(CMO) Cà Mau là vùng đất với nhiều sản vật đặc trưng, mang đậm phong vị của vùng bán đảo. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Cà Mau xây dựng, nâng cao giá trị và quảng bá những mặt hàng nông sản chủ lực.
Cà Mau có khô cá bổi U Minh, mật ong rừng tràm U Minh Hạ, bồn bồn Cái Nước, cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mắm lóc Thới Bình và trong tương lai dự kiến sẽ có nhiều thương hiệu tập thể khác.
Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu lạc quan, việc quản lý, sử dụng và các thương hiệu còn nhiều vấn đề vướng mắc. Trong đó, ý thức của người nông dân trong việc tranh thủ, tận dụng các thương hiệu nông sản còn hạn chế.
Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ
Với những ai gắn bó và hiểu biết về mảnh đất Cà Mau đều thấy, số thương hiệu tập thể đã được công nhận rõ ràng chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Ngay ở địa bàn Năm Căn, Ngọc Hiển cũng từ con tôm, con cua, con cá nhưng những biến tấu cũng hết sức phong phú. Điều đáng quan tâm là những sản phẩm này đã được “ngầm” thừa nhận một cách rộng rãi cả trong và ngoài nước. Mắm tôm, bánh phồng tôm, mắm cá sơn, tôm chà bông, cua gạch son muối… tất cả những mặt hàng này đều đã có chỗ đứng trên thị trường, song, việc xây dựng thương hiệu hầu như còn bỏ ngỏ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lê Ngọc Lâm nhận định: “Địa phương không chỉ có tôm khô là sản vật độc đáo mà còn có ba khía muối, bánh phồng tôm, chà bông tôm, các loại mắm… tất cả đều có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể”.
Chủ cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền (ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây), ông Lê Ngọc Thạnh, cho biết: “Cơ sở đã mở được hơn 7 năm, cũng đã chủ động đăng ký kinh doanh, in ấn bao bì để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bánh phồng tôm hiện nay vẫn là mặt hàng chưa được đăng ký thương hiệu chung nên đầu ra chủ yếu là các mối làm ăn quen biết”. Cũng theo ông Thạnh, nếu bánh phồng tôm Ngọc Hiển xây dựng được danh tiếng như con tôm khô thì khả năng phát triển là rất lớn.
Ông Bùi Văn Chương, ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, Giám đốc Hợp tác xã tôm khô Tân Phát Lợi với sản phẩm tôm khô - thương hiệu vang danh xa gần của Ngọc Hiển. |
Mặt hàng mắm cá sơn, cá chim và ba khía muối của Ngọc Hiển cũng nằm trong tình trạng tương tự. Dù rằng với những ai sành về ẩm thực, đây là những đặc sản thực sự của vùng Mũi. Anh Phan Văn Khởi, chủ cơ sở mắm Ngọc Chuyển (ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây) thổ lộ: “Trước, nhà nghèo lắm, rồi từ những hũ mắm cá sơn làm ăn chơi, được hỗ trợ của chính quyền xã, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư và xây dựng cơ sở mắm để cung cấp khắp nơi”.
Điều đáng nói là dù không có “chính danh”, mắm cá sơn vẫn được nhiều người ưa chuộng. Anh Khởi chia sẻ: “Nguồn nguyên liệu và quy trình làm mắm cá sơn khá phức tạp. Nếu xây dựng được thương hiệu chung thì giá trị sản phẩm sẽ tăng cao hơn, từ đó bà con làm nghề mới hào hứng gắn bó”.
Trên thực tế, các mặt hàng nông sản, đặc sản chủ lực luôn là ưu tiên phát triển của tất cả các địa phương. Chẳng thế mà đi đến đâu người ta cũng mong muốn tìm kiếm và thử cho kỳ được những thương hiệu đã trở thành cái riêng, cái độc đáo của một vùng đất. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế thuần tuý, mà còn là hình ảnh, hồn cốt của một địa phương.
Thế nhưng, vì lý do nào đó, nhiều sản vật nức tiếng theo kiểu “tiếng lành đồn xa” nhưng việc xúc tiến xây dựng, định hình và quảng bá một cách bài bản, chính thống vẫn còn quá ít. Nhìn vào tương lai gần, khi tỉnh Cà Mau có khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Mũi Cà Mau, thì việc xây dựng những mặt hàng, sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu là điều cần thiết.
Bồn bồn Đông Hưng, Cái Nước - một thương hiệu tập thể còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. |
Có thương hiệu nhưng phát huy hạn chế
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng đánh giá: “Cà Mau có rất nhiều lợi thế về xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời cũng là những mặt hàng nông sản mang nét đặc trưng. Đây cũng là một nội dung chiến lược của ngành du lịch trong hiện tại và định hướng lâu dài”.
