ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 20:20:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

OCOP - Cơ hội từ sân chơi lớn - Bài 1: Nhiều bỡ ngỡ ban đầu

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là OCOP), là cú hích lớn trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Theo đó, hướng phát triển của nông thôn tập trung vào nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Loạt bài viết “OCOP- Cơ hội từ sân chơi lớn” sẽ phân tích những thuận lợi, khó khăn và thời cơ của nông thôn Cà Mau khi tham gia sân chơi lớn này.

Đề án OCOP tập trung vào 6 ngành hàng, riêng Cà Mau tập trung vào 3 ngành hàng thế mạnh là nông sản qua chế biến, các loại nước giải khát và các dịch vụ - sản phẩm du lịch. Năm 2020, Cà Mau nỗ lực phấn đấu để trình làng 25 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP.

Giai đoạn khởi động chỉ đặt kỳ vọng từ 8-10 sản phẩm đạt 3-4 sao, còn mức độ 5 sao, tức là tham gia vào thị trường xuất khẩu quốc tế chưa có sản phẩm nào đáp ứng được. Có thể nhận thấy những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi những chủ thể chính của sân chơi này là nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tập thể ở Cà Mau vẫn đang tập làm quen và thích nghi với "luật" của một cuộc chơi mới.

“Cầu thủ chính” vẫn loay hoay

Kinh tế nông thôn Cà Mau tập trung chủ yếu ở 2 chủ thể chính: kinh tế hộ nông dân và kinh tế tập thể gồm tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp. Chưa nói đến việc thiếu và yếu ở các sản phẩm đã qua chế biến, gia công, nông sản thô - nguyên liệu của Cà Mau luôn sống trong hốt hoảng bởi điệp khúc trớ trêu: Được giá thì mất mùa, còn được mùa thì rớt giá. Tư duy và thói quen sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, manh mún, theo kiểu chỉ làm những thứ mình có, không quan tâm đến thị trường cần gì là sức ì lớn cản trở đà vươn lên của nông dân và diện mạo nông thôn. Như đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Cà Mau Đỗ Văn Sơ, “dù tiềm năng rất lớn, nhưng cách thức tổ chức sản xuất, tư duy và thói quen sản xuất kiểu cũ đã khiến nông thôn và nông dân Cà Mau chưa thể phát triển như kỳ vọng”.

Lão nông Lê Minh Thành, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước khi mày mò sản xuất nước mắm thủ công cách đây gần 30 năm, cũng không ngờ rằng mặt hàng nước mắm Diệu Hương lại có ngày được tham gia sân chơi lớn như OCOP. Với sản lượng xuất bán khoảng 20.000 lít/tháng, mặt hàng nước mắm của cơ sở Sáu Thành đã chiếm trọn tình cảm, sự tin tưởng của người tiêu dùng. Thế nhưng, để tham gia OCOP, những nông dân như ông Sáu Thành vẫn còn nhiều trăn trở: “Nước mắm Diệu Hương của gia đình tôi đã có cơ sở ở 3 huyện trong tỉnh, mục tiêu của tôi là thị trường toàn tỉnh”. Khi hỏi ông Sáu Thành, tham gia OCOP phải “đá” ở một sân chơi rộng hơn, là cả nước, ông trầm ngâm: “Cái này chắc để đời con tôi phấn đấu tiếp”.

Từ bàn tay khéo léo, các thành viên HTX Cái Bát (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) đã xây dựng được thương hiệu chả cá phi.

Ghé thăm HTX bồn bồn Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, dù rất hào hứng với OCOP nhưng Chủ tịch HĐQT của HTX này, ông Lâm Hoài Thanh, cũng đầy lo lắng: “Bồn bồn của HTX Đông Hưng nói riêng, của Cái Nước nói chung đã có thương hiệu, có thị trường khá lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu bồn bồn còn khá ít, thêm nữa phải phụ thuộc vào mùa vụ và sản lượng nguyên liệu. Những điều này là bất khả kháng và hoàn toàn bất lợi khi tham gia thị trường lớn hơn, mang tính chuyên nghiệp hơn”.

Nhiều lần về Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thăm làng nghề chuối khô, ông Bảy Hoàng (Trần Văn Hoàng), chủ cơ sở nổi tiếng ở đây bộc bạch: “Nghề này có mùa, phụ thuộc vào thời tiết là chính. Muốn đưa sản phẩm chuối khô đi xa hơn, rộng hơn, nhất quyết phải thay đổi cung cách sản xuất thủ công như bây giờ. Mình phải lên kệ, lên gian hàng chớ không thể chỉ trông chờ mối lái, người tiêu dùng lẻ tẻ được”. Chuối nguyên liệu giá cao thì giá chuối khô tăng theo, trời nắng thì chuối khô ngon và tất nhiên, có một quy trình ngược khác song hành.

Những ví dụ nêu trên đều được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông thôn Cà Mau thời gian qua. Đây được xác định là “những cầu thủ chính” của sân chơi OCOP mà tỉnh nhà đang thiết kế. Điều này cho thấy rằng, xuất phát điểm, tâm thế, các điều kiện cần - đủ của các chủ thể kinh tế nông thôn ở Cà Mau vẫn đang thực sự cần cú hích đột phá, sự hậu thuẫn cần thiết. Quan trọng hơn là sự tự tin để không ngỡ ngàng khi tiến vào cuộc chơi đầy cơ hội nhưng đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt.

