ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:32:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi lòng của mẹ

Báo Cà Mau (CMO) Chị ôm lấy con vỗ vai động viên “có gì đâu mà khóc. Đi rồi lại về. Thời đại công nghệ, đi xa đến đâu thì mẹ con vẫn nhìn thấy mặt nhau, trò chuyện mỗi ngày”. Rồi chị quay sang bảo người thân nín đi “có gì đâu mà khóc”.

Mắt chị ráo hoảnh không rơm rớm, rưng rưng như mọi người vẫn tưởng. Suốt nhiều ngày nay chị bận rộn chuẩn bị cho con từ bộ quần áo ấm, đến ít hạt rau, cuộn kim chỉ, vài lọ thuốc tiêu hoá. Ai hỏi chị cũng vui vẻ khoe “nó sắp đi du học, mình thế là cũng đến lúc rảnh rang rồi”. Trong bữa cơm chị đã tính với con “mấy hôm nữa con đi rồi thì mẹ cũng làm một chuyến xuyên Việt với bạn bè hồi đại học. Không biết có còn sức trèo đèo lội suối hay không”.

Tối nằm cạnh thấy con gái có vẻ bịn rịn, chị chép miệng bảo “sang bên ấy mới lạ, có khi lại chẳng thấy nhớ nhà. Nghĩ đến chuyện mẹ sắp được giải phóng khỏi bếp núc cửa nhà mà sướng gì đâu”. Con gái hỏi: “Mẹ thấy vui thật sao?”, “Chứ sao không. Con còn muốn mẹ bận bịu với con đến bao giờ nữa?”. Chỉ đến khi con quay lưng bước vào phòng chờ ở sân bay chị mới quỵ gối xuống như chẳng còn chút sức lực nào. Nước mắt chị chảy giàn giụa hai bên gò má. Chị trở về căn nhà nhìn quanh quẩn khắp nơi thấy trống trải vô cùng. Con đi rồi cả thế giới theo con. Chị chẳng còn lại gì ngoài ký ức…

Năm bé Hân sáu tuổi, một buổi sáng chồng chị nói chạy qua bên kia đường mua bánh trôi cho hai mẹ con ăn. Chiếc xe tải lao qua cướp đi tính mạng người đàn ông mà chị yêu thương nhất. Chị mang theo nỗi ám ảnh về những chiếc bánh trôi nằm lăn lóc dưới đường bê bết đất để sống nốt quãng đời còn lại. Bao nhiêu tình yêu thương chị vun vén cho con. Con vui cười thì lòng mẹ nở hoa. Con buồn rầu thì lòng mẹ cũng héo hon đêm ngày vì lo nghĩ. Chị gần như không có mối bận tâm gì khác ngoài ba mẹ già và đứa con thơ. Chị buôn bán chẳng ngại thức khuya dậy sớm tích góp từng đồng tiền lẻ lo cho con không thua thiệt bạn bè. Ba mẹ già ốm, chị lo từng viên thuốc, từng bát cháo thơm. Tối ngày vun vén lo toan không kịp nghĩ cho mình. Đến lúc ngoảnh lại thấy mình đã già rồi, lạc hậu đủ thứ so với bạn bè. Ba mẹ già khuất núi, con gái đã trưởng thành, muốn thoát ra khỏi vòng tay mẹ để sống một cuộc đời của riêng nó. Chị chẳng có lý do gì giữ con lại bên mình, đứa trẻ nào rồi cũng mong mình sẽ có một thanh xuân rực rỡ. Hân nói “nước Pháp đẹp lắm mẹ ạ. Con từng mơ được sống trong một ngôi làng nước Pháp từ khi còn rất nhỏ. Một ngôi làng mọc đầy hoa trên những bậu cửa, có con sông nước xanh biếc chảy qua”. Nhìn ánh mắt con lấp lánh hạnh phúc khi thi đỗ học bổng sang Pháp mà chị cố nén cảm xúc trong lòng. Chị không muốn con phải vướng bận hay lấn cấn bất cứ điều gì khi cất bước ra đi. Nơi đất khách quê người chị không thể ở bên con được…

Chị ngồi bất động rất lâu trong bếp. Trời đã tối nhưng chị không tha thiết nấu nướng gì. Cửa hàng cũng đóng cửa cả ngày. Vài cuộc điện thoại gọi đến chị không buồn nghe máy và đã chuyển sang chế độ im lặng. Các cửa kính trong nhà đều đóng kín, chị không thể nghe thấy tiếng cây lá lao xao. Càng chẳng phải nghe thấy tiếng sum vầy ở nhà bên cạnh. Con mèo chắc đã đói nên nhảy từ trên nóc tủ xuống quẩn quanh chân chủ nịnh nọt. Nếu không có mấy tiếng meo meo của nó có khi chị đã chìm vào vô thức. Mày đói rồi đúng không? Cơm của mày đây, ăn đi rồi ngủ nướng, để mấy con chuột nhắt nó phá hết tủ sách của chị chủ mày rồi. Chị Hân đi xa rồi mày có biết không? Cứ như mày chẳng biết buồn vui gì là sướng nhất. Meo. Meo. Cuộc đối thoại giữa người đàn bà cô đơn với một con mèo lười không khi nào sôi nổi. Con mèo nằm bên cửa sổ ve vẩy cái đuôi, mặc kệ bà chủ lẩn thẩn nói một mình. Mai có thể chị sẽ không nói nữa khi nỗi buồn đã ngấm sâu vào da thịt. Chị sẽ sống lặng lẽ như thể căn nhà này chưa từng có tiếng người.