Theo ông Hùng, chỉ khi nào sử dụng, khai thác hiệu quả các nhãn hiệu, thương hiệu đặc trưng của Cà Mau thì người nông dân mới được hưởng lợi từ du lịch và nâng cao mức sống. Đây là một gợi mở đúng hướng, bởi từ những sản vật quen thuộc đến việc làm kinh tế với các mặt hàng ấy là một chặng đường không hề dễ dàng. Người nông dân phải chấp nhận từ bỏ thói quen sinh hoạt nhỏ lẻ, tự phát, manh mún mà phải có sự liên kết, đồng bộ.
Ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông - nơi cây bồn bồn đã được công nhận thương hiệu tập thể “bồn bồn Cái Nước” có thể mở rộng vùng nguyên liệu lớn. Vậy nhưng, trên thực tế, chỉ có một đoạn trên trục Quốc lộ 1 xuyên qua các ấp thuộc xã Hưng Mỹ, Tân Hưng Đông là có bày bán mặt hàng này. Ngay cả tại Cà Mau, dưa bồn bồn và bồn bồn tươi vẫn bày bán theo kiểu chợ quê, chợ “chồm hổm” mà rất ít thấy nhãn mác, xuất xứ từ Cái Nước. Điều này phản ánh một vấn đề, đó là việc tính toán, hoạch định một cách đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả các thương hiệu tập thể là còn nhiều vướng mắc.
Chủ tịch HĐND xã Tân Hưng Đông Bùi Hữu Phước cho biết: “Cây bồn bồn chỉ thực sự tập trung ở một đoạn thuộc ấp Đông Hưng với gần 200 ha. Tới nay cũng chỉ mới có vài hộ đăng ký thương hiệu, gắn nhãn mác bao bì, còn lại vẫn là bán theo kiểu tự phát”. Ngay tại nơi được coi là “thủ phủ” của cây bồn bồn mà tình hình còn như vậy thì khó trách sao cây bồn bồn và những sản phẩm từ sản vật này có cơ hội vang xa.
Mật ong U Minh Hạ một thời lao đao dù đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Ảnh: Thanh Quang |
Nói về thực trạng này, ông Phước cho rằng: “Bà con còn ngại về thủ tục, vả lại sản xuất còn nhỏ lẻ nên không mặn mà với việc đăng ký thương hiệu. Cái này thuộc về nhận thức, địa phương cũng đã tuyên truyền, phổ biến, song chuyển biến còn khá chậm”.
Tân Hưng Đông nằm trên trục giao thông trọng yếu của du lịch Cà Mau, đó là TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Ngọc Hiển - Đất Mũi, lượng khách qua lại rất lớn, cơ hội cho cây bồn bồn rộng mở. Vậy nhưng, với kiểu khai thác giá trị thương hiệu này như hiện tại rõ ràng là không ổn.
Bà Tư Liêm (Nguyễn Mỹ Liêm, ấp Đông Hưng) bộc bạch: “Sau nhà trồng hơn 10 công bồn bồn (hơn 1 ha), tôi trồng cũng hơn chục năm rồi, nói chung thu nhập ổn định hơn trồng lúa. Khách du lịch hay người địa phương qua lại mua cũng nhiều lắm”.
Hỏi bà sao chưa đăng ký nhãn hiệu, gắn mác bao bì, bà cho biết: “Tôi cũng có đi làm nhưng chưa xong, thấy bà con ở đây cũng ít người đăng ký lắm, mình buôn bán nhỏ mà!”. Từ cây bồn bồn tươi, dưa bồn bồn, người Đông Hưng còn làm thêm mắm tôm, dưa cà pháo, mắm cá đối, cá phi… tất cả đều là những sản vật của quê hương nhưng giờ đã trở thành hàng hoá để phục vụ khách thập phương. Từ thực tế trên cho thấy, tư duy và khả năng của người nông dân không phải “ù lì”, lạc hậu.
Có thể khẳng định, việc các cấp, ngành phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng, gìn giữ, phát huy và quảng bá các thương hiệu nông sản, sản vật đặc trưng chính là chìa khoá của vấn đề. Chỉ có như vậy thì người dân mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, phát triển kinh tế từ chính sức đất, sức người của Cà Mau. Còn rất nhiều công việc để làm, và công việc bắt đầu phải từ chính những thương hiệu đã được khẳng định, công nhận./.
Phạm Quốc Rin