(CMO) Nhà Nam Bộ học Sơn Nam miêu tả về thời khẩn hoang ở miệt rừng tràm Cà Mau trong quyển sách “Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm và tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long” rất gọn nhưng vô cùng sắc nét: “Đó là kiểu “Văn minh sông nước” phía U Minh, Mũi Cà Mau” với vô số sản vật, cách sinh tồn độc đáo của tiền nhân trong buổi đầu mở đất.
Bán đảo Cà Mau, nếu nói về 2 nghề đại diện cho 2 hệ sinh thái ngập mặn và ngập ngọt có thể kể đến nghề hạ bạc và nghề nông. Trong đó, nghề nông giữ vai trò xuyên suốt, quan trọng và gắn liền với hình ảnh - giá trị của cây lúa.
Từ thời điểm năm 2000, Cà Mau đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu nông nghiệp, diện tích thuần nông gắn với cây lúa bị thu hẹp dần. Cũng kể từ đó, nguồn lợi và sinh kế của nông dân Cà Mau có những thay đổi rõ rệt. Con tôm dần “soán ngôi” cây lúa, nhưng nhiều người vẫn còn ký ức đồng quê gắn bó với mình suốt chặng đường dài.
Được mùa. Ảnh: HOÀNG VẠN |
Ai dễ gì quên những năm làm lúa mùa với bao nhiêu công cực, hết cày, tới phát, chế, làm đám mạ, cấy, gặt… Ai đâu quên bao mùa cá đồng, cuối năm tát đìa, chụp lưới bắt cá ăn Tết. Chúng tôi về một góc nhỏ của Trần Văn Thời, mong tìm lại những dư vị cũ.
Anh Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, thông tin: “Diện tích lúa toàn huyện còn khoảng 30.000 ha, cũng là 1 trong 2 huyện giữ được diện tích thuần nông vùng ngọt lớn nhất tỉnh”.
Những ngày này, gió Tết đã về nhiều, anh Đỗ Thành Nhân, cán bộ Phòng Nông nghiệp dẫn chúng tôi về thăm vùng Lung Bạ (xã Khánh Bình Đông) và giới thiệu: “Về đó còn thấy cuộc sống của bà con giữ nếp thuần nông như ngày trước”. Vậy là anh em cứ vác “đồ nghề” đi một cách không chủ ý, gặp gì ghi nấy, lòng mong sao tìm lại những ký ức của chính bản thân mình.
Tới nhà ông Hai Thiện (Trần Hữu Thiện, Trưởng ấp Lung Bạ), ông đang ngồi vá lọp, bàn tay thoăn thoắt. Ông thông tin sơ lược về địa bàn: “Gần 400 hộ dân xứ này đang sống nhờ lúa như hồi trước thôi”.
Ông miên man về một thời đã xa: “Hồi đó mỗi năm làm có 1 vụ lúa, mưa xuống cỡ tháng Tư là đem trâu ra cày, rồi qua nhiều công đoạn lắm, tới cuối năm mới thu hoạch”. Khi hỏi, nông dân giờ đỡ cực hơn chưa, ông cười: “Đỡ cực chớ, giờ làm ruộng sướng gấp mấy lần trước”. Nhưng ánh mắt ông xa xôi: “Kẹt cái cá đồng ít quá, hồi đó vùng này cá nhiều lắm”.
![]() |
Đặt lọp bắt cá đìa mùa cạn. Ảnh: NHẬT HUY |
Chúng tôi về thăm "nhà máy chà" của anh Lê Thanh Phong, xây dựng từ sau bão năm 1997. Anh Phong bộc bạch: “Trước chạy máy dầu, mới mấy năm nay đổi sang mô-tơ điện”.
Anh Phong đang làm dịch vụ gom lúa và trả gạo lưu động tới tận nhà, cứ 2 bao cỡ lớn thì tính giá 30.000 đồng. Theo lời anh Phong, do nhà máy không phục vụ lực lượng hàng xáo mà chỉ bà con quanh vùng nên cũng đỡ vất vả. Anh ước lượng nhà máy mình đảm đương cỡ 10 tấn lúa/ngày, đủ sức phục vụ bà con hết cả kinh Lung Bạ.
Ghé thăm ông Tư Hà (Phạm Văn Hà), 1 trong 2 hộ có xưởng mộc của kinh Lung Bạ, ông kể: “Hồi tôi về đây năm 1985, xứ này nghèo lắm, có vài chục hộ gốc thôi”.
Từ miền Bắc, ông mang nghề mộc học được phục vụ xứ đồng ruộng miệt Khánh Bình Đông với tâm niệm “ai đặt gì làm đó”. Nhiều người lân cận sang trò chuyện còn khẳng định, cả xứ Lung Bạ này, nhà nào cũng có xài đồ của ông Tư. Ông có cái thâm trầm của người từng trải: “Thấy quê nghèo vậy thôi, nhưng bà con sống với nhau nghĩa tình lắm”. Khi thiếu gạo, nước mắm, nước màu… người ta chạy ù qua để mượn. Làm thịt con heo, người ta cứ đến để chia nhau, rồi đợi tới mùa lúa mới lấy tiền…".
Thấy bà Tư tưới nước vô bao lúa giống, chúng tôi thắc mắc, bà cười: “Mấy đứa hổng rành hả? Cái này là “ngót lúa”, mình ngâm 2 ngày rồi vớt lên ngót, để cỡ 2 ngày nữa thì sạ”. Về chuyện lúa sạ ở vùng này, chúng tôi tìm đến ông Trương Văn Hùng để hỏi rõ, bởi ông là một trong những hộ tiên phong làm ruộng theo kiểu mới. Hớp ngụm nước trà, ông Tư Hùng nheo nheo mắt: “Hồi đó hả, lúa mùa làm đủ ăn là hên lắm rồi”.
Vậy rồi người cậu ruột của ông Tư Hùng (ông Phùng Văn Duốl) “làm liều” sạ giống lúa mùa 7 kg/công rồi “để đại”. Lúa trúng quá trời, nhưng gặt hổng được bao nhiêu vì bị chuột cắn phá. Chưa chịu thua, ông Duốl đắp bờ, mua cả đàn chó về giữ chuột để sạ nữa. Đó là những năm đầu thập niên 1990.
Thấy ông Duốl làm hiệu quả, ông Hùng và bà con lần lượt bắt tay vào làm lúa sạ, đỡ cực mà trúng gấp đôi, gấp ba lần. Từ năm 1995 trở đi, cả kinh Lung Bạ đã sạ 2 vụ, lúa trúng đầy bồ. Nhớ về những ngày ấy, ông Tư Hùng nói rổn rảng: “Phải vậy chớ, lúa 1 công giờ hơn 40 giạ mà. Có điều cá đồng gần tiệt rồi, phải được như hồi trước chắc bà con mau khá lắm”.
Ông Tư ngồi tréo nguẩy nói: “Giờ làm ruộng kiếm mồ hôi cực à!”. Từ cày tới gặt đều có máy, kể cả chất lúa vô nhà cũng mướn nhân công. Bà Tư sau nhà tiếp lời: “Cũng chỉ ăn chắc mặc bền thôi, nói nào ngay hổng muốn so sánh vùng này, vùng nọ đâu. Nông dân mà, nơi đâu sống được thì mình ở”.
Rời Lung Bạ, chúng tôi ghé thăm ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, nơi có “đội máy kéo” của anh Phạm Văn Điền. Nhìn những cái cống, con đập nhớ sao những ngày “lòi lúa” mà người ta hay miêu tả về sự cực nhọc bằng đủ thứ hình ảnh mắc cười. Cái máy kéo cho xuồng ghe qua lại này có nguồn gốc từ bên Đầm Dơi, bây giờ chắc chỉ còn Trần Văn Thời là phổ biến. Cầu kéo có đường ray, đầu máy, dây tải và bàn chạy, cứ xuồng ghe qua lại thì trả phí.
Ở đất Trần Văn Thời, người ta vẫn sống với sông nước, theo nhịp điệu của cây lúa từng mùa. Tôi còn hỏi thăm về những lò rèn, máy suốt hiệu Cửu Long, nơi còn biết làm nọc cấy, vòng gặt hoặc đại loại nơi làm lờ, làm lọp… bắt cá, phần nhiều bà con đều lắc đầu và nói: “Bây giờ kiếm mấy thứ đó khó lắm”, hoặc là “kiếm mấy cái đó để mần chi, cá ngoài đồng, ngoài ruộng đâu còn nhiêu”.
Biết rằng chẳng có gì là bất biến, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp đang hiện đại hoá từng ngày, từng giờ, nhưng sao lòng vẫn tiếc. Rồi mai này, những ký ức đồng quê, những hình ảnh thân thuộc sẽ đi về đâu. Ờ, thì mình dặn lòng rằng: đồng quê vẫn vậy. Chỉ có điều, ai nhớ - ai quên(!)./.
Quốc Rin