Khó khăn ở giai đoạn khởi động

Thật bối rối khi khó khăn đầu tiên của OCOP tại Cà Mau lại được xác định là “thủ tục, hồ sơ lu bu”, nói theo cách của một số chủ thể mà phóng viên trực tiếp phỏng vấn. Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ: “Bà con rất ngại khi phải hoàn thành thủ tục, hồ sơ theo yêu cầu của OCOP. Chúng tôi trực tiếp, thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX để thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục cần thiết, thế nhưng nhiều người tỏ ra khá lúng túng, có tâm lý ngán ngại”.

Cà Mau còn nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm, nhất là những làng nghề truyền thống. (Trong ảnh: Làng nghề cá khô Cái Đôi Vàm, Phú Tân).

Ở một khía cạnh khác, có thể nói, truyền thông và thông tin về OCOP tại Cà Mau vẫn còn khá mờ nhạt, chưa thật sự lan toả sâu rộng trong toàn xã hội. Nói như một châm ngôn, trong thế giới hiện đại “người nào làm chủ thông tin, người đó làm chủ thế giới”, còn các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau vẫn còn mù mờ, thậm chí chưa được tiếp cận với luật chơi của OCOP.

Vậy OCOP là gì? Nói như ông Đỗ Văn Sơ: “OCOP là đưa các mặt hàng đặc sản, đặc trưng của Cà Mau đến với thị trường rộng lớn của đất nước và quốc tế. Là gia tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi liên kết giá trị, là đưa những chủ thể kinh tế nông thôn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập”. Điều này có nghĩa rằng, các mặt hàng của Cà Mau phải đáp ứng đầy đủ các quy định, tiêu chí về chất lượng, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… Không có bất cứ ưu ái nào, tồn tại hay đào thải hoàn toàn theo quy luật của kinh tế thị trường.

Tìm về Ngọc Hiển, phóng viên ghi nhận tâm thế của một doanh nghiệp có tiếng về mặt hàng tôm khô của địa phương, Doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm, thị trấn Rạch Gốc. Dù là mặt hàng truyền thống, có uy tín, thương hiệu, tuy nhiên OCOP là một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Dù là doanh nghiệp tiên phong, có thâm niên nhưng theo Giám đốc Hồng Chí Linh: “Mình phải tìm hiểu nhiều thêm, kỹ hơn các quy định khi tham gia đánh giá sản phẩm theo OCOP, nói chung còn rất nhiều thứ cần các cấp, các ngành hỗ trợ về thủ tục”.

Cần nhìn nhận thực tế, quy mô và trình độ sản xuất của các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau vẫn khá èo uột, rất hiếm những điểm sáng. Nếu làm ra hạt lúa, phơi khô đem bán, nuôi được con tôm thì đem cân cho thương lái, trông chờ mùa vụ… như nông dân lâu nay vẫn vậy thì hoàn toàn không ổn. Còn nếu sản xuất được một số mặt hàng gia công, bỏ mối thương lái, phó mặc vào những thị trường bất định thì càng trắc trở. Thiếu vốn, thiếu hàm lượng khoa học công nghệ và chất xám, thiếu liên kết tạo chuỗi giá trị, thiếu những chuẩn mực chung của thị trường tiêu thụ thì mãi mãi sẽ không có sản phẩm OCOP, hoặc có thì sẽ lẹt đẹt với những khung điểm thấp, khó cải thiện. Với các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau, đó là vấn đề rất hiện tại, rất trực diện và chắc chắn là không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai./.

Phạm Hải Nguyên

Bài 2: Đón nhận thời cơ

Cập nhật sxmb mới nhất

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Dự án Cảng Hàng không Cà Mau - Ðẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng

“Các đơn vị và UBND TP Cà Mau đang tăng tốc các phần việc nhằm sớm bàn giao hoàn toàn diện tích cho chủ đầu tư thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau, trên quan điểm thu hồi đến đâu bàn giao đến đó”, ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết.

Tài chính minh bạch - Ðạo đức là kim chỉ nam

Trên hành trình phát triển của ngành ngân hàng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam cho mỗi nhân viên trong ngành. Tại Cà Mau, nơi kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, vai trò của những người làm công tác tài chính - ngân hàng càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người quản lý dòng vốn, họ còn là những người dẫn lối tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và bền vững.

Biến mục tiêu thành kết quả cụ thể

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối để tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); là năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; năm tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Nhằm tăng tốc, bứt phá nhanh hơn nữa, chuẩn bị tốt các điều kiện cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng “hai con số” giai đoạn tiếp theo. Ðây là động lực lớn để tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Liên kết tạo thành công

Với lợi thế 3 mặt giáp biển, thời gian qua, không chỉ tập trung vào con tôm truyền thống, huyện Ngọc Hiển còn đẩy mạnh đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.

Trao “cần câu” giúp dân thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã giảm 548 hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,92%, giảm 2,07% so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm khi Mỹ áp thuế đối ứng

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trước tình hình Hoa Kỳ đã công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang nước này.