ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 01:10:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nụ cười bừng sáng chuỗi ngày qua

Báo Cà Mau (CMO) Gặp Nghệ sĩ Quốc Tín, nói chuyện chưa tới câu thứ ba là đã khiến người đối diện phải bật lên những tràng cười nghiêng ngả, sảng khoái. Nếu chỉ nhìn vào cái khoản tếu, dáng người nhỏ nhắn dễ gần cùng nụ cười lúc nào cũng đi trước, ít ai biết ông này là "sếp", gần 10 năm nay là Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, hay xa hơn là Trưởng đoàn Ca múa Cà Mau. Anh là vậy, rất bình dân, giản dị mà cũng đầy đào hoa, lãng mạn, cái nghệ sĩ tính tự nhiên gom những sắc màu đa dạng của riêng mình để rồi lại tình tự trải hết ra với người, với nghề.

Trót vương mang một chữ "hề"...

Câu chuyện chắp nối được mở đầu bằng địa danh xóm Cần Xé, đó là một xóm nghèo gần nhà với người dân quê vốn dĩ xuất thân là những đào kép của một gánh cải lương chẳng biết từ đâu xuôi về tới Vĩnh Thuận quê anh rồi rã gánh. Cởi xiêm y không còn là ông hoàng, bà chúa, họ đành mưu sinh bằng nghề đan đát. Ngộ một điều, mặc dù chính chuyện hát xướng đã làm trầm những nốt đời nhưng làm như đờn ca thấm vào hơi thở, sau bao năm nỗi nhớ khôn nguôi, những đứa con của họ ra đời lại sớm mê rồi được cha mẹ chúng dạy ca hát. 

Với Nghệ sĩ Quốc Tín, mỗi ngày trôi qua cứ nhẹ nhàng, luôn hết mình với đời, với người bằng những nụ cười lạc quan.

Cứ chiều chiều đám con nít lại xúm xít, bắc bộ ván ngựa, đốt đèn măng sông rồi dựng hát chơi những vở tuồng quen thuộc như "Lan và Điệp", "Tướng cướp Bạch Hải Đường", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn"... Hôm nọ, nhóm con nít hát tuồng "Tướng cướp Bạch Hải Đường", chuẩn bị mở màn thì thiếu một vai chúa ngục, lạ chưa, nhóm trưởng chợt nhớ trong số những khán giả nhí có bé Tín hàng ngày hay nói chuyện hài hước liền rủ tham gia chữa cháy. Chẳng có kịch bản gì ráo trọi, ông nói sơ nội dung lớp rồi kêu cậu nhóc nhảy lên ứng biến diễn cương theo. Sẵn cái tính lanh lợi, diễn viên bất đắt dĩ được nhiều người coi ưng ý lắm. Vậy rồi khoái, được đám bạn rủ rê, chiều nào Tín cũng tìm đến nhóm hát để cùng bạn bè tập dượt.

Hồi đó "đói văn nghệ", bởi vậy dân nghèo sống ven những con kênh gần đó ai cũng mê, đều đặn kéo đến coi nhóm con nít diễn rồi thỉnh thoảng cho ít tiền quà vặt, nấu cháo vịt thết đãi "nghệ sĩ"... Chỉ có vậy mà sao nhớ hoài chẳng bao giờ quên.

Lần nọ Đoàn Cải lương Hoa Hồng của ông bầu Ba Tiến về huyện Vĩnh Thuận biểu diễn nhưng thiếu diễn viên, mọi người liền nhớ: "Ở đây có thằng Tín trước giờ theo nhóm hát Cần Xé làm hề cũng hay lắm", như mở cờ trong bụng, ông bầu tìm tới cổng trường, đón cho bằng được cậu nam sinh đang học lớp 10 để ngỏ ý mời về đoàn:

- Nghe nói bây có năng khiếu phải hông, nghỉ học đi, đi hát với chú - ông bầu rủ rê.

- Thôi, con đâu biết hát hò gì - cậu nhỏ tần ngần.

 - Thì bây cứ đi theo đi, tao tập cho - ông bầu ra sức thuyết phục.