Minh hoạ: Minh Tấn

Hân gọi về lúc chị đang ngồi trong bóng tối nhìn ra những khoảng sáng của đèn cao áp bên đường rọi vào cửa sổ. Tiếng con ríu rít như chim non lần đầu rời tổ bay ra khoảng trời tươi xanh rộng lớn.
- Mẹ bật điện lên đi. Sao nhà cửa tối đen như mực.

- Tại mẹ tính tắt đèn đi ngủ.

- Mẹ đã ăn cơm chưa? Tối nay mẹ ăn những món gì?

- Vẫn bình thường như mọi ngày thôi con.

- Không có con ở nhà mẹ vẫn phải nấu nướng cho bếp ấm. Mẹ đừng ăn cơm nguội, hại dạ dày. Con chưa gì đã nhớ nhà rồi. Không biết vắng con, ở nhà đã kịp thay đổi gì chưa?

- Có chứ. Vắng con rồi nhà yên tĩnh hẳn. Con mèo cũng không phải vừa ngủ vừa lo nơm nớp có đứa đến xếch tai.

- Chúc mừng mẹ đã tống được cục nợ ra khỏi nhà.

Nghe tiếng con cười giòn tan qua điện thoại, chị thấy mừng vì con vẫn ổn. Chị tính hỏi con đi có mệt không? Đã gặp bạn bè chưa? Chỗ ăn ở thế nào? Phòng có đầy đủ tiện nghi, có ấm cúng không? Nhưng cuối cùng chị lại không hỏi gì, chỉ dặn “con nghỉ đi cho mau lấy lại sức” rồi tắt máy. Chị lên giường nằm, nghĩ về con nước mắt cứ trào ra. Suốt mười ba năm qua chị chưa từng nghĩ đến ngày này. Nó trống trải, cô đơn khủng khiếp. Mới tối qua con còn nằm bên cạnh hát nghêu ngao theo nhạc. Nửa đêm chị còn ôm trộm con, dụi mặt vào tóc nó. Vậy mà đêm nay chỉ còn có gối chăn lạnh lẽo. Những ngôi sao dạ quang con dán trên trần nhà phát sáng. Nhưng vắng con rồi chị không còn thấy được bầu trời đêm lấp lánh trong căn phòng thân thuộc. Chị nhắm mắt cố dỗ mình vào giấc ngủ. Chợt nghe thấy tiếng con hát “Nu na nu nống, đánh trống thổi kèn”. Tiếng con vang lên đỉnh ngọn xoan, những chùm quả đong đưa buông thõng xuống chiều thu nhạt nắng. Mẹ ơi tại sao trên trời lại có cầu vồng? Làm thế nào để đến được cầu vồng hả mẹ? Mẹ ơi, cây vạn tuế nhà mình ra hoa có phải mẹ sẽ sống lâu trăm tuổi? Con sẽ là cái đuôi bé nhỏ nhũng nhẵng đi theo mẹ suốt đời. Mẹ có chịu không nào? "Nu na nu nống/ Cái cống nằm trong/ Con ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Bụt ngồi bụt khóc/ Con cóc nhảy ra…".

Tiếng đập mạnh vào cửa khiến chị tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn quanh. Khách quen í ới bên ngoài “bà chủ ơi sao giờ này vẫn chưa mở cửa?”. Vừa nhìn thấy chị khách đã mắng vốn “hôm qua chị đóng cửa suốt. Nhà hết gạo em xuống mấy lần mà không mua được. Con gái đi du học nên buồn hả? Đẻ con gái, rồi cũng đến ngày nó bỏ mình mà đi. Nhà em đây cũng vậy, mình phải quen thôi chứ biết làm sao”. Chị vén tóc gọn gàng, xắn tay dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ. Chị phải quay trở lại cuộc sống thường nhật để không chìm nghỉm trong sự trống trải này. Còn nhiều đơn hàng chưa kịp giao, chắc khách đang chờ. Mà cả đoạn đường này chỉ có quán nhà chị là có bóng mát, buổi trưa khách đường xa đi qua hay ghé nghỉ chân. Chị mà đóng cửa là buổi trưa nắng nôi khách không có chỗ ngồi uống cốc nước cho đỡ khát. Dân buôn chuyến đi đường này nhiều lắm, ngồi mãi thành quen. Mà thật ra chị cũng phải làm việc kiếm tiền để nếu Hân có cần thì gửi sang cho con. Dù chị biết con bé giống tính mình, chịu khó bươn chải, vứt ở đâu cũng không lo đói. Nghĩ đến con chị lại bần thần. Đất khách quê người xa xôi vạn dặm. Có ốm đau nằm đấy cũng chẳng có ai thân thiết. Muốn ăn một bát cháo có khi cũng chẳng ai nấu cho ăn.

