ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 26-1-25 14:28:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông dân Cà Mau khẳng định vị thế mới

Báo Cà Mau (CMO) 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Từ sự quyết tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh gắn với phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, Hội Nông dân các cấp đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Tổ chức vững

Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển hội viên mới và xây dựng tổ chức hội vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 140.000 hội viên (đạt 72,5% so với hộ nông dân); tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt, hoạt động hội đạt 82%; có 100 cơ sở hội, 942 chi hội, 4.626 tổ hội (có 34 tổ hội nghề nghiệp). Đến cuối năm 2017, có 99/100 cơ sở hội đạt khá, vững mạnh, không còn cơ sở yếu; có 865/942 chi hội và 4.091/4.626 tổ hội khá, vững mạnh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 06 của Trung ương Hội Nông dân về xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo chuyển đổi, sắp xếp lại tổ chức chi hội địa bàn (khóm, ấp) theo đúng Điều lệ hội quy định. Từ đó, từng chi, tổ hội vừa vận động nông dân vào tổ chức hội, vừa giải quyết được nguyện vọng chính đáng của bà con như chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây, con giống... Đây là hình thức hết sức thiết thực để thu hút nông dân vào tổ chức hội”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác Hội Nông dân cho cán bộ các cấp hội được quan tâm. Kết quả đã mở được 128 lớp, có 11.053 lượt cán bộ học tập, bồi dưỡng; có 204 cán bộ trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, tăng 43% so với đầu nhiệm kỳ; có 254 cán bộ trình độ trung cấp chính trị trở lên, tăng 13% so với đầu nhiệm kỳ.

Để hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chọn nhiều sáng kiến, đề tài, dự án phù hợp để thí điểm và nhân rộng.

Bên cạnh đó, nhiều hội viên, nông dân có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật được nhận giải cao tại cuộc thi “Nhà nông sáng tạo”, trong đó nhiều sáng chế được công nhận và áp dụng rộng rãi, góp phần hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh còn trang bị 100 bộ máy tính kết nối mạng cho Hội Nông dân cơ sở; mở trang thông tin điện tử; phối hợp với Công ty FPTShop và Công ty Samsung tổ chức chương trình “Nông dân hiểu biết” để tư vấn, hỗ trợ nông dân tìm hiểu khoa học - kỹ thuật, công nghệ… trên mạng internet. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc thù gắn với thương hiệu sản phẩm như: cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, cá khô bổi và mật ong U Minh, cây bồn bồn Cái Nước, mắm lóc Thới Bình, cá khô khoai Cái Đôi Vàm…

Đồng đất xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau đã cơ giới hoá khâu thu hoạch.

Phong trào mạnh

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thu hút 756.590 hộ đăng ký tham gia. Trong đó, có 491.780 lượt hộ hội viên nông dân đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 1.869 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh gỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012- 2016; có 10 hội viên, nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nông dân điển hình tiên tiến”.

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai, tổ chức thực hiện rộng rãi từ thành thị đến vùng nông thôn trong tỉnh. Có 404.120 lượt hộ hội viên đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với phương châm “Nhà nước, Nhân dân cùng thực hiện”, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đóng góp 74,244 tỷ đồng, hiến 46,22 ha đất, 458.415 ngày công lao động, góp phần xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, hoàn thành 1.304 km lộ nông thôn, 1.552 cây cầu nông thôn, nạo vét 377 km kênh mương thuỷ lợi, hỗ trợ xoá 513 căn nhà tạm cho người nghèo, giúp 7.581 hộ về cây, con giống và mô hình sản xuất. Đến cuối năm 2017, Cà Mau có 29/82 xã được công nhận nông thôn mới, 3/19 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, nông dân. Các cấp Hội Nông dân vận động hội viên, nông dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự; xây dựng các mô hình “Điểm sáng vùng biên”, “Cổng an ninh”, “Tiếng mõ an ninh”… Đặc biệt, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về bảo vệ an ninh trật tự tại khóm, ấp, khu dân cư.

Ông Ngô Minh Chiến đánh giá: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát động tổ chức hội và hội viên nông dân thi đua sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… được Hội Nông dân tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Từ đó, các phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu và sức lan toả mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực như thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó, tạo động lực, khích lệ, động viên nông dân mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu chính đáng; nhất là đóng góp công sức, vật chất, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng quê hương Cà Mau”./.

Nhiệm kỳ 2013-2018, có 2 hội viên nông dân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 5 hội viên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 3 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 802 tập thể, cá nhân được Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen; 1.296 tập thể, cá nhân được UBND huyện, thành phố và Hội Nông dân huyện, thành phố tặng giấy khen; Hội Nông dân tỉnh được UBND tỉnh tặng 2 cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng 1 cờ thi đua; 546 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”.

Phúc Danh

Doanh nhân trẻ - Thách thức và cơ hội

Trong thời đại toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Tại tỉnh Cà Mau, đội ngũ doanh nhân trẻ không chỉ là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế địa phương mà còn là những người tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý.

Mùa vui cải tùa xại

Trong mâm cơm ngày Tết của người phương Nam, bên cạnh nồi thịt kho trứng, sắc dưa hấu đỏ thì vị dưa cải tùa xại là món ăn không thể thiếu vắng. Hương vị độc đáo, dễ biến tấu thành nhiều món, giải ngán cho những ngày ê hề thịt cá, nhiều lợi ích cho sức khoẻ, dưa cải tùa xại còn mang cả hồn cốt, phong vị Tết đặc trưng của vùng đất, con người miền đất mới.

Nông dân huyện Ngọc Hiển trúng vụ dưa hấu Tết

Những ngày này, nông dân vùng đất mặn huyện Ngọc Hiển đang tất bật chăm sóc vụ dưa hấu để cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Vụ dưa hấu Tết năm nay bà con rất phấn khởi.

Mở hướng liên kết, nâng cao thu nhập

Thời điểm này, các chủ vườn, thành viên Hợp tác xã (HTX) Trái cây sạch Khánh Hưng, ấp Kinh Ðứng, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, chuẩn bị thu hoạch vụ bưởi Tết, hứa hẹn mang đến niềm vui cho xã viên.

Ðồng hành cùng người dân vượt khó

Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sôi động thị trường bánh, mứt

Tết đang cận kề, các lò bánh, mứt, cơ sở sản xuất thực phẩm, các siêu thị... tăng công suất hoạt động để kịp cung ứng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Bánh phồng tôm Năm Căn vào mùa Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề. Những ngày qua, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của vùng ngập mặn Năm Căn tăng năng suất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác phục vụ thị trường Tết, trong đó có sản phẩm bánh phồng tôm.

Hợp tác xã nỗ lực ứng dụng công nghệ

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 299 hợp tác xã (HTX), trong đó có 179 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đều đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, canh tác cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Gắn mã QR cho dưa hấu Lý Văn Lâm

Dưa hấu Lý Văn Lâm từ lâu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, cũng chính vì vậy mà một số người kinh doanh đã lợi dụng điều này để quảng bá giả mạo dưa hấu Lý Văn Lâm, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương. Ðể bảo vệ thương hiệu, năm nay, Ðảng uỷ, UBND xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Viettel Cà Mau thí điểm vận động người dân đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR.

Chăm chút vụ màu xuống ruộng

Khi những cánh đồng lúa chín vàng rực tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được thu hoạch xong cũng là lúc nông dân đưa màu xuống ruộng, những dây bí, bầu xanh mướt. Thời tiết cuối năm khá thuận lợi nên nhiều nông dân tranh thủ xuống giống sớm, hạn chế tình trạng thiếu nước tưới.