tộc Khmer đông nhất trong huyện Phú Tân.
Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thuỷ sản, hậu cần nghề biển. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên hầu hết các hộ gia đình trong ấp đã thật sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, toàn ấp còn 28 hộ nghèo, chiếm trên 6%.
Chị Võ Thị Liễu, ấp Gò Công có thu nhập từ phơi khô thuê. |
Ông Phạm Văn Hoa, 63 tuổi, quê ở huyện Trần Văn Thời, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cùng gia đình về đây lập nghiệp gần 20 năm. Nhờ chí thú làm ăn, ông mua được đất để cất nhà ổn định. Hiện nay, các con đã lớn, lập gia đình ở riêng, vợ chồng ông sống với người con trai út, hàng ngày đi làm nghề biển, thu nhập từ 400.000-500.000 đồng. Riêng ông, hàng ngày đặt 60 cái lú huế ở sông Gò Công, thu nhập từ 200.000-400.000 đồng. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.
Chị Võ Thị Liễu, ấp Gò Công không có việc làm ổn định, chồng đi ghe biển, hàng ngày chị đi phơi khô thuê cho các vựa làm khô, mỗi ngày thu nhập trên 20.000 đồng.
Nhờ đặt lú trên sông, ông Phạm Văn Hoa, ấp Gò Công có tiền trang trải cuộc sống gia đình. |
Chị Liễu cho hay: “Công việc phơi khô thuê cũng không vất vả nhiều, chỉ làm buổi sáng, sau đó về nhà có thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập đủ trang trải cuộc sống”.
Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí cho biết: “Những năm qua, địa phương phối hợp với các ngành chức năng luôn tạo mọi điều kiện để người dân nơi đây sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từ đó người dân ý thức, tu chí làm ăn, từng bước vươn lên”.
Gò Công bây giờ không còn cách trở không chỉ về địa lý mà còn vì sự thay đổi về mức sống, sinh hoạt, về hưởng thụ văn hoá, tinh thần và ý thức tự lực vươn lên của bà con./.
Anh Phan