(CMO) Tôi nhớ, thời gian sau năm 1975, tôi là cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Cà Mau. Mỗi lần chú Sáu xuống làm việc với Tỉnh uỷ, bao giờ lúc rảnh vào buổi chiều, tối chú Sáu đều kêu Văn phòng Tỉnh uỷ liên hệ mời "mấy đứa Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau", nay là Đoàn Cải lương Hương Tràm đến thăm và phục vụ một số tiết mục ca hát cho chú Sáu thưởng thức. Đồng thời cũng qua chuyện kể của một số anh chị em Đoàn Văn công Khu Tây Nam Bộ, lúc chiến tranh ác liệt thời chống Mỹ, chú Sáu thường tranh thủ thời gian gặp gỡ anh em Đoàn Văn công Khu Tây Nam Bộ.
Sau những lần gặp ấy, đã để lại trong lòng anh chị em văn nghệ một tình cảm gần gũi, thân thương, kính trọng giữa đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Khu uỷ đối với đội ngũ anh em văn nghệ.
Sau khi chia tách tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu, lúc bấy giờ tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Dịp Chính phủ triệu tập cuộc họp với thành phần Chủ tịch UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số bộ, ngành Trung ương, khi hội nghị chưa kết thúc, tôi được thư ký của chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đến thông báo chuẩn bị đi cùng chú Sáu bằng trực thăng về làm việc tại Cà Mau. Nội dung làm việc là tìm giải pháp bảo vệ và khôi phục rừng đước, nhất là diện tích rừng đặc dụng Mũi Cà Mau.
![]() |
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Khi bay đến cửa Gành Hào, chú Sáu bảo phi công bay thấp nhất với điều kiện kỹ thuật cho phép để chú nhìn kỹ hiện trạng rừng đước mấy năm qua bị tàn phá đến mức độ nào. Máy bay đảo tới lui nhiều vòng trước khi đáp xuống Sân bay Năm Căn.
Trong buổi làm việc, sau khi nghe tỉnh báo cáo tình hình về tổng diện tích rừng đước, diện tích rừng bị phá mấy năm qua, đặc biệt là phá rừng để nuôi tôm, diện tích rừng hiện còn..., chú Sáu đi sâu vào phân tích, tìm biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng, giải pháp để khôi phục rừng đước; xem xét chấn chỉnh lại quản lý rừng và đất rừng. Đồng thời, chú Sáu cũng cho ý kiến về việc ngăn chặn, giải toả dân, cán bộ lấn chiếm bãi bồi Mũi Cà Mau để nuôi tôm.
Chú Sáu chỉ đích danh tôi: "Nếu Bảy Trị không quyết liệt cùng Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau ngăn chặn nạn phá rừng và khôi phục hiện trạng rừng đước Ngọc Hiển như khoảng 15-20 năm về trước thì không còn tình nghĩa chú cháu gì cả".
Phát biểu của chú Sáu nghe rất đời thường nhưng mang ý nghĩa hết sức quan trọng; vừa hàm chứa một tình cảm hết sức đặc biệt, vừa là mệnh lệnh từ trái tim vị lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đối với việc sống còn của rừng đước lớn nhất Tổ quốc. Tôi càng suy nghĩ càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn đối với việc chỉ đạo quản lý rừng đước Cà Mau sao cho hiệu quả nhất.
|
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đi đầu) thăm Lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: THANH QUANG |
Trước đó, gần cuối năm 1996, khi anh Đỗ Bình Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh) đến thăm và thông tin cho tôi về vấn đề ở phía Bắc được Bộ Chính trị quyết định cho chia tách tỉnh, một số tỉnh đang làm thủ tục, trong đó có Bắc Giang - Bắc Ninh. Thế nhưng, tỉnh Minh Hải lúc đó chưa nhận được chỉ đạo nào của Bộ Chính trị và Chính phủ. Nghe vậy tôi điện thoại cho anh Ba Dũng (Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) thì anh trả lời là có thật. Bộ Chính trị phân công chú Sáu, Thủ tướng Chính phủ phụ trách triển khai cho một số tỉnh phía Nam.
