Cà Mau có nhiều sản vật có giá trị về văn hoá lẫn kinh tế, tên tuổi vốn gắn liền với vùng đất cực Nam từ rất lâu đời. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị ấy, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, là một câu chuyện cần bàn.
Bên cạnh con tôm, con cua thì mật ong rừng U Minh, ba khía Rạch Gốc hay cá đồng Trần Văn Thời, U Minh... là những cái tên không thể thiếu khi nói về đặc sản Cà Mau. Ðây là những sản vật đã gắn liền và nuôi sống nhiều thế hệ người dân nơi đây. Chúng không chỉ đơn thuần là mang về giá trị kinh tế cao mà đã trở thành một nét văn hoá gắn liền với người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng đang được tăng cường tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, kiên quyết không để xảy ra cháy, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Bà Trần Thanh Trang, một người con xa xứ lập nghiệp ở tận Ðài Loan nhiều năm qua, không giấu được xúc động và thú vị khi tận mắt thấy kèo ong được người dân U Minh gác. “Hơn 50 tuổi đời, đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy tổ ong sát bên cạnh. Nó tạo cho mình niềm tin tuyệt đối khi sử dụng mật ong U Minh. Ðây đúng là tài sản vô giá của vùng đất này”, bà Trang trải lòng.
Nghề gác kèo ong mật hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời, trở thành nguồn sống chủ yếu của hàng trăm người dân trong lâm phần U Minh Hạ. Có những gia đình đến 2-3 thế hệ theo nghề “ăn ong”. Với chiều dài phát triển cùng những giá trị nghề gác kèo ong mang lại, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2019. Sản phẩm mật ong rừng U Minh Hạ cũng được Hội Kỷ lục Việt Nam (thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới) xếp vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2021.
Mật ong U Minh Hạ lâu nay có tiếng trên thị trường bởi chất lượng tốt, mùi hương đặc trưng, nhất là hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ... Thế nhưng, khi nghề và sản phẩm của nghề đạt được những danh hiệu danh giá thì sản lượng đang giảm sút đáng kể.
Chúng tôi đến Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh), nơi có dịch vụ trải nghiệm lấy mật ong, vào những ngày đầu tháng 4. Tuy khoảng thời gian này là cao điểm của mùa ăn ong, thế nhưng, ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Ðiểm Du lịch, cho biết, hiện nay hệ thống kèo tại đây không còn tổ ong nào. “Khi mới về đây làm du lịch và mở dịch vụ trải nghiệm này, tôi phải nhờ những người thợ chuyên gác kèo để hướng dẫn mùa gác kèo, cách gác kèo như thế nào... Tuy nhiên, tỷ lệ ong về kèo cũng chỉ khoảng 30-40%”.
Việc tuần tra, kiểm soát được cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Hạ triển khai thường xuyên, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân vào rừng khai thác tài nguyên trái phép, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như hạn chế nguy cơ gây cháy.
Nhắc đến đất rừng U Minh thì không thể bỏ qua con cá đồng. Ngày nay, nguồn lợi cá đồng đã giảm đáng kể, ngay cả nơi bảo tồn như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cũng trong tình trạng báo động. Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chia sẻ: “Nguồn lợi cá đồng của Vườn đã cạn kiệt rất nhiều, bởi nhiều nguyên nhân. Hiện nay Vườn đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhà khoa học để có kế hoạch tái tạo nguồn lợi cá đồng”.
Với giá trị kinh tế cao của con cá đồng, hiện người dân vùng rừng U Minh Hạ đã chuyển sang nuôi loại đặc sản này (cá lóc, cá trê, cá sặt, cá bổi, thát lát...) dưới tán rừng, kênh rạch, ruộng lúa để phát triển kinh tế.
Hiện toàn tỉnh có hơn 15.000 ha được người dân nuôi các loại cá đồng, với nhiều hình thức.
Vinh dự nhận được danh hiệu Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, song nghề muối ba khía cũng đang gặp khó khăn khi sản lượng ba khía tự nhiên ngày một giảm mạnh.
Ba khía là loại đặc trưng tại vùng rừng đước ven biển, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Ðầm Dơi, Phú Tân. Tuy nhiên, tạo được danh tiếng gần xa là con ba khía ở vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Dù được cho là món ăn dân dã, đạm bạc, nhưng giờ đây ba khía muối đã trở thành món ăn được ưa thích, không chỉ trong các bữa cơm của nhiều gia đình miền Tây mà còn xuất hiện ở các nhà hàng sang trọng.
Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau. Khi sản phẩm ba khía muối đạt được đỉnh cao giá trị thì cũng là lúc sản lượng giảm mạnh.
Là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với con ba khía vùng Rạch Gốc, ông Nguyễn Văn Thua, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ chuyện xưa với giọng tiếc nuối: "Ít ai có thể nghĩ rằng, giờ đây, để bắt ba khía phải đặt bẫy, đào hang. Ngày xưa, khi vào tháng 6 đến tháng 9, chỉ cần ngồi tại nhà, bắt hết con nước lớn là 3, 4 người ăn mệt nghỉ".
Trước thực tế sản lượng ba khía ngày một giảm, tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi ba khía tại tỉnh.
Tỉnh Cà Mau có lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Theo đó, vào năm 2019, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó có nghề truyền thống gác kèo ong và muối ba khía. Mục tiêu đặt ra là, huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá của toàn xã hội, các chủ thể văn hoá và tổ chức, cá nhân có liên quan. Có các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hoá phi vật thể để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá một cách lâu dài, bền vững.
Ðể phát huy hết tiềm năng vùng đất U Minh Hạ, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030, với tổng kinh phí hơn 1.458 tỷ đồng; trong đó, đa phần là nguồn kinh phí từ xã hội hoá, để đạt mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, để vùng đất U Minh phát triển bền vững./.
Nguyễn Phú - Chí Diện