ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 29-6-24 13:05:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nữ kiện tướng Khe Sanh

Báo Cà Mau (CMO) Những năm 1968-1970, trên tuyến đường 1C, có cô gái thanh niên xung phong (TNXP) gùi hàng đến nỗi tổn thương dây thanh không còn nói chuyện được. Sự kiện này giờ vẫn còn nhiều người nhớ. Cô gái ấy là Phạm Thị Bang (Tư Bang), Trung đội trưởng Trung đội II, Ðại đội Nguyễn Việt Khái III (Cà Mau) và cũng là người được phong danh hiệu “Kiện tướng Khe Sanh”.

Cô TNXP ngày nào giờ đã là cụ bà tuổi ngoài thất thập, sống tại Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Nhắc lại chuyện này, bà Tư Bang hào hứng bảo: “Hồi đó hăng hái lắm. Lúc nào cũng nghĩ vận chuyển hàng riết về cho bộ đội mình đánh giặc để nước nhà mau thống nhất, đặng còn về với gia đình. Lúc đó, một tháng ba mươi ngày, tôi hầu như đi xuyên suốt, không nghỉ”.

Gần 9 năm gửi trọn tuổi thanh xuân trên tuyến đường 1C đầy gian khổ, ác liệt, với cô TNXP quê Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời này, có thể nói đây là quãng đời để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Vì vậy, hơn 50 năm trôi qua, bất ngờ được khơi gợi, ký ức một thời như sống dậy.

May mắn hơn đồng đội là còn được trở về khi đất nước hoà bình, giờ được hưởng niềm vui bên con cháu, với bà Tư Bang vậy là hạnh phúc. Ảnh: THÀNH LỘC

Nhớ hồi mới qua Hà Tiên, lúc đó khoảng tháng 11 - bước vào mùa khô, đơn vị được phân công chuyển hàng từ đất bạn Campuchia về trạm Tám Ngàn. Cứ 2-3 giờ chiều là lo nấu cơm, vắt lại rồi túm tụm cùng khăn gói lội bộ ra bờ sông Vĩnh Tế. Tới nơi, bóng đêm cũng vừa trùm phủ, mấy chục con người ở đó chờ đợi. Khi nào bắt được ám hiệu là nhanh chóng lội qua sông. Trước khi lội, đã chuẩn bị sẵn cỏ khô bỏ vào bọc cao su cột miệng lại làm phao bám vào.

Con sông Vĩnh Tế sâu lút đầu người, rộng mênh mông, ai biết lội thì bám vào phao, không biết lội thì phăng theo dây. Dọc hai bên bờ, có rất nhiều đồn bót giặc, nên lúc nào cây súng K2 cũng đặt sẵn trên phao. Chạm bờ, mặc cho quần áo ướt sũng, mặc gió thốc vào người lạnh buốt, ai nấy ôm đồ đạc chạy riết vô Sóc Chuốt (đất Campuchia) đợi xe chuyển hàng về để nhận. Hàng đủ loại, từ pháo cối, súng AK, đạn K2, đạn cối, thuốc men… Tất cả được bọc trong cao su (có sẵn cỏ), rồi bỏ vào bồng có may quai hai bên như ba-lô, quẩy sau lưng (gọi là gùi). Ðến bờ sông, như lượt đi: đợi ám hiệu, vượt sông, gùi hàng càn rừng về trạm. Ðêm tối, đi trong rừng tràm, chỗ rậm rạp um tùm, chỗ loang lỗ hố bom, cây ngã dọc ngang, những cô gái, chàng trai tuổi đời 16, 17, 18…, thậm chí 15, chưa quen đường sá, chưa quen gian khổ, lưng đeo hàng, chân mò mẫm, bước thấp bước cao, té sấp té ngửa là chuyện thường. Dẫu vậy, họ luôn nhủ lòng, phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng ý thức được vị trí quan trọng của công việc mình làm.

Cứ thế, công việc lặp đi lặp lại hàng đêm, giao hàng xong quay về nơi ở thì bình minh cũng đã rạng. Quần áo khô rồi lại ướt, ướt rồi lại khô… Mùa nước thì vận chuyển bằng xuồng. Những tháng nước cạn thì việc đẩy xuồng cũng đầy vất vả. Ðó là chưa kể càng về sau, giặc phát hiện đánh phá ác liệt, thương vong hàng ngày… Ðơn vị cũng được điều chuyển nhiều nơi, mức độ gian khổ, sự ác liệt của chiến tranh cũng tăng hơn… Nhưng bất chấp gian khổ, bất chấp đạn bom, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, những cô gái, chàng trai TNXP vẫn dũng cảm, kiên cường, bằng cách này, cách khác đảm bảo những chuyến hàng vẫn nối mạch về đến các chiến trường. 

“Năm 1967 là bắt đầu chuyển hàng quyết liệt. Dồn sức đặng đánh trận Mậu Thân thống nhất đất nước. Nhưng cuối cùng không được…”, giọng bà vẫn đều đều trong miền ký ức.

