ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 11:53:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ốc đảo xanh giữa bốn bề nước mặn

Báo Cà Mau (CMO) Nhớ năm 2010, vừa chân ướt chân ráo vào nghề, tôi đi công tác Phú Tân. Lần đó ra cửa Sào Lưới chút xíu nữa là té xuống biển. Chưa kể con đường đất đỏ về Phú Tân khi ấy, trời mưa chạy xe máy thì người ngợm đỏ au. Rồi duyên với mảnh đất này lại đến với mình. Cách đây hơn 2 năm, tôi nhận quyết định làm phóng viên phụ trách địa bàn huyện Phú Tân, huyện cực Tây của tỉnh Cà Mau.

Trục tỉnh lộ chia Phú Tân làm 2, một bên là các xã Tân Hưng Tây, Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái, một bên là Tân Hải, Phú Tân, Phú Mỹ, án ngữ đầu Vàm Ðình là Phú Thuận và chóp cùng là thị trấn Cái Ðôi Vàm. Hơn 2 năm đi để cảm nhận về đất và người Phú Tân, thế mà nhiều điều mới mẻ, thú vị cứ làm tôi ngỡ ngàng.

Phú Tân là vùng đất mặn. Thời chiến, nơi đây có “lò sát sanh” là biệt khu Hải Yến - Bình Hưng ghi dấu tội ác của giặc thù, không ai không căm phẫn. Hoà bình lập lại, theo lời của nhiều bậc cao niên, Phú Tân nghèo, có thể nói là nghèo nhất Cà Mau. Mới đây thôi, Tân Hải, xã bây giờ đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao còn tự nhiên nổi tiếng với cái danh hiệu tréo ngoe: xã 5 không. Nhìn về thế đất, ưu đãi tự nhiên, Phú Tân cũng không sánh được với một số địa phương khác ở Cà Mau. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực và định hướng phát triển đúng đắn, Phú Tân đã vươn lên thành một trong số ít ngọn cờ đầu tiến đến việc xây dựng huyện NTM.

Chuyến đi Phú Tân dịp cuối năm này, chúng tôi về thăm mô hình sản xuất của hộ bà Phạm Hồng Mải, ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái. Dự định chỉ là viết một bài ngắn và mường tượng trong đầu chắc cũng chỉ làng nhàng như một số mô hình đã đi trước đây. Vả lại, Phó trưởng ban Dân vận huyện Phú Tân Nguyễn Hữu Quận có giới thiệu sơ lược trước: “Mô hình này trồng cây ăn trái”. Lập vườn, trồng màu trên đất mặn ở Phú Tân không còn lạ, nhưng trồng cây ăn trái thì hơi khó. Ðường về Tân Quảng Tây lốm đốm màu xanh, nhưng cũng như bao nhiêu vùng đất mặn khác, mênh mông màu nước bạc.

Tham quan mô hình trồng ổi của gia đình bà Phạm Hồng Mải. Ảnh: Q.B

Thế rồi mọi mường tượng của bản thân đều phá sản khi chứng kiến vườn cây ăn trái của bà Mải. Quệt giọt mồ hôi, bà Mải kể: “Chồng tôi mới mất hồi tháng 3, bị điện giật khi bơm nước tưới vườn”. Hỏi kỹ thêm, chồng bà là người gốc Bắc, tha hương cầu thực về Phú Tân, được người họ Hồng nhận làm con nuôi, từ đó đổi luôn từ họ Ðoàn sang họ Hồng. Mà ở Cà Mau, họ Hồng đông nhất là ở Phú Tân. Nghề làm vuông ngày càng thất bát. Ðâu khoảng năm 2005, vợ chồng bà bàn tính kê liếp, lập vườn, tìm mô hình sản xuất mới để "hụ hợ" với vuông tôm.

