ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 4-5-25 11:52:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ những giọng ngâm thơ nữ một thời

Báo Cà Mau (CMO) Có một thời gian dài (từ những năm 2000 đến hơn 10 năm sau đó), phong trào thơ ca tại tỉnh nhà rất sôi nổi. Ðêm thơ Nguyên tiêu nghiễm nhiên trở thành hoạt động thường niên, một điểm hẹn đẹp đối với khách văn nghệ. Trong những cuộc tao ngộ đó, nhiều giọng ngâm thơ quen thuộc lần lượt cất lên, như nhịp cầu nối liền mạch tri âm, tri kỷ. Lần giở về mạch ký ức đã qua, công chúng mến mộ thường nhắc đến 3 nghệ sĩ: Thanh Xuân, Việt Tiên và Mỹ Phượng. Ðây là ba giọng ngâm thơ nữ tiêu biểu nơi miền đất cuối trời.

Nghệ sĩ Thanh Xuân - Thơ ca là tình yêu nồng nàn...

Ảnh: TRẦN NGỌC LÂM

Nghệ sĩ Thanh Xuân (nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau) là một trong những cánh chim tiên phong trong việc khởi xướng phong trào đọc thơ, tổ chức những đêm thơ Nguyên tiêu tại Cà Mau. Say mê thơ ca từ khi còn là cô bé diễn viên của Ðoàn Văn công Giải phóng, trong miền nhớ của bà vẫn lưu hoài quyển nhật ký chép những bài thơ hay rồi cùng đồng đội chuyền tay nhau đọc sau những đêm biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào.

Bên cạnh vai trò lãnh đạo, tổ chức chương trình, MC, công chúng lại yêu mến giọng ngâm của Nghệ sĩ Thanh Xuân qua bài thơ “Trở lại U Minh” của Nhà thơ Nguyễn Bá.

Chiếc xuồng con vượt hàng trăm cây số

Cùng với tôi trở lại đất U Minh

Nơi con sông mùa sa mưa nước đỏ

Nơi chân trời mát mẻ bóng tràm xanh

Nơi quê hương bao người thương đang đợi

Chiếc lá rơi cũng xao động tâm tình...

Bài thơ vốn dĩ đã rất hay, khi bà ngâm lên lại cho người nghe thêm cảm nhận được cả tâm tình của đứa con xa trở về, những lát cắt U Minh một thời bom đạn, bao hoài niệm về một thanh xuân cách mạng, hồn cốt mộc mạc của quê hương... như đan xen, quyện hoà rất sống động. “Trở lại U Minh” đã là một phần kỷ niệm đẹp, đã đi theo bà suốt hành trình dài nửa thế kỷ qua, bởi vậy mỗi lần ngâm là cảm xúc cứ vẹn nguyên.

“Bài thơ này đã ăn sâu vào hơi thở của tôi, thương từng câu từng chữ. Nhiều lần vinh dự được ngâm trực tiếp cho Nhà thơ Nguyễn Bá nghe, ông đều xúc động và ngợi khen. Nhớ hoài câu nói của ông: “Hễ tới ngày thơ Việt Nam là lại nhớ về Cà Mau, mà nhắc ngâm thơ Cà Mau là nhớ ngay đến Thanh Xuân và Việt Tiên!”. Nhận được những lời quý giá này chúng tôi ấm lòng lắm...”, Nghệ sĩ Thanh Xuân tâm tình.

Nghệ sĩ Việt Tiên - Cảm xúc làm nên sự sáng tạo của người nghệ sĩ

Ảnh nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Việt Tiên và Nghệ sĩ Thanh Xuân là đôi bạn thân thiết từ khi còn là diễn viên của Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh, đến Ðoàn Cải lương Hương Tràm và nhất là sau này khi cả hai đều công tác tại Thư viện tỉnh Cà Mau. Chớp mắt, đôi bạn thơ đã bỏ xa tuổi lục tuần, nhưng đi đến đâu, nghe nhắc về lĩnh vực ngâm thơ, ánh mắt bà lại chợt long lanh đến lạ.

Nếu như trên sân khấu cải lương, Nghệ sĩ Việt Tiên được công chúng yêu mến bởi nét diễn xuất tự nhiên thì ở lĩnh vực ngâm thơ bà lại tiếp tục để lại dấu ấn đẹp qua những bài thơ: “Nguyên tiêu” (Hồ Chí Minh), “Ðất Viên An” (Nguyễn Bá), “Quê hương” (Giang Nam)... với lối ngâm mềm mại, trong trẻo. Theo bà, ngâm thơ rất khó bởi không có bài bản, tiết tấu giai điệu cố định mà mỗi người ngâm mỗi kiểu, tuỳ thuộc vào độ thẩm thấu ngôn từ, khả năng thiên phú... Ðặc biệt, cảm xúc là “nguyên liệu” quan trọng nhất để người nghệ sĩ ngâm thơ sáng tạo nên giai điệu của riêng mình. Chính vì thế, để truyền tải thành công được cái “thần” của bài thơ đến khán thính giả, trước khi ngâm phải tìm hiểu kỹ nội dung, đặt tâm tư tình cảm, dồn hết sức lực nghiên cứu chỗ nào cần lắng đọng, cao trào, những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

