Theo ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau: "Ðơn vị vừa xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão, lụt năm 2024".
- Chọn lựa thực phẩm an toàn cho người cao tuổi
- Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm
- Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch
Theo đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân chủ động lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Ðối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt, cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, hoá chất sát khuẩn của ngành y tế. Chủ động nguồn nhân lực xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra.
Ngành chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại các quán ăn trên địa bàn tỉnh.
Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa bão như: sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, da liễu, các bệnh về đường tiêu hoá... Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chọn lựa những thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín và uống sôi. Không được sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thường xuyên xử lý môi trường quanh nhà, khu vực bị ngập nước, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Qua tuyên truyền, người dân chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ người thân và cộng đồng.
Là chủ quán điểm tâm sáng, bà Tô Tố Như, đường Hoàng Diệu, Phường 2, TP Cà Mau, cho biết: “Quán thường bán cho học sinh nên nguyên liệu chế biến thức ăn đảm bảo tươi, sạch. Các mặt hàng của quán được bán hết trong ngày, không dự trữ qua ngày sau. Những vật dụng như: tô, đũa, muỗng, nĩa, nồi... được rửa kỹ và lau chùi cẩn thận để phục vụ tốt và đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng”.
Cần kiểm tra các quán ăn lề đường để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.
Hiện tình hình mưa bão, ngập có thể kéo dài trên địa bàn tỉnh. Ông Tiến khuyến cáo: “Khi có bão, lụt xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín. Kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng bão, lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân. Ðồng thời, các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm ATTP”.
“Ðể chủ động phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cà Mau cần chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh viện cần xây dựng phương án tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng. Ðồng thời, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm”, ông Vương Hữu Tiến nhấn mạnh. |
Kim Cương