(CMO) Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở ấp Hiệp Dư, Vàm Đầm, Hồng Phước, Mai Hoa thuộc xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi ngăn cách với trung tâm xã bởi dòng sông lớn. Loại phương tiện duy nhất có thể đưa họ sang sông là những chuyến đò ngang. Điều đó khiến việc đi lại, giao thương và việc học của trẻ em nơi đây hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.
Nguyễn Huân giữa tháng 3 nắng cháy da, cháy thịt. Đang vào mùa nước rút nên dòng sông để lộ những bãi bồi hun hút. Mặc dù chỉ ngăn cách với trung tâm xã chỉ 1 con sông nhưng ấp Hiệp Dư hoang sơ và buồn bã.
Chòng chành cõng chữ qua sông…
Đò rời bến, chút gió lùa vào làm xoa dịu cái oi bức. Vừa đi, Bí thư Xã đoàn Nguyễn Huân Phạm Thị Thắm Tươi, kiêm “hướng dẫn viên”, giới thiệu từng ngõ ngách. Những ngôi nhà tạm bợ, thấp lè tè mọc lên hai bên bờ sông. Rất khó tìm thấy một ngôi nhà khang trang, bởi đa số hộ dân nơi đây là hộ nghèo, mưu sinh chính bằng nghề bắt ốc len, chem chép, soi ba khía, cào sò… hoặc làm nghề “đụng”, tức là đụng đâu làm đó, có gì làm nấy, miễn sao có tiền là được.
Hằng ngày các em phải trèo lên xuống những chiếc cầu trơn chợt, nguy hiểm như thế này. |
Ghé trường Tiểu học Hố Gùi, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, khó khăn lắm chúng tôi mới chọn được một bến đỗ, có lẽ là an toàn nhất, để lên bờ nhưng rất vất vả mới trèo được cầu thang. Hai bên cầu khá trơn, nhỏ hẹp, dốc thẳng đứng, không tay vịn, lại yếu, sảy chân là tắm bùn ngay.
Trên bờ cũng chẳng khá hơn là bao. Trước mặt là con lộ đất trơn trợt, vừa nhỏ, vừa hẹp, đường dốc uốn lượn quanh co, đoạn đá lởm chởm, đoạn lại nhầy nhụa bùn đất. Dọc hai bên lộ, xa xa mới có một căn nhà nhỏ, chẳng có hàng quán. Đường vào mùa nắng đã khó đi thế này, huống hồ mùa mưa.
Và tan trường phải dò từng bước trên chiếc cầu trơn trượt. |
Điểm trường Hố Gùi hiện ra trước mắt. Chỉ khoảng 3, 4 phòng học nhưng do mới tu sửa nên khá mới và sạch, tiếng trẻ ê a đọc bài vang vọng. Các em mặt mũi lấm lem, quần ngắn cũn cởn trên mắt cá, màu áo trắng đã ngả màu tro đục. Thầy Nguyễn Đức Chỉnh, giáo viên Trường Tiểu học Hố Gùi, cho biết: “Những em nhà xa, để đến trường phải đi bằng đò. Chuyện các em “chụp ếch” do lên xuống bến sông là chuyện xảy ra như cơm bữa, nên hầu hết mỗi em đều mang thêm 1 bộ quần áo để thay. Do biên độ triều lớn, lên xuống thường xuyên nên cầu thang thường rất trơn do bám rong rêu. Sóng lớn, gió to nên mỗi năm thay không biết bao nhiêu cầu thang”.
Giấc mơ về những cây cầu
Mỗi năm vào mùa nước lên (tháng 11, 12 âm lịch), hoặc mùa mưa đến là lại thêm bao nỗi trăn trở, canh cánh của phụ huynh về tai nạn lật đò.
Mỗi ngày ít nhất 2 bận các em phải qua sông. Mỗi một lần qua đò là mỗi lần các em đối mặt với sự bất trắc, khi đò luôn chở quá số người quy định và không có áo phao.
Chị Tươi trầm ngâm: “Đò thì có chiếc trang bị áo phao, có chiếc không; phụ huynh đón con do ỷ lại nên hầu hết không trang bị áo phao hay bảo hộ. Phần lớn do ba mẹ bận đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà, việc đưa đón cháu phụ thuộc vào đò hoặc quá giang hàng xóm rồi hùn tiền xăng với nhau”.
