ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 14:46:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗ lực cho diện mạo mới của giáo dục - Bài 2: Nhiều bề lo lắng

Báo Cà Mau ( CMO) Thực tế cho thấy, nơi nào nhà trường có đủ cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học, hoặc từng được đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia thì nơi đó có nhiều điều kiện tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, chứ chưa hẳn là vùng sâu, vùng xa mới gặp khó. Bởi ngay tại TP Cà Mau, các trường vùng ven đang gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và phía trước là thách thức, trở ngại cần được quan tâm tháo gỡ.

Loay hoay... gỡ khó

Nằm trên địa bàn phường Tân Xuyên, có 1 điểm chính, 1 điểm lẻ và trở ngại lớn nhất chính là CSVC, do vậy, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng phải rất nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là đảm bảo chất lượng đối với khối lớp 1, 2. Thiệt thòi của trường mang danh “thành phố” là rất lớn.

Thầy Võ Văn Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, tuy đã là năm thứ 2 học theo chương trình GDPT 2018, nhưng giáo viên nhà trường vẫn dạy “chay”. Đến nay, ngoại trừ việc đảm bảo cơ bản mỗi lớp 1 phòng thì nhà trường chưa có sự đầu tư bất kỳ hệ thống, thiết bị hỗ trợ nào cho chương trình GDPT mới. Đến việc bố trí 1 ti-vi thông minh để các em có hình ảnh sống động dễ dàng tương tác tốt với giáo viên cũng chưa có.

Thầy Nghĩa kể, thời điểm các em học trực tuyến cực kỳ khó khăn, bởi đa số phụ huynh của trường, chủ yếu làm thuê hoặc là ông bà lớn tuổi không rành công nghệ nên giáo viên rất vất vả, vừa hướng dẫn học sinh, vừa hỗ trợ phụ huynh, lúc học được lúc không do đường truyền yếu. Đây cũng là nguyên do khó thực hiện xã hội hoá giáo dục và cũng là lý do khi học trực tiếp trở lại, giáo viên phải đồng hành xuyên suốt cùng học sinh.

“Không có thiết bị giảng dạy hỗ trợ, giáo viên buộc phải duy trì cách dạy truyền thống. Hiện nay, nhà trường thiếu các phòng chức năng (phòng dạy tiếng Anh, phòng giáo dục thể chất, phòng nghệ thuật, phòng tin học); một số máy tính bị hư hỏng không còn bảo hành; trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu nhiều; thiếu cả hệ thống nước uống sạch… Chưa kể, hiện nay nhà trường còn thiếu 1 giáo viên dạy tiếng Anh và giáo viên tin học khi triển khai chương trình lớp 3”, thầy Nguyễn Văn Bền, Phó hiệu trưởng nhà trường, tiếp lời.

Cô Vũ Thị Hiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, chia sẻ: “Lớp 1 học chương trình GDPT mới, đòi hỏi mỗi lớp trang bị tất cả đồ dùng, tivi, mà điều kiện nhà trường còn khó khăn chưa trang bị được. Để khắc phục, giáo viên đưa ra nhiều tranh ảnh, hình ảnh hơn để giúp các em theo kịp chương trình. Giáo viên cũng muốn đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng so với điều kiện thực tế hiện nay thì chỉ có thể nỗ lực hết khả năng, và tuỳ theo trình độ từng em để củng cố kiến thức”.

Thầy Bền cho biết thêm, dự kiến từ nay đến năm 2024 trường sẽ được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Song, vấn đề cấp thiết hiện nay là trường cần đầu tư CSVC, nhất là trang thiết bị dạy học để triển khai tốt chương trình GDPT mới lớp 1, 2 và sắp tới là lớp 3. “Thiệt thòi của học sinh sẽ thể hiện rõ nhất khi các em chuyển cấp lên lớp 6. Trong khi lớp 6 cũng đang học chương trình GDPT mới. Khi các em hẫng hụt về điều kiện và kiến thức, các em sẽ khó bắt kịp các bạn”, thầy Nghĩa trăn trở.

Do chưa được đầu tư smart tivi cũng như trang thiết bị dạy chương trình GDPT mới nên học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Tân Xuyên (TP Cà Mau) chủ yếu học qua SGK và sự hướng dẫn của giáo viên.

Cũng nằm trên địa bàn phường Tân Xuyên, Trường Tiểu học Tân Xuyên có 2 học khu: khu A (khu chính) nằm trên đường Quốc lộ 63, thuộc Khóm 3 và khu B thuộc Khóm 4. Trong tổng số 316 học sinh, có hơn 15% thuộc diện nghèo, khó khăn nên thời điểm học trực tuyến không thể tham gia học. Thầy Nguyễn Đại Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, tâm tình: “Hoàn cảnh” của trường cũng tương tự với Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, do đó, việc triển khai dạy học theo chương trình GDPT mới tại trường chỉ thông qua sách giáo khoa mới, còn hoạt động bổ trợ rất khó, thậm chí không thể thực hiện.

“Hiện nhà trường chỉ có 10 phòng học với 13 lớp; phòng chức năng chỉ duy nhất 1; CSVC thiếu nhiều, chưa đồng bộ, bàn ghế xuống cấp nhiều năm chưa được đầu tư mới; trường cũng chưa trang bị được phòng máy vi tính phục vụ dạy tin học… Do diện tích đất nơi đây hạn hẹp, nhà trường đã đề nghị được xây mới trụ sở ở địa điểm mới để xoá điểm lẻ và tháo gỡ khó khăn, song, có lẽ các em vẫn phải chịu thiệt thòi thêm 1 năm nữa để chờ đầu tư mới”, thầy Thắng phân trần.

GDPT mới, có mới... Với tất cả?

Có thể thấy, điểm trường chính đã quá nhiều khó khăn trong giảng dạy và học tập thì điểm lẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa. Đó là sự khập khiễng về chất lượng giáo dục từ trước tới nay mà ngành giáo dục tỉnh đã thấy, và đã nỗ lực khắc phục, xoá điểm lẻ, song vẫn chưa thể “xoá trắng” vì đó là nhu cầu tất yếu của học sinh và phụ huynh ở những vùng khó, vùng sâu, xa.

Chẳng hạn tại huyện Đầm Dơi, cụ thể là ở Trường Tiểu học Trần Văn Phán, xã Trần Phán, trường có 1 điểm chính và đến 4 điểm lẻ. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Quang Khẳng, dẫu đã rất nỗ lực nhưng không thể xoá các điểm lẻ vì khoảng cách về điểm chính quá xa. Như điểm Cây Trăm (ấp Nhị Nguyệt), do trước đó có 2 điểm lẻ thuộc địa bàn lân cận là xã Tân Duyệt và Tân Trung đã xoá nên điểm lẻ của trường phải duy trì điểm này. Để phục vụ tốt cho việc dạy và học, nhà trường đã xã hội hoá và trích kinh phí hoạt động của trường sửa chữa lớp học, gắn ti-vi thông minh…

“Điểm lẻ này có 5 lớp nhưng chỉ 3 phòng học. Do dịch bệnh nên năm nay có thể sắp xếp các em học 1 buổi/ngày đảm bảo số phòng. Nhưng năm học tới, khi triển khai học 2 buổi/ngày và có thêm lớp 3 thì chắc chắn sẽ thiếu phòng. Trước mắt, trường đành chia nhỏ phòng học vì số học sinh ở điểm lẻ ít. Còn phòng chức năng để học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học…”, thầy Khẳng bộc bạch.

Tại điểm lẻ Cây Trăm, Trường Tiểu học Trần Văn Phán (huyện Đầm Dơi), tiết học Âm nhạc phải "học ảo" do không có phòng chức năng và thiết bị chuyên dụng.

Theo thầy Khẳng, để giải quyết các vấn đề khó khăn hiện tại, trường đã được đầu tư xây dựng trụ sở chính theo hướng đạt chuẩn quốc gia cách điểm chính hiện tại khoảng 2 km. Sau khi xây trường mới, nhà trường sẽ sáp nhập điểm chính và 1 điểm lẻ lân cận về trường chính. Tuy vậy, theo tiến độ, nhanh nhất cũng phải đến học kỳ 2 năm học mới 2022-2023 mới có thể chuyển sang học trường mới, vậy thời gian học kỳ 1 năm học mới trường cần giải bài toán thiếu hụt trên. Và khi thực hiện chương trình GDPT mới lớp 3, trường đối diện khó khăn khác là sẽ thiếu 1 giáo viên môn Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học.

Nhìn nhận thực tế, ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, cho biết, nếu tính trong giai đoạn 2021-2025, cấp tiểu học còn thiếu đến 90 phòng học. Riêng đối với lớp 3 thì phải đầu tư phòng học Tin học và tiếng Anh, trong khi huyện còn quá nhiều điểm lẻ, xoá thì không được, mà đầu tư mới các phòng học thì càng không khả năng. Thêm nữa, hiện giáo viên Tin học chỉ mới 7/30 trường tiểu học tuyển dụng có giáo viên đứng lớp. Cũng chính điều này dẫn đến lo ngại các em học điểm lẻ và điểm chính sẽ có sự chênh lệch về điều kiện giáo dục dù đều đang được học chương trình GDPT mới như nhau.

Về thiết bị dạy học, lớp 1 đã được đầu tư, còn lớp 2 đến nay vẫn chưa nhận được. May nhờ học 1 buổi/ngày nên các trường sắp xếp lớp 2 học trái buổi để được “ké”, đồng thời tận dụng trang thiết bị chương trình cũ để học tốt. Các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật chỉ đảm bảo điểm chính được học, còn điểm lẻ học “chay” là thực tế.

Khó ở trường chưa đạt chuẩn quốc gia thì đã rõ, nhưng ở những trường đã đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm trước, như Trường THCS Phú Tân (huyện Phú Tân) cũng không tránh khỏi bộn bề lo lắng khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới lớp 6, sắp tới là lớp 7. Phụ trách CSVC, thầy Nguyễn Văn Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, đã lâu trường không đầu tư mới, chủ yếu là sửa chữa nhỏ nên phòng học, kể cả phòng chức năng xuống cấp, máy móc hư hỏng nhiều, mặc dù ở thời điểm năm 2020, khi Trường THCS Tân Hải sáp nhập về, trường đã có sự bổ sung CSVC từ nơi cũ. Cụ thể hơn, thầy Nguyễn Văn Phương chỉ rõ, sau gần 1 năm học chương trình GDPT mới lớp 6, nhà trường vẫn chưa có một thiết bị giảng dạy nào ngoài chiếc ti-vi thông minh đã được trang bị từ trước. Do đó, để khắc phục, giáo viên nhà trường chủ yếu dạy “ảo” cho các em.

Để đáp ứng chương trình GDPT 2018 lớp 6 và sắp tới là lớp 7, Trường THCS Phú Tân (huyện Phú Tân) cần đầu tư thêm 1 phòng máy học tiếng Anh.

Về góc độ chuyên môn, thầy Phạm Minh Bồi, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay, về phân công giảng dạy, hiện nay giáo viên gặp khó là khi tích hợp môn học Sử - Địa, trong khi các trường đều có giáo viên bộ môn riêng, vậy việc phân công giáo viên dạy như thế nào là phù hợp, ai là người chịu trách nhiệm lên điểm cho học sinh. Còn ở bộ môn Nghệ thuật với 2 phân môn riêng biệt Âm nhạc và Mỹ thuật, giáo viên có thể dạy song song nhưng cũng cần thống nhất đánh giá điểm như thế nào.

Về chất lượng học sinh, so sánh số liệu năm học này không bằng những năm trước. Ở học kỳ 1, trường chỉ có khoảng 70% học sinh trên trung bình, ở những năm trước hơn 80-85%. Chỉ rõ nguyên nhân, thầy cho biết, một phần do ảnh hưởng dịch bệnh, các em phải học trực tuyến thời gian dài, trong khi việc triển khai chương trình GDPT còn mới mẻ, giáo viên chủ yếu tập huấn Online nên việc đổi mới phương pháp còn chưa hiệu quả. Khi học trực tiếp trở lại, giáo viên thiếu trang thiết bị giảng dạy, chủ yếu học “ảo”, bên cạnh đó, chương trình mới nhiều môn cần trải nghiệm thực tế hơn, nhưng nhà trường chưa tổ chức được do dịch bệnh. Hiện trường còn thiếu 1 phòng tiếng Anh, 2 phòng Tin học máy móc hầu như chưa được bổ sung mới, hư gì sửa nấy nên chưa đảm bảo.    

Thầy Nguyễn Quốc Cuộc, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Chương trình GDPT 2018 rất hay, được giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận cao. Song, để thực hiện tốt và phát huy hiệu quả chương trình lâu dài, bền vững, đòi hỏi phải đảm bảo tốt về CSVC, trang thiết bị dạy học, tập huấn, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện để giáo viên có động lực giảng dạy tốt”./.

 

 HẢI NGUYÊN - BĂNG THANH

BÀI CUỐI: TÌM GIẢI PHÁP CĂN CƠ

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.