ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 22:16:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nữ anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay: Người chỉ đạo giải phóng Phân chi khu Cái Nước

Báo Cà Mau Tháng 10/1973, Huyện uỷ Cái Nước quyết định tăng cường đồng chí Phạm Thị Bay (Ba Bay), Huyện uỷ viên về làm Bí thư xã Tân Hưng Đông. Tháng 9/1974, Huyện uỷ Cái Nước mở đại hội và đề nghị đại diện các xã hạ quyết tâm cụ thể trong việc “tự lực, tự cường, giải phóng quê hương”.

Tháng 10/1973, Huyện uỷ Cái Nước quyết định tăng cường đồng chí Phạm Thị Bay (Ba Bay), Huyện uỷ viên về làm Bí thư xã Tân Hưng Đông. Tháng 9/1974, Huyện uỷ Cái Nước mở đại hội và đề nghị đại diện các xã hạ quyết tâm cụ thể trong việc “tự lực, tự cường, giải phóng quê hương”. Sau khi hạ quyết tâm với Huyện uỷ sẽ giải phóng xã Tân Hưng Đông trong thời gian 2 tháng, đồng chí Phạm Thị Bay trao đổi thống nhất trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Xã uỷ, tiến hành phát động từ nội bộ Đảng ra đến quần chúng bằng những hình thức sáng tạo, chưa hề có tiền lệ, tạo thành sức mạnh tổng hợp giải phóng xã nhà trong thời gian ngắn nhất.

Ngày 3/10/1974, Ðại hội Ðảng bộ xã Tân Hưng Ðông tiến hành, có mặt 58 đồng chí (11 nữ). Trong hội trường có bàn thờ Bác Hồ, hương khói trang nghiêm. Ðại hội xác định nhiệm vụ trước mắt, đọc Di chúc Bác Hồ và “Thề quyết tử để giải phóng quê hương”. Từng người đều lên hạ quyết tâm cụ thể. Lời quyết tâm được đồng chí Tư Ép, Xã uỷ viên ghi vào quyển “Sổ vàng lịch sử”. Nội dung quyết tâm ghi cụ thể việc làm và ký tên bằng viết mực đỏ, tượng trưng màu máu.

Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay.         Ảnh: HOÀNG VŨ

Mỗi người lên phát biểu quyết tâm trước đại hội thực sự là lời tuyên thệ trước Bác Hồ, trước Ðảng, trước Nhân dân: “Không chiến thắng không trở lại bế mạc đại hội! Dù phải hy sinh phân nửa Ban Chấp hành hoặc phân nửa số đảng viên cũng sẵn sàng!”. Nếu những người tình nguyện ra đi giải phóng quê hương khi bế mạc đại hội không có mặt thì tên tuổi được lưu truyền, được gìn giữ để con cháu đời sau biết rằng ông cha, anh chị của mình đã anh dũng hy sinh như thế nào.

Sau khi Chi khu Cái Nước bị ta tiêu diệt tháng 9/1963, địch dời chi khu này đến Ðồng Cùng nhưng nơi đây vẫn còn là Phân chi khu, túc trực trên 250 quân Bảo an, cùng hệ thống đồn bót kiên cố, có 2 khẩu pháo 105 ly, 4 súng cối 81, 2 súng cối 61, 4 đại liên và 7 máy PRC25. Ngoài ra còn 1 tiểu đội thám báo, 1 tiểu đội phòng vệ dân sự và nhiều tên tề, điệp, mật báo khác. Về phía ta, tuy lực lượng đông nhưng trang bị vũ khí hết sức thô sơ, ít ỏi. Nếu không có quyết tâm sắt đá, không một lòng một dạ sẵn sàng hy sinh để đổi lấy độc lập tự do, thì không thể nào chiến thắng.

Ðồng chí Phạm Thị Bay phát biểu tình nguyện sưu tầm 10 đầu đạn pháo, 1.000 viên đạn và sẽ ra đứng mũi chiến hào. Vợ đồng chí Mười Diệp phát biểu: “Tôi chưa thấy đại hội nào khai mạc và chờ đến giải phóng mới bế mạc nên tôi rất tin, dù tuổi cao không ra chiến hào được, tôi hứa sẽ đi vận động tiếp tế đầy đủ để phục vụ anh em du kích bao vây giết giặc”. Nữ đồng chí Ba Hía vừa hứa quyết tâm sưu tầm vũ khí vừa hứa cận kề anh em du kích, sát cánh đánh giặc…

Có thể nói, đây là cuộc đại hội có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Cách làm đặc biệt này gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với Ðảng bộ và Nhân dân Tân Hưng Ðông. 10 ngày sau, các cuộc đại hội của Ðoàn thanh niên, Nông dân, Phụ nữ và Lực lượng vũ trang diễn ra trong không khí náo nức. Hầu hết đoàn viên đều tình nguyện ra chiến hào và huy động dân công phục vụ chiến trường. Các chị, các mẹ, các chú, bác nông dân đều hứa tham gia sưu tầm vũ khí và chuẩn bị lực lượng bao vây tiêu diệt địch.

