ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 17:06:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025)

Nơi ngã ba sông ngày ấy - bây giờ

Báo Cà Mau

Tôi có rất nhiều điều để viết về thị trấn Thới Bình - thị trấn nằm yên bình bên ngã ba Sông Trẹm, nơi tiếp giáp giữa kênh xáng Chắc Băng và dòng Sông Trẹm hiền hoà. Bởi cứ mỗi khi chạm vào miền ký ức của một thời tuổi trẻ, là trong tôi bao hình ảnh về dòng sông, con đường, góc phố... ngày xưa cứ ùa về, dù tôi đã trải qua thời gian sống xa thị trấn này đã 50 năm.

Ngã ba Sông Trẹm, Thới Bình. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ngã ba Sông Trẹm, Thới Bình. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ngày ấy, không lâu sau ngày chiến tranh kết thúc, dì tôi là bà Hai Ðầm, người phụ nữ đóng vai “mỹ nhân kế” trong trận bộ đội ta đánh đồn Tân Bằng thời kháng chiến chống Pháp năm xưa. Dì từ Ðịnh Quán trở về thăm quê, thấy tôi còn long nhong chưa có việc làm, nên rủ lên chỗ dì kiếm việc làm ăn. Tôi đi và rồi lập nghiệp luôn nơi vùng đất miền Ðông, trở thành người con xa quê từ đó.

Lớp người nay đã ở độ tuổi trên dưới 70 như tôi đều có một quãng đời sống trong những năm đất nước chiến tranh, và phần đời dài hơn là giai đoạn từ tháng 4/1975 đến nay - giai đoạn trong hoà bình. Tôi xa nhà vào cuối năm 1975, quê nhà cùng đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, ngoài nỗi mừng vui của người dân vì không còn cảnh chết chóc do bom đạn, thay vào đó là không khí hăng say của mọi người bắt tay vào khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương.

Lúc ấy, thị trấn mà thời Việt Nam Cộng hoà đặt quận lỵ Thới Bình, về cơ sở hạ tầng vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. Trung tâm thị trấn vẫn là 2 dãy phố, khung nhà bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương đã in dấu rêu phong, nằm nép mình dưới tán 2 hàng còng độ vài mươi năm tuổi. Màu lá xanh của những cây còng làm dịu mát con đường nhỏ tráng xi măng lổ chổ những mảng bị hư, lộ ra những viên đá xanh lồi lõm. Con đường chính nằm giữa 2 dãy phố, từ đầu cầu Bà Ðặng chạy dài theo hướng ra Sông Trẹm đến chùa Bà Thiên Hậu là cuối phố. Gọi là “phố”, chứ thật sự thị trấn Thới Bình ngày ấy đâu được bao nhiêu ngôi nhà xây? Phía bên kia chiếc cầu nhỏ bắc qua kinh xáng là khu quân sự quận lỵ cũ, sau ngày giải phóng được phá dỡ, cất những dãy nhà làm việc của các cơ quan huyện Thới Bình. Chung quanh thị trấn, đường về Bà Ðặng, Bà Hội, Rạch Ông... cũng chủ yếu là đường đất. Phương tiện di chuyển của mọi người là... đôi chân, hoặc xuồng chèo.

Học trò ở thị trấn đi học thuận lợi hơn, quần áo, giày dép gọn gàng, nhờ con đường từ thị trấn lên trường học được trải đá khô ráo, sạch sẽ. Còn học trò ở vùng quanh trị trấn đi học vất vả hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa đường sá lầy lội. Buổi sáng, dễ bắt gặp hình ảnh cha mẹ chèo xuồng đưa con ra thị trấn để đến trường, còn nếu lội bộ thì ghé nhà bà con ở thị trấn để rửa chân hoặc thay quần áo trước khi đến lớp. Tất cả thầy, trò đều đi bộ đến trường. Qua cầu Bà Ðặng, theo bờ kênh Chắc Băng vài trăm mét, giáp với trạm y tế duy nhất của quận là tới khu trường học.

Thới Bình thời đó chỉ có một trường trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) hệ bán công, và ngôi trường tiểu học có đủ lớp của bậc học. Học trò học hết đệ tứ (lớp 9) muốn tiếp tục việc học là phải ra Cà Mau hoặc tỉnh, thành khác, hoặc phải rời ghế nhà trường, tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Mỗi năm học trước ngày giải phóng, ngôi trường trung học ở Thới Bình chỉ có 1 lớp đệ tứ. Học xong đệ tứ là bạn bè tản lạc, mỗi người mỗi ngã. Sau ngày giải phóng, có nhiều người là học trò cũ của trường đã trở về, góp sức xây dựng quê hương, trong đó có không ít bạn bè tôi. Nhiều người trưởng thành qua công tác, trở thành cán bộ chủ chốt của huyện.

Thời kỳ trước giải phóng và cả giai đoạn chiến tranh vừa kết thúc, Thới Bình kết nối với Cà Mau chỉ bằng phương tiện duy nhất, là “những chuyến đò trên sông quê”. Bến tàu đò nằm ở cuối dãy phố, nơi giáp với Sông Trẹm. Mỗi ngày tàu khởi hành vào sáng sớm, ra đến Cà Mau là gần trưa. Tàu nhận hàng và chờ khách chừng một, hai giờ là khởi hành về. Mỗi lượt đi, về, người đi tàu đò cũng có trải nghiệm khó quên khi ngồi nhìn sông nước qua từng chặng đường, từng bến sông mà tàu ghé đón, trả khách. Chặng từ Cà Mau về Thới Bình, tàu chạy ra vàm Tắc Thủ rồi theo Sông Trẹm, qua Cái Tàu, Xóm Sở, rạch Ông Hương, Ông Bường, về đến Bà Mốp là đã nhìn thấy những mái nhà lô nhô nơi thị trấn. Ðến Bà Hội là tàu chuẩn bị cập bến rồi!

Không sao kể hết những bộn bề công việc, những khó khăn bủa vây của một thời kỳ thị trấn Thới Bình chuyển mình hoà vào cuộc sống mới. Nhiều vùng đất quanh thị trấn, những nơi bị bỏ hoang trong thời kỳ chiến tranh lại được khai phá để làm ruộng, lập vườn, làm vuông tôm. Màu xanh của những cánh đồng, của vườn cây không ngừng mở rộng, lan xa. Người dân về quê để làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều. Gia đình tôi cũng về lại mảnh vườn nơi rạch Ba Chùa, dựng lại nhà mới và khôi phục lại màu xanh của đồng lúa, ruộng vườn.

Quê hương đất nước còn nghèo, lại vừa thoát ra khỏi chiến tranh nên nguồn lực cho nhu cầu phát triển như “muối bỏ biển”. Những năm đầu xa quê, mỗi lần về thăm nhà tôi thấy cũng không có nhiều thay đổi. Vẫn chèo xuồng ba lá hoặc chân trần lội bùn đất trên con đường từ thị trấn về nhà. Ban đêm nơi thị trấn, vẫn là ánh đèn điện chập chờn của chiếc máy đèn cũ hoạt động hết công suất vào đầu hôm và gần sáng. Ðường bê tông, điện lưới, những cây cầu kiên cố bắc qua kinh rạch vẫn còn là giấc mơ xa vời... Chỉ có thay đổi dễ thấy nhất là đồng lúa phủ màu xanh khắp nơi, và bắt đầu xuất hiện những vuông tôm xen lẫn bên những cánh đồng lúa ấy. Xuồng ghe ngược xuôi trên dòng Sông Trẹm, trên kinh xáng Chắc Băng, trên những kinh rạch... cho thấy cuộc sống sôi động của một miền đất thanh bình đang bước vào thời kỳ chuyển mình phát triển.

Cứ thế, thời gian kế tiếp, nếu khoảng cách 2 lần về của tôi xa hơn một chút là đã bắt đầu thấy những công trình mới. Ðầu tiên là dự án mở rộng khu trung tâm thị trấn; rồi từng bước những con đường được nâng cấp với mặt bê tông; những cây cầu kiên cố mới xây; công trình mở con đường từ cầu Rạch Ông phía đường Xuyên Á về Ðình thần Thới Bình, kết nối với cầu bắc ngang kinh xáng qua khu chợ...

