(CMO) Ngày 7/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030. Trần Văn Thời là địa phương năng động nhất trong thực hiện quy hoạch này.
Đến nay, huyện Trần Văn Thời đã thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan, tạo diện mạo mới, mối liên kết quyết định cho sự vực dậy của chuỗi đô thị ven biển ở Cà Mau.
Hoàn thiện hạ tầng
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết: “Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, định hướng đến năm 2025 thị trấn Sông Đốc sẽ là đô thị loại III và thị trấn Trần Văn Thời trở thành đô thị loại IV của tỉnh".
Thời gian qua, từ nguồn vốn động lực đô thị của cấp trên, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo việc chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình y tế, văn hoá, giáo dục, thể thao, dịch vụ thương mại… đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi, giải trí... của người dân tại khu vực đô thị.
Đối với thị trấn Sông Đốc và thị trấn Trần Văn Thời, với vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp về kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh.
“Hiện nay các tiêu chí cơ bản đảm bảo theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Tại thị trấn Sông Đốc và thị trấn Trần Văn Thời từng bước hình thành một số siêu thị, khu vực thương mại, dịch vụ có quy mô vừa phải; hệ thống chợ được quan tâm đầu tư, nâng cấp và mời gọi đầu tư, như chợ Rạch Ráng, chợ lớn Sông Đốc”, ông Phong cho biết thêm.
Bên cạnh đó, huyện tập trung rà soát để mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực và dự kiến triển khai từ năm 2020 khi đảm bảo theo các quy định. “Hiện nay, huyện đang triển khai lập đề án phân loại đô thị loại V cho xã Khánh Bình Tây sau khi đã sơ kết 3 năm triển khai thực hiện theo chương trình phát triển đô thị. Theo đó, dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận trong quý III/2020 để đưa huyện Trần Văn Thời là huyện đầu tiên của tỉnh Cà Mau có 3 đô thị trên địa bàn”, ông Phong nhấn mạnh.
Quy hoạch đô thị thị trấn Trần Văn Thời đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Quốc Thanh |
Song, bên cạnh đó, trong phát triển đô thị ở Trần Văn Thời cũng gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể như việc đầu tư cho công tác phát triển đô thị theo quy hoạch trên địa bàn hiện nay bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Đang trong giai đoạn triển khai nên chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng của khu vực nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại, sinh hoạt, giao dịch của người dân, phần còn lại theo định hướng quy hoạch xây dựng là khó triển khai thực hiện đồng bộ. Hệ thống hạ tầng đô thị chưa đảm bảo hoàn thiện các tiêu chí đô thị được quy định hiện hành.
Mặt khác, tập quán của người dân các vùng ven biển, ven sông đa phần sống tập trung ở khu vực ven sông, nhà ở hiện trạng được hình thành lâu đời, dày đặc, gây khó khăn trong công tác chỉnh trang, giải phóng mặt bằng. Một số khu vực quá tải về dân cư và thiếu hạ tầng cần nguồn vốn nâng cấp chỉnh trang. Đối với các đô thị thuộc huyện Trần Văn Thời có vị trí địa lý tương đối xa các đô thị lớn, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hạ tầng đô thị phát triển chậm cũng ảnh hưởng nhiều trong thực hiện mời gọi đầu tư, quản lý trật tự xây dựng và chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn này, đến nay có thể khẳng định, trên địa bàn huyện đã được đầu tư các tuyến đường quan trọng để kết nối đô thị động lực của tỉnh, đô thị Sông Đốc, đến các trung tâm xã, thị trấn của huyện và TP Cà Mau, huyện Năm Căn, huyện U Minh... Như đầu tư xây dựng mới tuyến đường đê biển Tây, đường bờ Nam Sông Đốc, tuyến đường Tắc Thủ - Co Xáng - Đá Bạc, nâng cấp mở rộng tuyến đường Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc (trong đó gồm đoạn qua trung tâm thị trấn Trần Văn Thời).
Cùng với đó, hơn 5 năm qua huyện Trần Văn Thời không chỉ tập trung cho đấu nối của các đô thị mà còn đầu tư xây dựng trên 480 km lộ đường giao thông nông thôn, tổng vốn đầu tư trên 311 tỷ đồng, nhằm kết nối giao thông liên xã và kết nối đường tỉnh, đường huyện.
“Hiện nay, các khu vực trung tâm xã đều kết nối đến trung tâm đô thị trên địa bàn huyện và trung tâm TP Cà Mau. Công tác đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trong đô thị tại 2 thị trấn và các xã theo quy hoạch được quan tâm; tỷ lệ chiếu sáng trục, tuyến đường đô thị cơ bản được đảm bảo, từng bước cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương và phát triển của người dân cũng như đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Phong khẳng định.
Một góc cửa biển Sông Đốc. Ảnh: Minh Tấn |
Tiềm năng phố biển
Chuỗi liên kết các đô thị tỉnh Cà Mau từ năm 2016-2030 chia thành 3 giai đoạn. Riêng giai đoạn 2016-2020, hệ thống đô thị toàn tỉnh phải đạt 12 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại I là TP Cà Mau; 2 đô thị loại IV; 9 đô thị loại V, bao gồm 7 đô thị hiện hữu Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, U Minh, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và 2 đô thị loại V dự kiến thành lập mới là xã Khánh Hội và Khánh Bình Tây. Tuy đến nay mục tiêu phát triển đô thị trung tâm TP Cà Mau đạt loại I và nâng cấp thành lập 2 đô thị mới Khánh Hội và Khánh Bình Tây chưa hoàn thành nhưng với những kết quả đạt được sẽ là nền tảng vững chắc trong giai đoạn tiếp theo.
Xác định quy hoạch để định hướng phát triển đô thị làm động lực bứt phá từng giai đoạn phù hợp với Chương trình Phát triển đô thị quốc gia. Theo đó, Cà Mau đã và đang hướng đến các mục tiêu cụ thể của Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012. Đến nay, ngoài hệ thống đường giao thông kết nối nội tỉnh Cà Mau còn có trên 220 km của các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn. Đó là lợi ích, là động lực lớn để tạo đà kết nối.
Là một trong những đô thị động lực vùng ven biển phía Tây của tỉnh, đến nay thị trấn Sông Đốc với tốc độ đô thị hoá được xếp loại cao nhất, đã phát triển công nghiệp tập trung, đa ngành, thương mại, dịch vụ, cảng cá, nghề khai thác biển quy mô sầm uất nhất tỉnh. Cửa biển Sông Đốc với đội tàu tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản đông nhất khu vực ĐBSCL với hơn 1.600 chiếc. Trung bình, sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản của Sông Đốc từ 130.000 tấn/năm. Không chỉ là cửa biển có thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản của tỉnh Cà Mau, còn là cửa biển có quy mô đánh bắt lớn của ĐBSCL. “Hiện nay, tại Sông Đốc đã và đang hình thành khu công nghiệp bờ Bắc với quy mô tương đương 50 ha và bờ Nam khoảng 100 ha đang thực hiện các thủ tục cần thiết để mời gọi đầu tư cũng như đầu tư hạ tầng khu công nghiệp”, ông Lê Phong chia sẻ.
Đối với các khu công nghiệp ở Sông Đốc, hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch đô thị Sông Đốc, theo đó sẽ tiến hành sắp xếp ổn định đối với các khu công nghiệp hiện hữu nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động và kiểm soát môi trường cho từng khu vực cụ thể. Đi kèm với đó là các khu vực thương mại, dịch vụ, hệ thống khách sạn nhà nghỉ dần hình thành, đó là tín hiệu vui cho đô thị xứ biển lớn nhất Cà Mau. “Vừa qua, được sự thống nhất của UBND tỉnh Cà Mau, địa phương đã phối hợp cùng với các ngành cấp tỉnh và nhà đầu tư khai trương tuyến du lịch Sông Đốc - Nam Du - Phú Quốc. Tuyến du lịch này sẽ góp phần quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển cũng như đấu nối và liên kết các điểm du lịch còn lại của tỉnh nói chung và của huyện Trần Văn Thời nói riêng”, ông Phong thông tin thêm.
Tương lai không xa, Sông Đốc sẽ có công trình cầu bắc ngang cửa sông Ông Đốc, kết nối đô thị bờ Bắc và bờ Nam cũng như kết nối vào các tuyến đường đê biển Tây và các đô thị lớn; các khu đô thị mới đang dần hình thành tại Sông Đốc sẽ tạo sức bật cho đô thị động lực trong thời gian tới. Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Trần Văn Thời, hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển, chỉnh trang đô thị./.
Phong Phú