ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 15:28:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

NSƯT Diệu Hiền: Đệ nhất đào võ một thời

Báo Cà Mau (CMO) "Tôi thương giọng ca của mình lắm, nếu có kiếp sau nhất định cũng là nghệ sĩ nữa. Bây giờ lớn tuổi rồi, lỡ có mất cũng không tiếc thân mà tiếc giọng ca, phải tập luyện mấy chục năm mới vừa ý như thế. Hồi mới đi hát đâu biết luyện tập gì, ca đại vậy thôi, nghe người ta vỗ tay tưởng vậy được rồi, sau này lớn lên mỗi khi cầm cuốn tuồng hay bài ca là nghiên cứu từng chữ hết trơn. Nhờ vậy được trời thương, phú cho giọng ca rất khoẻ", NSƯT Diệu Hiền không khóc nhưng mắt cứ buồn xa xăm khi luyến tiếc về giọng ca mà suốt mấy chục năm qua bà xem như bảo vật.

Gần đây, dấu chân của "đệ nhất đào võ" thưa dần trên các sân khấu, bà chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ không màng lợi danh nơi Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Ngày ngày cùng với những đồng nghiệp ôn lại một thời vàng son của nghệ thuật và của cả đời người...

Từng là cô đào chánh, đào võ sáng giá lần lượt trên các đoàn hát đại bang Hoa Sen, Thống Nhất, Kim Chung... từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sau năm 1975, khi sân khấu cải lương tại Sài Gòn dần đi xuống, NSƯT Diệu Hiền là một trong những tên tuổi lớn đầu quân về Đoàn Cải lương Hương Tràm. Tại đây, bà tiếp tục tạo dấu ấn qua các vai: Chị Minh trong "Giọt máu oan cừu", Kiều Nguyệt Nga trong "Lục Vân Tiên"... Nhưng chỉ được thời gian ngắn, một biến cố lớn ập đến như sự thử thách khắc nghiệt đối với một kiếp tằm.

Nhớ trận cháy kinh hoàng năm ấy...

Những ngày về chiều “đệ nhất đào võ” một thời chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ, không màng danh lợi nơi Viện dưỡng lão nghệ sĩ.
NSƯT Diệu Hiền với vai diễn để đời trong vở “Nhụy Kiều tướng quân”. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Vốn mang tính tình mạnh mẽ như con trai, từ nhỏ tới lớn Diệu Hiền không sợ bất cứ thứ gì ngoài... con đom đóm. Ngày ấy, ở Cà Mau thường cất nhà theo kiểu nhà sàn nên đom đóm bay nhiều lắm, mỗi lần thấy là bà nổi cả da gà. Lần đó, trong một chuyến lưu diễn về Cái Nước, sụp tối, chiếc tàu lớn chở toàn bộ cảnh trí sân khấu, đồ đạc nghệ sĩ cặp lại bến để anh em nghỉ ngơi. Mà ngặt nỗi trên bờ đom đóm nhiều quá, thấy vậy phụ tàu liền bảo: "Thôi, chế sợ thì đừng lên, ngủ trong phòng máy dưới này đi, em sẽ ngủ sau lái với chế".

Nửa đêm nghe tiếng nước chảy xiết, Diệu Hiền giật mình tỉnh dậy, mới biết thì ra tàu cập bến lúc nước cạn, đồ đạc lại chất quá nhiều nên khi nước lên nhanh, sau lái nặng không nổi lên kịp, nước ngoài sông cứ thế tràn vào.

"Tàu chìm, tàu chìm rồi chế ơi", tiếng của phụ tàu thảng thốt.

Hai chị em lật đật quơ nhanh túi đồ chạy lên mé bờ, chợt Diệu Hiền sực nhớ balat đựng phấn son của mình. Chết rồi, hồi chiều Bảo Anh (NS Bảo Anh, bấy giờ phụ trách mảng tài chính của đoàn) có gửi tất cả giấy tờ quan trọng trước khi lên bờ.

