(CMO) Đường sá sụp lún, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng do thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn, hàng ngàn hộ dân trong tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, rừng đang đứng trước nguy cơ cháy cao… là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Mặc dù chỉ mới qua nửa thời gian của mùa khô nhưng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, hàng loạt thiệt hại đã diễn ra khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên.
Mùa khô năm nay đến sớm và gay gắt hơn cả năm có Elnino (2015-2016), do đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân; Nhất là đối với cây lúa, đã có hàng chục ngàn héc-ta bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Cây lúa lao đao
Khi mới bước vào đầu mùa khô, nhiều diện tích lúa - tôm của người dân rơi vào tình cảnh mất trắng do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh xuống giống được hơn 37.436 ha lúa trên đất nuôi tôm. Thế nhưng, tình trạng hạn, mặn đến sớm hơn cùng kỳ nhiều năm trước đã khiến cho hơn 16.554 ha lúa bị thiệt hại. Cụ thể tại huyện Thới Bình thiệt hại hơn 8.050 ha, U Minh 8.090 ha, Cái Nước 105 ha và Trần Văn Thời khoảng 308 ha. Điều vô cùng đáng tiếc là, trong số diện tích lúa - tôm bị thiệt hại trong vụ mùa này có đến 12.797 ha thiệt hại trên 70%, tức người dân gần như mất trắng hoàn toàn.
Các ấp Quyền Thiện, Hữu Thời, Sáu La Cua thuộc xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình là khu vực có diện tích lúa - tôm bị thiệt hại nhiều. Và phần lớn diện tích bị thiệt hại rơi vào những hộ không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương trong thay đổi cơ cấu giống mới ngắn ngày mà sử dụng giống dài ngày như Một bụi đỏ…
Rừng ở nguy cơ báo cháy cấp 3 và cấp 4, hiện các lực lượng đã vào trực 24/24. |
Không riêng diện tích lúa - tôm mà nhiều trà lúa trên vùng ngọt hoá cũng đang rơi vào tình cảnh mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể. Do thiếu nước và bị ảnh hưởng bởi độ mặn, nhiều diện tích lúa trổ bị lép trắng hay hạt lúa bị lưng hạt không no, giảm mạnh về năng suất. Dọc theo tuyến đường từ Tắc Thủ đến thị trấn Trần Văn Thời, không khó tìm thấy những ruộng lúa như vậy.
Vừa thu hoạch xong phần diện tích lúa của gia đình, anh Cao Văn Đơn, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời không giấu được thất vọng. Anh cho biết, mới thu hoạch 4 công lúa nhưng chỉ được hơn 30 bao, tính ra mỗi công chỉ khoảng 15 giạ lúa, chưa đủ vốn. Do khu vực này cao (dọc theo tuyến lộ Tắc Thủ - thị trấn Trần Văn Thời) thiếu nước nghiêm trọng nên ảnh hưởng đến năng suất. “Có thu hoạch là đã đỡ chứ còn nhiều hộ ở đây không có gì luôn!”, vừa nói, anh Đơn vừa chỉ tay diện tích lúa đang trổ cờ trắng cách ruộng nhà mình khoảng 100 m để chứng minh.
Không chỉ giảm năng suất, lợi dụng tình hình nhiều thương lái ép giá người dân theo kiểu trừ chi phí vận chuyển do các kênh đã khô cạn phải vận chuyển bằng xe. Theo ông Huỳnh Văn Thức, Ấp 2, xã Khánh Bình Đông, hiện giá lúa trong khu vực từ 4.500-4.800 đồng/kg tuỳ giống và thương lái thường giảm 200 đồng/kg tiền vận chuyển. Dọc theo các tuyến đường trên khu vực xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây…, những chiếc xe máy, xe lôi chạy dập dìu với 2-3 bao lúa trên yên xe. Giá thành vận chuyển mỗi bao khoảng 5-10 ngàn đồng, tuỳ đường xa gần. “Năng suất đã giảm lại thêm chí phí bơm nước, giờ thêm chi phí vận chuyển thì người dân có còn lại gì”, ông Thức thở dài.
