“Liên kết 4 nhà” - cụm từ này quá quen thuộc với người dân. Bởi, trong những năm gần đây nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hầu hết các hội thảo, hội nghị, hay chương trình, kế hoạch… phát triển sản xuất trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay chuỗi liên kết này vẫn chưa thể liền mạch khiến mục tiêu khép kín từ sản xuất đến bàn ăn vẫn chưa thể thực hiện được.
“Liên kết 4 nhà” - cụm từ này quá quen thuộc với người dân. Bởi, trong những năm gần đây nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hầu hết các hội thảo, hội nghị, hay chương trình, kế hoạch… phát triển sản xuất trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay chuỗi liên kết này vẫn chưa thể liền mạch khiến mục tiêu khép kín từ sản xuất đến bàn ăn vẫn chưa thể thực hiện được.
Liên kết 4 nhà trong sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu tăng giá trị sản phẩm của nông dân cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển với lợi thế nguồn nguyên liệu ổn định. Thế nhưng, chương trình mang ý nghĩa này vẫn còn gian nan trong quá trình hiện thực hoá trên đồng ruộng. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Ðỗ Văn Sơ nhận định, các hoạt động liên kết trong sản xuất thời gian qua trên địa bàn chưa thật sự mang lại hiệu quả cao và thiếu tính đồng bộ.
Thiếu sự liên kết
Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Trên lĩnh vực thuỷ sản, có đến 30 công ty với trên 38 xí nghiệp trực thuộc, công suất thiết kế trên 207.000 tấn/năm. Còn đối với các mặt hàng nông sản, hiện tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua và chế biến nông sản gồm Nhà máy Ðường Thới Bình (công suất trên 29.000 tấn đường/năm) và Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm Cà Mau (trên 153.000 tấn gạo/năm). Ngoài ra, trên lĩnh vực lâm sản, hiện Cà Mau cũng đã có 2 nhà máy chế biến đang hoạt động là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ và Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Cà Mau với công suất thiết kế trên 54.000 tấn gỗ/năm.
![]() |
Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. |
Công suất thiết kế của các nhà máy, công ty đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp hiện nay cơ bản đảm bảo được việc tiêu thụ các loại hàng hoá chủ lực của người dân trong tỉnh làm ra. Tuy nhiên, trên thực tế giá thành sản phẩm của nông dân vẫn còn khá bếp bênh. Nguyên nhân của thực trạng này, theo Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Vinh, là do chuỗi liên kết trong sản xuất đang bị đứt quãng giữa doanh nghiệp và nông dân.
Vòng luẩn quẩn
Một thực tế trong sản xuất kéo dài nhiều năm qua mà chưa thể khắc phục được là tình trạng nông dân làm ra sản phẩm xong mới loay hoay tìm thị trường tiêu thụ. Ðiều tất yếu từ thực trạng này là điệp khúc buồn “trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng” thành quy luật. Có lẽ, điệp khúc buồn này xảy xa nhiều nhất thời gian qua chính là cây mía đường Thới Bình. “Giá mía giảm thấp đến mức người dân phải đốt bỏ không phải chỉ mới xảy ra trong vụ này. Còn nhớ vụ mùa năm 2010, giá mía cũng giảm mạnh khiến không ít nông dân phá mía. Tuy nhiên, sau khi diện tích giảm giá thành cây mía lên trở lại, tôi tin rằng thời gian tới cũng vậy, cây mía rồi cũng sẽ lên ngôi”, ông Nhữ Văn Kiểu, ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, bộc bạch.
Cùng chung cảnh ngộ như cây mía, người nông dân gắn bó với con cá bổi U Minh cũng không ít phen lâm cảnh lao đao do giá thành giảm thấp. Khi giá thành cao, diện tích nuôi trong dân lại phát triển ồ ạt mà không cần quan tâm nhiều đến nhu cầu thị trường. Do đó, một thực tế không thể tránh khỏi là đến lúc thu hoạch rộ, giá lại giảm thấp đến mức người dân phải chịu thua lỗ.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng như để doanh nghiệp và nông dân ngày xích lại gần nhau, hướng tới sản phẩm hàng hoá chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường hạng sang, ngày 10/12/2014, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 18/2014/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020. Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng cơ sơ giết mổ gia súc, gia cầm; đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung; đầu tư nuôi hải sản lồng, bè trên biển; cơ sở sấy phụ phẩm thuỷ sản; cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sẽ được hỗ trợ ngân sách để xây dưng hạ tầng, điện, nước, nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra, tuỳ theo công suất, loại dự án mà mức hỗ trợ sẽ tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 40 triệu đến không quá 5 tỷ đồng/dự án. |
Sự thăng trầm của cây mía, con cá bổi và nhiều nông sản khác thời gian qua cho thấy việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trên địa bàn tỉnh là chưa ổn định. Nông dân thường xuyên chạy theo nhu cầu thị trường một cách vô tội vạ và chịu sự chi phối lớn từ các thương lái.
Theo kết quả thống kế của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, về mặt hàng tôm của tỉnh, có đến 95% sản phẩm của người dân bán qua các thương lái, 4% bán cho các vựa thu mua và chỉ có 1% là tiêu thụ thẳng đến thị trường nội địa. Con số này cho thấy, chuỗi liên kết sản xuất hiện nay đang bị gấp khúc, đứt quãng. Sản phẩm làm ra phải chạy qua nhiều công đoạn trung gian thì đương nhiên lợi nhuận của nông dân sẽ bị san sẻ cho các trung gian này.
Xây dựng kênh phân phối hiện đại đang là nhu cầu bức thiết để nâng cao giá thành sản phẩm cũng như lợi nhuận cho nông dân. Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Ðô cho biết, sở đang nỗ lực khai thác thị trường nội địa giá trị cao, tiềm năng để tạo kênh phân phối hiện đại tại các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, nhằm tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản".
Ðặc biệt, sở đang liên kết chặt chẽ với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng như các hiệp hội của thành phố và phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để tạo cầu nối kịp thời khi sản phẩm của người dân làm ra có nhu cầu tiêu thụ thị trường TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, trong năm 2015, sở sẽ tăng cường hỗ trợ các huyện tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm từng bước đưa sản phẩm của người dân đến tận tay người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Ðô cho biết thêm./.
Bài và ảnh: Phú Nguyễn