ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-9-24 02:47:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ anh Út Nghệ

Báo Cà Mau (CMO) Tôi biết anh Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ) trước khi gặp anh khá lâu. Thời kháng chiến, ai từng đọc bài thơ “Qua đầm” của Nhà thơ Nguyễn Bá chắc còn nhớ dưới nhan đề có cụm từ “Tặng Hải Tùng” bên góc phải. Và thuở ấy, tôi cũng mê đọc và thuộc thơ của tác giả Hải Tùng.

Sau ngày giải phóng 30/4/1975, anh Út Nghệ từ Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ trở về Cà Mau, có dịp gần gũi, chung địa bàn, đường vô chùa Phật Tổ, Phường 4, Cà Mau. Từ đó, tôi thường gặp anh Út và nghe anh nói chuyện, giọng nói lớn, hào sảng, đậm chất văn nghệ sĩ, truyền cảm, trầm ấm, đặc trưng của người Nam Bộ…

Mấy tháng cuối năm, các anh trao đổi tập trung làm báo Xuân Bính Thìn 1976, thống nhất nội dung 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Anh Võ An Khánh trực tiếp vẽ chữ măng-sết “Cà Mau - Bạc Liêu” và trình bày ma-kết hình ảnh, in ốp-sét đặt tay 4 trang bìa tại một nhà in tư ở Sài Gòn, riêng 8 trang ruột in ti-pô tại tỉnh. Ở trang bìa 2, có trích đăng 4 câu cuối bài thơ “Từ trái tim em” của Hải Tùng, ca ngợi Anh hùng Hồ Thị Kỷ… Khi lên nhà in, tôi cắm cúi thực hiện chữ viết tay, ngòi bút lá tre chấm mực tàu viết trên giấy bóng mờ. Chẳng hiểu sao, lúc mải mê viết câu đầu, đến chữ “bùng” tôi lại bỏ dấu “ư” thành ra “bừng”… Và khi bìa in xong, đọc là “Từ trái tim em bừng tiếng nổ”. Tôi lo lắng, vì báo in sai phải đính chính, xin lỗi. Nhưng thật may, anh Út làm thinh và mọi người đọc vẫn thấy hay, có ý nghĩa, thế rồi chính tác giả cũng đồng ý luôn chữ “bừng”…

Ông Nguyễn Hải Tùng (người đứng thứ ba, từ trái sang), Uỷ viên Ban Tuyên văn giáo tỉnh, chụp ảnh lưu niệm với cán bộ và biên tập viên báo Cà Mau tại ngọn rạch Bù Mắt, Năm Căn (30/6/1961). Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH

Trong những ngày diễn ra Ðại hội toàn quốc lần thứ Tư của Ðảng tại Hà Nội, tháng 12/1976, anh Út là Trưởng ty Văn hoá Thông tin tỉnh đến chuyện vãn chơi với anh em báo chí chúng tôi, trụ sở toà soạn đặt tại nhà ông Huê Hùng, chủ Khách sạn Bồng Lai - một khách sạn lớn ở Cà Mau lúc bấy giờ… Anh Út cho hay, Trung ương đã thông báo việc sáp nhập tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và lấy tên là tỉnh Minh Hải… Minh có nghĩa là rừng U Minh và Hải là biển, biển Bạc Liêu, Cà Mau dài trên 300 cây số từ Ðông sang Tây. Minh Hải nghe giống tên người hơn là tên tỉnh. Trung ương đã quyết rồi, không thay đổi được… Vài giờ nữa, Trung ương sẽ cho công bố trên Ðài Tiếng nói Việt Nam… Mấy anh em sôi nổi bàn một hồi, thấy hết cách, anh Út điệu bộ đang đứng, chỉ vào tôi, nói vui:

- Thôi được, mầy Minh, tao Hải.

Ðôi dòng bút tích

Giữa năm 1977, tỉnh lỵ Minh Hải chuyển lên thị xã Bạc Liêu và tôi xin chuyển về Bến Tre vào mấy tháng cuối năm này. Ngày ấy còn độc thân nên tôi chịu bay nhảy… Về quê, cũng không yên chỗ, hết làm phóng viên báo Ðồng Khởi, tôi lại xin chuyển sang Tỉnh đội, phụ trách biên tập tờ tin “Chiến sĩ Bến Tre”.

