(CMO) Có cầu ắt có cung, trước thực trạng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tăng cao, việc chào bán các lô, nền đất nông nghiệp giá rẻ chỉ bằng 1/4 giá ở các khu dân cư thì làn sóng người người tìm mua nền bất chấp là không thể ngăn cản.
Muốn ngăn chặn tình trạng này, cốt yếu là phải ngăn chặn từ gốc, tức từ hành vi xâm hại, làm thay đổi hiện trạng đất khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép và không đúng với quy hoạch mới.
Còn nhớ hồi cuối năm 2019, UBND Phường 1 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà của vợ chồng anh Phạm Duy Thanh, khu vực tổ dân cư tự quản số 14, đường Lý Văn Lâm, Khóm 6. Đây là 1 trong hơn 40 căn nhà nằm trong con hẻm do chủ đất tự mở, phân lô, bán nền.
Tuyến hẻm tự mở khu vực Khóm 6, Phường 9 và Khóm 5, phường Tân Xuyên mặc dù đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. |
Vợ chồng anh Thanh là viên chức hợp đồng đang làm việc tại một đơn vị trực thuộc sở ở Cà Mau, có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhà có 6 thành viên, vợ chồng làm việc xa, 2 con nhỏ đang học và cha mẹ già mất sức lao động 70%, nên mua đất với giá rẻ, cất nhà ở gần bệnh viện phục hồi chức năng để tiện bề chăm sóc.
Trường hợp ông Trương Hoàng Thai, cựu chiến binh tạm trú ở Phường 1 cũng vậy. Vì hoàn cảnh gia đình, ông phải cùng vợ từ huyện Ngọc Hiển lên TP Cà Mau sinh sống. Hai vợ chồng được nhận làm lao công, thu nhập chỉ tạm đủ sống. Theo cách tính của ông, thay vì mỗi tháng phải bỏ ra khoản chi phí 1 triệu đồng để thuê trọ (chi phí cho cả điện và nước), thì việc người khác rao bán 1 nền đất giá 40 triệu đồng với diện tích khoảng 40 m2 là phù hợp với gia cảnh ông nhất.
Hai vợ chồng mua mảnh đất cũng như bao người khác rồi làm móng, dựng nhà. Đến khi lợp mái thì bị UBND Phường 1 đề nghị tháo dỡ vì xây dựng trái phép trên nền đất nông nghiệp của hẻm tự mở. Hai vợ chồng ngoài tuổi 60 chỉ biết khóc ròng. Đến giờ, ông Thai và vợ phải tìm về khu trọ ọp ẹp ở ven đường Hoa Lư để sinh sống.
Vào thời điểm ấy, trên địa bàn nội ô thành phố đã tồn tại 70 hẻm tự mở, với hơn 1.500 căn nhà tự phát, không phép.
Và mới đây, tháng 4/2020, trường hợp bà Phương, ở phường Tân Xuyên, vì hoàn cảnh gia đình không mấy khấm khá, nghề nghiệp không đảm bảo thu nhập ổn định nên đã tìm mua một nền đất giá rẻ ở khu vực Khóm 5 của phường.
Nền đã san lấp, có đường bê-tông tự mở rộng 3 m. Thửa đất phân nền rộng 4,5 m, dài hơn 22 m, được chủ đất rao bán giá 200 triệu đồng. Bà Phương thực hiện giao dịch mua bán từ cuối năm 2018, đến tháng 4/2020, như nhiều người khác trong tuyến đường, bà tiến hành tập kết vật tư để xây căn nhà tiền chế trên nền đất mới. Căn nhà vừa dựng lên thì UBND phường Tân Xuyên lập biên bản can ngăn theo các quy định hiện hành.
Với hành vi này, bà Phương đang phải chịu thêm hình thức phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai khoảng 15 triệu đồng, buộc phải tháo dỡ trả lại hiện trạng đất.
Báo cáo hàng ngàn căn nhà trái phép, 70 tuyến hẻm tự mở…, nhưng đến nay chưa 1 tuyến hẻm nào của người chủ đất tự ý phân lô, xẻ đường để bán bị xử lý mạnh, buộc phải khôi phục hiện trạng theo các quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực đất bà Phương mua là khu liền kề giữa Khóm 6, Phường 9 và Khóm 5, phường Tân Xuyên, đoạn qua đường Vành Đai 2, từ cầu kênh Thống Nhất hướng về vòng xoay đường Võ Văn Kiệt, có diện tích hơn 20.000 m2, đã bắt đầu san lấp mặt bằng từ năm 2017 kéo dài đến nay.
Năm 2019, phát hiện việc làm trái phép này, UBND phường Tân Xuyên đã lập biên bản và ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. “Chúng tôi đã ban hành quyết định đến chủ đất là ông Phụng và ông Cuộc, nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa chấp hành”, ông Trần Trung Thu, công chức địa chính, xây dựng phường Tân Xuyên, cho hay.
Theo tài liệu phóng viên có được, khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính khu vực đất tự mở hẻm, phân lô bán nền đối với ông Cuộc và ông Phụng, con đường bê-tông 3 m do 2 hộ này xây chỉ dài 70 m. Đến nay, qua xác minh thực tế, con đường này đã dài thêm gấp 3 lần và có cả 1 cây cầu bê-tông bắc ngang dòng kênh thuỷ lợi của Nhà nước quản lý.
Và đương nhiên, trên tuyến đường này hiện có nhiều ngôi nhà xây dựng cơ bản hoàn thành, có cả ngôi nhà dựng tạm và cả mấy căn khác đang xây dựng thì bị lập biên bản vi phạm buộc dừng.
Mặt khác, để có được đất san lấp cả khu vực rộng lớn như nói, người dân địa phương cho biết, các chủ đất này đã ngày đêm bơm hút đất từ phía bên kia bờ kênh Lung Lá (Khóm 1 và Khóm 5, phường Tân Xuyên). Đó là những mảnh đất đang nuôi thuỷ sản được họ mua lại với giá hời, mỗi công từ 120-200 triệu đồng, rồi dùng công cụ bơm chuyền, bơm dồn đất. Hệ luỵ này đã và đang để lại những hố sâu quá đầu người.
Nhưng khi làm việc với lãnh đạo phường Tân Xuyên, Chủ tịch UBND phường Đinh Văn Lĩnh, vẫn chưa nắm rõ thông tin này. Còn Phó chủ tịch UBND Phường 9 Trương Quốc Sử thì cho hay: “Họ dùng máy bơm để bơm dồn đất hoặc thương lượng mua đất thịt của người dân rồi bơm. Đó là những máy bơm tự chế, phường có phát hiện nhưng công tác lập biên bản vi phạm và giữ phương tiện rất khó vì còn phải định giá các máy bơm này. Trong khi đa số là thiết bị tự chế, không nhãn mác, không nhà sản xuất”.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Phan Hoàng Vũ khẳng định: “Thành phố đang tiếp tục kiểm tra, rà soát hẻm tự mở, nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Còn về vấn đề bơm đất, tôi sẽ chỉ đạo địa phương và các phòng chức năng rà soát ngay. Đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị xã, phường quản lý địa bàn không chặt chẽ, để phát sinh tình trạng này”.
Nguyên nhân đã được chỉ ra, vì nhu cầu quá lớn, bộ phận người thu nhập thấp tập trung địa bàn TP Cà Mau nói chung và địa phận các phường nội ô khá đông. Để xử lý vấn đề này, yếu tố quan trọng cần tính đến đầu tiên là quản lý chặt quy hoạch đô thị và kế hoạch sử dụng đất.
Trong khi đang có nhiều ý kiến trái chiều, giữ hay không giữ những lộ hẻm tự mở? Vì nếu giữ lại thì khác nào thừa nhận việc làm không đúng với quy định của pháp luật về đất đai của công dân. Đồng thời cũng gián tiếp thừa nhận sự yếu kém, chưa chủ động, linh hoạt trong quản lý, quy hoạch đô thị của cơ quan thẩm quyền.
Còn nếu mạnh tay xử lý theo quy định hiện hành, thì số phận của 70 lộ hẻm tự mở và hàng ngàn căn nhà trái phép kèm theo đó sẽ là hàng chục ngàn nhân khẩu sẽ ra sao? Đó là bài học đắt giá phải trả. Cái vỏ bọc lâu nay giờ trước nguy cơ không giấu nỗi sự yếu kém về nhận thức, sự xuề xoà, nể nang, lỏng lẻo của ngành chuyên môn.
Nhu cầu nhà ở giá rẻ chưa bao giờ hạ nhiệt. Và việc phù phép, mua bán 1 m2 đất ruộng giá chỉ vài chục đến chưa tròn 200.000 đồng lên vài triệu đồng đã dấy lên làn sóng “sốt đất” nhiều năm qua. Điều này dẫn đến người dân vẫn bất chấp tìm mua bán, chuyển nhượng là không thể ngăn nổi, nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời./.
Phong Trúc