(CMO) Chưa bao giờ giá cá sấu thương phẩm giảm mạnh và kéo dài trong nhiều tháng qua như hiện nay, khiến cho nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh điêu đứng. Nếu như đầu năm giá cá khoảng 100.000 đồng/kg, nay chỉ còn 30.000-40.000 đồng, lại không có thương lái thu mua.
Cay cú “cá sấu”
Gạn hỏi về gia thế, ông Bảy Gần bỗng quên đi 2 chuồng cá sấu đang ế sau nhà. Ông bắt đầu nhớ về thời chặt từng gốc tràm, bứng từng bụi cây để cấy lúa trên mảnh đất ông đang cắm trụ suốt 3 đời nhà họ Ngô của ông. “Khổ thì ngày đó ai cũng như mình. Những người không chịu nổi đã bỏ đất này đi. Tui thì còn dòng họ, anh em ruột rà nên ở lại. Quanh năm cặm cụi với đất với rừng, hết cấy lúa đến ăn ong; rồi nuôi cá, nuôi heo… bươn chải để đổi vận”, ông Bảy Gần nhớ lại.
Anh Ngô Văn Kế (bên phải), con trai ông Bảy Gần vẫn hy vọng một ngày cá sấu tăng giá trở lại. |
Sau khi thực hiện chủ trương chuyển dịch, ông Bảy Gần chuyển sang nuôi tôm sú, tôm thẻ. Nhưng những mùa vụ đã qua không như mong muốn. Nhìn đất ruộng thành khoảnh, rộng thênh thang mà gia cảnh khó khăn là ông không chịu được. Ông kê mấy công ruộng làm vườn, trồng cây, nuôi cá; xây thêm chuồng nuôi heo, nuôi cá…, cuộc sống dần thay đổi.
Câu chuyện lão nông Ngô Văn Gần đến với vật nuôi mới “ngoài sổ sách” xưa nay cũng bắt nguồn từ đó. Vừa ấn mạnh vòi nước để dội chuồng cá sấu, vừa nhớ lại cách nay mấy năm ông cũng nghe người người truyền tai nhau chuyện làm giàu từ cá sấu. Tính chăm chỉ lao động, đam mê chăn nuôi, lại nghe cá sấu dễ nuôi, ít dịch bệnh, chỉ ăn cá, mà cá phi ngoài vuông tôm thì đặc mặt nước. “Vậy là tui với thằng Kế (con trai út ông Bảy) mon men tìm mua cá sấu con, học cách xây chuồng, cách chăm sóc rồi bắt đầu nuôi. Lứa đầu hơn 15 tháng, giá cá cả trăm ngàn đồng 1 ký mà công chăm sóc và chi phí thức ăn không bao nhiêu. Cá có giá, thương lái chào giá mua không xuể", ông Bảy hào hứng kể.
Theo báo cáo, toàn tỉnh có 185 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đã được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận đăng ký, với 41.861 cá thể. |
Trúng vụ cá đầu, cha con ông Bảy xoay vòng thêm mấy vụ khác với lượng cá tăng lên, lúc nhiều nhất cũng gần 100 con. “Giá cá giống mấy năm trước cao lắm, rẻ nhất cũng 380.000 đồng, lúc cao nhất trên 500.000 đồng/con. Vậy nên mua nuôi với số lượng đó là vừa túi tiền. Mà lúc giá cá từ 90.000 đồng/kg trở lên, so ra nuôi heo, nuôi tôm thua xa”, ông Bảy Gần so sánh.
Nay giá cá xuống thấp, thương lái không mua. Anh Ngô Văn Kế ngày ngày chăm sóc chuồng cá sấu, buồn rười rượi nhưng vẫn hy vọng. “Vì biết đâu qua dịch Covid-19 này cá sấu tăng giá, lúc đó hông có mà bán thì tức lắm”.
Anh Kế cho hay: “Kéo giãn thời gian cho cá ăn lên 4-5 ngày/lần, nhưng mỗi lần ăn cũng hết trên 500.000 đồng tiền mua cá mồi. Vậy đó, cứ 1 tháng cho ăn khoảng 5 lần, so ra giá cá hiện nay 1 con lớn trong chuồng chỉ khoảng 800.000 đồng thì chi phí duy trì càng lâu người nuôi càng lỗ. Bởi với 70 con hiện nay, mỗi tháng tính đối trừ giá cá, giá thức ăn thì mất hết 3 con cá thương phẩm. Giờ có người mua là tui sẽ bán”.