Ðầu những năm 1980, các đoàn nghệ thuật từ miền Tây lưu diễn ra Bến Tre, tôi đều gặp các anh thân quen cũ… Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà (Sáu Cấu), Ðoàn Ca múa Tam Giang, có ca sĩ Duy Khánh mỗi đêm ca 4-5 bài theo yêu cầu khán giả… Anh Sáu Lộc, Ðoàn Cải lương Cao Văn Lầu… Anh Bảy Nhanh, Ðoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang… Nghệ sĩ Ưu tú Minh Ðương, Ðoàn Cải lương Hương Tràm, tặng tôi thiệp mời thường trực vào rạp Ðồng Khởi xem thoải mái. Tôi đăng ký với báo Ðồng Khởi một bài viết: “Ðoàn Cải lương Hương Tràm trên quê hương Bến Tre” và tôi có gửi anh Út xem tờ báo này… Anh viết thư cho Ban Biên tập báo Ðồng Khởi: “Cảm ơn một tỉnh vốn có kiến thức văn hoá, đã yêu mến dành cho Ðoàn Cải lương Hương Tràm những tình cảm nồng ấm, đặc biệt… Xin cảm ơn tác giả…”. Bài này còn được đăng trên báo Minh Hải năm 1983.

Năm 1985, Bến Tre kỷ niệm 25 năm ngày Ðồng Khởi (17/1/1960-17/1/1985), tổ chức ở xã Ðịnh Thuỷ, Mỏ Cày, có cô Ba Ðịnh (Nguyễn Thị Ðịnh) về dự và phát biểu trước đông đảo bà con 3 xã: Ðịnh Thuỷ, Bình Khánh, Phước Hiệp và tôi có viết bài: “Nôi Ðồng Khởi vui ngày hội lớn”. Tờ tin này tôi có gửi “Kính biếu” anh Út Nghệ ở Minh Hải và anh Nguyễn Bá ở Cần Thơ… Không lâu sau, anh Út gửi thư cảm ơn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, nét chữ nghiêng, phóng khoáng: “Thỉnh thoảng tôi nhận được tờ Chiến sĩ Bến Tre, dù ở nơi làm ra tờ báo này tôi chỉ quen có một mình Minh Nổi…”. Riêng anh Nguyễn Bá thì: "… Làm báo giỏi quá rồi còn gì…”.

Ði rước quân về

Chiều ngày đầu đến cảng Hòn Chông, tôi gặp vợ chồng Nhà văn Anh Ðộng. Tối xuống, tôi tách đoàn Bến Tre, đến chuyện trò với Nhà văn Anh Ðộng và cùng cảnh dã chiến cho vui…

Tờ mờ sáng ngày 30/11/1987, đoàn tàu Hải quân Vùng 5 chở quân tiến vào cảng, cặp cầu tàu, đưa toàn bộ quân tình nguyện về nước lên cảng Hòn Chông. Cuộc lễ đón tiếp bước chân đầu tiên của đoàn quân về nước được công bố nơi tiền trạm này. Theo trình tự, lực lượng Bến Tre đi đầu, tiếp đến là Minh Hải, lần lượt tới các tỉnh đồng bằng… Tôi lách qua mấy con đường vách núi, trổ ra đường chính nhìn các đoàn quân đi qua. Lực lượng Minh Hải đông hơn 700 quân, đang trùng trùng di chuyển… Từ xa, tôi nhận ra cô Út Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Minh Hải, biệt danh “Bà mẹ Chính uỷ Sư đoàn” và anh Út Nghệ, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, đứng bên ven lộ, sau lưng là vách núi, vẫy tay chào đoàn quân - chào những con em của Bạc Liêu, Cà Mau trong Binh đoàn 99. Xong, cô Út Bình cùng anh Út Nghệ tiếp tục đi cặp lộ bên vách núi, bước dài theo đoàn quân… Tôi chờ đợi để chào anh Út. Khi anh vừa bước đến gần, tôi nhanh chân bước ra nhìn và gọi:

- Anh Út!

