ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 13:27:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông dân U Minh trúng đậm vụ lúa lỡ

Báo Cà Mau Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật và giống lúa mới vào sản xuất, cũng như những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi nên hầu hết diện tích lúa của bà con đều cho năng suất cao, cộng với giá lúa khá cao nên người dân rất phấn khởi.

Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật và giống lúa mới vào sản xuất, cũng như những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi nên hầu hết diện tích lúa của bà con đều cho năng suất cao, cộng với giá lúa khá cao nên người dân rất phấn khởi.

Những ngày này, đi dọc theo các tuyến bờ bao lâm phần thuộc ấp 13, ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh sẽ dễ dàng bắt gặp không khí háo hức thu hoạch lúa của người dân. Là một trong những người tiên phong thực hiện vụ lúa này, ông Vũ Văn Ðịnh, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Lúc đầu làm, vợ chồng tôi lo lắng lắm vì đây là vùng đất mới, nào giờ đâu có làm lúa. Nhưng khi sạ xuống thấy lúa phát triển tốt, vợ chồng tôi cũng mừng thầm. Rồi nhờ thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, mưa ít nên lúa phát triển thuận lợi cho đến ngày thu hoạch. Bên cạnh đó, tôi cũng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên lúa đạt năng suất khá cao. Hôm qua tôi mới suốt được 2 ha, cân thử cũng được 30 giạ lúa tươi/công; 2 ha còn lại tôi tin chắc cũng được chừng đó trở lên. Có được mùa lúa này gia đình tôi phấn khởi lắm”.

Làm được vụ lúa thắng lợi, bà con ở ấp 13, xã Khánh Thuận rất phấn khởi.

Cũng là hộ trồng lúa trên diện tích rừng tràm mới khai thác, những ngày này gia đình ông Vũ Văn Ðỉnh, ở cùng ấp với ông Ðịnh đang khẩn trương thu hoạch lúa. Do đất của ông Ðỉnh khai thác tràm xong đốt được gốc và nhánh tràm nên đất hạ được độ phèn, cộng với lượng phân hữu cơ có sẵn trong đất từ lá tràm tích tụ nhiều năm qua nên không chỉ giúp lúa phát triển tốt mà năng suất cũng đạt cao hơn các hộ khác.

Ông Ðỉnh phấn khởi chia sẻ: “Bên cạnh các yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên, tôi còn áp dụng biện pháp sạ thưa theo công thức 3 giảm, 3 tăng trên ti-vi hướng dẫn nên lúa phát triển tốt và cho bông dài, hạt sáng hơn hẳn các hộ khác, năng suất cũng cao hơn từ 3-5 giạ/công. Bên cạnh đó, chi phí cũng thấp hơn, với 8 ha lúa, từ sạ cho đến khi thu hoạch mỗi công tôi chỉ tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi các hộ khác phải tốn từ 600.000-700.000 đồng/công. Không chỉ trúng mùa, tôi và bà con ở đây còn trúng giá nữa, hiện các thương lái thu mua lúa tươi với giá 5.000 đồng/kg, ai cũng có lời nên rất phấn khởi”.

Không chỉ có ông Ðịnh, ông Ðỉnh mà còn hàng chục hộ dân khác cũng có được mùa lúa bội thu. Giống lúa được người dân chọn là OM 6976 của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Với giống lúa mới này đã mang về cho bà con nhiều kết quả bất ngờ.

Ông Võ Văn Hiệu, một trong những hộ dân ở ấp 13, xã Khánh Thuận tham gia thực hiện vụ lúa này, chia sẻ: “Giống lúa mới này không chỉ chịu phèn tốt, hạn chế sâu bệnh mà còn cho bông dài và hạt to. Sở dĩ chúng tôi chọn cùng một giống là để cho nó chín đồng loạt để trồng tràm lại đồng loạt luôn, thương lái thu mua cũng dễ, chứ làm nhiều thứ giống bán khó lắm. Với 30 công đất, vừa rồi tôi thu hoạch được gần 1.000 giạ, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Nhờ có vụ lúa này mà đời sống gia đình tôi cải thiện nhiều lắm”.

Bên cạnh việc trúng mùa, trúng giá lúa, rơm rạ sau thu hoạch cũng mang về nguồn thu lớn cho người dân. Bởi thời điểm này, những vùng sản xuất lúa ổn định trên địa bàn huyện U Minh nói chung và các địa phương lân cận nói riêng đều không có lúa chín nên nhu cầu rơm rạ để làm nấm rơm rất khan hiếm. Chính vì thế, giá rơm rạ sau thu hoạch của người dân nơi đây cũng được mua với giá khá cao và liên tục tăng giá. Nếu như những ngày trước đây, mỗi công rơm người làm nấm chỉ mua với giá 50.000-60.000 đồng thì nay đã tăng lên 100.000 đồng.

Bà Vũ Thị Vang, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha lúa nên bán rơm cũng được 3 triệu đồng, nhờ có tiền này mình mướn nhân công cắt lúa, rồi suốt hay có những người sử dụng số tiền này để mua tràm trồng mới nên cũng đỡ lắm”.

Ðến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được hơn 25 ha trong tổng số hơn 40 ha, diện tích còn lại sẽ được người dân thu hoạch dứt điểm trong tháng 11 này để tiến hành trồng tràm mới theo đúng quy định của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Theo người dân, lượng phân hữu cơ của rơm rạ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cây tràm phát triển. Ðây là một trong những cách nghĩ, cách làm mới nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai, vừa đảm bảo diện tích rừng trồng mà vẫn có thêm thu nhập, góp phần tích cực cùng với huyện nhà thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần được quan tâm nhân rộng./.

Bài và ảnh: Lâm Chiêu

Trực tiếp xsmb hôm nay

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Dự án Cảng Hàng không Cà Mau - Ðẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng

“Các đơn vị và UBND TP Cà Mau đang tăng tốc các phần việc nhằm sớm bàn giao hoàn toàn diện tích cho chủ đầu tư thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau, trên quan điểm thu hồi đến đâu bàn giao đến đó”, ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết.

Tài chính minh bạch - Ðạo đức là kim chỉ nam

Trên hành trình phát triển của ngành ngân hàng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam cho mỗi nhân viên trong ngành. Tại Cà Mau, nơi kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, vai trò của những người làm công tác tài chính - ngân hàng càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người quản lý dòng vốn, họ còn là những người dẫn lối tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và bền vững.

Biến mục tiêu thành kết quả cụ thể

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối để tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); là năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; năm tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Nhằm tăng tốc, bứt phá nhanh hơn nữa, chuẩn bị tốt các điều kiện cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng “hai con số” giai đoạn tiếp theo. Ðây là động lực lớn để tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Liên kết tạo thành công

Với lợi thế 3 mặt giáp biển, thời gian qua, không chỉ tập trung vào con tôm truyền thống, huyện Ngọc Hiển còn đẩy mạnh đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.

Trao “cần câu” giúp dân thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã giảm 548 hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,92%, giảm 2,07% so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm khi Mỹ áp thuế đối ứng

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trước tình hình Hoa Kỳ đã công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang nước này.