Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết vẫn không ngừng thay đổi, sáng tạo để cải lương sống cùng nhịp thời đại và chính bản thân mình cũng không bị lỗi thời.
Nữ nghệ sĩ cho biết, bất cứ cái gì mới mẻ đều vấp phải khó khăn ban đầu. |
- Thưa NSND Bạch Tuyết, bà trở thành đào chính từ năm 16 tuổi và có bằng Tiến sĩ đầu tiên ở bộ môn này, bà đánh giá thế nào về chặng đường phát triển của cải lương, tính đến thời điểm này?
NSND Bạch Tuyết: Tôi ví von cải lương như một con sông nhưng không ai đắm mình trong dòng nước cũ. Cải lương cũng phải thích nghi, tức là phải tiếp biến với nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan để hiểu rằng, thay đổi là điều tất yếu để bộ môn nghệ thuật này ngày một phát triển hơn. Khán giả sẽ đến với thứ mà họ cần và đúng với thị hiếu mà họ mong muốn, khát khao. Trong quá trình đó, chính người nghệ sĩ cũng nên quan sát và sáng tạo không ngừng. Thực tế hơn trăm năm, cải lương cũng thay đổi khi phải đứng trước dòng chảy văn hoá liên tục đảo chiều.
Với riêng tôi, cải lương đã cứu sống cả cuộc đời tôi. Sau mỗi suất hát, tôi chỉ đi quanh quẩn ở đoàn hát, trò chuyện thêm với những người thầy và các bậc tiền bối, vì tôi muốn biết, muốn học sâu hơn về cải lương. Thế là tôi được nghe, được biết nhiều điều thú vị về cải lương mà sách vở không thể có.
- Người thầy nào đã cho bà nhiều bài học lớn về cải lương?
NSND Bạch Tuyết: Ðó là má Bảy - NSND Phùng Há. Tôi nhớ từng lời dạy của má Bảy từ khi chập chững vào nghề cho đến khi đã là cô đào có chút tên tuổi và được khán giả yêu thương. Những gì tôi làm theo lời má thì mọi thứ đều thành sự thật. Tôi chỉ biết hứa rằng, khi còn hơi thở thì sẽ làm cải lương thật tốt. Má Bảy chỉ dạy tôi từng li từng tí, nhưng may mắn là tôi không bị la nhiều. Má luôn dạy chúng tôi phải giữ thân thật tốt. Việc giữ gìn này không chỉ cho bản thân người nghệ sĩ mà còn cho khán giả. Khán giả vốn đã thấy nghệ sĩ đẹp trên sân khấu thì ngoài đời chúng tôi cũng không thể khiến họ thất vọng. Chúng tôi không được để mình xấu xí, kém chỉn chu, ứng xử kém văn hoá trong mắt của chính người mộ điệu đã thương mình hết lòng. Ðiều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng khán giả mà còn là sự tự trọng của chính người nghệ sĩ.
- Thời gian gần đây, bà kết hợp với nhiều nghệ sĩ trẻ như: Orange, Hoàng Dũng... Vì sao bà lại làm điều này trong khi nhạc trẻ và cải lương tưởng chừng không ăn nhập?
NSND Bạch Tuyết: Tôi luôn muốn phát triển và duy trì cải lương - một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng thể hiện bản sắc và văn hoá của Việt Nam. Vì vậy, việc kết hợp với các nghệ sĩ trẻ là điều mà tôi luôn mong muốn, để giúp cải lương được tiếp cận đến khán giả mới, theo một cách hợp thời đại. Hơn nữa, làm việc với người trẻ cũng giúp tôi mở mang, có thêm nhiều kiến thức mới, giúp mình không bị tụt lại phía sau.
NSND Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ gạo cội của cải lương thị phạm cho các thí sinh tại Học viện Cải lương. (Ảnh nhân vật cung cấp)
- Ðiều này có nghĩa là làm mới cải lương, thưa bà?
NSND Bạch Tuyết: Trong chặng đường làm nghề, tôi không ngại chuyện làm mới cải lương. Thế nhưng, để có những điều mới mẻ và nó được chấp nhận thì không dễ dàng. Nó đòi hỏi nghệ sĩ phải kiên trì. Cái mới bao giờ cũng khó khăn khi tiếp cận công chúng. Bởi khi người ta chưa hiểu thì chưa thương, thậm chí có những lời miệt thị, mình không ngờ được. Khi làm điều gì đó mới mẻ, trước nhất chính là làm cho mình vui sướng và giúp mọi người cùng nhau đi lên. Nếu có tâm làm điều gì đó tốt đẹp thì làm sao phải lo sợ. Ði trên con đường mới do chính mình tự mở chắc chắn sẽ rất cô đơn. Khi cái mới đã được khán giả đồng hành, chấp nhận, chúng ta đón nhận niềm vui khôn tả. Ðó là lý do vì sao đến hiện tại, tôi vẫn muốn những điều mới mẻ.
- Ở tuổi 80, bà thực hiện chương trình Học viện Cải lương. Có phải bà muốn tạo ra một “thế hệ cải lương gen Z”?
NSND Bạch Tuyết: Học viện Cải lương đã trang bị cho các bạn nghệ sĩ gen Z những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương, tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Ðồng thời, chương trình cũng hướng các bạn nghệ sĩ gen Z thành một người hoạt động văn hoá, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hoá, nghệ thuật nước nhà. Tôi đặt tiêu chí cho Học viện Cải lương rất rõ ràng là, chương trình nhằm đi tìm - đào tạo - truyền nghề và "đo ni đóng giày" những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Các nghệ sĩ tài danh mà tôi mời trong chương trình sẽ giúp thế hệ gen Z đam mê cải lương phải hiểu sâu và am tường chính nghệ thuật mình yêu thương. Tôi rất vui khi một số đồng nghiệp đã đồng hành cùng tôi để thực hiện dự án mới này và sẽ khởi động trong năm 2024. Tôi mong muốn, cải lương vẫn đi tìm cái mới của thời đại. Vì thế, trong Học viện Cải lương, nhà sản xuất dành riêng một học phần để đào tạo "cải lương trendy" mang hơi thở đương đại của những người trẻ.
- Cảm ơn NSND Bạch Tuyết về buổi trò chuyện này!
Lam Khánh thực hiện