Nghe vậy, tôi liền điện thoại cho chú Sáu. Chú Sáu Dân bảo tôi: "Bảy Trị hiện giờ ở đâu? Có bận chuyện gì không? Ngày mai ra gặp chú tại Hà Nội vào 6 giờ tối". Ngày hôm sau đi chuyến bay buổi chiều, vì giờ bay bị chậm nên đến gặp chú Sáu trễ 1 giờ đồng hồ. Tôi đến, chú Sáu đang đợi tại phòng làm việc, chỉ đạo tôi những phần việc phải làm ngay khi chia tách 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Khi chia tách tỉnh xong, gặp lại, chú Sáu hỏi tôi rằng: "Tại sao ở Cà Mau không đặt tên tỉnh Minh Hải, thị xã Cà Mau? Tên Minh Hải đổi tới lui nhiều lần mới tìm ra được hai chữ Minh Hải là điểm sáng". Tôi trả lời yếu ớt, đây là ý kiến tập thể bàn và quyết định!
Rồi lần về thăm và làm việc với huyện U Minh về quy hoạch huyện lỵ trở thành đô thị sinh thái trong tương lai, làm việc xong, huyện mời cơm chú Sáu. Khi vào ăn cơm, chú Sáu nói: "Huyện U Minh còn nghèo lắm, để đỡ tốn gạo, bữa nay tôi chỉ ăn canh đọt choại nấu măn mẳn với ba bốn con cá rô thôi". Đây là món chú Sáu thích, đã quen khẩu vị từ thời kháng chiến chống Mỹ ở rừng U Minh.
Khi xây dựng cụm khí - điện - đạm Cà Mau, chú Sáu tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn uy tín lớn. Ý kiến chú góp một phần rất quan trọng đối với những quyết định cụ thể trong quá trình triển khai theo ý kiến của Bộ Chính trị và Chính phủ. Về vị trí đặt cụm khí - điện - đạm được chọn là Cà Mau, cũng có ý kiến quan trọng của chú Sáu. Điểm chọn đặt cụm khí - điện - đạm ở tỉnh Cà Mau nhưng ở đâu lại là câu hỏi hóc búa? Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cùng với tỉnh, một số bộ, ngành Trung ương khảo sát một số điểm như: Năm Căn, kinh xáng Hoà Trung, sông Ông Đốc, xã Hồ Thị Kỷ, xã Khánh An... nhưng chưa chọn được nơi nào.
Cuộc họp cuối cùng để quyết, có chú Sáu dự. Qua nghe báo cáo các điểm nêu trên, chú Sáu phân tích cả tính hiệu quả về kinh tế và ý nghĩa sâu đậm về chính trị. Cuối cùng, chú Sáu gợi ý điểm chọn tại xã Khánh An, huyện U Minh. Theo chú, vì nơi đây là căn cứ địa cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây bà con Nhân dân còn nghèo, đặt cụm khí - điện - đạm nơi đây sẽ như một đòn bẩy cho kinh tế vùng nghèo khó, cũng là một cách Đảng, Nhà nước tri ân với người dân vùng căn cứ...
Thế là ý kiến chú Sáu được đồng thuận cao. Cụm khí - điện - đạm Cà Mau được triển khai theo hướng chú Sáu chọn và kết quả, hiệu quả thành sự thật như ngày hôm nay, góp phần đáng kể cho kinh tế - xã hội huyện U Minh nói riêng và vùng đất cực Nam Tổ quốc nói chung, phát triển.
Sau đó vài năm, chú Sáu lại về thăm tỉnh Cà Mau, thăm cụm khí - điện - đạm Cà Mau. Chúng tôi bố trí bữa cơm trưa cho chú Sáu ở giữa rừng Vồ Dơi. Thực đơn được bố trí theo sở thích chú Sáu, có món cá nướng, cá kho và các loại rau rừng luộc, uống rượu mỏ quạ do anh em tự ngâm. Chú Sáu ngồi xếp bằng quây quần cùng anh em ăn cơm, trò chuyện rôm rả. Sau khi ăn xong, vừa uống trà, chú Sáu vừa đùa: "Bữa nay các cháu đãi bữa cơm chú ăn rất ngon. Nếu ngồi ghế cao, chú còn ăn vài chén nữa".
Hôm sau, tôi đi cùng với chú Sáu đi thăm Đất Mũi, Khai Long. Không ngờ đây là chuyến đi cuối cùng của chú về với Cà Mau. Sau đó không lâu, sau chuyến tháp tùng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm một số nước Châu Âu, về đến Hà Nội, tôi nghe tin chú mất. Tôi liền về ngay TP Hồ Chí Minh để kịp tiễn đưa người con tận trung của Tổ quốc về nơi yên nghỉ cuối cùng…/.
Phạm Thạnh Trị