ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 12:20:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nuôi tôm siêu thâm canh quy trình mới

Báo Cà Mau Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh (STC) trên địa bàn huyện Cái Nước áp dụng quy trình nuôi tuần hoàn ít thay nước tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm. Ðây được xem là giải pháp mới đang được chính quyền địa phương khuyến cáo nhân rộng.

Để nuôi tôm STC thành công, yếu tố môi trường và nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, nguồn nước trước khi cấp vào ao được bà con xử lý hoá chất. Nhưng vì phải thường xuyên thay nước và cấp bù đủ nguồn nước trong ao để tôm nuôi phát triển, dẫn đến chi phí xử lý nguồn nước chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất.

Khu vực tuần hoàn nước trước khi cấp vào ao đầm tôm nuôi siêu thâm canh thay thế ao lắng truyền thống.

Ðể tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm STC, anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Ðông, áp dụng thành công quy trình nuôi tôm STC tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích hơn 6.000 m2 đất sản xuất, anh bố trí ao dèo theo hình thức ao nổi, ao nuôi tôm được xây dựng liền kề có diện tích 2.000 m2 và diện tích còn lại là hệ thống ao lắng tuần hoàn. Nguồn nước phục vụ cho tôm nuôi được xử lý duy nhất 1 lần để loại bỏ vi sinh, mầm bệnh và cấp vào ao nuôi. Hằng ngày, xi phông đầm tôm STC, nguồn nước thải được chảy qua hệ thống lọc tuần hoàn, ở công đoạn này anh Nguyên dùng lưới giăng cá kết lại thành nhiều lớp, để ngăn lại những chất lơ lửng và tự động chuyển đến ao nuôi cá xử lý, bảo vệ môi trường. Sau khi nguồn nước chảy qua hệ thống lọc sẽ đến bể vi sinh (chủ yếu có trong tự nhiên tại địa bàn) và được kích hoạt bằng hệ thống ô xy, giúp vi sinh vật có lợi phát triển, loại bỏ mầm bệnh trong nước. Với cách này, người nuôi tôm không phải tốn kém chi phí hoá chất, kể cả chế phẩm sinh học để xử lý, nhưng nguồn nước vẫn đảm bảo không chứa mầm bệnh phục vụ cho tôm nuôi. Công đoạn cuối cùng, nguồn nước chảy qua ao rong mền và ao rong rau câu để nâng cao độ trong, cấp ngược lại cho ao đầm tôm STC. Quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn giúp tôm nuôi phát triển nhanh và rút ngắn thời gian thu hoạch.

Theo đó, chỉ sau 90 ngày chăm sóc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng STC của hộ anh Nguyên thu hoạch đạt trọng lượng 20 con/kg và năng suất 50 tấn/ha/vụ.

Tương tự, hộ anh Trần Văn Phận, ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh và STC. Trước đây, anh Phận dùng hoá chất xử lý nguồn nước phục vụ cho tôm nuôi, nhưng với chi phí khá cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế khi giá tôm nguyên liệu trên thị trường bấp bênh. Năm 2023, anh chuyển sang quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích 1 ha ao tôm STC, trung bình mỗi vụ anh tiết kiệm hơn 100 triệu đồng tiền hoá chất xử lý nguồn nước, nhưng môi trường nước trong ao đầm vẫn luôn ổn định, giúp tôm nuôi phát triển tốt. Qua đó, cho thu hoạch cao, hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống và bảo vệ được môi trường nuôi tôm STC.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước tại hộ anh Trần Văn Phận.

Anh Nguyễn Văn Tý, công chức nông nghiệp - thuỷ sản xã Lương Thế Trân, cho biết: “Qua theo dõi mô hình nuôi tuần hoàn ít thay nước này thấy hiệu quả, chi phí đầu vào giảm rất nhiều so với quy trình truyền thống. Thêm một ưu điểm nữa là hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp tôm nuôi phát triển và hạn chế rủi ro, thiệt hại cho bà con nuôi tôm STC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nuôi tôm thâm canh và STC trên địa bàn ứng dụng quy trình nuôi tôm này”. 

Trước tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giá tôm nguyên liệu trên thị trường không ổn định, việc ứng dụng quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước được xem là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững mô hình nuôi tôm STC./.

 

Huỳnh Việt

 

Ðiển hình nông dân làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, thời gian qua, một trong những cách làm thiết thực của nông dân trong huyện là lấy việc nâng cao hiệu quả sản xuất để làm mô hình cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách làm này góp phần khích lệ nông dân khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nông dân Ðinh Văn Khởi, 48 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, là một điển hình.

Ứng dụng kỹ thuật, tăng giá trị cua nuôi

Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nông dân huyện Cái Nước đa dạng đối tượng nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả đối với các mặt hàng chủ lực ở địa phương, trong đó có cua nuôi.

Hứa hẹn bội thu vụ màu Tết

Thời gian qua, nông dân huyện U Minh tích cực cải tạo đất, xuống giống vụ hoa màu phục vụ thị trường Tết. Ðến nay, các diện tích hoa màu phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.

Chủ động khung lịch mùa vụ

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực thuỷ sản.

Mùa vui giáp Tết

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa - tôm ở khu vực phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, nông dân bắt đầu thu hoạch tôm càng trên ruộng lúa. Ða phần bà con thu hoạch theo cách truyền thống, nhưng một số hộ lại dùng phương pháp thuốc tôm bằng dây thuốc cá, mục đích vừa thu hoạch tôm, cá vừa cải tạo ao đầm, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

“Bình minh” ở xứ rừng

Băng qua những cánh rừng tràm bạt ngàn dọc theo tuyến T29, xã Nguyễn Phích, xuôi về thị trấn U Minh, qua miệt Sông Trẹm, thuộc địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh; càng đi sâu vào xóm, ấp, chúng tôi càng cảm nhận rõ sức sống mới tràn đầy và “bình minh” đã hiện hữu trên từng thửa ruộng, liếp tràm.

Vận hội mới cho kinh tế tập thể

Ðể thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2406/QÐ-UBND ban hành Ðề án Phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 (Ðề án). Với những mục tiêu, giải pháp đề ra, Ðề án được kỳ vọng sẽ mở ra vận hội mới cho KTTT của tỉnh đột phá trong thời gian tới.

Tăng thu nhập từ chuối cau hương

Mô hình trồng chuối cau hương được hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hiệp, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, trồng thử nghiệm cách đây 1 năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chuối có chất lượng ngon, dễ tiêu thụ. Hiện tại, lượng chuối thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ðẹp duyên lúa thơm, tôm sạch

Mỗi mùa lúa trên đất nuôi tôm về, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, như khoác chiếc áo mới, vừa duyên dáng, vừa căng tràn nhựa sống. Không ai ngờ, xứ đồng đất lung phèn vất vả ngày nào, nay lại là nơi gặp gỡ hợp duyên của cả con tôm và cây lúa. Quả ngọt của nhân duyên ấy bừng lên những mùa vui của người nông dân.

Liên kết để linh hoạt, chủ động trong sản xuất

Trên địa bàn huyện Thới Bình hiện có 1 liên hiệp hợp tác xã (HTX) với 4 thành viên và 36 HTX với hơn 600 thành viên. Theo đánh giá của UBND huyện, hoạt động kinh tế tập thể (KTTT), trong đó có các HTX, tạo được sự đoàn kết, tính năng động, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích chung cho các thành viên. Qua đó, tạo sự bình đẳng, công bằng trong mối quan hệ, thúc đẩy từng thành viên không ngừng học hỏi, cùng xây dựng HTX phát triển bền vững.