(CMO) Tại Thông báo Kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đất đai; các loại thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; việc quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng tại TP Cà Mau (tháng 7/2020) của Thanh tra tỉnh cho thấy, việc quản lý đất công trên địa bàn TP Cà Mau còn chưa chặt chẽ, diện tích bị lấn chiếm là 28.069 m2.
Qua kiểm tra 7 đơn vị xã, phường đã có 4 đơn vị để xảy ra thiếu sót, như công tác quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn còn rất phức tạp; tình trạng lấn, chiếm, cho mượn đất công diễn ra đã lâu nhưng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ đúng theo quy định pháp luật; cho thuê quỹ đất nông nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất…
Nhiều vi phạm trong quản lý
Trong báo cáo mới đây của UBND TP Cà Mau (tháng 3/2022) khẳng định, một số đơn vị xã, phường còn lơ là, buông lỏng công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm, để tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm quy hoạch vẫn còn xảy ra; việc người dân tự phát mở hẻm, phân lô bán nền diễn ra phức tạp trong thời gian dài gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác khắc phục hậu quả vi phạm.
Khu đất “rạp Huê Tinh” (Phường 2, TP Cà Mau) đã bị người dân lấn chiếm khá lâu, chưa có giải pháp thu hồi, quản lý, sử dụng hiệu quả. |
Tại huyện Thới Bình, có 7 xã có quỹ đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, gồm Thới Bình, Trí Lực, Tân Phú, Tân Lộc Bắc, Biển Bạch Đông, Biển Bạch, Hồ Thị Kỷ, với tổng diện tích 807.023,6 m2. Với diện tích này, các địa phương cho thuê, cho mượn đất đều sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời hạn, nhưng trái quy định pháp luật.
Có thể điển hình, xã Trí Lực có tổng diện tích quỹ đất nông nghiệp là 93.090,3 m2, trong đó diện tích bị lấn chiếm là 68.298,7 m2, diện tích cho thuê trái pháp luật (đất bờ bao Nông trường dừa) là 24.791,6 m2; xã Tân Lộc Bắc có tổng diện tích quỹ đất nông nghiệp cho thuê trái pháp luật là 10.480,4 m2; xã Biển Bạch Đông có tổng diện tích quỹ đất nông nghiệp là 35.948,7 m2 thì có diện tích cho thuê trái pháp luật là 31.935,1 m2; xã Biển Bạch có tổng diện tích quỹ đất nông nghiệp là 20.674,2 m2, tất cả cho thuê trái pháp luật; xã Hồ Thị Kỷ cho thuê trái pháp luật là 66.346,8 m2. Tại xã Tân Phú có tổng diện tích quỹ đất nông nghiệp là 548.548,1 m2 cho thuê trái pháp luật từ năm 2003. Đến năm 2013, xã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất, tuy nhiên các hộ dân thuê đất đã chiếm giữ không giao trả lại cho UBND xã. Ngoài ra, còn phần đất nông nghiệp khoảng 40 ha giao cho Huyện uỷ, UBND huyện Thới Bình, Tiểu đoàn U Minh II quản lý đến nay chưa xử lý dứt điểm, gây yêu cầu, khiếu nại kéo dài.
Vẫn chưa có hồi kết
Đến thời điểm hiện nay, thông qua yêu cầu của UBND tỉnh, các địa phương đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất trái quy định pháp luật. Riêng đối với khu đất nông nghiệp 54,9 ha của UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình đang bị chiếm, chính quyền địa phương đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện đòi lại đất, chưa có hồi kết.
Theo kết quả thống kê, hiện trạng đất chưa sử dụng tính đến cuối năm 2020 của huyện Thới Bình là 63,50 ha, trong khi kế hoạch sử dụng đất cùng năm thì không có chỉ tiêu này. Lý giải về con số này, lãnh đạo UBND huyện Thới Bình cho biết, diện tích chênh lệch tăng 63,50 ha là do cập nhật số liệu kiểm kê đưa diện tích đất thu hồi từ đất quốc phòng tại xã Tân Lộc Đông giao về cho địa phương quản lý để lập phương án giao đất. Tuy nhiên, do chưa thực hiện được phương án giao đất nên ghi nhận vào đất chưa sử dụng, nhưng thực tế là các hộ dân thuê đất trước đây của Ban Chỉ huy Quân sự huyện vẫn đang canh tác sử dụng. Cùng với đó, khu đất chợ thị trấn Thới Bình đã được UBND tỉnh thống nhất giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện đấu giá cho thuê đất nhưng vẫn chưa triển khai nên ghi nhận vào đất chưa sử dụng, nhưng thực tế chợ Thới Bình vẫn đang hoạt động. Trở lại câu chuyện khu đất 56 ha tại Ấp 6, xã Tân Lộc Đông, dù tỉnh đã có Quyết định thu hồi số 20/QĐ-UBND, ngày 25/1/2017, lập phương án xem xét giao đất cho người dân sản xuất ổn định, nhưng đến nay câu chuyện vẫn chưa có gì thay đổi như đã nêu trên.
Khu đất 56 ha tại Ấp 6, xã Tân Lộc Đông, dù tỉnh đã có Quyết định thu hồi số 20/QĐ-UBND ngày 25/1/2017, đề nghị lập phương án xem xét giao đất cho người dân sản xuất ổn định, nhưng đến nay câu chuyện vẫn chưa có gì thay đổi. |
Con số tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát trong kỳ (2016-2020) có 79 tổ chức, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích (ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền 499 triệu đồng); vi phạm trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 1,35 ha; tổ chức được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư nhưng chậm đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, với diện tích 151,2 ha. Ngoài ra, Thanh tra các huyện, TP Cà Mau cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, chấn chỉnh nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai.
Cần kiên quyết hơn
Để khắc phục tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như đã nêu, ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, địa phương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc, UBND xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng không phép, sai phép, không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; mở hẻm tự phát, lấn chiếm đất hành làng an toàn đường bộ; chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... sai quy định. “Các xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và địa phương chịu trách nhiệm trước cấp trên khi để xảy ra tình trạng mở hẻm tự phát không đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn quản lý”, ông Bùi Tứ Hải tỏ rõ sự kiên quyết của chính quyền trong quản lý đất đai trên địa bàn.
Trong diễn biến liên quan đến quản lý đất đai, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau cho rằng, việc giá đất trên địa bàn hiện khá cao, người dân nghèo, lao động hưởng lương không đủ khả năng mua đất cất nhà, từ đó nảy sinh việc hẻm tự mở để phân lô, bán nền trái phép. Thành phố đã thấy, từng bước xử lý và thực trạng này gần đây đã giảm. “Tuy nhiên, hiện xuất hiện những “đầu nậu” trong sang bán đất đai trái phép, không những dẫn đến thất thoát nguồn thu sử dụng đất, mà còn làm cho công tác quản lý đất đai thêm nguy cơ dễ xảy ra nhiều vi phạm, cần có sự phối hợp, xử lý nghiêm minh để loại trừ, răn đe”, ông Bùi Tứ Hải kiến nghị./.
Theo Báo cáo số 706/BC-SXD, ngày 16/3/2022 của Sở Xây dựng, TP Cà Mau có 111 hẻm tự phát với 1.952 căn nhà; huyện Năm Căn có 3 hẻm, 13 căn nhà; huyện Ngọc Hiển có 2 hẻm, 29 căn nhà; huyện Thới Bình có 1 hẻm, 3 căn nhà; huyện Đầm Dơi có 1 hẻm, chưa có nhà; huyện Trần Văn Thời có 5 hẻm, 35 căn nhà; huyện U Minh có 1 hẻm, 22 căn nhà. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội, khi có dự án lúc bàn giao đất đã xuất hiện các hẻm tự mở, làm cho công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, kéo dài, để lại nhiều hệ luỵ… |
Trần Nguyên
BÀI CUỐI: CẦN CHỦ ĐỘNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC