(CMO) "Việc tiếp nước ngọt về cho tỉnh Cà Mau, không chỉ là khát vọng của nền nông nghiệp mà là của cộng đồng dân cư vùng đất này", ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau), chia sẻ. Theo ông Hoai, đưa nước ngọt về Cà Mau được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh.
Phải thoả mãn 2 điều kiện
Dự án thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đã hoàn thành giai đoạn 1, cũng đã vận hành cho vụ mùa sản xuất nông nghiệp 2021-2022. Đánh giá bước đầu của các tỉnh cho rằng khi vận hành công trình, đã có sự đóng góp đáng kể cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là trong chủ động được nguồn nước trước áp lực ngày càng gia tăng của xâm nhập mặn, khô hạn.
Hệ thống công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) góp phần điều tiết, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, trong đó có mục tiêu dẫn ngọt về vùng Bắc Cà Mau qua hệ thống kênh Chắc Băng. |
“Giai đoạn 2 của dự án, ngoài khởi động lại âu thuyền Tắc Thủ ở Cà Mau, cùng với đó là nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến cống Bắc Quốc lộ 1 thuộc vùng dự án trên địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Khi hoàn thiện các giai đoạn, sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp 5 tỉnh khu vực Nam Sông Hậu, gồm Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang”, ông Hoai thông tin.
Theo ông Hoai, để nền sản xuất nông nghiệp Cà Mau phát triển bền vững từ việc dẫn ngọt, ít nhất phải thoả mãn 2 điều kiện. Thứ nhất, Bộ NN&PTNT chủ trì, chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc, các địa phương trong vùng dự án thực hiện đúng theo mục tiêu ban đầu của dự án. Thứ 2, phải có sự chia sẻ, phối kết hợp giữa các tỉnh trong vùng dự án, dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT, để chủ động vận hành hệ thống công trình, phục vụ sản xuất, đặc biệt là Kiên Giang với dự án thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé và Bạc Liêu với dự án Quản lộ Phụng Hiệp một cách hài hoà, vì lợi ích chung.
Ông Hoai phân tích, có được 2 điều kiện cần và đủ như trên, khi mà chưa thể bơm nước ngọt về cho Cà Mau thì ít nhất địa phương cũng giữ ngọt tại chỗ trên các tuyến kênh sẵn có, góp phần làm chậm mặn, phục vụ sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Thêm nữa là góp phần pha loãng, làm giảm độ mặn phục vụ sản xuất phần diện tích đất chuyên lúa phần còn lại ở Thới Bình, U Minh và một phần TP Cà Mau. Với việc đưa ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm, việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ, nghĩa là Tiểu vùng 2 và 3 Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích là 90.000 ha (lúa 2 vụ). Chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh, rạch, bởi khi sản xuất vụ 2, nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã vơi dần. Nếu như tiếp ngọt lần 1 này sẽ giải quyết nguồn nước cho mùa khô, thì việc tiếp nước lần 2 diễn ra từ tháng tháng 3 và 4 (nếu được, vì đây là thời điểm nước trên Sông Tiền, Sông Hậu giảm đáng kể), khi đó Cà Mau sẽ chủ động, khắc phục được hạn hán, kể cả những thời điểm lịch sử như đã từng xảy ra. Việc chuyển nước về cho Cà Mau không những giúp pha loãng độ mặn (có thời điểm lên đến 40 phần ngàn trên đồng ruộng, cây lúa và con tôm không thể sống nổi), mà còn để phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng tràm U Minh Hạ vào mùa khô.
Huyện Thới Bình xây dựng hệ thống trạm bơm, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn
Từ tầm nhìn cho việc quy hoạch thuỷ lợi phục vụ sản xuất, Cà Mau vẫn giữ 2 vùng sản xuất Nam và Bắc, nhưng từ 23 tiểu vùng được điều chỉnh lên 33 tiểu vùng với tầm nhìn đến năm 2030, có xét đến năm 2050. Trong đó, Nam Cà Mau là 27 tiểu vùng và Bắc Cà Mau là 6 tiểu vùng. Đáng chú ý là hình thành thêm tiểu vùng Quản lộ Phụng Hiệp thuộc Bắc Cà Mau để sản xuất thích ứng hệ thống thuỷ lợi đã và đang tiếp tục đầu tư mang tính liên vùng, từ Bạc Liêu, Kiên Giang. Điều đặc biệt cho Cà Mau, sản xuất nông nghiệp sẽ dựa trên 3 hệ sinh thái: mặn, ngọt, lợ. Đây là bài toán khó, nhưng nếu đầu tư hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi, vận hành hợp lý sẽ mang đến nền nông nghiệp đa dạng, phong phú, phát triển một cách hài hoà.
Mong sớm triển khai để hoàn thiện dự án thuỷ lợi
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Khoa Môi trường - Tài nguyên và Thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), khẳng định, với hệ sinh thái sản xuất cây lúa, con tôm là mô hình canh tác thuận thiên, có sự kiểm soát của con người, phù hợp với phát triển bền vững đối với các tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Nếu so với vụ lúa đơn thuần thì hình thái sản xuất này, tuỳ vùng mà năng suất cao từ 5-7 lần.
Từ nhận định này, trở lại câu chuyện của những người trồng lúa, nuôi tôm ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trúng “bể tay”, xây cất nhà khang trang. Gặp anh Đặng Thái Nguyên, nói như khoe: “Vùng này ngoài nuôi tôm theo vụ lúa, giờ làm thêm trái vụ tôm càng xanh, nhưng không ngờ làm chơi ăn thiệt, vừa đạt năng suất vừa được giá, xứ này ai cũng mừng”.
Theo anh Nguyên, mùa hạn, độ mặn thường dao động từ 10-20 phần ngàn, những năm qua, nhiều người âu lo không dám sản xuất gì. Năm nay chần chừ lắm mới dám làm thêm vụ tôm trái mùa. “Nói như mấy chú nhà báo, khi mà tới đây nước ngọt về sẽ giảm độ mặn vào mùa hạn, bà con vùng này chắc sẽ phấn khởi khởi lắm, yên tâm sản xuất quanh năm với những vụ mùa ăn chắc, cuộc sống sẽ khấm khá hơn là điều có thể nhìn thấy trước”, mắt anh Nguyên sáng lên, giọng cười tươi rói.
“Diện tích lúa - tôm ngày càng lan rộng ra các tỉnh, chứng tỏ đây là hình thức sản xuất thuận lòng dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của xã hội, vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để phương thức canh tác ngày càng tiến bộ, bền vững và hiệu quả hơn”, PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Cà Mau đang thi công công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh với có diện tích 102 ha, dung tích thiết kế là 3,85 triệu m3 nước. Ảnh: Huỳnh Lâm
Theo ông Tuấn, việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhằm ứng phó triều cường hay dẫn ngọt về để chủ động nguồn nước cho các hình thái sản xuất phát triển, dù có nhiều tốn kém và khó khăn, nhưng đó cũng chỉ mới là điều kiện cần ban đầu, cần đẩy mạnh hơn nữa trong chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cây và con giống, hỗ trợ nguồn vốn, tìm đầu ra, nhất là liên kết sản xuất mang tính quy mô vùng. “Thời buổi kinh tế thị trường phát triển sâu rộng, liên kết vùng trong cả quá trình sản xuất nông nghiệp là nhu cầu tất yếu, và việc dẫn ngọt về cho vùng đất khát như Cà Mau hay bán đảo Cà Mau là một thực tế, đó là sự chia sẻ hài hoà, trách nhiệm trong sử dụng nguồn nước để phát triển”, ông Tuấn khẳng định.
Không gian phát triển sinh thái vùng ĐBSCL đã được thể hiện khá rõ trong quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch vùng ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lại quy hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng, đã qua Chính phủ đã có nhiều ưu tiên cho ĐBSCL và chủ trương dẫn ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau nói chung vốn đặc thù, thật sự là tin vui phát triển nông nghiệp của địa phương trong tương lai. Từ nhận thức đến tổ chức lại sản xuất đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, Cà Mau cùng với ĐBSCL đã có những thay đổi phù hợp, thích ứng có sự kiểm soát nên đã tạo ra những giá trị sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh. Từ kết quả có được, tầm nhìn cho tương lai, vẫn rất cần có được cơ chế mang tính đặc thù nhằm tập trung và đẩy mạnh hơn nữa nguồn lực đầu tư mang tính liên kết vùng, nhất là trong kiểm soát và chủ động hơn về nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống Nhân dân, nhất là tại những địa phương ven biển. Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để tập trung và đẩy mạnh hơn nữa về nguồn lực đầu tư, nhất là trên lĩnh vực hạ tầng để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, ông Lê Văn Sử mong sớm triển khai các công trình thuộc phần còn lại để phát huy hiệu quả dự án Cái Lớn - Cái Bé, giúp vùng đất bán đảo Cà Mau nói chung và Cà Mau có được nền sản xuất hiệu quả, bền vững; khai thác lợi thế, phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có./.
Trần Nguyên - Phong Phú - Văn Đum - Hoàng Diệu