Nhớ có lần, đêm giao lưu thơ được tổ chức ở Bạc Liêu, vẫn bài thơ Nguyên tiêu nhưng Nghệ sĩ Việt Tiên lại ngâm bằng 3 cách đưa hơi Oán, Xuân, Ai... Dưới vầng trăng sáng, thanh âm mặc nhiên len lỏi vào trái tim của bao khách mộ điệu.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Ðoạn, miền kỷ niệm ùa về, những câu thơ lại trỗi lên. Thời gian trôi đã đưa những thăng trầm nghệ thuật về miền kỷ niệm đẹp, từ lâu, bà quyết định lui về phía sau vẹn tròn vai trò vợ, mẹ rồi bà, hết lòng vun vén mái ấm nhỏ của mình. Ðể rồi, nhớ đến cô đào Việt Tiên, ngoài những vai diễn hay, người ta còn nhớ đến giọng ngâm thơ mềm mại, dễ thương của người nghệ sĩ đã bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật, với tất cả lòng nhiệt thành.

Mỹ Phượng - Tiếng thơ đầy nội lực

Ảnh nhân vật cung cấp

Thỉnh thoảng có dịp gặp Nghệ sĩ Mỹ Phượng, tôi cứ như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực bởi người phụ nữ đặc biệt này mang lại. Mỹ Phượng xuất thân là một ca sĩ của Ðoàn Ca múa nhạc Minh Hải, sau đó chuyển công tác về Toà soạn Báo Cà Mau, từng đoạt Huy chương Vàng Tiếng hát người làm báo toàn quốc năm 1991. Những năm sau này, chị lại khá quen thuộc với công chúng trong vai trò là một nghệ sĩ ngâm thơ.

“Khoảng năm 1997, trong một dịp đến dự chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, lật đến bài thơ “Nửa vầng trăng” của anh, lòng thích quá không kìm được, mình ngâm lên vừa như một lời chúc mừng nhà thơ, vừa là một mạch đồng điệu của bản thân. Mọi người cùng ngồi chăm chú lắng nghe rồi ủng hộ quá chừng. Ai có dè, lần ngâm thơ đầu tiên đó đã trở thành cơ duyên đẹp để mình đến với lĩnh vực nghệ thuật này luôn...”, nở nụ cười thật tươi, chị nhớ lại.

Từ đây, tiếng thơ của Mỹ Phượng từng bước chinh phục khán giả qua những chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm, đêm Nguyên tiêu hàng năm của Thư viện tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật, cũng như góp mặt đều đặn trong chương trình tiếng thơ của Ðài PT-TH Cà Mau. Lần giở hành trang nghệ thuật ngâm thơ, đến nay, chị đã thể hiện trên 100 bài, những cái tên tác giả quen thuộc được điểm lại đầy trân quý như: Nguyễn Bá, Nguyễn Trọng Tín, Lưu Xông Pha, Trần Hữu Nghiễm, Ðàm Ngọc Thơ... Với sự linh hoạt, phong cách thể hiện đa dạng, Mỹ Phượng cho rằng chị không kén thể loại, đề tài, trước mỗi lần ngâm thơ chị đều tìm hiểu kỹ về nội dung để cảm hồn thơ hoặc cố gắng trao đổi với tác giả để hiểu nhiều hơn về giá trị tư tưởng, thông điệp gửi gắm và từ đó thăng hoa theo cách của riêng mình. Giọng ngâm của chị đã tạo được nét riêng bởi chất trầm mặc, khắc khoải, có thế mạnh khi ngâm những bài thơ mang nhiều nỗi niềm hay đề tài chiến tranh. Không ít lần đang biểu diễn, vì quá nhập tâm, giọt nước mắt cứ tuôn khiến phần ngâm bị gián đoạn tưởng chừng không thể tiếp tục; đáp lại, phía dưới khán giả im lặng chờ đợi và những tràng vỗ tay đồng điệu, với Mỹ Phượng đó là những khoảnh khắc kỷ niệm đẹp khi xúc cảm nghệ sĩ và vẻ đẹp ngôn từ giao hoà. Từ thơ ca, Mỹ Phượng như con tằm cần mẫn nhả những sợi tơ đẹp dâng tặng cuộc đời./.

 

Minh Hoàng Phúc

 

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.

Trao kỷ niệm đẹp cho ngày trọng đại

Bỏ công sức để làm những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống thay lời chúc phúc, Xã đoàn Khánh Hải và Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã góp sức tạo nên một đám cưới đáng nhớ cho các đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên năm 2025: Huyện Trần Văn Thời đoạt giải Nhất toàn đoàn

Trong 2 ngày (19 và 20/4/2024), Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên với chủ đề “Bài ca thống nhất” năm 2025.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.