(CMO) Các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau dù rất háo hức với OCOP nhưng đối diện với muôn ngàn thử thách.
Làm thế nào để đón nhận thời cơ, tạo ra một cuộc bứt phá lớn là bài toán khó nhưng không phải là không khả thi. OCOP cần sự tập trung, trọng điểm, bài bản và sự chung sức, đồng lòng từ nhiều phía. Không để các chủ thể kinh tế nông thôn đơn độc trong hành trình này, tạo ra những tiền đề vững chắc, những điển hình tiêu biểu để nhân rộng chính là khởi điểm cần thiết nhất hiện nay ở Cà Mau.
Ngọn cờ tiên phong
HTX Tân Phát Lợi có địa chỉ ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển được coi là HTX kiểu mới tiên phong và mạnh dạn trong việc tham gia OCOP. HTX này đang dồn lực cho 4 sản phẩm bao gồm tôm khô, bánh phồng tôm, tôm chà bông và muối tôm để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Trong câu chuyện với Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Bùi Văn Chương, phóng viên đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Ông Chương kể: “Có một giám đốc HTX đứng trước diễn đàn để nói về cách làm giàu, cách gia tăng giá trị cho nông dân sản xuất lúa. Theo đó, phải tăng năng suất, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, tập trung được diện tích, nâng cao chất lượng hạt lúa để bán giá cao hơn”.
Ông Chương tiếp: “Nói như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Tại sao chúng ta không gia công, tạo ra những sản phẩm từ hạt lúa ấy. Bán lúa nguyên liệu thì không bao giờ có thể giàu lên được. Từ lúa, sao chúng ta không làm ra bánh gạo, bún gạo, gạo hữu cơ… Và nếu bán cho thương lái trung gian, nông dân sẽ không bao giờ thu về giá trị tương xứng mà hạt lúa vốn có, công sức đổ ra”.
Với quyết tâm đó, từ con tôm đất nguyên liệu tại chỗ, HTX Tân Phát Lợi tạo ra chuỗi sản phẩm 10 mặt hàng chủ lực. Trong đó có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, riêng sản phẩm chà bông tôm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Thị trường của HTX đã vươn rộng khắp cả nước, tham gia vào 5 chuỗi hệ thống siêu thị, khẳng định được thương hiệu, uy tín. Đây cũng là HTX tiên phong tổ chức liên doanh, liên kết và trao đổi công nghệ sản xuất, kinh nghiệm phát triển sản phẩm với các đối tác ngoài tỉnh.
![]() |
HTX Tân Phát Lợi tiên phong trong việc liên kết, chuyển giao công nghệ để xây dựng sản phẩm OCOP. |
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh Phạm Thị Thu Huyền phải cất công lặn lội về HTX Tân Phát Lợi để đặt vấn đề liên kết và chuyển giao công nghệ sản xuất. Với tư cách là đơn vị đầu tiên của Quảng Ninh có sản phẩm hàu đạt 5 sao đánh giá theo thang điểm OCOP, bà Huyền khẳng định: “Các sản phẩm Tân Phát Lợi sẽ làm được, làm tốt, đầy triển vọng để có sản phẩm đạt thang điểm tuyệt đối”. Nhìn cơ ngơi sản xuất của HTX Tân Phát Lợi với nhà máy sấy điện năng lượng mặt trời, nhà xưởng, kho bảo quản, chế biến, quy trình sản xuất khép kín, ít ai biết rằng khởi điểm của HTX vô cùng èo uột vào năm 2016. Khi ấy, ông Chương cũng như tất cả mọi người, chủ yếu là mong muốn có đồng vô, đồng ra. Còn bây giờ, ông Chương đã sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn với tâm thế chủ động, tự tin.
OCOP không phải là xa vời
Tiềm năng OCOP ở Cà Mau là gì, hãy đến với HTX Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước. Từ những nguyên liệu bình thường, với bàn tay, khối óc và quyết tâm làm giàu chính đáng, nơi đây đã trình làng những sản phẩm độc đáo. Chả cá phi, bánh phồng tôm của HTX này là một ví dụ tiêu biểu. Giám đốc HTX Cái Bát Nguyễn Hoàng Ân cho biết: “Không hề đơn giản để làm ra những sản phẩm mới từ các nguyên liệu tại chỗ. Riêng chả cá phi, bánh phồng tôm, chúng tôi đã phải mày mò, nghiên cứu và đôi lúc là bế tắc vì thất bại”. Ông Ân bộc bạch: “Làm để ăn khác hoàn toàn với việc làm để tạo ra sản phẩm, mặt hàng của thị trường. OCOP là để sản phẩm tới với thị trường, cho nên phải theo luật chơi của thị trường”.
Tổ trưởng sản xuất chả cá phi của HTX Cái Bát Phạm Thị Điều chia sẻ: “Mới đầu làm xong rồi đổ bỏ hàng trăm ký nguyên liệu. Nghiên cứu, học hỏi thêm, tay nghề của chị em ngày càng cải thiện, bây giờ thì chả cá, bánh phồng tôm ở đây đã tiêu thụ khắp nước rồi. Con cá phi, con tôm của quê mình từ các mặt hàng mới đã nâng cao giá trị, cuộc sống của tổ viên cải thiện thấy rõ”.
Nước mắm Diệu Hương từ sản phẩm truyền thống của Cái Nước đã vươn xa và được lựa chọn tham gia sân chơi OCOP. |
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Tăng Thiện Tính phân tích: “Các mặt hàng OCOP phải đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, gắn liền với điều kiện thực tiễn của địa phương. Do đó, khi lựa chọn chủ thể và sản phẩm xây dựng phải có cách đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học”. Kèm theo các quy định chặt chẽ, khi sản phẩm được công nhận sao OCOP có nghĩa là chính thức trở thành sản phẩm hàng hoá đầy đủ tư cách để tham gia thị trường tiêu thụ. Có OCOP, giống như sản phẩm có “lá bùa hộ mệnh” đầy giá trị, quyền lực để có chỗ đứng vững vàng, cạnh tranh sòng phẳng.
Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Cà Mau Đỗ Văn Sơ: “OCOP sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong khu vực kinh tế tập thể. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Cà Mau tái cấu trúc lại quy hoạch sản xuất theo hướng gia tăng chuỗi liên kết giá trị”. Đã đến lúc các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau nghiên cứu giữa nội lực, điều kiện thị trường, cân bằng sản xuất những cái mình có và thị trường cần; sáng tạo những mặt hàng, sản phẩm độc đáo, có giá trị, hình ảnh, thương hiệu và sức hút riêng biệt.
Cà Mau còn biết bao nhiêu nguyên liệu, bao nhiêu sản phẩm truyền thống đã vang danh khắp chốn, đó đều là tiềm năng, là hy vọng. OCOP không phải là cái gì đó xa vời, điểm lưu ý là OCOP cũng phân chia ra nhiều tầng bậc. OCOP có thể đến từ những sản vật, mặt hàng dung dị của quê hương, OCOP có nhiều lựa chọn hoặc chú tâm vào thị trường nội địa, hoặc là giấc mơ để vươn tầm thế giới với những sản phẩm hội đủ điều kiện. Dù gặp nhiều khó khăn, song, để các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau vươn xa, đến với những sân chơi lớn ở cấp độ toàn quốc và quốc tế, OCOP chính là lựa chọn tất yếu. Cơ hội đã đến, còn chần chờ gì nữa!./.
OCOP tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tổng kinh phí của đề án thực hiện trong cả nước là 45.000 tỷ đồng. |
Phạm Hải Nguyên