ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:12:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

70 NĂM HIỆP ĐỊNH GENEVA: GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI TỪ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO CÁN BỘ

Những cánh chim phương Nam trưởng thành trong tổ ấm đất Bắc

Báo Cà Mau Những học sinh miền Nam luôn xúc động nghẹn ngào khi nhớ về những kỷ niệm khi được gặp Bác Hồ, được thầy cô giáo và nhân dân miền Bắc chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, trò chuyện tại trại nhi đồng ở Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)

Bài 2: Những cánh chim phương Nam trưởng thành trong tổ ấm đất Bắc

Trong những ngày đầu đón học sinh miền Nam, người dân miền Bắc dù còn nhiều khốn khó nhưng vẫn nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, đón nhận những đứa con của đồng bào, đồng chí miền Nam. Ngược lại, học sinh miền Nam cũng chuyên tâm học tập, rèn luyện, cùng nhân dân miền Bắc khắc phục khó khăn, tiếp sức cho miền Nam đánh giặc.

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều nhân chứng lịch sử xúc động, nghẹn ngào khi nhớ về thời niên thiếu của mình trên đất Bắc, nhớ những kỷ niệm khi được gặp Bác Hồ, được thầy cô giáo và nhân dân miền Bắc chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ.

Nhớ mãi tình thương bao la của Bác

Kể lại những kỷ niệm ở trường học sinh miền Nam, bà Nguyễn Thanh Lịch dường như trẻ lại. Nhìn ánh mắt, nụ cười của bà, tôi bỗng thấy phảng phất hình ảnh cô trò nhỏ lém lỉnh năm nào.

Bà Lịch đã học tại 6 ngôi trường khác nhau, do đó bà cũng có cơ hội được gặp Bác Hồ nhiều hơn các bạn học khác.

"Miền Nam yêu quý luôn trong tim tôi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuổi đã ngoài 80, tâm trí như phủ mây mờ, nhưng bà vẫn nhớ như in một lần Bác đến thăm trường học sinh miền Nam và hỏi: “Các cháu ăn có no không?” Học sinh đồng thanh: “Dạ có, dạ có!” Rồi Bác lại hỏi: “Các cháu có thèm ăn món gì nữa không?” Bà Lịch cùng các bạn của mình lại nhao lên: “Dạ có, dạ có!” rồi thưa Bác là thèm ăn chè, món đồ ngọt quen thuộc với trẻ nhỏ miền Nam.

Bác lặng đi một chút rồi quay sang các cô cấp dưỡng dặn: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng các cô chú hãy cố gắng cho các cháu ăn hai bữa chè mỗi tháng nhé, đừng để các cháu thèm, tội lắm.”

Vậy là từ đó trở đi, các cháu học sinh miền Nam được ăn hai bữa chè mỗi tháng, khi thì chè trôi nước, khi thì chè đậu, món ăn giản dị nhưng cũng giúp những tâm hồn non nớt vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khi phải xa gia đình từ khi còn quá nhỏ.

Nhớ lại kỷ niệm ấy, bà Lịch rưng rưng bảo rằng đó không chỉ là câu chuyện về bát chè mà còn ẩn chứa tình thương yêu bao la của Bác Hồ dành cho học sinh miền Nam.

Từ chủ trương của Bác, đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các trường học sinh miền Nam được lựa chọn kỹ càng, đào tạo bài bản, có trình độ và khả năng sư phạm. Đội ngũ này xuất phát từ hai nguồn, hoặc là giáo viên miền Nam tập kết, hoặc thầy cô được đào tạo ở các trường sư phạm miền Bắc, hoặc ở Trung Quốc. Thầy cô cũng phải tạm xa gia đình, cùng ăn cùng ở, vừa giảng dạy vừa thay người thân chăm lo cho học trò miền Nam.

Công đoàn trường số 13 chụp cùng các em học sinh. (Ảnh tư liệu)

Vậy mới có chuyện những cô giáo đã “làm mẹ từ trước khi làm vợ” bởi họ không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò, nào tắm giặt cho các em, lo âu khi các em ốm bệnh, nào chỉ dạy cách may vá, tự lo cho bản thân mình…

Bà Lịch mỉm cười kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm khi bà bắt đầu bước vào ngưỡng cửa thời thiếu nữ. Một ngày, bà thấy “hiện tượng lạ” bèn kể với các bạn gái trong lớp và bảo rằng “không bị đau mà sao thấy chảy máu, hay mình sắp chết rồi?” Cùng cảnh ngộ, mấy bạn gái ôm nhau khóc, thưa với cô giáo Nguyễn Ngọc Tuyết là tụi con sắp chết rồi, không được về miền Nam nữa.

Cô giáo hỏi rõ sự tình và bật cười, nhưng rồi cô lại khóc vì thương các em gái xa vòng tay mẹ khi còn quá ngây thơ, biết bao nỗi niềm, tâm sự tuổi mới lớn, không được bảo ban tận tình như khi ở bên mẹ.

Vậy là cô trở thành người mẹ, hướng dẫn học sinh nữ cách chăm sóc bản thân, từ đó, các em lại chia sẻ kinh nghiệm với bạn khác.

“Suốt những năm tháng ở miền Bắc, tôi đã cảm nhận được rất rõ tình cảm của Bác Hồ, sự quan tâm chăm sóc của các thầy cô giáo và đồng bào miền Bắc, quả đúng là tinh thần ‘tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu’ mà tự trái tim này, chúng tôi biết ơn mãi mãi,” bà Lịch xúc động nói.

Trưởng thành trong vòng tay đồng bào miền Bắc

Sau 9 năm kháng chiến, miền Bắc bị tàn phá, đời sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân còn thiếu thốn trăm bề, thế nhưng nhân dân miền Bắc vẫn ưu tiên, chăm sóc cho học sinh miền Nam đầy đủ nhất có thể.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhớ lại: “Ngày ấy, nhân dân miền Bắc mới được giải phóng, vừa cải cách ruộng đất, vừa khôi phục hòa bình, đời sống còn nhiều khó khăn. Nông dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi chúng tôi đặt chân đến còn đang đói. Khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải dỡ lên ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm.”

Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, tặng kỷ vật cho ông Huỳnh Văn Thòn và bà Nguyễn Thế Thanh, đại diện Ban liên lạc Học sinh miền Nam nhân khai mạc trưng bày "Học sinh miền Nam trên đất Bắc" tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/5/2024. (Ảnh: Nguyễn Á)

Vậy mà học sinh miền Nam luôn được ưu tiên ăn cơm trắng, cá kho để có sức học tập. Giờ nghỉ, học sinh tăng gia sản xuất, nữ được học thêm nữ công, nam được dạy nghề mộc, nghề điện để có thêm kỹ năng trong cuộc sống và quan trọng nhất là không có thời gian rảnh rỗi để nhớ nhà hoặc nghĩ ra các trò nghịch ngợm, quậy phá. Thỉnh thoảng, đội chiếu bóng lưu động còn chiếu phim cho học sinh các trường miền Nam cùng xem, như là một hoạt động ngoại khóa.

Bà Nguyễn Thế Thanh (sinh năm 1953, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, con gái Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thế Truyện) còn nhớ khoảng thời gian đi sơ tán ở Vĩnh Phúc, ở nhờ nhà người dân trong khoảng một năm. Trong nhà chỉ có hai chiếc chõng tre, chủ nhà nhường chiếc chõng lớn cho hai cô học trò miền Nam là Thanh và Mai, còn hai mẹ con chủ nhà nằm trên chiếc chõng nhỏ.

Những cậu học sinh miền Nam trưởng thành và gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hải quan, tàu biển... (Ảnh tư liệu)

“Tôi nhớ những năm ấy miền Bắc vừa chi viện cho tiền tuyến lớn, vừa chống chiến tranh phá hoại nên đời sống rất khó khăn. Bà con thường xuyên phải ăn cơm độn khoai, sắn. Một hôm, đi học về tôi thấy có hai bát cơm trắng trong lồng bàn mà không dám ăn. Cô chủ nhà bèn bảo đó là cơm phần cho tôi và bạn Mai. Tôi xúc động nhớ mãi không quên ân tình đó,” bà Thanh kể.

Trong số học sinh miền Nam cũng có những bạn trai nghịch ngợm, đi đào trộm khoai, bắt trộm gà nhưng người dân đều bỏ qua, bởi họ thương những đứa trẻ sớm phải xa quê hương, bởi bố mẹ chúng còn đang chiến đấu nơi chiến trường miền Nam.

“Người miền Bắc lúc đó cũng đói khổ mà vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho học sinh miền Nam. Nếu không có tình thương tự đáy lòng thì sẽ không có sự bao bọc con em miền Nam như thế và chúng tôi cũng không thể có ngày hôm nay. Bản thân chúng tôi cũng nhớ lời dạy ‘đoàn kết’ của Bác Hồ mà thương yêu nhau không phân biệt Nam-Bắc,” bà Thanh tâm sự.

Bà Trần Tố Nga, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, cũng có suy nghĩ như vậy. Bà cho hay học sinh miền Nam đã học cách yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, yêu quê hương đất nước, phải sống trung thực, chia sẻ với tập thể, đoàn kết với nhau và đoàn kết với đồng bào miền Bắc.

Bà nói: “Chúng tôi chưa từng giành nhau cái gì mà ngược lại, còn chia nhau từng hạt muối, con cá, những tâm sự vui buồn. Năm tôi học lớp 7, có em lớp 6 khóc hết nước mắt khi nhận tin ba ở miền Nam bị địch bắt. Chúng tôi đến bên, đứa nào cũng khóc theo, xem đó là nỗi đau buồn của mình.”

Có học sinh miền Nam còn lén giấu cơm vào vạt áo để đưa qua hàng rào cho các bạn người miền Bắc cùng trang lứa với mình hoặc dành phần cá kho để mời bà con miền Bắc nhưng đều bị từ chối với lý do: “Các con là học sinh miền Nam ra đây, cần ăn uống đầy đủ để học hành. Không phải lo cho cô bác.”

Với học sinh miền Nam, hai chữ “biết ơn” đồng bào miền Bắc được họ ghi lại nhiều lần trong nhật ký, in sâu trong trái tim họ suốt nhiều năm và giờ đây, những mái đầu bạc vẫn không nén được sự xúc động khi nhắc đến hai chữ này./.

Niềm vui ngày gặp mặt của các học sinh trường miền Nam trên đất Bắc. (Ảnh: Nguyễn Á)

 

Theo vietnamplus.vn

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.