(CMO) Hiện nay, mực nước bên trong vùng ngọt thấp hơn ngoài đê ngăn mặn trên 1 m. Trong khi đó, nhiều tuyến kênh khô cạn đến mất phản áp, gây ra hiện tượng sụp lún, sạt lở đường giao thông, đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, đe doạ sản xuất của người dân.
Do nằm sát biển, vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, gần đây cống Thăm Trơi nằm trên địa phận xã Khánh Bình Đông, bảo vệ cho vùng ngọt huyện Trần Văn Thời bị rò rỉ, xói đáy, độ mặn đo được bên trong vùng ngọt lên đến 32%o. Chính quyền địa phương phải đắp con đập tạm và dùng máy bơm lưu động bơm nước mặn ra ngoài.
Việc xử lý rò rỉ đáy cống Kênh Mới đang được thực hiện bằng phương pháp phụt Silicate. |
Trước đó, vào giữa tháng 1/2020, nước mặn từ sông Ông Đốc chảy từ đáy cống Trùm Thuật, thuộc địa bàn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời vào vùng ngọt. Anh Phạm Hoàng Vũ, ấp Trùm Thuật, cho biết: "Nếu nước mặn vào nhiều có thể gây phèn, ảnh hưởng đến năng suất lúa, thiệt hại lớn cho sản xuất vụ mùa".
Đặc biệt hơn, cống Kênh Mới nằm trên tuyến đê biển Tây cũng bị rò rỉ, xói đáy, xâm nhập mặn. Độ mặn đo được bên trong vùng ngọt (cách cống 800 m) gần 3%o.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn vùng ngọt hiện có 18 cống rò rỉ, xói đáy. Hạn hán đã làm độ mặn trên các sông, rạch nằm sâu trong nội đồng tăng nhẹ. Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, ngành chức năng đang khẩn trương thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp tạm thời để ngăn chặn, bằng mọi cách không để nước mặn xâm nhập vào sâu hơn ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện các cống bị rò rỉ, xói đáy đều được đắp các con đập phụ và dùng máy bơm lưu động bơm nước mặn từ bên trong vùng ngọt ra ngoài. Tuy nhiên, việc nước mặn lắng đọng có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tiếp theo, nên sau khi khắc phục xong sự cố sẽ phải tính tới giải pháp rửa mặn.
Được biết, vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau có diện tích đất sản xuất khoảng 50.000 ha. Đây cũng là vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 26.000 ha lúa 2 vụ. Thời gian qua, hạn hán làm thiếu nước sản xuất, cùng với mặn xâm nhập nội đồng đã gây thiệt hại trên 21.000 ha lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái của người dân. Hạn hán còn làm cho trên 43.583 ha rừng tràm khô hạn, dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Đặc biệt nghiêm trọng hơn, hiện nay toàn tỉnh có 20.851 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này.
Để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn qua các cống, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thi công xử lý rò rỉ đáy cống Kênh Mới bằng phương pháp phụt Silicate (Silicate trộn với xi-măng), đang phụt được 3/50 hố. Các cống còn lại sẽ tiếp tục thi công bằng phương pháp này, để đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng ngọt hoá được lâu dài.
Ngoài rò rỉ, xói đáy cống ngăn mặn, việc bơm bùn, cát từ ngoài biển vào tạo phản áp khắc phục sụp lún đê biển Tây cũng đang là mối nguy cơ xâm nhập mặn. Theo tính toán của ngành chuyên môn, để khắc phục sụp lún, cần bơm bùn, cát vào tuyến kênh bên trong ven đê đoạn từ vàm Đá Bạc đến cống Kênh Mới với tổng khối lượng 200.000 m3. Để bơm hết khối lượng bùn cát này phải cần một lượng nước rất lớn. Để ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng lân cận, đơn vị thi công có đắp đập ngăn nước, tạo bể lắng ở 2 đầu. Sau đó, dùng trạm bơm nước di động bơm tháo nước trở ra biển. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, khi bơm bùn vào, lượng bùn và nước tại vị trí đặt ống dâng cao, tràn vào thẩm thấu qua khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, người dân lo ngại, nếu nước thấm nhiều, đất sẽ nhiễm mặn, ảnh hưởng việc sản xuất lúa trong thời gian tới.
Hiện nay, tình trạng sụp lún đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống vẫn đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ xâm nhập mặn vào vùng ngọt hoá rất cao, phá vỡ quy hoạch, phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời./.
Trung Đỉnh