Quá trưa, ông Bảy Gần vẫn trầm ngâm rồi tặc lưỡi xuýt xoa: “Nuôi heo tuy có lúc dịch bệnh, lúc giá thấp nhưng may ra còn có người mua, người ăn nhiều; còn cá sấu, thương lái không mua, giờ chỉ có nước mần thịt đãi khách nhậu. Mà đâu phải ai cũng biết ăn món thịt cá này. Bán được bầy cá này chắc tôi cũng "bái bai" nó luôn”, ông Bảy Gần chán nản.
Bế tắc đầu ra
Không chỉ giá cả giảm sâu, mà hàng ngàn hộ nuôi cá sấu trong tỉnh cùng chung một bế tắc về đầu ra cho con cá sấu. Có nhiều nơi, người nuôi rao bán nguyên con nặng khoảng 20-25 kg với giá 600.000-700.000 đồng để tiêu thụ nội địa, với hy vọng gỡ vốn con giống và một phần chi phí xây dựng chuồng trại, nhưng rất ít người mua. Nhiều người so sánh giá cá sấu hiện nay rẻ hơn cả giá cá phi ở chợ.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn U Minh Đỗ Minh Chong chia sẻ: “Trước đây, khi cá sấu có giá, nhiều người xây chuồng nuôi. Thị trấn cũng khuyến khích việc nuôi ấy do tận dụng được nguồn cá phi từ vuông tôm. Khi cá sấu được giá ai cũng lãi, nhưng thời gian từ cuối năm đến nay giá cá giảm sâu, làm người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Giờ người dân bắt đầu hạn chế tái đàn và địa phương cũng không khuyến khích người dân phát huy mô hình này”.
Cách nay 3 năm, thị trấn U Minh còn râm ran bàn chuyện lập tổ, hội nghề nghiệp nuôi cá sấu để thuận tiện trong quản lý, đăng lý và mua bán sản phẩm. Nhưng nay nhiều người nuôi không còn hứng thú nữa. Ông Chong cho biết thêm, hiện ở thị trấn khoảng 20 hộ nuôi (có đăng ký quản lý), với đàn cá trên 1.000 cá thể.
Ông Chong nhận định, hiện nay số lượng cá sấu ứ đọng trong dân rất nhiều, trọng lượng lớn nhưng chưa tìm được đầu ra. Thị trường bế tắc đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm hộ chăn nuôi. Nuôi cá sấu đòi hỏi đầu tư vốn tương đối lớn, trong khi đó hầu hết các hộ nuôi đều vay vốn ngân hàng, nếu tiếp tục nuôi thì cá quá lứa bán không được giá, cá càng lớn giá càng giảm.
Theo rà soát, toàn tỉnh Cà Mau địa bàn nuôi động vật hoang dã nhiều nhất ở huyện Thới Bình. Cũng có nguồn tin cho rằng, tổng đàn cá sấu ở huyện này đã lên đến khoảng 100.000 con. Hiện người nuôi đang trong tình trạng trông chờ đầu ra, điều này cho thấy việc chăn nuôi của người dân còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến giá rẻ. Mối liên kết 4 nhà lỏng lẻo, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất để cùng khai thác các thế mạnh và cùng thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ sự liên kết đem lại. Vì thế, nông dân phải tự tìm thị trường tiêu thụ, bị thương lái ép giá…/.
“Mấy rày sốt ruột, tui kêu thằng Kế gọi thương lái quen để hỏi giá định "gả" bầy cá sấu, họ hứa nhưng không ai đến coi. Buộc bụng, cha con tui phải nuôi tiếp, nhưng cá sấu lên ký quá lứa bán không được, cá càng lớn giá càng giảm. Giờ mấy con lớn khoảng trên 20 kg, nếu có người mua, với giá hiện tại chưa đến 1 triệu đồng. Hồi trước hy vọng bao nhiêu, giờ nản bấy nhiêu”, ông Bảy Gần (Ngô Văn Gần), Khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, than vãn. |
Bài 2: KHÓ KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ
Trung Đỉnh - Phong Phú