Chị dùng hết sức mở rộng cánh cửa xếp sang hai bên. Nắng lọt qua tán cây sấu già ùa vào những thúng gạo chị xếp ngay ngoài cửa. Cúi xuống vốc gạo đầy hai bàn tay, chị hít hà cái mùi dễ chịu đó. Toàn là gạo mới vừa tuần trước chị thu mua của bà con nông dân mấy huyện lân cận. Chị phải thu mua lúa về cất trong kho xay xát dần, chứ gạo không để được lâu. Gạo không thuốc bảo quản, giá lại phải chăng nên chị đông khách lắm. Ngoài bán gạo chị còn bán tạp hoá, thứ gì mọi người cần là chị có, lắt nhắt lãi lời chẳng đáng là bao nhưng năng nhặt chặt bị. Không vậy thì sao có thể một mình chăm lo nuôi dạy Hân khôn lớn. Lúc Hân còn ở nhà, con bé hay phụ mẹ bán hàng. Giờ nhìn xung quanh quán thấy chỗ nào cũng lấp đầy bóng dáng của con lúi húi, tươi tỉnh, nhễ nhại mồ hôi, chăm chú tính tiền. Khách quen đến quán ai cũng hỏi thăm về con bé. Những lúc không bận bịu, chị ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nhựa thấy người mình trũng xuống. Nhất là lúc chiều muộn thấy người ta đưa đón con về ngang qua cửa. Chị nhớ mình cũng đã từng có được thứ hạnh phúc ấy những ngày Hân còn bé. Hai mẹ con ríu rít bên nhau băng qua những khoảng trời mưa nắng.

“Mẹ đã dậy chưa? Thời tiết bên mình đêm ngủ chắc là phải đắp chăn rồi mẹ nhỉ?”. Trước kia chị không dùng mạng xã hội. Nhưng từ khi con đi xa chị bắt đầu mày mò đủ thứ. Cũng lập zalo, facebook mà danh sách bạn bè thì chỉ có mỗi con thôi. Sau này danh sách đầy dần lên vì chị add tất cả bạn bè thân thiết của con nhìn ngắm chúng trò chuyện mỗi ngày. Nhờ có mạng xã hội mà chị biết hôm nay con đi đâu, làm gì, những nơi mà con đặt chân đến đẹp thế nào. Lúc nào chị cũng canh chừng cái điện thoại, ngay cả khi bận rộn bán hàng. Chị lấp đầy mọi khoảng trống bằng những suy nghĩ về con. Chị cũng tập chụp selfie gửi cho con. Chụp con mèo lười, góc bếp nhỏ, từng nụ hoa ngoài sân thượng đang chúm chím. Có khi nấu xong một bữa cơm cũng vội gửi hình cho con gái. “Mẹ ăn uống cũng không đến nỗi nào đấy chứ?”. Nửa đêm có khi cũng thức đợi để gọi video cho con xem hoa quỳnh nở. Để con cảm thấy bớt nhớ nhà, bớt lo lắng cho chị lúc ở phương xa. Cho con thấy nhà luôn là nơi ấm áp để chờ đợi con về.

Một buổi sáng thức dậy, chị nhìn đàn chim bay qua cửa sổ và nghĩ về những cuộc thiên di. Có người nhìn cánh đồng hiu quạnh trước nhà nói “những chú chim đã bỏ đi”. Nhưng ông cụ hàng xóm vẫn giữ thói quen cũ, sáng nào cũng ngồi trước cửa nhà để ngắm đàn chim. Ông già thật ra không lẩn thẩn như người ta vẫn nghĩ. Bởi khi yêu thương một ai đó thì sẽ không bao giờ có chuyện vắng xa. Hình ảnh của họ vẫn hiện hữu trước mắt mình, tràn ngập trong thế giới của mình, sinh động và lấp lánh. Như ông cụ vẫn nhìn thấy đàn chim đang đậu trên đường dây điện trước cửa nhà. Chúng hót với nhau bài ca về những hạt lúa đã nảy mầm, về sương mùa đông, về ông cụ sáng nào cũng ngồi im như tượng. Còn chị sáng nay dậy thật sớm, thong thả ra chợ mua một bó cúc hoạ mi về cắm. Đây là loài hoa mà Hân yêu, mùa thu năm nào nhà chị cũng có bóng hoạ mi nở sáng bừng cả căn phòng. Hân đi xa chắc sẽ nhớ hoa lắm đó…./.

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.