Bàn tay chai sần, bà Mải nhớ lại: “Ban đầu mướn người ta cắt kéo từng cục đất để lên liếp. Sau đó thì máy khoan đất đổ vô. Hì hụi khoảng chục năm trời, rồi để đất lắng mặn, trôi phèn”. Trên diện tích khoảng 7.000 m2, năm 2016 vợ chồng bà Mải mua 1.000 gốc ổi lê Ðài Loan từ Bến Tre, 300 gốc bưởi da xanh và 200 gốc cam sành. Cam và bưởi có lẽ không hạp với thổ nhưỡng, khí hậu nên không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, cây ổi sau 8 tháng cho năng suất và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.

Niềm vui ngày thu hoạch. Ảnh: QUỐC BÌNH

Với tâm niệm, đã trồng cây bán trái cho người ta ăn thì không chỉ đẹp, ngon mà quan trọng nhất là phải sạch, phải an toàn, đảm bảo sức khoẻ, vợ chồng bà Mải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cây theo tiêu chuẩn hữu cơ, không phân, thuốc hoá học. Từng nụ ổi được bao bằng túi ni-lông ngay từ lúc tượng hình cho tới ngày thu hoạch. Cây ổi dễ tính, bén rễ trên nền vườn cao ráo, được vun bón bằng phân hữu cơ, cứ thế, mùa nối mùa trĩu quả.

Nhẩm tính, bà Mải cho biết: “Giá bán sỉ 10.000 đồng/kg, bán lẻ 15.000 đồng/kg. Hiện tại mỗi ngày thu hoạch khoảng 200 kg. Ðầu ra rất ổn định, đã mở rộng ra các mối ở TP Cà Mau”. Cắn miếng ổi ngọt lịm, giòn tan, tôi nhớ lại lần ăn ổi vườn bên cù lao Mỹ Phước ở Sóc Trăng. Ðó là lần thứ hai tôi thấy ổi ngon đến thế. Ðôi mắt xa xăm, bà Mải thủ thỉ: “Tôi với ổng mới tính bơm đất, mở rộng thêm vườn. Mé đất xăm xắp mặt nước rồi, vậy mà ổng gặp nạn”.

Nói về hiệu quả kinh tế của vườn ổi, bà Mải chắc nịch: “Vuông tôm còn lại hơn 40 công đất lớn, vậy mà dễ gì bằng vườn ổi này”. Thấy chúng tôi thắc mắc, cách trồng ổi gia đình học được từ đâu, bà Mải chỉ tay về chiếc ti-vi có kết nối Internet: “Trên đó có hết. Giờ phải học, chớ đâu có làm bừa, làm đại được”. Người phụ nữ ngoài 60, học hành chưa hết trường làng ở rẻo sâu Phú Tân này quả thật đáng ngưỡng mộ với đầu óc tân tiến, nhanh nhạy. Bà tâm sự: “Mình phải theo thời đại, chớ làm ăn kiểu cầu may như trước đâu được nữa. Cái gì cũng phải có cách thức, khoa học và quan trọng là hạp với mảnh vườn mình đang làm”.

Mỗi ngày gia đình bà Phạm Hồng Mải thu hoạch hơn 200 kg ổi. Ảnh: Q.BÌNH

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quảng Tây Lê Thị Kim Chi góp chuyện: “Vợ chồng chị Mải suốt ngày ngoài vườn, mệt thì nghỉ chớ không hết việc. Phải anh nhà còn sống, cái vườn này còn lớn hơn, ngon lành hơn nữa”. Từ con kênh Sáu Hậu, rẽ vào Kênh Cùng, ai cũng biết vợ chồng bà Mải với vườn ổi có một không hai ở Phú Tân này. Ổi của vườn bà Mải tiếng thơm vang xa vì vị ngon và cái tâm trong sáng, trách nhiệm của chủ vườn. Thấy hiệu quả, bà Mải mạnh dạn trồng thêm 400 gốc ổi nữa và thêm gần 100 gốc xoài để làm phong phú chủng loại cây trái.

Nói về quy trình chăm sóc cây ổi, bà Mải chia sẻ: “Cũng dễ mà. Mùa hạn tưới nước, mùa mưa khỏi. Quan trọng nhất là phải bao trái từ nhỏ để ruồi vàng không làm hư trái”. Cái bẫy ruồi vàng bà học được từ Internet tỏ ra vô cùng hiệu quả. Xen lẫn trên các liếp cao, bà Mải còn trồng thêm mít Thái. Dưới ao nuôi cá bống tượng. Sau một hồi dạo quanh vườn, chúng tôi phát hiện ra, nhà bà Mải còn có một trang trại thỏ, gà, vịt hàng trăm con. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Quảng Tây Huỳnh Hiếu Trường kể: “Hồi anh nhà còn sống, khách tới ổng câu 1 con cá tra, rồi nhổ thêm 4 cọng bông súng. Vậy mà 5, 6 người ăn no cành hông còn không hết”.

Giữa đất mặn, một ốc đảo xanh hiện lên mướt mắt, bình yên. Hỏi bà Mải có tính hết chi phí, công sức gầy dựng cái vườn này, bà rớm nước mắt: “Phải tiền tỷ chớ ít đâu, gần 20 năm tôi với ổng làm không ngơi nghỉ. Lúc chết, ổng cũng chết trên chính mảnh vườn cây trái này”.

Trưởng ấp Tân Quảng Tây Phạm Văn Ðây khẳng định: “Nếu không phải là vợ chồng cô Mải thì không ai làm được”. Ðiều này chúng tôi hoàn toàn tin. Lại nhớ lời thơ được học năm nao: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Phú Tân không có sỏi đá, nhưng đất mặn, phèn đâu dễ gì gầy dựng rau màu, cây trái. Càng khó hy vọng để có một gia tài cây trái với thu nhập cao ngất ngưởng như của gia đình bà Mải. Với người nông dân, tiền bạc quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Họ gắn bó, sống chết với đất đai, với quê hương, xứ sở. Từ khó khăn, người nông dân dám nghĩ, dám làm và tự tại, ung dung làm giàu trên thửa đất của chính mình. Ðó mới là hạnh phúc, là đích đến của cuộc đời.

Lại nghĩ nhiều vùng quê, người ta bỏ đất hoang để đổ xô đi làm công nhân ngoại tỉnh. Họ chê chính gốc gác và không nhìn thấy được những tiềm năng to lớn nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Riêng bà Mải thì: “Ði đâu cho bằng nhà mình hả tụi con. Ðất Phú Tân mình nếu biết cải tạo, biết học hỏi thì cô tin trồng cây gì cũng được, không thua xứ ngọt đâu”. Lời của bà giản dị, nhưng sức nặng thuyết phục quá lớn. Cây trái chỉ là câu chuyện nhỏ, từ đó nhìn ra bao nhiêu thứ mà người Cà Mau có thể làm giàu trên chính mảnh đất Cà Mau.

Nhìn giọt mồ hôi rơi trên mặt người phụ nữ can trường ở vùng quê hẻo lánh Phú Tân, chúng tôi thấy thêm tin tưởng vào tương lai của mảnh đất này. Hẹn bà một ngày trở lại, chắc là dịp Tết để bà đãi một bữa dân dã, cây nhà lá vườn. Những bọc ổi chúng tôi được bà gói ghém cẩn thận treo trên xe, dọc đường về cứ óng ánh những dư vị ngọt ngào. Ôi Phú Tân, sao đi mãi vẫn thấy những điều lạ lùng và đẹp đẽ. Vui nhất là mấy đứa nhỏ ở nhà tôi, khi ăn ổi, nó cứ hỏi: “Ba ơi! ổi đâu ngon quá?”. Và tôi bắt đầu kể về chuyện lập vườn, trồng ổi ở vùng đất mặn Phú Tân, về giọt mồ hôi và khả năng vô cùng tận của người nông dân quê mình…./.

 

Phạm Quốc Rin

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Phụ nữ Khánh Hải giảm nghèo

Tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, các phong trào thi đua được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai sâu rộng đến từng chi, tổ hội và từng đối tượng phụ nữ với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.