Ðể nắm chặt quân số, trang bị của địch và tình hình Nhân dân trong Phân chi khu, đồng chí Ba Bay hoá trang làm người đi khám bệnh, bố trí bà má Tám Cải và ông Bảy Cất đưa ra Cái Nước. Nhờ trực tiếp tai nghe mắt thấy, đồng chí có thể khái quát tình hình địch một cách cụ thể, tạo niềm tin đối với các lực lượng tham gia chiến đấu.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Ba Bay, Má Tám, Ba Hía, Tám Chiền và Chín Tiến, Tư Tâm đến Ðồn Gộc Kỳ Ðà, địch vừa bỏ chạy để mò vũ khí. Sau 1 ngày mưa gió lạnh lẽo, đoàn mò được gần 1 xuồng be mười đạn các loại, trong đó có nhiều đạn súng cối 61 và 81 ly. Kết quả này làm cho phong trào sưu tầm vũ khí bộc phát rầm rộ. Kết quả tìm được: 17 đầu đạn 105 ly, 150 đạn cối các loại, 5.000 viên đạn. Ðồng bào vót 3.500 mũi chông, đốn 7.500 cây các loại để hàn 4 cái cản, đào đắp 150 công sự, chuẩn bị 1 tù và, 2 trống chầu, 1.100 cái mỏ, 5.000 băng cờ, khẩu hiệu, truyền đơn và những thứ cần thiết khác. Ðồng chí Sáu Nhịn, Xã uỷ viên cùng 2 anh em đồng chí Quang trực tiếp chế tạo bệ phóng để pháo kích vào đồn.

Ngày 1/12/1974, lực lượng ta đồng loạt bao vây Phân chi khu Cái Nước gồm 4 mũi. Hầu hết lực lượng du kích xã đều được huy động trực chiến liên tục tại trận địa. Riêng mũi chính trị, binh vận được bố trí nắm tình hình diễn biến của địch và phát động anh em binh sĩ, phản biến, phản chiến trở về với Nhân dân, đồng thời phát động đồng bào phá khu ấp chiến lược về ruộng vườn cũ. Ta còn chuẩn bị lực lượng dân công để khi giải phóng sẽ san bằng đồn bót của giặc.

Thời điểm này, khắp chiến trường miền Nam, quân giặc dao động, hoang mang tột độ. Các chiến thắng Tây Nguyên, Huế, Ðà Nẵng làm cho Mỹ - nguỵ bỏ chạy tơi bời. Ðó là thời cơ thuận lợi chưa từng có.

Trước khi nổ súng tiến công, ta phát loa kêu gọi binh sĩ. Bị pháo kích, bọn chúng hoang mang cho vợ con chạy trước. Bộ phận binh vận đón bắt lại giáo dục, ta nói với họ: “Bộ đội về đông lắm, xã đang chuẩn bị làm 5 con bò khao quân trước khi đánh đồn”. Ta còn dẫn họ đến những nơi có đơn vị và vũ khí “cỡ lớn” của ta để họ tận mắt chứng kiến. Tất nhiên là vũ khí giả được ngụy trang khéo léo. Sau đó ta cho họ xuống xuồng bơi ra đồn Bà Lộc để tác động binh sĩ nơi đây.

Đồn Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước bị quân ta tiêu diệt đêm 3/6/1974.                       Ảnh: VÕ AN KHÁNH

Lực lượng ta tiếp tục bao vây uy hiếp Phân chi khu Cái Nước. Sau nhiều ngày đói cơm khát nước, máy bay trực thăng không hạ xuống được để tiếp tế lương thực và vũ khí, các nẻo đường đều bị ta đón chặn. Cuối cùng bọn chúng phải tháo chạy ra Giá Ngự vào 10 giờ đêm 15, rạng 16/12/1974. Vừa phát hiện, lực lượng ta lập tức truy kích, diệt tại chỗ một số tên và dùng loa phóng thanh kêu gọi chúng đầu hàng, kêu gọi đồng bào bao vây truy nã chúng.

Ðến 6 giờ sáng, ta đón bắt 6 tên, thu 2 súng cối 61, 1 cối 81, 6 súng M79 và 4 máy PRC25. Lực lượng Tỉnh đội được tin cũng tham gia đuổi theo chúng. Bọn chúng rất ngoan cố, trên đường tháo chạy sợ ta phát hiện, cứ mỗi lần có tiếng trẻ khóc (con của chúng) chúng đều bóp mũi, làm chết 4 cháu. Chiều 16/12/1974, ta gom xác binh lính bị tử thương, kể cả xác 4 cháu bé mới 3-4 tuổi, nhờ đồng bào chở ra căn cứ Ðồng Cùng cho chúng.

Kết quả trận bao vây tiêu diệt, bức rút Phân chi khu Cái Nước ta đã giải phóng 1 căn cứ quân sự cấp tiểu đoàn, 2 đồn tam giác và 9 lô cốt.

Ngày 26/12/1974, Ðảng bộ xã Tân Hưng Ðông tái họp đại hội, báo cáo tổng kết quá trình tập trung toàn lực cho công cuộc giải phóng quê hương trước bàn thờ Bác Hồ. Ðại hội thống nhất nêu kế hoạch xây dựng Ðền thờ Bác Hồ ở vị trí tốt đẹp nhất. Ðại hội bế mạc trong niềm hân hoan, vui sướng, tự hào.

 Ngày 5/1/1975, Ðền thờ Bác Hồ tại thị trấn Cái Nước được khởi công. Sau 83 ngày đêm xây dựng, 16 giờ 30 ngày 29/3/1975, xã Tân Hưng Ðông tổ chức lễ khánh thành Ðền thờ Bác Hồ. Hơn 17.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đến dự…

Ngày 16/12/1974, xã Tân Hưng Ðông hoàn toàn giải phóng bằng sự tự lực, đồng thời xây dựng Ðền thờ Bác Hồ ngay trên căn cứ của quân thù ta vừa giành được trước 30/4/1975 hơn 1 tháng. Chiến tích phi thường này lưu truyền mãi với hậu thế bài học mưu trí, sáng tạo, độc đáo vô song của người phụ nữ rạng danh anh hùng Phạm Thị Bay./.

Trường Sơn Đông

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.