Đã có nhiều tai nạn xảy ra và chưa ai dám đảm bảo những nguy cơ tiềm ẩn sẽ chấm dứt. Trước Tết xảy ra vụ tai nạn lật xuồng. Phụ huynh đón con và 2 cháu hàng xóm, do phương tiện nhỏ, gặp dòng xoáy lớn, xuồng bị đánh lật. May nhờ ba-lô, các em nhỏ đeo bám, người dân cứu kịp thời nên thoát chết.
Em Phan Tiểu Vy, lớp 3C, trường Tiểu học Hố Gùi, cho biết, 5 giờ sáng đã thức chuẩn bị sách vở, ăn uống. 6 giờ thì bắt đầu đi, hơn nửa tiếng đồng hồ mới tới trường.
“Khó khăn không chỉ có việc đến lớp của các em. Khi đau ốm, phải đi cấp cứu trong đêm rất khó mà qua sông vì không có ai chở đò nên nhà nào cũng trang bị một chiếc vỏ lãi để tiện đi lại”, ông Phan Hoàng Thắng, Trưởng ấp Hiệp Dư, chia sẻ.
Em Phan Thanh Nghị, trường Tiểu học Vàm Đầm, nói: “Đi qua đò em cũng sợ lắm, nhưng cha mẹ em thì bận đi làm, nếu đưa em đi đường vòng đến trường thì mất thời gian. Vì vậy em phải đi bằng đò, lâu dần nên cũng quen”.
Anh chủ đò Nguyễn Văn Uôn cho biết đã làm nghề đưa đò học sinh hơn chục năm nay. "Nhưng cả tháng nay tôi phải nghỉ để sửa lại chiếc đò cho chắc chắn. Tiền đò tôi chỉ thu từ 5.000-10.000 đồng/lượt tuỳ theo quãng đường xa gần”, ông Uôn trãi lòng.
“Biết rằng cho các cháu đi học trên những chuyến đò chòng chành như vậy là nguy hiểm, nhưng chúng tôi cũng đành chịu, chẳng lẽ để các cháu thất học rồi lại quẩn quanh cái kiếp nghèo như cha mẹ chúng. Trường học chỉ có ở bờ bên kia, cách trở đò giang đã làm dài thêm con đường tìm đến tri thức của trẻ em nơi đây”, anh Phan Thanh Lam, Phó bí thư Chi bộ ấp Vàm Đầm, chia sẻ.
Những nụ cười tươi về niềm tin con chữ. |
Mỗi ngày, tại bến trường Tiểu học Vàm Đầm, ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, hàng chục học sinh xếp hàng bò ngược, bò xuôi để lên, xuống giữa đò và cầu thang. Tuy khó khăn là vậy, nhưng dù ngày nắng hay ngày mưa, các em vẫn đến lớp với bao nhiêu ước mơ về ngày mai tươi sáng.
Rời xã Nguyễn Huân, tôi mang theo niềm day dứt về mơ ước bình dị mà cháy bỏng của người dân nơi đây về những cây cầu. Bên kia sông, từng chiếc đò nhỏ lần lượt đến đón các em về, trên vai vẫn còn quàng khăn đỏ nhưng quần xắn cao quá gối. Đến bao giờ trẻ em nơi này được đi trên chiếc cầu an toàn nối liền đôi bờ sông?
Phóng sự của Yến Nhi
Bà Trần Thị Thuý, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, cho biết: “Xã Nguyễn Huân còn nhiều khó khăn, trở ngại lớn nhất là việc đi lại. Xây dựng một cây cầu kiên cố qua sông là điều rất khó, phần do kinh phí hạn hẹp, phần do sạt lở. Hằng năm, địa phương chỉ được đầu tư xây dựng 5 km lộ bê-tông, so với nhu cầu chung là quá thấp. Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để kêu gọi các nguồn đầu tư nhưng do mực nước sông quá sâu khiến chi phí xây cầu quá cao nên giờ vẫn đang chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”. |