Xin kể vài cột mốc thay đổi nơi quê nhà mà tôi khó quên: Ðó là lần đầu tiên từ Cà Mau về Thới Bình bằng đường bộ mà không còn phải ngồi đò như trước đây. Tôi không còn nhớ rõ năm nào, nhưng đâu khoảng sau năm 2000. Lần về ấy, thay vì phải gửi xe ở Cà Mau rồi xuống tàu đò về Thới Bình như lâu nay, mà đến Cà Mau là xe chạy luôn về Thới Bình. Từ Cà Mau theo Quốc lộ 63, đến chợ Tân Lộc rồi rẽ theo đường Láng Trâm. Tuy đường còn hẹp, khó đi, nhưng vào giai đoạn ấy, đi xe 4 bánh về tới Thới Bình là cả một thay đổi mang tính lịch sử rồi! Sau này khi có đường Xuyên Á, thì đường về Thới Bình mới thật sự không còn cách trở bởi những nhánh sông dài. Lúc ấy, “những chuyến đò trên sông quê” coi như cũng kết thúc một hành trình lịch sử! Dấu ấn của sự thay đổi trong lần về tiếp theo của tôi là thấy điện lưới về đến tận nhà.

Nói sao hết được niềm vui của bà con, và dĩ nhiên là của cả tôi nữa - đứa con sống xa quê khi trở về bỗng thấy đêm ở quê nhà sáng loà ánh điện. Những cây trụ điện bê tông lại đeo thêm trên mình những dây nhợ viễn thông, tạo nên một bức tranh quê vừa mới lạ và cũng đầy phấn khích. Sau này, khi những con đường bê tông xuất hiện trải dài từ thị trấn về đến tận xóm, ấp xa xôi, cùng tiếng xe gắn máy ngược xuôi tạo nên không khí sôi động vùng quê ven thị trấn thì cuộc sống của người dân cũng bắt đầu thay đổi nhanh hơn.

Những sớm mai học trò đạp xe đến trường dọc theo con lộ có những khoảng trồng xen những khóm hoa mười giờ mới nở, những hàng dâm bụt được cắt tỉa cẩn thận. Hình ảnh tươi đẹp pha lẫn màu sắc ấy cho người dân quê một cảm giác thư thái, bình yên. Nhưng có lẽ thay đổi làm tôi thích thú nhất là mới vài năm trước đây thôi, khi con lộ cặp bờ Sông Trẹm từ thị trấn Thới Bình đi Tân Bằng được mở rộng, lần đầu tiên xe hơi chạy về đến tận nhà. Quả thật những thay đổi ấy, ngày xưa chỉ có trong giấc mơ của tôi và của những người từng sống trong những năm chiến tranh và cả giai đoạn đầu sau giải phóng. Giấc mơ chứa đầy niềm hy vọng và vô cùng đẹp đẽ ấy nay đã thành hiện thực.

Làm sao kể hết được những đổi thay của thị trấn Thới Bình 50 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất. Nửa thế kỷ từng bước vươn mình vượt qua bao khó khăn để không bị bỏ lại phía sau. Những con đường mới mở; những công trình mới xây; cơ sở y tế, trường học khang trang, rộng khắp; điện lưới quốc gia, đường giao thông kết nối cùng với nhiều phương tiện di chuyển; điều kiện sống của người dân ngày càng cao, đầy đủ và phong phú... đã đưa thị trấn gần hơn với phố thị. Lớp người trẻ của thị trấn Thới Bình ngày nay có điều kiện học hành đến nơi đến chốn và tiếp thu khoa học - kỹ thuật nên nhiều người thành công bước khởi nghiệp nơi quê nhà. Vì thế, Thới Bình ngày nay không thiếu những tỷ phú trẻ. Có thể nói qua chặng đường nửa thế kỷ ấy,  thị trấn Thới Bình đã từng bước khoác lên mình chiếc áo mới, sẵn sàng bước vào hành trình của kỷ nguyên vươn mình cùng Cà Mau và cả nước./.

 

Nguyễn Sông Trẹm

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.