(CMO) Cà Mau có tiềm năng, lợi thế về nông sản, thuỷ sản. Sản phẩm làm ra rất đa dạng và phong phú, nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm có yếu tố độc, lạ, mang tính truyền thống địa phương. Ðây là những lợi thế nhằm hướng đến việc hình thành các sản phẩm OCOP đáp ứng những thị trường khó tính hiện nay. Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song trên thực tế, để hình thành sản phẩm OCOP và có thể trụ vững, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Quy mô nhỏ, năng lực tiếp cận thị trường hạn chế
Ðến nay, tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao.
Ðến nay tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao. (Trong ảnh: Ðóng gói gạo sinh thái Từ Tâm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản Ðoàn Phát, xã Trí Lực, huyện Thới Bình). |
Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù chương trình OCOP sau khi được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, thế nhưng trên thực tế, kết quả hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Chất lượng và tính hiệu quả, sự bền vững chưa thật sự như kỳ vọng. Việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương còn những khó khăn nhất định.
Cụ thể, hiện tại chủ thể OCOP chủ yếu là các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế... Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp). Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có sản phẩm xuất khẩu.
Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ, chưa đa dạng về chủng loại (còn trùng lắp sản phẩm, chủ yếu tập trung một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác). Một số mặt hàng do sản xuất theo mùa vụ, còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng máy móc thiết bị hiện đại... nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục, dẫn đến tình trạng không đủ hàng hoá cung ứng ra thị trường.
Một số mặt hàng do sản xuất theo mùa vụ, còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng máy móc thiết bị hiện đại... nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục (Trong ảnh: Quy trình ủ mắm truyền thống tạo nên thương hiệu mắm lóc Thới Bình). |
Cùng với đó, nhiều chủ thể vẫn chưa chủ động trong việc nâng hạng sao OCOP, do phải cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao. Mặt khác, đối với sản phẩm 4 sao cần phải đạt được một trong những chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (HACCAP, ISO 22000:2018, VietGAP, GMP...); đạt 5 sao phải đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế... Ðể thực hiện được các tiêu chuẩn này cần đầu tư nguồn lực khá lớn, vượt quá khả năng của hầu hết các chủ thể.
Việc xây dựng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị nhằm khai thác thế mạnh sản phẩm là trở ngại lớn trong việc chuẩn hoá và nâng cấp sản phẩm ở các địa phương, do hiện nay đa phần các sản phẩm vẫn đang trong tình trạng sản xuất manh mún, thói quen sản xuất theo hướng tự phát; thiếu, yếu về công nghệ, chưa xây dựng được liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc, do đó khó đáp ứng tiêu chí xuất xứ và tiêu thụ theo hướng thương mại điện tử.
Hiện nay, trong 128 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận, chưa có sản phẩm 5 sao, số lượng sản phẩm OCOP đạt 4 sao còn hạn chế. Bên cạnh đó, tuy tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái của tỉnh rất lớn nhưng chưa có sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng.
Phát triển sản phẩm OCOP toàn diện
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ, đúc kết từ thực tế cho thấy, để địa phương phát triển sản phẩm OCOP một cách toàn diện, có nghĩa là không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng phải đi kèm, hơn nữa phải trụ vững và đến với khách hàng một cách nhanh, bền vững thì yếu tố quan trọng là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về tầm quan trọng của chương trình để cán bộ và Nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm. Qua đó, tuyên truyền người dân tự nguyện tham gia, đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, cần xác định việc thực hiện Chương trình OCOP là quá trình liên tục, lâu dài, thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương. Kết quả thực hiện phải thực chất, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích. Phát huy các sản phẩm tiềm năng sẵn có, khuyến khích phát triển những ý tưởng sản phẩm mới, cách làm hay, giúp chủ thể xây dựng và triển khai phương án kinh doanh, tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ...
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, mục tiêu đặt ra trong năm nay là tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020-2022. Phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4-5 sao (trong đó, 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng năm 2023).
Cùng với đó, địa phương sẽ ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. 100% vị trí phụ trách Chương trình OCOP các cấp, 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn với trình độ phù hợp. Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Tôm sẽ diễn ra thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL chủ đề “Liên kết cùng phát triển - Cà Mau 2023”./.
Văn Ðum