"Chị Hiền không lên bờ thì cho em gửi đồ, em lên dạo tí, nhớ nghen, giữ dùm em nghen, mất một cái là em ngồi tù khỏi ra luôn", câu pha trò của đứa em còn văng vẳng làm bà sực tỉnh, cuống cuồng chạy xuống ghe lúc này đã ngập quá nửa. Người ta đang tất bật lấy máy bơm nước ra nhưng không xuể, can xăng gần đó do vô ý đổ loang tràn ra nước.

"Chị Hiền kiếm gì?", "Tao kiếm cái balat, mất là Bảo Anh đền chết luôn!". "Đứng đó đi đừng vô nữa, khi nào kiếm có em đưa lên", tiếng đáp lời cứ í ới. Bỗng một nhân viên trong đoàn sơ ý bưng ngang cây đèn bão, nóng đột ngột nên vứt ngay chỗ Diệu Hiền đang đứng. Lửa cháy phừng lên, ngặt nỗi tất cả cửa tàu đều đang đóng, đồ đạc ngổn ngang làm cho đám cháy ngày một lớn. Nóng, nóng quá, rồi sau đó không còn cảm giác gì nữa. "Vậy là mang tật rồi, đào hát mà mang tật thì sống chi nữa, hay là cứ đứng vậy cho chết luôn", bà thầm nghĩ.

Lúc này do quá hoảng loạn, sợ đám cháy lan đến nhà dân phía trên nên ai đó đã cắt dây tàu xô ra xa. Bà vẫn đứng đó, định gửi mình theo ngọn lửa. Chợt tiếng kêu khóc từ trên bờ của các đồng nghiệp Minh Sang, Minh Hoàng, Minh Đương... cứ vọng theo: "Chị Hiền ơi, chị mà chết bỏ con cái lại ai nuôi, chị Hiền ơi...". Đúng rồi, lỡ có mệnh hệ nào thì ai sẽ nuôi con, mẹ cũng già rồi, ý nghĩ thoáng qua làm Diệu Hiền sực tỉnh. Lấy chút sức còn lại, bà ráng lết tới cửa ghe, nhưng bị cửa cháy sập xuống đè lên. Cắn răng thoát ra mũi nhảy xuống dòng sông sâu hoắm chảy xiết, lửa vẫn cháy theo trên đầu. May thay khi gần tới bờ vừa kiệt sức thì được vớt vào. Tai ù, mắt không còn thấy nữa, người vớt bà lên cứ ôm chầm bà mà khóc: "Chế ơi, da chế dính trên người em rồi". Mọi người xung quanh rớt nước mắt, thay phiên nhau lấy kem đánh răng thoa lên những vết bỏng, chở đến Cà Mau thì trời đã mờ sáng. Năm đó là năm 1977.

... Đến đệ nhất đào võ một thời

Sau đám cháy, cô đào hát nổi danh một thời bị bỏng rất nặng. Nhất là cánh tay trái gần như chết hết các gân, không thể cử động được, sự nghiệp ca diễn những tưởng đành phải khép lại. May thay, có vợ chồng người anh kết nghĩa vì mến tài năng tận tình giúp đỡ, tìm thầy giỏi để điều trị thuốc men và tập luyện hàng ngày cho đến khi tay bà dần cử động được. Thầy thuốc này còn dạy một số động tác võ thuật để thể lực bà hồi phục qua từng ngày. Mất gần một năm điều trị bà trở về nhà, thầm nhủ lòng: "Vậy là hết rồi giấc mơ tiếp tục làm đào hát được đứng sân khấu".