Anh Út cũng dừng lại, nhìn tôi, kịp vói bắt tay và gọi khẽ:

- Em!

Rồi anh tiếp tục đi, bước theo đoàn quân đang tiến về phía đoàn xe đón rước đang chờ.

Gặp anh ở bến tre

Một ngày giữa cuối năm 1996, được tin anh Út có mặt ở Bến Tre, họp Phân hội Nghệ sĩ sân khấu ÐBSCL… Tôi đạp xe đạp chạy đi tìm gặp anh Út tại Nhà khách Tỉnh uỷ Bến Tre, lúc nắng trưa hầm hì, oi bức… Nữ nghệ sĩ sân khấu Bạch Tuyết đang ngồi một mình ở dãy bàn… Anh Út bước ra gặp tôi đứng nơi tiền sảnh, tôi nói nhanh với anh Út:

- Em đang chuẩn bị trở lại Cà Mau…

Nghe vậy, anh Út hơi khom xuống, nhìn vào mắt tôi, anh nói:

- Em về Cà Mau làm báo nghen?

Tôi “dạ”, nhưng biết mình sẽ không làm được theo lời anh, vì tôi không còn trong biên chế nào. Tôi đã nghỉ chính sách mất sức, được hưởng chế độ bệnh binh 2/3. Anh Út đồng ý cho tôi gửi một túi đồ, chủ yếu là sách vở khá nặng bỏ vào thùng sau chiếc xe du lịch do tài xế Hai Tri chở từ Bến Tre về Cà Mau. Ðó là mớ hành trang ít ỏi để tôi còn chút vốn liếng yêu nghề cầm bút…

Sinh hoạt hội, công việc say mê

Năm 1997, Hội Nhà báo Bến Tre do Chủ tịch Hội, anh Huỳnh Năm Thông, ký giới thiệu tôi về Hội Nhà báo Cà Mau. Từ đó, tôi được bố trí sinh hoạt chung với các anh lớn tuổi, trong đó có anh Út Nghệ… Khá nhiều năm, anh Út còn khoẻ, sung sức, viết lách, nói chuyện hay lắm!

Năm 1999, anh Út nhắn tôi xuống Phú Tân liên hệ gặp để viết hồi ký về dì Trần Thị Thanh Châu, một “cô bé liên lạc” thời khởi nghĩa Hòn Khoai 1940. Chuyến đi ấy, có Nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà, đặc phái viên báo Sài Gòn giải phóng từ Bến Tre vào và anh em cùng đi Cái Ðôi Vàm, trở vô Phú Tân, có gặp và biết nhà dì Trần Thị Thanh Châu… Rất tiếc bài viết của tôi không đạt yêu cầu, vì quá dài, mà số trang sách có hạn nên anh Út viết lại chỉ còn 2 trang giấy A4 chữ vi tính nhỏ. Sau đó, một lần gặp, anh Út nhắc tôi: "Viết hồi ký thì không ký tên mình mà tên của nhân vật. Và càng ngắn gọn càng hay". Tôi học được anh Út việc này…

Tôi có thời gian sống chung với anh Võ Văn Long (Tám Long) ở Văn phòng Tỉnh hội Cựu chiến binh Bến Tre (1995-1996) trước khi tôi trở lại Cà Mau. Anh Tám kể, sau giải phóng 30/4/1975, anh là Trưởng ty Văn hoá Thông tin Bến Tre, thường ra Hà Nội dự hội nghị, gặp Út Nghệ - Hải Tùng, Trưởng ty Văn hoá Thông tin Minh Hải, anh Út nhìn nhau thân thiết với anh Tám “đồng hương Mỏ Cày”… Anh Tám có khiếu viết văn nói rất hay và nhanh nữa, thường viết lời khai mạc, bế mạc, đáp từ cho cấp trên và cả cho mình… Anh Tám còn nhắc, trước kia mỗi lần ra họp ở Hà Nội, anh Út Nghệ luôn tin tưởng anh Tám bậc thầy, giao anh Tám viết bài phát biểu chung cho khu vực, cả Minh Hải luôn…

