(CMO) Vài năm trở lại đây, không ít bà con nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời khấm khá hơn nhờ mô hình đưa màu xuống ruộng. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay nông dân gần như trắng tay khi đồng ruộng khô nứt nẻ do ảnh hưởng của hạn hán.
Vào thời điểm này, máy bơm nước không còn tác dụng nữa nên được ông Nguyễn Văn Hiệt, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đưa vào cất bên chái nhà. Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng khô nứt nẻ, dưới kênh trong rẫy cũng khô cạn nước, không khỏi xót xa khi nhìn gần 2 ngàn dây bí rợ bị khô cháy, ông Hiệt lắc đầu: “Năm tay coi như mất trắng”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệt có 6 ha đất sản xuất. Mỗi năm ông trồng 2 vụ lúa và xen canh một vụ màu, chủ yếu là bí rợ. Nhờ vụ màu xuống ruộng mang lại hiệu quả cao đã giúp đời sống kinh tế gia đình ông phát triển hơn. Những năm trước đây, thời tiết thuận lợi, thu nhập trung bình từ mô hình đưa màu xuống ruộng của gia đình ông Hiệt lên đến 300-400 triệu đồng.
Năm nay, nắng hạn ảnh hưởng rất lớn đến năng suất rẫy màu của gia đình ông. Ông Hiệt cho hay: “Đầu tiên xuống giống thì cây phát triển rất tốt, nhưng thời gian sau khô héo, trái ra không lớn nổi”. Để ứng phó với nạn thiếu nước, ông Hiệt cùng một số nông dân trồng màu trong xóm đầu tư gần 30 triệu đồng để khoan cây nước nhưng vẫn không cải thiện được tình hình khô hạn. Ông Hiệt xót xa: “Thấy hoa màu không phát triển, tôi mua 108 bao phân, mỗi bao trên 600 ngàn đồng về tưới, vậy mà càng xoay xở càng thiệt hại nhiều hơn. Với tổng diện tích 6 ha màu, đến thời điểm này nhà tôi đã đầu tư trên 200 triệu đồng chi phí, giờ đến lúc thu hoạch nhưng vẫn chưa lấy lại được đồng vốn nào”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoan buồn bã bên rẫy bầu của gia đình. |
Cũng chung tình cảnh như gia đình ông Hiệt, ông Nguyễn Ngọc Hoan, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chỉ biết cầm trái bầu đèo đẹt cùng mấy dây bí cháy vàng trên 5 ha hoa màu mà rầu rĩ. Vào thời điểm này mọi năm, gia đình ông Hoan tất bật ngoài ruộng để chăm sóc và thu hoạch thành quả lao động, năm nay ông chẳng muốn ra đồng.
Ông Hoan trăn trở: “Giờ ra đồng nhìn thấy hoa màu vàng cháy, đất đai xung quanh khô nứt mà thêm đau lòng. Bắt đầu từ khoảng giữa tháng 11 là nhà tôi xuống giống rau màu. Năm nay do không có nước tưới, khô hạn đã làm thiệt hại trên 50% diện tích bầu, bí. Vài năm trước đây, tình hình khô hạn cũng có xảy ra, nhưng năm nay khắc nghiệt và ảnh hưởng nhiều nhất”.
Sau những ngày xuống giống và mong đợi vụ mùa bội thu, kết quả nông dân đang phải gồng mình cứu vớt những rẫy màu. Bên cạnh nỗi lo, trăn trở từ những cánh đồng khô hạn, tình hình đầu ra của nông sản hiện tại làm bà con nông dân hết sức hoang mang. Theo bà con nông dân trồng màu, do ảnh hưởng dịch bệnh viêm phổi cấp cùng thời tiết bất lợi nên một số nơi thương lái không vào thu mua, nếu có thu mua cũng chỉ thu mua với giá rất rẻ.
Nhiều hộ dân đầu tư gần 30 triệu đồng để khoan cây nước nhưng vẫn không cứu vãn được khô hạn. |
Ông Nguyễn Văn Hiệt cho biết: “Năm trước cà chua 8 ngàn đồng/kg, còn thời điểm này lái chỉ mua có 2 ngàn đồng/kg. Các loại bầu, bí giá cũng giảm chỉ bằng một nửa năm trước. Hoa màu thì khô cháy, giá cả rớt thấp, bà con nông dân lấy đâu còn lời”.
Thương lái không đến thu mua, một số nông dân phải ra ngoài tỉnh để tìm đầu ra nhưng vẫn không giải quyết được đầu ra cho nông sản. Bà Ngô Thị Thanh, Ấp 5, xã Trần Hợi, cho hay: “Lái không xuống mua nên mấy ngày trước con tôi phải lên tới chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ để tìm, nhưng vẫn không có thương lái nào chịu xuống thu mua. Một số mối lái quen nếu chịu thu mua thì không báo giá vì họ không đảm bảo được đầu ra như thế nào, đợi đến khi họ bán ra được giá nào thì mới thanh toán cho mình”.
Ruộng bí cháy vàng, trái không phát triển được do khô hạn của gia đình ông Nguyễn Văn Hiệt. |
Xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích trồng màu lớn. Bên cạnh tận dụng đất vườn, bà con còn thực hiện hiệu quả mô hình đưa màu xuống ruộng. Mô hình này chủ yếu tập trung ở các Ấp 2, 4 và 5. Trong đó, Ấp 5 là nơi có diện tích trồng màu dưới ruộng lớn nhất xã, với tổng diện tích khoảng 100 ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi Nguyễn Hữu Khải trăn trở: “Nhiều bà con nắm thông tin tình hình khô hạn nên không dám xuống giống mới, chỉ chăm sóc diện tích đã xuống giống. Tuy nhiên, bà con trồng rẫy trên đồng ruộng cũng bị ảnh hưởng năng suất. Do sông khô hạn, thương lái đến mua phải vận chuyển bằng xe nên chi phí tăng lên, nông sản bị ép giá”.
Khác với không khí nhộn nhịp và tất bật của những lần về thăm bà con vùng rẫy vào mùa thu hoạch, năm nay chẳng ai bận bịu nhiều với công việc đồng áng. Gương mặt mỗi người đều hiện lên nỗi buồn vì một mùa rẫy “đắng”./.
Kỳ An