Ngay lúc này, biết rõ hoàn cảnh của Diệu Hiền, đoàn Hương Dạ Thảo ngỏ ý mời bà về Sài Gòn hát lại vai chị Minh trong "Giọt máu oan cừu". Một thời gian ngắn sau đó, đích thân ông bầu của Đoàn Cải lương Tháp Mười tìm đến tận nhà thuyết phục chân tình: "Thôi kệ chị Hiền à, còn một tay thì hát một tay vậy". Câu nói như tiếp thêm động lực, thổi bừng ngọn lửa mạnh mẽ để bà thêm tự tin trở lại sân khấu. Bấy giờ đoàn Tháp Mười chọn hát vở cải lương "Nhuỵ Kiều tướng quân", bà được phân vai chính Nhụy Kiều, đóng cặp với kép chánh là Nghệ sĩ Hoài Thanh (vai Lê Minh). Đúng sở trường đào võ ngày trước, đồng thời vận dụng những thế võ từ người thầy thuốc truyền lại, cùng với giọng ca cao nội lực, cách diễn dứt khoát mạnh mẽ của nữ tướng Triệu Thị Trinh đã nhanh chóng chinh phục khán giả từ những suất đầu tiên.

Có lần đoàn về Bạc Liêu biểu diễn, Diệu Hiền lễ phép đưa vé mời người thầy mà đối với bà là ân nhân đã cứu cuộc đời mình. Thầy từ chối nhưng sau đó lại âm thầm mua vé chợ đen vào rạp đông nghẹt để xem, rồi tấm tắc khen những thế võ đánh roi của học trò khiến bà mừng rơn. Thành công nối tiếp thành công, cách đó ít lâu vở cải lương "Nữ tướng cờ đào" với vai Bùi Thị Xuân, vẫn khí thế hiên ngang, vẫn cái sắc lẹm trong từng điệu bộ, ca thoại mà mỹ danh "đệ nhất đào võ" đã được đông đảo báo giới và khách mộ điệu ưu ái dành riêng cho người nghệ sĩ tài danh này.

Thành công của hai vai diễn liên tiếp đã một lần nữa đưa tên tuổi Diệu Hiền sáng chói trên bầu trời nghệ thuật. Ngoài những vai diễn để đời này, khán giả mộ điệu khắp nơi cả trong và ngoài nước còn mê đắm giọng ca của bà khi thể hiện những bài ca cổ hùng hồn: "Trụ vương thiêu mình", "Tần Quỳnh khóc bạn" (tác giả NSND Viễn Châu) vốn dành cho kép ca và đã được thế hệ đi trước như NSND Út Trà Ôn thể hiện rất thành công. Thật kỳ lạ, với cách luyến đổ "hò" xuống vọng cổ, cách cười, "diễn trong ca" phá cách không lẫn bất cứ ai cho đến hôm nay dù đi đến đâu người ta vẫn yêu cầu được nghe bà ca lại những câu vọng cổ này. Và nếu nhắc đến cô đào võ thượng thặng một thời thì chắc chắn sẽ nhớ ngay đến "Nhụy Kiều tướng quân", "Trụ vương thiêu mình", "Tần Quỳnh khóc bạn".

Đem cái trầm trồ ngưỡng mộ lẫn thắc mắc về sở trường ca rất đặc biệt này hỏi NSƯT Diệu Hiền, bà cười khanh khách, chắc tại cái tánh vốn cứng rắn mạnh mẽ từ hồi nhỏ xíu, chơi những trò chơi con trai, ghét cái uỷ mị, sướt mướt. 

Những năm gần đây, khi tuổi tác ngày càng cao, NSƯT Diệu Hiền ít khi đứng sân khấu, chỉ thỉnh thoảng người ta thấy bà góp mặt trong các chương trình Gameshow Sao nối ngôi, Tài tử tranh tài hỗ trợ phần dự thi cho các thế hệ đi sau. Mỗi khi được tái ngộ khán giả, nghệ sĩ cứ nâng niu quý trọng từng giây phút. "Thôi mình già rồi, còn sức lúc nào thì cứ theo ủng hộ cho các cháu. Mai kia mốt nọ khi không còn nữa, biết đâu tụi nó lại nhắc: Hồi đó tao được hát với bà Diệu Hiền, vậy chớ vui lắm nghen", với nụ cười hiền, NSƯT Diệu Hiền dí dỏm./.

Minh Hoàng Phúc

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.