Năm 2003, một nữ cựu công nhân Nhà in Trần Ngọc Hy thời kháng chiến, Út Cẩm (Trịnh Ngọc Phương) lâm bệnh hiểm nghèo, chữa trị không khỏi, đã qua đời. Ban Giám đốc Nhà in hồi này là anh Ba Bình, anh Hoàng Chiến phải nhờ anh Út viết lời điếu cho Út Cẩm. Và, chỉ có anh Út mới thể hiện được chi tiết người nữ công nhân nhà in thời chiến ngồi sắp từng nét chữ chì in báo Giải Phóng, Cà Mau, mặc cho đói rét, muỗi rừng, sống ở rừng đước Bù Mắt, Năm Căn, làm việc thời chiến tranh thiếu thốn, nhiều lúc giặc đánh phá dữ dội… Và, điều ghi nhận về sự nhiệt tình chấp bút của anh Út, viết lời điếu ngắn gọn, súc tích, đầy đủ ý nghĩa cho lễ truy điệu Út Cẩm… Lần ấy, anh Út khều tôi, chỉ ngón tay vào dòng chữ lớn họ tên thật Út Cẩm mà nói: "Chỉ cần đổi một chữ lót này là tên khai sinh của anh (Trịnh Hồng Phương). Thế nhưng, gần ba phần tư thế kỷ trôi qua, ít ai biết anh là ông Phương, mà người ta chỉ quen thân và nhớ anh với cái tên thường dùng thời kháng chiến là Hải Tùng, là Út Nghệ… Và, điều đáng trân trọng, khi nghĩ về công sức, cống hiến không ngừng nghỉ của anh cho nghệ thuật… Những gì anh để lại cho đời từ nguồn cảm hứng vô tận, vốn sống, say mê nghệ thuật cầm bút, một bộ óc sáng tạo vận hành xuyên suốt, vắt khô cạn mòn dần…

Cuộc hội thảo về đạo đức người làm báo theo gương Bác Hồ, rồi đại hội thi đua, anh Út được bình chọn là Nhà báo xuất sắc… Cuối năm 2004, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại sáng tác Văn học Cà Mau, anh Út và các vị khách mời cùng ngồi với các trại viên nghe hai Nhà văn Vũ Hạnh, Trần Thanh Giao nói chuyện cách viết truyện ngắn và bút ký tại hội trường Liên đoàn Lao động tỉnh (trên lầu)… Tại Ðại hội 4 Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau 2005, anh Út còn phát biểu “Cả đời làm văn nghệ…”. Rồi khi liên hoan, vào tiệc, sôi nổi chuyện xứ sở, quê hương, anh chỉ ngón tay vào tim mình mà nói lớn:

- Anh quê Ðịnh Thuỷ, Mỏ Cày, Bến Tre đây!

Mấy lần tôi dự sinh hoạt tại Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh cũng là mấy lần anh Út vắng mặt. Anh chị em chi hội cho biết mà tôi xin chia sẻ, chúc mừng anh: Nghe anh nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển. Nghe anh nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng. Nghe anh đi Bến Tre… Và lần sau cùng, đúng là lần sau cùng thật! Năm 2007, anh Út bước lên khán đài Hội trường Tỉnh uỷ Cà Mau nhận giải thưởng… Anh không bước được, hai bàn chân túm lại, chỉ chà nhẹ, nhích từng nhích chậm chạp trên mặt khán đài. Chú Sáu Tỷ ngồi dưới nhìn lên, phát hiện, lên tiếng:

- Ối, Út Nghệ hai chân yếu xìu!

Trong lần sinh hoạt, họp Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh tháng 9/2009, Chi hội đề nghị miễn sinh hoạt cho 3 hội viên: Phạm Minh Phượng (Tám Phượng), Phạm Công Luận (Sáu Tỷ), Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ), do đau bệnh và lớn tuổi…

Dù đã phát hiện “hai chân yếu xìu” nhưng chú Sáu Tỷ và nhiều người không ai nghĩ rằng anh Út "tuột dốc" mau chóng! 80 năm, một đời người, bỗng chốc trở nên ngắn ngủi, lạnh lùng!

