(CMO) Nông dân, những người tạo ra nông sản khá lo lắng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, khi từ giá cả đến sức tiêu thụ đều bị ảnh hưởng, nhưng họ đang cố nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất vì sinh kế và vì mục tiêu kép của tỉnh nhà.
10.000 m2 trồng màu là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Tấn Ðạt (ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời), hiện nay đang vào vụ thu hoạch khổ qua. Do thời tiết không mấy thuận lợi, lúc nắng hạn gay gắt, khi mưa dầm dề nên 2/3 diện tích xuống giống bị thiệt hại.
Ông Ðạt cho biết: “Mới vào thu hoạch, mỗi ngày được 40-50 kg. Hiện giá khổ qua đang khá ổn, được 12.000 đồng/kg, bình thường chỉ 7.000-8.000 đồng/kg. Nhưng do hoa màu hiện nay năng suất giảm nên hút hàng, hơn nữa không biết giá cả như thế kéo dài bao lâu. Trước đây, khi vào vụ thương lái thu mua tấp nập, còn giờ cũng không ổn định nữa, do hạn chế đi lại, rồi người dân cũng hạn chế đi do phòng, chống dịch”.
Dịch Covid-19 xảy ra, nhà nông gặp nhiều khó khăn khi giá nông sản giảm, đầu ra khó. |
Vụ mùa khổ qua này dự đoán có lẽ không mấy niềm vui, khi năng suất quá thấp, việc thu mua của thương lái thì không được như xưa, nhưng với ông Ðạt, vẫn sẽ trồng trọt tới, xong vụ này tới vụ khác. Có điều, để hoa màu làm ra ít bị rơi vào cảnh dội hàng, ông sẽ trồng nhiều loại trên cùng diện tích, thay vì chỉ tập trung một loại hoa màu như trước.
Ông Ðạt cho biết thêm: “Mình sẽ uyển chuyển trong thời điểm dịch bệnh này. Trồng đa dạng nhiều loại hoa màu như khổ qua, dưa leo, hành, hẹ, bầu, mướp… để đa dạng sản phẩm, mỗi thứ một chút, sẽ dễ tiêu thụ hơn”.
Còn đối với anh Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) những ngày dịch Covid-19 xảy ra như thế này là những ngày vừa rầu vừa lo cho việc kinh doanh của gia đình. Sinh sống chủ yếu bằng nghề thu mua hoa màu của bà con trong vùng ở xã rồi bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ huyện Ngọc Hiển, khi nào sản lượng hoa màu nhiều thì làm thêm nghề buôn bán lẻ dọc theo các xóm ở xã. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, việc thu mua, buôn bán của anh Khiêm cứ tất bật, nhưng hiện nay đã giảm đi nhiều.
Anh Khiêm cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến xe tải tôi chở 300 kg hoa màu các loại đến chợ huyện Ngọc Hiển. Thường cách một ngày đi một lần. Hiện nay cũng còn giao hàng được, nhưng chỉ còn 200 kg mỗi chuyến. Giá hoa màu thu mua cũng biến động. Các loại củ thì có giá, như khổ qua 12.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg, còn các loại rau thì giảm bình quân 2.000-4.000 đồng/kg, như rau thơm trước 25.000 đồng nay chỉ còn 16.000 đồng/kg”.
Ðối với bà con trồng cây ăn trái cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chưa kể đến biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt, kéo dài, mưa dầm dề, ngập lụt; chi phí đầu tư cho sản xuất tăng cao, nhất là giá cả phân bón cứ leo thang, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giá trái cây biến động gây khó cho nhà vườn không ít.
Như lời chia sẻ của bà Trần Thị Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng: “Trước tác động của dịch Covid-19, giá cả các loại trái cây giảm 50% so với trước. Hiện nay, giá bưởi loại tốt, thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 25.000 đồng/kg, ổi chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Mặc dù hiện tại các nhà vườn vẫn còn trụ được, nông sản vẫn tiêu thụ được vì trước đó đã trồng rải vụ nhưng giá giảm mà chi phí sản xuất tăng nên nông dân gặp khó. Trước mắt, HTX vận động các nhà vườn cố gắng duy trì sản xuất và tìm cách giảm chi phí phân bón trong sản xuất, ủ phân gà, phân cá biển thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa đi theo hướng trồng cây ăn trái sạch, vừa hướng đến mục tiêu giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt”.
Mỗi nông dân với mỗi nghề khác nhau đang đối mặt với những khó khăn riêng. Nông dân nuôi cá thì lo âu trước tình cảnh giá giảm mạnh, thương lái thu mua kén chọn, còn bà con trồng màu, cây ăn trái cũng gặp khó bởi thời tiết, việc tiêu thụ. Khó khăn không ít, nhưng với họ đã là nghề mưu sinh thì vẫn phải làm, phải tìm cách gắng gượng qua mùa dịch này. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, để cuộc sống bình thường trở lại./.
Ngọc Minh