Nhiều diện tích lúa của người dân ở xã Khánh Bình Đông đang trong giai đoạn làm đòng nhưng nước dưới kênh đã khô cạn, nguy cơ thiếu nước và thiệt hại rất cao. |
Đồng đất khô nhanh
Những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn dự báo sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới. Tại vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau (chủ yếu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh), nhiều nơi kênh nội đồng đã khô cạn, không thể phục vụ việc bơm nước tưới tiêu đồng ruộng. Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Ba Thức vẫn ngồi canh chiếc máy bơm để tranh thủ rút được nhiều nhất có thể những phần nước ít ỏi còn lại của tuyến kênh Cây Táo vào diện tích hơn 8 công lúa đang trong giai đoạn làm đòng của gia đình. “Ở đây nước ngọt giờ quý lắm!”, ông Ba Thức tranh thủ chia sẻ.
Bởi theo ông Ba Thức, để có được lượng nước ít ỏi như hiện nay, các hộ dân trên tuyến kênh Cây Táo phải cùng nhau hùn tiền lại để mua thêm mô tưa bơm rút nước từ kênh Dân Quân vào, còn tuyến kênh Cây Táo đã khô cách đây hơn nửa tháng. Không riêng gì ông Ba Thức, hầu hết trà lúa của các hộ dân trên tuyến kênh này đều trong giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ bông, tức phải hơn một tháng nữa mới có thể thu hoạch. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ thiệt hại, tốn kém chi phí rất cao.
Do trên địa bàn xã có một số vùng đất trũng phải xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ nên nguy cơ thiếu nước cũng đang là nỗi lo lớn của một số bà con xã Khánh Bình Tây. Theo con số thống kê của UBND xã Khánh Bình Tây cho thấy, đến thời điểm này, toàn xã còn hơn 400 ha lúa dưới 50 ngày tuổi. Diện tích lúa này có nguy cơ bị thiếu nước vào cuối vụ, thiệt hại dự báo rất lớn. Nhìn trà lúa hơn 10 công đang làm đòng của gia đình, ông Trần Văn Bảo (xã Khánh Bình Tây) không tránh khỏi lo lắng khi chia sẻ, ông đã chủ động bơm nước dự trữ trên đồng, nhưng với cái nắng này, không biết trụ được bao lâu và thời gian tới nước dưới kênh có còn để bơm cứu lúa hay không?
Tình hình khô hạn tại xã Khánh Bình Tây Bắc càng trở nên căng thẳng hơn khi Phó chủ tịch UBND xã Bùi Chí Ngạn cho biết, hiện nay hầu hết các tuyến kênh trên địa bàn xã đã bị cạn nước. Toàn bộ diện tích lúa hơn 1 ngàn héc-ta còn lại của bà con chủ yếu dựa vào sương ban đêm và độ ẩm còn lại trong đất. “Nếu thời điểm này xuất hiện cơn mưa trái vụ là xem như thất trắng, vì phần diện tích này sẽ thiệt hại nặng nề do xì phèn”, ông Ngạn lo lắng.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn khoảng 14 ngàn héc-ta lúa đông xuân trong tổng số 30 ngàn héc-ta đang trong giai đoạn làm đòng, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Đây là phần diện tích đang đứng trước nguy cơ thiếu nước rất cao. Đối với trà lúa này, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, bà con không nên đầu tư bơm nước cũng như phân bón, chăm sóc vì có khả năng mất trắng.
Mấy ngày qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế tại các địa phương. Theo đó, tất cả các đoàn công tác đều chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, sẻ chia với nhau trong sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu.
Không chỉ có vùng ngọt hoá mà tại các vùng nuôi tôm Bắc Cà Mau như Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, TP Cà Mau và Cái Nước, Sở NN&PTNT cũng đưa ra cảnh báo có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình trạng hạn mặn./.
Nguyễn Phú
Bài 2: chật vật vì hạn mặn