TNXP trên tuyến 1C có tới hai phần ba là nữ. Hàng tháng thường chị em cũng nghỉ vài ngày vì đuối sức, mệt mỏi, hay những ngày bệnh phụ nữ. Nhưng nghe kể rằng, riêng cô TNXP Phạm Thị Bang thì gần như đi xuyên suốt tháng này qua tháng nọ chẳng chịu nghỉ ngày nào.

Rồi một lần giặc đổ quân, bà bị thương, bị lạc đồng đội, suýt mất mạng. “Tôi được đơn vị Huyện đội Hà Tiên phát hiện, đưa vào bệnh viện Hà Tiên chữa trị. Tới được bệnh viện cũng đã 6 ngày, mấy vết thương trên đùi bị hoại tử lở loét. Các y, bác sĩ bệnh viện phải đi kiếm tổ ong lấy mật về đổ vô bông gòn đắp lên vết thương cho tôi. Kiên trì như vậy ròng rã 6 tháng trời, cuối cùng chân cũng hồi phục và tôi được đưa về đơn vị”. Lắng đọng tâm tư, bà kể tiếp, giọng bùi ngùi: “Họ tốt, tận tình, có tâm lắm, từ các đồng chí Huyện đội Hà Tiên, tới các y, bác sĩ của bệnh viện. Nếu không, thân xác mình đã gửi lại trong rừng sâu rồi. Nhưng đau đớn một điều, sau đó khi dời về núi Ðá Dựng, bệnh viện bị bỏ bom, hy sinh gần hết”.

Tháng 7/1968, có một sự kiện làm nức lòng quân và dân ta, đó là chiến thắng Khe Sanh, đánh bại căn cứ quân sự quy mô lớn của Mỹ - ngụy ở Ðường 9 - Khe Sanh. Cổ vũ tinh thần chiến thắng, trên tuyến bấy giờ có phát động phong trào thi đua đạt danh hiệu “Kiện tướng Khe Sanh”.

Phong trào diễn ra hết sức sôi nổi, ai cũng nhiệt huyết, hăng hái tham gia. Nữ TNXP Phạm Thị Bang, khi về lại đơn vị, chân dần hồi phục, lại tiếp tục xông vào công việc không chịu “thua chị, kém em”. Không chỉ “lấy lại phong độ” duy trì việc chuyển hàng liên tục, mà cô TNXP vóc dáng nhỏ nhắn này còn kiên cường, bền bỉ tập gùi vác lượng hàng mỗi chuyến tăng dần, từ 20 kg lên 30 kg, rồi trên 40 kg, hơn cả trọng lượng bản thân.

Công việc đang đều đặn, nhịp nhàng thì trong một lần gùi hàng, sức nặng hai quai bồng làm bà chấn thương vai - cổ, không còn nói chuyện được. Sau sự cố này, đơn vị ý định sắp xếp cho bà về lại tỉnh làm công việc khác bớt gian khổ, nặng nhọc hơn, nhưng bà không đồng ý. “Không nói được thì ra dấu, viết giấy, tôi vẫn đi gùi hàng được, ai tới đâu mình tới đó, tôi nhất quyết không chịu về”, giọng đầy phấn khích, bà kể.

Vậy rồi, năng suất gùi hàng của bà vẫn tăng, kết thúc đợt thi đua, bà xuất sắc được bình chọn danh hiệu “Kiện tướng Khe Sanh” trong sự tán thán, đồng tình của anh chị em đồng đội.

Bà Ðoàn Ngọc Ánh, nguyên Chính trị viên phó Ðại đội Nguyễn Việt Khái III, kể rằng: “Chị Tư Bang hồi đó giỏi lắm, công tác tốt lắm, chuyển hàng xuyên suốt. Lần đó chị bị thương cũng khá nặng, nhưng sức khoẻ hồi phục lại xông xáo gùi hàng. Thêm nữa, lúc đang quẩy hàng lên núi bên đất Campuchia, chị bị chấn thương, không còn nói chuyện được. Sau này gần giải phóng dần dần điều trị mới hồi phục. Hồi đó trong liên đội, chị Tư Bang, chị Bảy Vững và mấy người nữa được Khu đoàn phong tặng danh hiệu “Kiện tướng Khe Sanh”. Chị Bảy Vững sau đó đã hy sinh…”.

Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Ðại đội phó, Ðại đội Nguyễn Việt Khái III, hết sức ngợi khen khi nhắc về bà: “Thời đó chị Tư Bang sốt sắng lắm, luôn gương mẫu đi đầu. Chị được phong “Kiện tướng Khe Sanh” là rất xứng đáng”.

Năm 1970, giải tán TNXP, bà được chuyển sang đơn vị 195, rồi đơn vị 200 học y tá và dược tá, làm nhiệm vụ pha chế thuốc và phục vụ, chăm sóc thương binh. Với lòng nhiệt huyết, tính hoạt bát, lanh lẹ… bà cũng luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ra đi chỉ với một mong muốn góp phần thống nhất đất nước, vì vậy mà bà đi một mạch, bám lấy đơn vị, không chấp nhận về lại giữa chừng. Nhưng khi hoà bình, đơn vị 200 của bà sáp nhập vô Bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh), thì bà lại xin thôi công tác để về quê, mặc dù bệnh viện ưu ái tạo điều kiện nơi ăn chốn ở, cho học tập nâng cao nghiệp vụ. “Giải phóng rồi, mừng muốn chết, chỉ nghĩ về với gia đình thôi, đâu mong danh lợi, so tính thiệt hơn gì”, bà bày tỏ.