Kiên cường đến phút cuối

Anh Út ngã bệnh suốt mấy năm không đi đâu được. Sau Tết Tân Mão 2011, tôi tìm thăm anh tại nhà. Lần đó trông khả quan, chưa đến nổi. Anh Út đang nằm võng, tự bật dậy, đứng lên, đi vòng qua bàn, kêu chị châm trà. Chị Út bước ra, lăng xăng bình tách trà nước. Thời tiết oi oi, anh Út mặc quần ngắn màu trắng, ở trần cho mát, ngồi hớp miếng nước. Rồi anh đứng lên, bước ra hàng hiên mí sân trước nhà, đứng nhìn, một tay đang sờ vuốt phía sau quần. Chị Út thấy vậy, bước ra đưa tay kéo kéo thắt lưng dây thun quần ngắn của anh lên, ý chị cẩn thận, sợ tuột xuống… Chừng một phút, anh bước vô, nhắc tôi ngồi uống nước. Anh vòng qua võng, ngả lưng nằm. Chậm chạp, nhưng anh còn nhớ, nhắc cho tôi nghe chi tiết một ông bạn già học làm thơ thời kháng chiến… Tôi ngồi chăm chú lắng nghe, muốn nghe anh Út nói nhiều lắm mà liên tưởng rồi đây sẽ không còn cơ hội nào được nghe anh nói nữa… Hồi sau, anh Út nhắc:

- Nổi nhậu nghe, Nổi?

Anh gọi chị: “Ðem rượu ra cho Nổi nhậu”. Chị Út đáp ứng ngay, đem ra một chai rượu nhỏ pha chế thơm ngon và một dĩa mồi, 3 chiếc nem mặn…

Rồi vào một ngày tháng 9/2011, tôi lại ghé thăm anh Út lần thứ hai. Lần này anh Út nằm bất động sau cơn tai biến lần thứ hai. Anh nằm day đầu ra khung cửa sổ, nghiêng bên trái - phía ép tim, nhìn qua ngang nhà, cách tấm màn vải mỏng, nhìn anh rõ. Chị Út kêu anh:

- Có Minh Nổi đến thăm ông nè!

Lần thứ hai này, tôi chỉ còn nghe duy nhất một tiếng như đằng hắng của anh. Nghe tên tôi chắc anh nhớ nhưng không còn nói được, đằng hắng như lên tiếng biết vậy! Thật tình, hồi năm 2005 anh tự giới thiệu quê anh ở Ðịnh Thuỷ, Mỏ Cày, tôi không tin… Mãi đến ngày 31/3/2012, chị Út điện cho hay anh Út đã ra đi hồi 8 giờ 40 sáng … Tôi với anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) ngồi xe buýt từ Cái Nước ra tới lúc chiều… Anh Mười Thanh, tức Nhà văn Nguyễn Thanh, còn hỏi sao ra sớm vậy? Nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân ký tặng tôi và anh Út Rô mỗi người một quyển sách “Ngày ấy đã lùi xa” của tác giả Nguyễn Hải Tùng và cháu ghi vội: “Ngày ba cháu vĩnh viễn ra đi…”, bìa sau có in nguyên quán: Xã Ðịnh Thuỷ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Vậy là đúng thật rồi! Tôi mừng ông anh rõ nguồn gốc… Anh Tám Long đã qua đời năm 2011 tại Bến Tre, trong lúc anh Út ở Cà Mau nằm hôn mê tại nhà, không còn hay biết…

Và, lần thứ ba này, tôi kịp nhìn mặt anh Út lần cuối. Anh còn nằm đó chờ nhập quan, lúc 18 giờ ngày 31/3/2012, nhằm mùng 10/3 - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Thìn. Sau lễ nhập quan, trời trút đám mưa quá lớn! Anh Út đã ra đi theo anh Tám Long ở Bến Tre thật rồi!

Tôi đồng cảm với anh Mười, tức Nhà văn Nguyễn Thanh, bồi hồi nhận xét về ông Nguyễn Hải Tùng: "Út Nghệ mất đi sẽ để lại một khoảng trống vắng trong đời sống văn hoá, báo chí, văn học nghệ thuật ở tỉnh nhà…".

Và, cũng chính ngay khoảng trống vắng ấy, mà từ nay tôi không còn gặp anh Út nữa!

Cái Nước, tháng 6/2021

 

Nguyễn Minh

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.