Sẵn máu nghề từ trước cộng với lời mời gọi đầy sức hấp dẫn, vậy là quyết định nghỉ học rong ruổi theo đoàn hát. Duyên dáng sẵn có, lại tiếp thu nhanh nên vừa về đoàn, Quốc Tín đã được bầu gánh tạo điều kiện hát kép hề hết sức thuận lợi. Bỏ hết ngoài tai những lời khuyên ngăn của gia đình, quyết tâm theo những bến hát, anh dần quen đời "chợ gạo nước sông". Được 3 năm, chàng kép trẻ đành tạm dừng đam mê lại để tiếp tục học vấn theo ý của cha, bởi hơn ai hết ông muốn con mình phải có nền tảng kiến thức vững chắc thay vì cứ rày đây mai đó mua vui cho người.

Học thì học nhưng dễ gì bỏ nghề, có thời gian rảnh lại lén cộng tác với Phòng Văn hoá huyện Vĩnh Thuận, hễ có hội thi là cỡ nào cũng phải tham gia rồi ẵm huy chương ngọt xớt. Đến năm học cuối cấp phổ thông, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội diễn quần chúng, phần thi tấu hài của Quốc Tín nhận được điểm số rất cao và đoạt Huy chương Vàng cá nhân. Chính cái nét duyên dáng, dí dỏm, sáng sân khấu này đã lọt vào mắt xanh của Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng, khi đó là Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, bà gặp trực tiếp và hết lòng động viên anh nên tiếp tục theo đuổi đam mê để phát huy năng khiếu của mình. Khỏi phải nói rồi, khi đó mừng rơn, một vé vào trường sân khấu như cơn mưa rào tưới mát thanh xuân...

Cười đi cho thoả chữ nghề... người ơi!

Bẵng đi một thời gian lâu lắm, tiếng cười của Nghệ sĩ Quốc Tín như vắng trên sân khấu bởi tất bật với nhiều vai trò, khi thì quản lý, lúc mải miết đạo diễn, dàn dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn quần chúng trong và ngoài tỉnh, để rồi gần đây anh xuất hiện trở lại trong sê-ri hài chống dịch. Cũng ca, cũng diễn nhưng đâu đó là một Quốc Tín chững chạc, cứng cỏi hơn, máu nghề vẫn cháy hừng hực, diễn cho thoả những ngày cách xa...

Quên sao được những ngày chân ướt chân ráo cộng tác ở Đoàn Cải lương Hoa Hồng, được thủ những vai kép hề trong "Đưa em về quê mẹ", "Tình ca biên giới", "Ngọc ẩn rừng thiêng"... may mắn hát cùng với ngôi sao sân khấu Thanh Tuấn, từng bước tạo được những dấu ấn đẹp. Nhớ như in những ngày đầu về Đoàn Cải lương Hương Tràm tròn 30 năm về trước, bên cạnh lực lượng nghệ sĩ hùng hậu: Minh Hoàng, Minh Đương, Minh Sang, Thanh Thảo, Loan Thảo... còn có hàng loạt kép hề tên tuổi như: Văn Danh, Hữu Tâm, An Thanh... Chính vì thế, nét hề của chàng kép non choẹt mới tốt nghiệp trường sân khấu muốn có chỗ đứng trong lòng khán giả cũng chẳng dễ dàng. Vậy mà khi đã nắm rõ sở trường, sở đoản của bản thân, cộng với sự nhạy bén đã tạo được sự tự tin, không pha trộn, ảnh hưởng với bất kỳ ai. Mặc dù hát kép hề nhưng lúc nào mặt tuồng cũng phải được anh hoá trang thật đẹp, không có làn hơi mùi mượt thì biến đó thành mảng miếng duyên dáng. Ví như vai vua hài A-tu-bi trong vở "Hoàng hậu Ba Tư" có một câu vọng cổ, nếu như hề Văn Danh vô chỉ 1 hơi thì Quốc Tín lại ca 3 hơi, thế nhưng không vụn mà bật được tiếng cười sảng khoái. 

Có một giai đoạn nhắc đến tên anh người ta cứ nghĩ đây là dân xuất thân từ kịch nói. Bởi trên sân khấu của Đoàn Ca múa tổng hợp những năm cuối thập niên 90 khi về vùng nông thôn, ca múa nhạc chưa được đón nhận nhiều. Chỉ có hài kịch và ảo thuật là có thể kéo khán giả thì cặp đôi hài Quốc Tín - Ngọc Xanh được nhiều yêu mến bởi sự quăng bắt ăn ý trong nhiều kịch bản hài của tác giả Nguyễn Tiến Dương với nội dung châm biếm dí dỏm, mang lại tiếng cười thâm thuý, ý nhị. Để rồi Huy chương Vàng cá nhân trong Hội diễn Sân khấu hài chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003 đã chứng minh tài năng của một Quốc Tín trong làng hài vốn muôn màu muôn sắc.

Lại có một Quốc Tín với vai trò đạo diễn sẵn sàng tạo điều kiện để diễn viên phát huy hết tài năng, thế mạnh vốn có của mình, dù đó là chuyên nghiệp hay quần chúng. Anh quan niệm: "Người đạo diễn sẽ rất dở khi mang tư tưởng áp đặt, bảo thủ 1 chiều. Cái hay khi đứng ở vị trí này là phải biết nhìn thấy và khai thác tối đa những cái vốn sẵn có của diễn viên, để họ thoả sức sáng tạo từng tính cách, hành động của nhân vật, từ đó có thể thăng hoa trên vùng trời của riêng mình". Từng lăn lộn trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật nên khi bắt tay vào dàn dựng cải lương, kịch, ca múa... anh có nhiều lợi thế, khai thác cái nhìn đa chiều để thổi vào sân khấu một dáng dấp, sức sống mới.

Từng bước nhìn lại những chặng đường đã qua, anh kép hề cứ cười khà khà, hầu như cái duyên rồi thành cái nghiệp. Đến bây giờ làm gì cũng không nghĩ đến chuyện một ngày sẽ rời xa nghệ thuật, đơn giản đó là hơi thở, là mạch sống rồi. Cảm ơn gánh hát Cần Xé nghèo đến các đoàn tư nhân đã dung dưỡng và trang bị cho những bước chân trẻ có thể vững vàng trên con đường chuyên nghiệp sau này. Để đến khi trở thành "bầu gánh" lúc nào cũng đề cao cái chung của tập thể, hiểu nghề rồi hiểu luôn anh em đồng nghiệp, cái chất mộc mạc hài hước đặc trưng được anh bê luôn vào công tác quản lý của mình. Cùng nhau đồng hành trong khá nhiều chuyến biểu diễn, điều khiến tôi cảm kích đối với một đoàn nghệ thuật địa phương chính là sự không có khoảng cách, sự phân biệt đối với tất cả các thành viên. Đào, kép chánh vui vẻ bán từng ly nước cho khán giả để gây quỹ công đoàn rồi sau khi vãn hát, từ diễn viên, công nhân hậu đài, ánh sáng đều cùng nhau tất bật người góp một tay vì công việc chung. Thấy tôi có ý muốn hỏi về điều thú vị hiếm thấy này, anh lại cười gọn hơ: "Hương Tràm được vững mạnh như hôm nay chính là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, tất cả đều coi nhau như anh em trong mái nhà chung nghệ thuật, vậy đó".

Khẽ nhìn lên góc nhà nơi treo bức chân dung trong bộ dạng "hề rặt" với dòng chữ như châm ngôn sống của anh: "Một nụ cười có thể làm bừng sáng một ngày đen tối nhất", với Nghệ sĩ Quốc Tín, mỗi ngày trôi qua cứ nhẹ nhàng, hết mình với đời, với người bằng sự lạc quan. Trang nhật ký về nghề lâu lâu có dịp được lật lại cứ đan xen những tiếng cười hào sảng, tếu táo như muốn xoa dịu miền nắng đứng xốn xang./.

Minh Hoàng Phúc

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.