Có đi qua cuộc chiến tranh mới thấy quý trọng giá trị của hoà bình. Vì vậy mà khi về quê tay trắng, mọi thứ phải làm lại từ đầu, cả vợ chồng bà đều là thương binh, sức khoẻ có hạn, tạo dựng cuộc sống cũng vô cùng vất vả, nhưng ông bà chẳng nề hà, luôn nỗ lực vươn lên.

Giờ thì mọi thứ đã ổn định, tuổi già được yên vui cùng người thân, con cháu, với bà vậy là hạnh phúc. Dẫu xã hội đôi khi còn những chuyện không tránh khỏi muộn phiền, nhưng bà vẫn vững niềm tin và luôn tự hào khi nhắc về một thời tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc./.

 

Thuỳ Trâm - Huyền Anh

 

Về thăm địa chỉ đỏ

Năm 2024, được sự thống nhất của Huyện uỷ, UBND huyện, UBND xã Hiệp Tùng đã tiến hành sưu tầm tư liệu, lời kể từ nhân chứng lịch sử, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kịch bản và dựng bộ phim tư liệu “Chiến thắng Bến Dựa oai hùng”, nhằm ghi nhận những chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở anh hùng. Ðây là tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho các thế hệ trẻ.

Tên người ghép đôi thành tên đất

Lần theo dấu chân người đi mở đất Cà Mau mới thấy, nhiều tên người đã hoá thành tên đất. Những cái tên như: Ông Ðịnh, Ông Do, Bà Bường, Bà Thanh... trên những ngã ba sông, những con rạch ở rừng đước Năm Căn, theo giải thích trong dân gian, đó là tên những người đầu tiên đến vùng đất này, được người sau gọi riết thành địa danh.

Tự hào Thanh niên xung phong

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng tăng cường lực lượng quyết tâm thôn tính miền Nam, với ý đồ lập ấp chiến lược kìm kẹp Nhân dân, thực hiện triệt để chính sách chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng. Ở miền Bắc, không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc đánh phá miền Bắc bằng máy bay, tàu chiến, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã chỉ đạo củng cố, bổ sung thành lập quân đội vững mạnh và lực lượng phục vụ chiến đấu, “trọng yếu là lực lượng nam, nữ thanh niên” nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các đơn vị chủ lực, sẵn sàng đương đầu với địch trong mọi tình huống.

Hành trình kỳ diệu của một kỷ vật

Duyên may, chúng tôi được tiếp cận câu chuyện về hành trình kỳ diệu, đầy xúc động của chiếc xuyến vàng - kỷ vật gắn liền với cuộc đời Ðại tá Hồ Vinh Quang (bí danh Tám Vĩnh), nguyên Trưởng phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Quân khu 9, một người con ưu tú của Cà Mau (đã tạ thế vào năm 2022). Sau tất cả, chiếc xuyến vàng ấy đã được gia đình vị Ðại tá trao tặng lại cho quê hương Cà Mau, coi như là sự tri ân nguồn cội và nhắc nhớ về sự kiện những chuyến tàu tập kết ra Bắc tại vàm sông Ông Ðốc diễn ra cách đây 70 năm.

Sống mãi ký ức thời chiến

Quay ngược thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, cùng với con đường vận tải chiến lược “xẻ dọc Trường Sơn” trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với Ðoàn tàu Không số như huyền thoại, lập chiến công hiển hách, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Cần có trọng tâm, trọng điểm, ý nghĩa

Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân tại cuộc họp thông qua dự thảo Kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), vào ngày 3/6.

Chuyện về ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau hiện có 1.070 mộ liệt sĩ, trong số này có đến 235 mộ chưa có tên. Trong số những ngôi mộ theo năm tháng vẫn chưa tìm ra tên ấy, có 1 ngôi mộ “lạ”, có đến 74 hài cốt. Một điều đáng chú ý nữa ở ngôi mộ này là đã hiện diện tại đây trước khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hình thành.

Hương tháng Năm dâng Bác

Hôm nay, ngày 19/5, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ, cùng với cả đất nước, dân tộc, đất và người Cà Mau cùng nghiêng mình tưởng nhớ và thể hiện tấm lòng yêu kính Người vô hạn.

Tự hào di tích lịch sử quốc gia

Toạ lạc tại xã Hàm Rồng, Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc Di tích quốc gia “Các địa điểm thuộc Xứ uỷ Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam”, giai đoạn cuối năm 1949 đến đầu năm 1955, là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hoá, lịch sử tiêu biểu của huyện Năm Căn.

Nhân dân Cà Mau nhớ Bác Hồ

Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 19/5, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm về tình cảm của Nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ.