(CMO) Từng được biết đến là xã khó khăn của huyện U Minh, thế nhưng, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, đến nay, Khánh Thuận đã phát huy thế mạnh kinh tế rừng, thực hiện đạt và vượt 12/14 chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ qua đề ra.
Là xã thuần nông, với cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 70% (đầu nhiệm kỳ 75%), xã Khánh Thuận tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, đặc biệt là kinh tế rừng. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc trồng rừng kê liếp thâm canh, chuyển đổi trồng tràm bản địa sang keo lai, tràm Úc, tràm lá dài cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.
Khá lên từ rừng
Trước năm 2015, mỗi hộ dân trên địa bàn xã Khánh Thuận có trong tay hàng chục công đất rừng. Sản vật dưới tán rừng phong phú như cá đồng, mật ong. Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo của xã lại cao ngất ngưỡng (chiếm hơn 30%).
Người dân thu hoạch keo lai. |
Bà Đào Thị Nhỏ, Ấp 18, xã Khánh Thuận, bộc bạch: “Tôi đến đây từ những năm 1990, cố gắng bám trụ và cứ nghĩ mình sẽ khó thoát nghèo. Nhưng không ngờ, những năm gần đây, cuộc sống thay đổi nhanh quá. Bây giờ trồng rừng, bán cây gỗ cuộc sống thoải mái lắm”.
Sở dĩ lúc trước có đất, có rừng trong tay nhưng người dân nghèo là vì cơ chế, chính sách trong việc ăn chia rừng tỷ lệ quá thấp, người dân không đủ trang trải cuộc sống. Nay đời sống đổi khác, khi tỷ lệ ăn chia cao, cộng với các mô hình kinh tế mới được áp dụng, dân xứ rừng ở xã Khánh Thuận có thêm nhiều cơ hội mới. Kinh tế rừng phát triển tạo cú hích để xã Khánh Thuận vươn lên như hôm nay. Dọc theo con đường nối dài qua các ấp trong lâm phần, không khó để bắt gặp những căn nhà khang trang mọc lên. Những tỷ phú, triệu phú giữa đất rừng bây giờ không còn hiếm.
Bà Đào Thị Nhỏ cho biết: “Ngày xưa đất đai ở đây sang bán như cho. Người ta chỉ lấy vài trăm, thậm chỉ vài chục ngàn đồng cho có thủ tục, vậy mà chẳng ai chịu ở lại. Bây giờ thì khác rồi, một miếng đất rừng phải có giá từ 1-2 tỷ đồng”.
Đất rừng có giá là do mỗi héc-ta rừng mang về doanh thu cho các hộ dân từ 100 triệu đến hơn 500 triệu đồng, tuỳ theo hình thức và loại cây trồng.
Ông Phan Thành Công, Ấp 20, xã Khánh Thuận, cho biết: “Được công ty lâm nghiệp hướng dẫn nên tôi đang chuyển sang mô hình trồng rừng keo lai gỗ lớn. Hiện nay, sau khi tỉa thưa, tôi đã bán được hơn 100 triệu đồng/ha. Còn lại các cây gỗ lớn này, trong 1-2 năm nữa sẽ cho thu hoạch từ 400-500 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn trước rất nhiều”.
Những mô hình hiệu quả dưới tán rừng
Ngoài thế mạnh kinh tế lâm nghiệp, xã định hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng những mô hình mới trong sản xuất. Từ đó mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Mẫn, Ấp 18, xã Khánh Thuận, ngoài 4 ha đất trồng rừng, anh dành 3 ha để trồng chuối xiêm cấy mô. Đây là giống chuối mới được đưa vào trồng tại địa phương thay thế giống chuối xiêm truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Giống chuối này đem vào trồng cho năng suất cao hơn giống chuối trước đây, trái lớn và cho năng suất cao hơn. Cây ít đổ ngã và không bị sâu bệnh. Hiện tại, chỉ tính riêng trồng chuối cũng mang về cho tôi nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng”.
Nông dân Khánh Thuận phát huy hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái. |
Hay như trường hợp của chị Tô Kiều Oanh, Ấp 12, xã Khánh Thuận. Ngoài trồng rừng, trồng chuối xiêm cho thu nhập ổn định, hiện chị còn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi heo giống và heo thịt.
Chị Oanh chia sẻ: “Nhận thấy ở đây có điều kiện tốt phát triển chăn nuôi nên tôi nuôi heo để phát triển kinh tế. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật và quy trình an toàn sinh học nên vụ nuôi heo nào cũng mang lại hiệu quả”.
Những mô hình sinh kế dưới tán rừng đang được nhiều hộ dân trên địa bàn xã áp dụng và mang lại thành công. Trong khi chờ ngày khai thác tràm, những mô hình này đóng góp nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân trong lâm phần vươn lên.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận Hồ Tương Lai cho biết: “Chính những mô hình kinh tế hiệu quả là động lực để các hộ dân trên địa bàn xã vươn lên. Một số mô hình có thể kể đến như trồng màu, nuôi cá đồng ở Ấp 11, 13, 15; nuôi gà nòi lai, vịt xiêm ở Ấp 1 và 3. Mô hình nuôi heo hướng nạc sắp được triển khai trong năm 2020 với kinh phí gần 486 triệu đồng cho 40 hộ nghèo vay phát triển kinh tế tiếp tục mở ra triển vọng trong thời gian tới”.
Đột phá kết cấu hạ tầng
Những năm trước đây, hệ thống giao thông trên địa bàn xã Khánh Thuận còn khá yếu kém. Việc di chuyển tới các ấp nằm sâu trong lâm phần chủ yếu bằng đường thuỷ. Từ đó, các sản phẩm nông dân làm ra bán không được giá cao do phải vận chuyển qua nhiều khâu trung gian.
Ông Hồ Tương Lai cho biết: “Một trong những lợi thế của xã Khánh Thuận trong thời gian qua là được sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, đặc biệt là sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn xã. Từ đó, các tuyến lộ chính được đấu nối thông suốt, chỉ còn một số tuyến nhánh xóm cần được đầu tư thêm trong thời gian tới”.
Từ năm 2016 đến nay, xã triển khai xây dựng 27 tuyến lộ và 27 cầu nông thôn với nguồn vốn hơn 28 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông phát triển là động lực để kinh tế của xã vươn lên về nhiều mặt, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Khánh Thuận tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn như xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Với nội lực sẵn có, tin rằng Khánh Thuận sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đất rừng để đưa kinh tế ngày càng phát triển./.
Trọng Nguyễn - Trần Chương